Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

TỐNG CHI VẤN - TRÊN CẦU QUẾ DƯƠNG, GẶP NGƯỜI ĐẸP


Tng Chi V
(Khoảng 656-710), Sơ Đường)

  


Phiên âm

Quế Dương kiều ngộ giai nhân

Giang vũ triêu phi ấp tế trần,
Dương kiều hoa liễu bất thăng xuân.
Kim yên bạch mã lai tòng Triệu,
Ngọc diện hồng trang bản tính Tần.
Đố nữ do liên kính trung phát,
Thị nhi kham cảm lộ bàng nhân.
Đãng chu vi lạc phi ngô sự,
Tự thán không khuê mộng mị tần.

Dịch nghĩa

Buổi sáng mưa trên sông làm ướt những hạt bụi nhỏ,
Bên cầu Quế Dương, hàng dương liễu nở hoa tươi thắm không sao kể xiết.
Nàng cưỡi ngựa trắng, yên vàng từ đất Triệu đến đây,
Mặt đẹp như ngọc, tô điểm phấn hồng, vốn là người họ Tần.
Những cô gái hay ganh ghét còn phải yêu mái tóc của nàng ở trong gương,
Và các cô hầu cũng còn có thể làm cảm khách bên đường.
Thả thuyền vui chơi không phải là việc của ta,
Thế mà ta vẫn tự than thường nhớ tới phòng khuê vắng vẻ.

Dịch thơ
Trên cầu Quế Dương, gặp người đẹp

Trên sông mưa bụi bay từ sớm
Hoa liễu bên cầu nở mấy xuân
Ngựa trắng yên vàng  quê đất Triệu
Môi hồng mặt ngọc chắc họ Tần
Trước gương bao kẻ tranh yêu tóc
Kẻ khách bên đường luống ngại ngần
Vui thú thả thuyền không phải việc
Sao chốn phòng khuê mộng muốn gần.
NGUYỄN AN BÌNH
  _______________________________________________
Kim Thánh Thán phê là “phần tiền giải” tả cầu và tả giai nhân. Câu 1 và 2 tả phong cảnh cầu Quế Dương. Trên cầu mưa bụi bay bay, dương liễu nở hoa tươi thắm không sao kể xiết. Như vậy nếu không gặp giai nhân thì lòng người trước phong cảnh vẫn thư sướng êm đềm. “Phần hậu giải” chỉ tả chữ “ngộ” (gặp). Người gặp là giai nhân, người gặp giai nhân là ta. Tả giai nhân mà chỉ tả tóc, chỉ tả con hầu. Tả ta thì lại né tránh, nói tới ta mà chỉ tả “đố nữ” (các cô gái ganh tị, ghen ghét), chỉ tả “lộ bàng nhân” (người đi đường). Như thế chữ “ngộ” thành ra cái điều “kính hoa, thuỷ nguyệt” (hoa trong gương, trăng dưới nước). Đến câu 7, 8 mới kết thúc trực tiếp. Đã nói “phi ngô sự” (không phải việc của ta) nhưng rồi lại nói “mộng mị tần” (thường mơ tới).
   Tống Chi Vấn 宋之問 (khoảng 656-710), còn có tên là Thiếu Liên 少連, tự Diên Thanh 延清, quê quán ở Hà Nam. Tuy không có tài liệu nào cho biết rõ năm sinh nhưng ông mất năm 710, và do đó được xếp vào những nhà thơ của Sơ Ðường. Không rõ cuộc đời sĩ tử của ông ra sao nhưng hoạn lộ của ông bắt đầu rất sớm. Mới hai mươi tuổi đã được Võ Tắc Thiên vời ra làm quan tại Tập hiền quán, sau đó không lâu lại được thăng làm Khảo công viên ngoại lang, rồi Thượng phương giám thừa.
Sau khi Ðịch Nhân Kiệt qua đời, vì Võ Tắc Thiên rất tin dùng hai viên quan là Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, nên hai người này quyền hành rất lớn, hống hách ngang ngược nổi tiếng một thời. Tống Chi Vấn cùng với Thẩm Thuyên Kỳ theo về với nhóm này. Ông cũng là một trong những quan viên cực lực đề bạt em của Trương Dịch Chi làm Trưởng sử trước Võ hậu, vốn là đầu mối dẫn đến vụ án oan của tể tướng Nguỵ Nguyên Trung và Trương Duyệt sau này. Năm 705, lợi dụng cơ hội Võ hậu bị bệnh nặng, tể tướng Trương Giản Chi làm một cuộc binh biến giết chết nhóm Võ Tam Tư, Trương Dịch Chi. Tống Chi Vấn bị biếm đi làm Tham quân ở Lũng Châu. Khi Ðường Trung Tông lên ngôi, ông được phục chức trở về Trường An, thăng dần lên đến đại học sĩ ở Tu văn quán rồi mất không lâu sau đó.
Các nhà nghiên cứu Ðường thi thường xếp Tống Chi Vấn chung với Thẩm Thuyên Kỳ và gọi chung họ là Tống-Thẩm vì về mặt văn học cả hai đều là bậc thầy của thể thơ cung đình, ứng chế. Thể thơ này do Thượng Quan Nghi khởi xướng và được Thượng Quan Uyển Nhi (cháu nội của Thượng Quan Nghi) tiếp tục đề xướng trong nội cung dưới thời Võ hậu. Thơ cung đình (cung thể thi) hết sức chú trọng đến mặt đối ngẫu, nhạc tính và thanh điệu và có lẽ vì vậy mà thường nghèo nàn về ý tứ. Ðề tài của nó cũng thường eo hẹp, quanh quẩn trong chuyện ca ngợi công đức của vua chúa hoặc thù ứng trong những bữa tiệc của hoàng gia. Nhưng cũng chính vì phải theo một quy luật gò bó như vậy nên hậu nhân đã đánh giá rằng công lao lớn nhất của Tống-Thẩm là họ đã đóng góp một phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh và kiện toàn hình thức của luật thi.
Khi không bị gò bó trong cung thể thi, thơ Tống Chi Vấn có những ý tứ rất bất ngờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét