Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI HỒN QUÊ

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI 

HỒN QUÊ

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ OHAN BÁ KIỆT.

Cám ơn ông anh nhạc sĩ quê nhà rất nhiêu


HỒN QUÊ

 Cúi hôn sông nước quê nhà

Ngày đi gói hạt phù sa vào lòng

Mắt cay theo sợi khói đồng

Rạ rơm tự thuở bế bồng trên tay.

 

Tuổi thơ theo cánh diều bay

Bờ tre nắng dột cuối ngày nước lên

Gọi chiều chim vịt lênh đênh

Giấu trong lau sậy chút niềm riêng mang

 

Cúi hôn cỏ dại ven đường

Ngày đi hạt bụi còn vương tóc người

Áo còn vết mực mồng tơi

Mà chân xiêu lạc về nơi chốn nào

 

Em còn nhớ khúc đồng dao

Chuồn kim cắn rốn nông sâu ai dò

Chiều xưa đã mỏi cánh cò

Còn trông con nước trắng bờ mênh mông.

 

Cúi hôn bờ bãi ngày đông

Ngày đi nhớ chín nhánh sông thương hồ

Đồng bưng thao thức ruộng khô

Bến sông đã vắng tiếng hò từ lâu.

 

Cuối năm ngọn bấc trở đầu

Trời ơi gió cũng biết sầu cố hương

Xứ người buồn lạnh thấu xương

Hồn quê em có nhớ thương tôi về?

25/11/2020


THƠ PHỔ NHẠC MỚI NHƯ NỖI BUỒN RỤNG XUỐNG THIÊN THU

 THƠ PHỔ NHẠC MỚI

NHƯ NỖI BUỒN RỤNG XUỐNG THIÊN THU

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ HUY THỌ. Cám ơn ông anh nhạc sĩ ở quê nhà rất nhiều



Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

THƠ PHỔ NHẠC MỚI BÀI THÁNH CA MÙA ĐÔNG

 THƠ PHỔ NHẠC MỚI

BÀI THÁNH CA MÙA ĐÔNG

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ HUY THỌ. Cám ơn ông anh nhạc sĩ ở quê nhà rất nhiều


BÀI THÁNH CA MÙA ĐÔNG

  Về ngang nhà thờ cũ

Một ngày trước giáng sinh

Chợt thấy lòng bối rối

Dưới ánh đèn lung linh.

 

Chuông ngân như giục giã

Trong gió lạnh mùa đông

Vang lên lời ân sủng

Thiên chúa xuống dương trần.

 

Ngọt ngào hơn trái cấm

Những mê lầm thế gian

Trong trái tim thánh nữ

Có bao điều hồng ân?

 

Chúa từng xuống làm người

Vai oằn lưng thánh giá

Bao oan khiên cuộc đời

Sao tôi mang tất cả.

 

Mắt người sắc hơn dao

Cứa hồn tôi tan nát

Giữa cuộc tình hư hao

Tìm đâu ra mảnh ghép?

 

Trời treo đầy sao sáng

Tiếng kinh cầu nhiệm mầu

Trong lòng người ngoại đạo

Có cứu rỗi đời nhau?

 

Bước chân vào quá khứ

Lỗi lầm tôi vương mang

Em bay trong ảo mộng

Bài thánh ca mùa đông.

9/12/2019


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

THƠ PHỔ NHẠC MỚI ĐÊM GIAO THỪA CHỜ LAN NỞ

 THƠ PHỔ NHẠC MỚI

ĐÊM GIAO THỪA CHỜ LAN NỞ

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ HUY THỌ. Cám ơn ông anh nhạc sĩ ở quê nhà rất nhiều


ĐÊM GIAO THỪA CHỜ LAN NỞ

 

Đêm giao thừa ta chờ lan nở

Nhấp chén trà thơm nhìn khói bay

Nghe thoảng hương trầm tay mẹ thắp

Xao xác vườn khuya lá rụng đầy.

 

Có tiếng chim đêm vừa qua ngõ

Cánh mỏng tưởng chừng sương khói giăng

Có cùng ta thức qua năm mới

Bếp lửa hồng thơm–bánh chưng xanh.

 

Cha vừa đọc lại bài thơ cổ

Ta thấy tiền nhân chợt trở về

Tâm sáng trong hơn vầng nhật nguyệt

Rung làn kiếm bạc nặng hồn quê.

 

Có phải mùi hương lan vừa nở

Ta ngỡ em từ cõi liêu trai

Dáng liễu  chợt gầy trong tiền kiếp

Xanh nụ tầm xuân–nhẹ gót hài.

 

Mỹ nhân bước ra từ cổ tích

Giang hà mây nổi cũng thế thôi

Giấc mơ hồ điệp ngàn năm trước

Mộng thực đời người–tựa lá rơi.

 

Đêm nay có phải đêm trừ tịch

In dấu bụi trần trên ngón tay

Áo tơi nón rạ đôi giầy cỏ

Từ Thức về trần em có hay?


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

TỪ BUỔI XA NGƯỜI

 


TỪ BUỔI XA NGƯỜI

 

Đến lúc phải xa người

Mùa mưa chưa kịp tới

Bọn côn trùng lẻ loi

Tiếc thương mùi chăn gối.

 

Chỉ còn lá  mỗi đêm

Trôi theo mùa trăng cũ

Bước người về thật êm

Vườn khuya bờ tóc rũ.

 

Đến lúc phải xa người

Nhện giăng bờ ngực ấm

Tìm đâu một chỗ ngồi

Xe đời đi quá chậm.

 

Xương rồng chợt nở hoa

Từ nấm xương mục rã

Sóng đưa thuyền đi xa

Buồm xác xơ tơi tả.

 

Đến lúc phải xa người

Chiên ngoan nào xưng tội

Em chẳng thể cùng tôi

Đợi nhau giây phút cuối.

 

Không còn mỗi sớm mai

Tiếng chim trên mái ngói

Không một lời chia tay

Khi tim mòn đã mỏi.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

HỒN QUÊ



 HỒN QUÊ

 

Cúi hôn sông nước quê nhà

Ngày đi gói hạt phù sa vào lòng

Mắt cay theo sợi khói đồng

Rạ rơm tự thuở bế bồng trên tay.

 

Tuổi thơ theo cánh diều bay

Bờ tre nắng dột cuối ngày nước lên

Gọi chiều chim vịt lênh đênh

Giấu trong lau sậy chút niềm riêng mang

 

Cúi hôn cỏ dại ven đường

Ngày đi hạt bụi còn vương tóc người

Áo còn vết mực mồng tơi

Mà chân xiêu lạc về nơi chốn nào

 

Em còn nhớ khúc đồng dao

Chuồn kim cắn rốn nông sâu ai dò

Chiều xưa đã mỏi cánh cò

Còn trông con nước trắng bờ mênh mông.

 

Cúi hôn bờ bãi ngày đông

Ngày đi nhớ chín nhánh sông thương hồ

Đồng bưng thao thức ruộng khô

Bến sông đã vắng tiếng hò từ lâu.

 

Cuối năm ngọn bấc trở đầu

Trời ơi gió cũng biết sầu cố hương

Xứ người buồn lạnh thấu xương

Hồn quê em có nhớ thương tôi về?

25/11/2020

NGUYỄN AN BÌNH VỚI BÀI VIẾT: "NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI" THIỆT HÔNG TA? CHO TRUYỆN NGẮN "NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẶT TRE" CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN MINH.

MỘT CHÚT VUI VỚI BUỔI RA MẮT SÁCH 30/9/2020 TẠI QUAN CÀ PHÊ NGÔ ĐỒNG-Q.GÒ VẤP

TẬP SÁCH TÁC GIẢ TÁC PHẨM NGUYÊN MÌNH

NGUYỄN AN BÌNH VỚI BÀI VIẾT: "NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI" THIỆT HÔNG TA?  CHO TRUYỆN NGẮN "NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẶT TRE" CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN MINH.






BÀI VIẾT CẢM NHẬN TÁC PHẨM:

 

         “NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI” THIỆT HÔNG TA?

                                                                *NGUYỄN AN BÌNH

 Tôi bất chợt thức giấc vì sự chuyển động lắc lư của các toa tàu và tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray có lẽ không dễ chịu chút nào với người lần đầu tiên đi tàu lửa như tôi, chắc tàu đang qua khúc quanh nào đó trong cuộc hành trình, cái con đường sắt được thiết lập hàng trăm năm nay chắc cũng đã rệu rã, già nua lắm rồi, con đường sắt qua những lần phá hoại rồi tu bổ rồi phá hoại trong những năm chiến tranh dai dẳng của hai miền Nam Bắc, cho đến sau hòa bình nó mới được lành lặn một chút như thế nầy đây.

Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ trên nóc toa, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ nhỏ hẹp thấy trời vẫn còn tối om, nhìn đồng hồ đeo tay tôi thấy đã hơn 4 giờ sáng. Như vậy là chúng tôi đã ở trên tàu hơn 8 tiếng đồng hồ. Tàu xuất phát từ ga Hà Nội, xưa tôi vẫn gọi nó là ga Hàng Cỏ, khi nhịp sống về đêm của thủ đô mới bắt đầu nhộn nhịp là chúng tôi đã vội rời xa để đi về phương Nam. Anh em trong tập san Quán Văn chúng tôi vừa làm cuộc hành trình lên Tây Bắc để thăm thú cảnh đẹp của miền sơn cước mà nếu không có hòa bình chắc không bao giờ tôi mơ tưởng đến điều đó.

Tôi không biết tàu đã đi qua những đâu và ga sằp đến là ga nào. Không ngủ được tôi đành nhổm dậy, khom người lần theo góc thang nhẹ nhàng bước xuống sàn vì sợ làm ảnh hường đến giấc ngủ của những người trong toa dù họ là những người bạn đồng hành cùng tôi trong gần mười ngày nay vì giường của tôi ở trên cùng của toa giường nằm.

Bước ra ngoài hành lang tôi đi lần dọc theo các toa giường nằm san sát nhau, ngang qua một toa còn mở cửa tôi bắt gặp anh Nguyên Minh đang ngồi một góc sát cửa sổ và đang nhìn ra ngoài mặc dù còn rất tối, phía giường bên kia bỏ trống không biết của người nào vừa đi ra ngoài, tôi bước vào toa và ngồi vào chỗ đó đối diện với anh. Anh đưa mắt nhìn tôi rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi biết anh đang trầm tư thôi chứ ngoài kia tối thui có gì đâu để mà nhìn. Tôi chợt hỏi anh:

-  Tàu chạy tới đâu rồi anh?

Anh trả lời mà không quay lại:

-  Anh cũng không biết nữa chắc gần tới Quảng Bình hay Quảng Trị gì đó cũng nên.

Rồi tôi cũng im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ như anh. Lúc bấy giờ tôi mới thong thả ngắm toa tàu mà anh đang ngồi, chỗ anh ngồi là nơi chị Lan – vợ anh – đang nằm ngủ. Tư thế nằm ngủ thật hồn nhiên, cái chăn được đắp ngay ngắn cẩn thận trên ngực chị, có lẽ ông anh của tôi lâu lâu lại vén chăn sửa lại cho ngay ngắn đây mà, đôi lúc tôi cảm thấy có nụ cười nhẹ nhàng thoáng qua trên khuôn mặt phúc hậu của chị. Người phụ nữ ấy một thời sống trong “Nhà cao cửa rộng. Xe hơi đời mới. Những vật dụng gia đình đều hạng cao cấp” mà khi “cơn gió bão của lịch sử kéo đến” trong phút chốc trở thành người bà chân lấm tay bùn, bương chải đủ thứ, làm đủ mọi nghề để lo cho ông chồng ốm yếu đang bị bệnh dạ dày hành hạ mà tâm trạng luôn bực dọc vì cảnh ngộ bất đắc dĩ mà mình phải chịu đựng và ba đứa con thơ còn nhỏ dại mà không hề có sự trách móc oán than cho hoàn cảnh nghiệt ngã của thời cuộc. Cái vết sẹo trên ngón tay áp út của “người đàn bà đã từng chịu đựng, vất vả lam lũ với cuộc sống” mà tình cờ anh thấy được khi nằm kế bên sau một cuộc rượu say với bạn bè sau nhiều năm gặp lại. Người đàn bà ấy chỉ biết nói một cách nhỏ nhẹ:

  “-Tưởng ông đã biết từ lâu! Mấy mươi năm rồi còn gì. Người đâu mà vô tâm vậy?

   Tôi chỉ biết cười trừ. Và ngủ đi từ lúc nào không hay”

Thật ra tôi nghĩ lúc đó có lẽ anh quay mặt vô tường, mắt đã cay cay rồi mới chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay mà thôi.

*

Tôi hơi lòng vòng câu chuyện của mình trước khi nói về một người phụ nữ đã gây cho tôi một cảm giác thân thiện và quí trọng. Không phải người phụ nữ nào cũng tạo cho ta một cảm giác như thế dù có thể ta tiếp xúc, gần gủi với họ từ lâu. Tôi đang muốn nói đến truyện “Người đàn bà chặt tre” của nhà văn Nguyên Minh, người đang ngồi đối diện với tôi trong toa tàu nhỏ hẹp nầy.

“Người đàn bà chặt tre” có thể xem là truyện ngắn hay tản văn gì cũng được, trong nhiều truyện ngắn của anh nhân vật chính thường xưng “tôi”, và trong cái “tôi” của từng nhân vật ấy tôi lại bắt gặp cái “tôi” “Nguyên Minh” trong quá khứ và trong đời thường, cái đặc biệt người đọc văn Nguyên Minh thường dễ nhận ra anh lấy cốt truyện từ những nhặt nhạnh đâu đó trong cuộc đời nhiều thăng trầm và cũng lắm sốc nổi của mình để làm nên câu chuyện mà không phải ai cũng thích làm điều đó nhưng có sao đâu, miễn là đọc xong cái truyện hay tản văn nào đó nó còn đọng lại trong ta một xúc cảm mãnh liệt giống khi ta được uống một ly rượu mạnh hay nhẹ nhàng như khi được nghe một khúc nhạc trữ tình nào đó là được rồi cần gì hơn thế nữa phải không?

 Cách mở đầu câu chuyện cũng thật thú vị và cũng rất tự nhiên kiểu “Nguyên Minh”: Bạn bè cũ hẹn gặp nhau sau nhiều năm cách biệt, bạn bè thời tạp chí Ý Thức của anh(điều nầy thì có thật nghe) và trong mấy câu chuyện rôm rả ấy không thể không nhắc đến  những năm tháng sang trang của lịch sử mà anh và các bạn anh đều là chứng nhân và bị dòng chảy ấy lôi cuốn đi xa lắc bến bờ. Dòng chảy ấy như một trận cuồng phong nhấn chìm tất cả:

Trong trại học tập cải tạo năm nào, các bạn tôi là nhà văn đều trải qua, có người vác gỗ, có kẻ rút mây trong tận rừng sâu, lại có người phải lội sình lầy để chặt những cây tràm. Nhẹ nhàng hơn nhưng dè dặt hơn, tinh tế hơn là những người cầm rựa bén chặt từng cây tre, cột lại từng bó, kéo dài lê thê ra bờ sông thả trôi dòng. Vác gỗ, kéo mây, chặt tre đều để lại vài vết sẹo trên thân thể họ, như một chứng tích.

      Nhắc lại chuyện cũ, các bạn tôi cười rộn rã cùng thốt lên:

- Khó nhất vẫn là chặt tre.

- Nhứt chặt tre, nhì ve gái mà.

     Bỗng dưng tôi giật mình. Đàn ông nhất là lính tráng, khoẻ như trâu còn sợ đi chặt tre. Còn vợ tôi, một người đàn bà tay yếu chân mềm, sao ngày ấy nàng có thể làm công việc đó thế tôi. Đi chặt tre. Nhưng bao nhiêu năm qua có bao giờ tôi hỏi nàng về chuyện ấy.

Và câu chuyện mở ra bằng một khám phá vết sẹo nhỏ trên tay “nàng” mà nhiều năm “tôi” “vô tâm” không để ý tới. Cái thủ pháp vào truyện tự nhiên như vậy của anh tôi bắt gặp ở rất nhiều truyện ngắn khác của anh trong các tập: Màu Tím Hoa Mua,Như Sương Như Khói, Dòng Sông Trong Trí Nhớ...

Cũng giống như các bạn thanh niên miền Nam thời đó, tuy không bị tập trung học tập cải tạo, gia đình lại bị liệt vào thành phần tư sản mại bản, nhà cửa gia tài bị tịch thu, gia đình dắt díu nhau về một vùng đất khô cằn, xa lạ để sinh sống. Từ một gia đình sống trong “Nhà cao cửa rộng” phút chốc thành một kẻ không nhà, tha hương, nơi đến là một ngôi làng hẻo lánh, Hai vợ chồng tôi căng tấm nhựa, móc vào hai thân cây sào bằng tre, đủ che mưa che nắng tạm thời một vài hôm, trước khi chúng tôi dựng lên một mái nhà tranh vách đất.Chố ở giống như túp lều trong trò chơi con nít, rất thảm phải không?

 Trong một hoàn cảnh bi thảm như thế, với một ông chồng ốm yếu lại đang mang cơn đau dạ dày kinh niên, và hay cau có bực dọc vì hoàn cảnh, thêm ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn thì chắc hẳn người đọc ai cũng biết gánh nặng đè lên vai người phụ nữ như thế nào? Nếu chèo chống vụng về thì chắc chắn cái gia đình nhỏ bé ấy không sớm thì muộn cũng tan đàn xẻ nghe mất thôi.

 “Vợ tôi” được gắn vào câu chuyện là một điều hiển nhiên, và trong cuộc sống một khi người đàn ông gọi người đàn bà là “Vợ tôi” là điều mà họ muốn mặc định sự gắn bó và yêu thương với người phụ nữ chỉ có điều là họ không biểu hiện bằng hành động mà thôi. Vì sao vậy? Vì trong suốt câu chuyện kể tôi không thấy lần nào tác giả miêu tả bộc lộ sự khó chịu, cay đắng hay lớn tiếng với chồng con dù trong hoàn cảnh đôi lúc “cho phép” người đàn bà được gọi là “Vợ tôi” làm điều đó. Hãy lấy thí dụ mấy đoạn văn sau:

Đầu tiên là tôi cầm cây bút chì ngoặc nghệch trên tờ giấy trắng kẻ ngang học trò một mái nhà tranh. Làm mẫu. Đâu cần như thế. Có phải tôi muốn thả hồn mình vào đó. Có phải tôi muốn nhớ lại những bài thơ học thộc lòng trong sách Quốc văn giáo khoa thư tả về một mái nhà tranh ở thôn quê. Vợ tôi nhìn bản vẽ. Nàng cười mà nói đùa:

     - Sao không thấy hai quả “tim chì” cùng ba quả “tim đồng” với một lu nước lã cùng một cây gậy gắn lên một gáo dừa khô. Thôi anh coi chừng lũ nhỏ em đi chặt tre đây.

Tôi vội vã chạy ra, tháo sợi dây thừng đã cột chặt bó tre, bỏ xuống từng cây một xuống đất. Vợ tôi thở dốc một lát, hai bàn tay nàng lau chùi những hạt mồ hôi còn nhễ nhại trên trán. Xong, hai chúng tôi cầm lấy mỗi đầu tre, vác vào ngõ, vứt đại xuống. Vợ tôi thở nhẹ như trút một gánh nặng. Tôi chỉ những vết xước trên bàn tay nàng, bấy giờ nàng mới xuýt xoa kêu rát, nhưng để tôi yên lòng nàng cười nhẹ, nói nhỏ:

     - Ăn thua gì. Ngày mai tụi mình sẽ cất một mái nhà tranh, vách đất.

 

Còn chuyện chặt tre. Đây mới là chủ đề chính của truyện ngắn: Ngay từ đầu truyện nhân vật “tôi” đã nêu quan điểm của mình rồi: Nhứt chặt tre, nhì ve gái. Một chàng trai  khi thầm thương trộm nhớ một cô gái nào đó thì anh ta tìm đủ mọi cách để ve cho được, ai đã từng trải qua thời kỳ ve gái mới biết “khó động trời mây” khi muốn được nàng xiêu lòng chứ giởn chơi chứ chưa nói đến việc thất bại ê chề nữa là. Khó là vậy mà nó được xếp ở hàng thứ hai sau chặt tre thì phải biết việc chặt tre không phải dễ nuốt đâu. Tôi để ý Nguyên Minh đã 2 lần thể hiện công việc chặt tre của “Vợ tôi” “Như một cuộc chơi”. Thú vị thật

Cơn sốt vẫn thường đến với tôi nên vợ tôi không cho tôi làm một gì nặng nhọc. Sợ tôi có mặc cảm nên nàng khẽ cười, vỗ về tôi: “Có nề hà gì đâu? Chặt tre, chỉ là một cuộc chơi”,”Khi biết chúng tôi sẽ dựng một mái nhà tranh, một ông già ở hàng xóm, ốm yếu ho hen, gợi ý giúp cho chúng tôi vài chục cây tre với điều kiện là chúng tôi phải tự chặt lấy mà mang về. Ông chỉ bụi tre ở tận đâu xa, qua những cánh đồng khô nức đất, qua một con mương nước đục ngầu, nằm cuối khu đất rộng mênh mông đầy những bụi xương rồng. Tôi cười, nói cám ơn. Lắc đầu từ chối vì tôi nghĩ ông già này chơi khăm muốn thử sức chúng tôi. Vợ tôi mau mắn hỏi tới: “Dạ, bao nhiêu tiền con trả?” Ông già ho vài tiếng mới nói nhỏ: “Cho không hai anh chị. Chặt được bao nhiêu tùy thích. Nhớ chặt những cây tre đực, chắc ruột mới tốt đấy”. Tôi nghĩ ông già này chỉ nói đùa cũng như vợ tôi cũng đùa khi thốt lên với vẻ vui mừng mấy tiếng: “Dạ, cám ơn bác trước”. Nhìn vẻ ngơ ngác trên mặt tôi, nàng nói: “Anh cứ để em. Có gì đâu. Như một cuộc chơi”.

Hãy xem việc chặt tre của “Vợ tôi” “Có gì đâu. Như một cuộc chơi” như thế nào đây:

Một buổi sáng trời trong vắt, ánh nắng chưa tỏ, vợ tôi mặc một bộ đồ kaki bệch màu, chân mang đôi giày cao ống, đội cái mũ vải, cầm cái rựa bén cột vào thành chiếc xe đạp. Lên đường.

Mặc cho sự sốt ruột bồn chồn và những tưởng tượng có chiều hướng bi quan ảm đạm, ra vào lo lắng, lại đâm giận ngang hông ông già lối xóm tốt bụng cho tre cất nhà của “tôi” thì xế trưa đã nghe lũ trẻ reo inh ỏi: - Ba ơi! Mẹ về! Mẹ về!

“Tôi” chỉ còn biết thở ra nhẹ nhỏm và vội chạy ra ngoài tiếp vợ lấy tre ra khỏi chiếc xe đạp đầy bụi mà thôi.

Tôi vội vã chạy ra, tháo sợi dây thừng đã cột chặt bó tre, bỏ xuống từng cây một xuống đất. Vợ tôi thở dốc một lát, hai bàn tay nàng lau chùi những hạt mồ hôi còn nhễ nhại trên trán. Xong, hai chúng tôi cầm lấy mỗi đầu tre, vác vào ngõ, vứt đại xuống. Vợ tôi thở nhẹ như trút một gánh nặng. Tôi chỉ những vết xước trên bàn tay nàng, bấy giờ nàng mới xúyt xoa kêu rát, nhưng để tôi yên lòng nàng cười nhẹ, nói nhỏ:

     - Ăn thua gì. Ngày mai tụi mình sẽ cất một mái nhà tranh, vách đất.

 

Rồi nhà cũng dựng xong, cô “Vợ tôi” còn làm cho chúng ta thật sự khâm phục về sự vén khéo, tháo vát cũng như nhanh nhẹn trong công ăn việc làm sau nầy: Hái rau tập tàng mọc ở những bãi hoang để cải thiện và tự trồng rau đem ra chợ bán, bắt cá trong mương trước nhà, bắt trai nấu cháo, nuôi vịt lấy trứng, nuôi heo, làm phân chuồng, nuôi gà rồi chuyển sang trồng nho, lại bắt kịp thị trường bằng cách mua ti vi màu nội địa và đầu máy, mướn băng về chiếu kiếm thêm thu nhập... Không biết khi viết truyện ngắn nầy Nguyên Minh có bỏ sót một việc làm nào của “Người đàn bà chặt tre” không nữa, mà chỉ riêng cái việc chặt tre không thôi bản thân tôi cũng phục “Vợ tôi” sát đất rồi.

 Sau nầy khi trở về thành phố sống, khoảng đời gian nan, khốn khó đó chỉ còn lại những ký ức buồn vui của một thời bao cấp. Dù vui dù buồn nó cũng theo ta suốt khoảng đời còn lại mà thôi.

 Cuối cùng tôi cũng muốn nói với các bạn điều nầy. Cái câu “Nhứt chặt tre, nhì ve gái” xem ra chẳng “ép phê” gì với “Vợ tôi”cả vì cô đã nắm được bí quyết của nó:

“...khi tôi hỏi vợ tôi:

          - Chặt tre có khó không?

          - Có gì khó đâu, ta chỉ cần rọc đi những cái mắc nhỏ đầu nhọn, để thân tre suôn đuột, rồi một phát rựa vào gốc là xong.

Vậy mà trên đời nầy không phải ai cũng hiểu được đạo lý đó phải không?

*

Bỗng đoàn tàu lắc mạnh rồi giảm tốc từ từ, sau cùng thì dừng hẳn. Trời đã hừng sáng. Tôi và anh Nguyên Minh chăm chú nhìn ra ngoài cửa kính nhỏ hẹp của toa tàu. Ba chữ “GA ĐÔNG HÀ” màu đỏ to gắn trên nóc của nhà ga, tôi nhìn sang anh nói nhẹ:

-  Mình đã đến Quảng Trị rồi đó anh.

-  Ừ! Đến Quảng Trị rồi.

Anh không nói gì thêm, tôi cũng im lặng. Tàu đã qua sông Bến Hải, qua cầu Hiền Lương nơi mà hơn chục năm trước trên đường thiên lý tôi đã dừng lại rất lâu và bước một cách chậm chạp qua những tầm gỗ lót trên cầu nối hai bờ sông Bến Hải. Dòng sông đã chia cắt hai miền đất nước hơn hai thập kỷ. Đất nước hòa bình nhưng nỗi đau vẫn chưa liền sẹo. Buồn biết bao.

Tiếng còi tàu lại hú lên, khói trắng lại phun lên thải lên bầu trời và tàu bắt đầu trôi. Trong ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối năm, đoàn tàu lại đi qua bao làng mạc, màu xanh của ruộng vườn, nương rấy và những lũy tre làng cứ lui dần về phía sau. Hình ảnh bao lũy tre xanh xanh chạy dài làm tôi lại nhớ đến truyện ‘Người đàn bà chặt tre” trong suốt khoảng đường còn lại khi tàu về đến ga Huế.

Bên bờ Kênh Tẻ, 2/5/2020

NGUYỄN AN BÌNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

CẢM TẠ VĂN CHƯƠNG của nhà văn TRẦN HOÀI THƯ.

 GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

CẢM TẠ VĂN CHƯƠNG của nhà văn TRẦN HOÀI THƯ.
Rất vui trong ngày hôm nay nhận được sách quí CẢM TẠ VĂN CHƯƠNG của nhà văn TRẦN HOÀI THƯ do nhà văn PHẠM VĂN PHÀN gởi từ Mỹ về tặng cho anh em thân hữu của tạp chí THƯ QUÁN BẢN THẢO. Đây là tập hồi ức về văn chương của nhà văn THT sau cơn đột quỵ nhẹ và đang dần hồi phục. Đáng phục sự làm việc không mệt mỏi của anh biết bao.
Theo sự ủy quyền của anh THT và PVN tôi đã ra bưu điện gởi cho thân hữu ỏ xa, còn anh em ỏ Tp HCM; Bs Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Lệ Uyên, Lữ Kiều, Từ Hoài Tấn... tôi sẽ gởi đến các anh sau nhé.




Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

TRUYỆN NGẮN RỒNG ĐÁ THÀNH NHÀ HỒ

TRUYỆN NGẮN  TRÊN TẬP SAN RA KHƠI 4 - THÁNG 11-2020

RỒNG ĐÁ THÀNH NHÀ HỒ







 TRUYỆN NGẮN

 

RỒNG ĐÁ THÀNH NHÀ HỒ

   *NGUYỄN AN BÌNH

 

 

        Ánh trăng hạ huyền đã lên cao từ lâu và đang chếch về phía tây như một cái

móc câu vàng vành vạch treo trên vòm trời thàng tám, mùa thu với tiếng gió thổi vi vu nhè nhẹ xen lẩn với tiếng rên rỉ của côn trùng càng làm cho không gian chìm đắm trong thê lương tĩnh mịch. Đêm đã về khuya, trời càng thêm lạnh, ngọn gió phất phơ lay động  những tấm rèm nhung treo trên lầu vọng nguyệt, ngọn đèn trong phòng hắt dáng một bóng một người đang đứng yên hình gần như bất động. Hồ Quý Ly đứng yên như thế đã lâu, nhiều đêm ông vẫn đứng lặng im như pho tượng, thao thức không ngủ được, tâm trạng rối bời trước tình thế của đất nước. Ông nhìn vào đêm đen, trầm tư. Tin tức cấp báo từ phương bắc qua  những hỏa hiệu  được bắn lên từ các phong hỏa đài đặt từ biên cương Cao Bằng, Lạng Sơn kéo dài đến thànhTây Đô cho thấy tình hình chiến sự đã cấp bách lắm rồi. Các thám mã cũng lần lượt phi nhanh báo tin về sự chuyển động của quân địch. Kẻ thù phương Bắc đã bộc lộ ý đồ xâm lược rõ rệt, đã chuyển quân sát tận biên giới với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ thế mạnh như nước vỡ bờ.

       Thật ra Hồ Quý Ly cũng dự đoán trước diễn biến tình hình sự việc nhưng không ngờ chiến sự lại diễn ra nhanh như thế. Các vì vua cuối đời nhà Trần chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, phế mặc triều chính, còn quan lại, con cháu nhà Trần cũng chỉ mong giữ lấy quyền cao chức trọng tận hưởng phú qui sợ gian khổ nên những đề xuất cải cách mạnh mẽ của ông về chính trị, quân sự thường bị quan lại cựu triều dèm pha phản đối, chính vì thế nhiều lần những đề xuất cải cách ấy không thực hiện được. Biên cương phía nam thì Chiêm Thành dưới sự chỉ huy của Chế Bồng nga nhiều lần đánh tới Thanh Hóa, thậm chí đem quân ra tới Thăng Long để quấy nhiễu, cướp nhiều tài vật làm cho cuộc sống của người dân bao lần khốn đốn, phương bắc thì triều Minh chờ cơ hội nước ta suy yếu để xâm lược. Là người có tầm nhìn xa trông rộng ông thấy rõ được điều đó nên càng nung nấu quyết tâm thực hiện hành động cải cách của mình.

      Chính vì thế ông đã hối thúc vua Trần Thuận Tông dời đô về Tây Đô để khi có biến dễ bề chống đở, tránh áp lực nặng nề của giặc khi đánh vào Thăng Long nhưng cũng đồng thời mưu tính một kế sách lâu dài: nếu triều Trần không còn phù hợp nữa thì phải thay thế đi để xây dựng một vương triều hùng mạnh khác mới có thể chống đở thế lưỡng đầu thọ địch được. Kế sách dời đô của ông lần nầy cũng vấp phải phản ứng dữ dội của bọn quan lại triều Trần nhưng thế lực của ông lúc nầy đã đủ mạnh để xoay chuyển tình hình. Thế là một cuộc thanh trừng đẩm máu xảy ra, những người không theo ý hướng của ông đều nhận lấy những hậu quả khủng khiếp: kẻ thì chết người bị tù đày, gia sản bị tịch biên. Ngay cả các quan chỉ vì can gián Hồ Quý Ly không nên dời đô gây xáo trộn tình hình mà nên ở lại Thăng Long, nơi có núi cao, sông sâu án ngữ, Họ còn cho rằng”Cốt ở đức, không cốt ở hiểm” nhưng Hồ Quý Ly gạt ngang: : Ý ta đã quyết, không được can gián nữa nếu không muốn lãnh lấy cái chết”. Thế là tất cả phải im lặng nếu không muốn chọn lấy cái chết.

      Để xây thành Tây Đô, Hồ Quý Ly phải huy động toàn bộ sức người sức của rất lớn, phu phen tạp dịch rất nặng nề. Người già, đàn bà, trẻ em đều phải tham gia phục vụ công trình. Ngày ngày, tháng tháng, dân phu binh lính mệt mõi vào các dãy Tượng Sơn, Hang Ma, Đồi Cốc, Dọc Khoai chặt cây, đốn củi về đốt lò nung vôi, Lò nung vôi, nung gạch mọc lên nhiều vô kể cũng không đáp ứng đủ vật liệu để xây thành. Dân công phải bạt đồi, xẻ núi lấy đá phục vụ công trình, những phiến đá to lớn nặng hàng tấn được khai thác chuyển về xây thành, công việc vô cùng nặng nhọc, nguy hiểm. Các thợ kỹ thuật, nghệ nhân cũng phải làm việc suốt ngày đêm, lương thực cung cấp không đủ, đói ăn, ốm đau, lại nửa vùng đất xây thành nước tù đọng quanh năm nên bệnh dịch tràn lan làm phu phen chết dần, chết mòn không kể xiết.  Đặc biệt là việc chế tác đôi rồng đá đòi hỏi những nghệ nhân lành nghề trong chạm khắc. Có người đã phải chết vì lỡ chạm sai một chi tiết không vừa ý với nhãn quan của họ Hồ. Hồ Quí ly đã tuyển chọn từ các nghệ nhân có tiếng tăm khắp các vùng về để chạm khắc. Tượng rồng được tạc bằng đá xanh. nguyên khối, khi tạc xong có chiều dài 3 thước 8. Thân rồng thon nhỏ dài về phía đuôi, uốn bảy khúc, vẩy phủ kín cả thân. Rồng có 4 chi, mỗi chi có 3 móng ẩn hiện trong các vân mây mềm mại trông rất huyền ảo, sống động vô cùng. Các khoảng trống dưới bụng và các ô tam giác ghép thành các bậc đều được chạm những đóa hoa cúc và móc hoa lại thật lượn mềm, tỉ mỉ đến từng chi tiết một. Đôi rồng khi chế tác xong được đặt nằm song song hai bên đường ngay trung tâm của tòa thành từ cổng nam đi sang cổng phía bắc của thành Tây Đô tạo một cảnh quan thật trang nghiêm, hùng tráng. Cứ thế tòa thành xây ròng rã suốt hơn 3 tháng trời mới hoàn thành(1).

                   Thành xây xong, việc dời đô đã ổ định, dưới sự ủng hộ của các quan Trần Thiếu Đế là cháu ngoại của ông phải thoái vị và ra chiếu nhường ngôi cho ông, Hồ Quí Ly yên tâm có thời gian hoạch định kế sách lâu dài cải cách đất nước theo ý định mình đã vạch ra từ trước, ông thực hiện một loạt những cải cách có lợi cho đất nước như: Phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” thay thế tiền đồng thuận tiện cho việc cất giữ thông thương mua bán, quan tâm đến giáo dục, sửa chữa chế độ thi cử cho phù hợp, đưa toán học vào thi cử để tìm người tài. Về quân sự, Hồ Quý Ly ý thức rất rõ ý đồ xâm lược của nhà Minh phương bắc, ông càng ra sức tập trung xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, chú trọng cải tiến kỹ thuật vũ khí, mở xưởng đúc vũ khí, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng quân sự, Hồ Nguyên Trừng đã chế được loại súng thần cơ có sức công phá mạnh mẽ, thủy binh cũng được trang bị những chiến thuyến lớn hơn. Bên cạnh đó, ông chủ tr­ương xây dựng các hệ thống phòng tuyến trên mặt đất để phòng thủ quốc gia như thành Tây Đô, thành Đa Bang và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Nhưng những điều thực hiện được chỉ là bước ban đầu, thời gian còn quá ngắn, công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái theo ý Hồ Quý Ly, lòng dân còn bất ổn chưa nguôi hướng về triều cũ, tướng tài lác đác như lá rụng mùa thu, quân lính tập luyện chưa thuần thục, quân lương còn thiếu thốn nhiều liệu có thể chống đở thế giặc hùng mạnh được chăng, bao nhiêu mối lo như hằn sâu lên nét mặt của thái thượng hoàng Hồ Quý Ly. Trong không gian im vắng của đêm khuya như thế, bỗng ông nghe đâu đây có tiếng đàn tỳ bà vang lên lúc khoan lúc nhặt, lúc xa lúc gần đưa đẩy theo chiều gió như mang một nỗi sầu vạn cổ, lông mày ông chợt nhíu lại tỏ vẻ không vui. Từ chổ khó chịu ông lại ngạc nhiên tự hỏi: Tiếng đàn phát ra từ đâu vậy, sao tiếng đàn như mang một nổi u hoài uất hận khôn nguôi như thế. Ông cố gắng lắng nghe, hình như tiếng vang lên từ vườn thượng uyển thì phải. Tò mò Hồ Quý Ly khẻ bước xuống lẩu, chậm rải chân bước theo tiếng đàn đang bay trong gió. Dưới liềm trăng vàng treo trên ngọn liễu, ông thấy thấp thoáng bóng dáng một thiếu phụ với y phục trắng tinh đang ngồi trên băng đá cạnh khóm bông hải đường, người thiếu phụ có mái tóc đen mượt mà óng ả dưới ánh trăng chảy dài xuống bờ vai thon nhỏ, bàn tay mềm mại đang lướt nhẹ trên từng phím đàn. Dưới bàn tay tài hoa ấy, cây đàn  vang lên những âm thanh trầm bổng, dìu dặt lúc thì trầm mặc u buồn, lúc thì như thở than ai oán thê lương vô cùng.

     Trong không gian khuya khoắt tĩnh mịch  làm cho Hồ Quý Ly như lạc vào một nơi đầy ma mị, liêu trai. Ông tự hỏi mình đang ở đâu đây và bất giác chợt rùng mình, cái lạnh như len vào từng đốt sống lưng. Người thiếu phụ nầy là ai? Ma quỷ, tiên nương hay là hồ ly? sao lại xuất hiện trong đêm hôm khuya khoắt như thế nầy, ngay trong vườn thượng uyển của ta? Tuy có phần sợ hải nhưng không kiềm chế nổi sự tò mò, Hồ Quý Ly bước tới gần thêm một chút nữa để nhìn cho rõ mặt người đàn bà. Dưới vòm trăng hạ huyền, gương mặt thiếu phụ hiện lên thật vô cùng diễm lệ mà hình như trong đời ông chưa từng thấy vẻ đẹp tự nhiên nhưng lại lôi cuốn như thế. Trên nét mặt yêu kiều đó lại thoảng lên nét buồn muôn thuở. Ông thử lục tìm trong trí nhớ xem thiếu phụ nầy có phải người ở trong cung không nhưng không tài nào nhớ được. Hồ Quý Ly lên tiếng:

- Nàng là ai? Tại sao đêm hôm khuya khoắt lại đàn một khúc cầm nghe buồn thảm thế? Ta nhớ như chưa từng gặp nàng trong cung của ta lần nào thì phải?

         Người thiếu phụ đang chìm đắm trong cung đàn, thả hồn mình vào những phím tơ lòng, không biết có người bên cạnh đang lắng nghe tiếng đàn của mình tự nảy giờ. Nàng chợt giật mình thoát khỏi trạng thái mơ hồ lãng đãng như khói sương ấy, nhẹ nhàng đặt chiếc đàn lên chiếc bàn cẩm thạch kề bên, đứng lên vòng tay cúi đầu đáp:

    - Tiện thiếp xin ra mắt thượng hoàng.

Hồ Quý Ly ngạc nhiên:

    - Nàng biết ta ư?

     - Ngài là đấng quân vương, cả đất nước nầy đều biết chẳng lẽ thiếp lại không biết người ư?

    - Nàng chưa trả lời câu hỏi của ta.

    - Thiếp không phải là người trong cung. Nhà thiếp ở dưới chân thành đông của tòa thành nầy.

Hồ Quý Ly lại càng ngạc nhiên:

    - Dưới chân thành đông ư? Nàng làm sao vào đây được?

    - Không có nơi nào thiếp không thể đến được thưa thượng hoàng.

        Không để cho Hồ Quý Ly hết ngạc nhiên, người thiếu phụ tiếp lời:

    - Tên thiếp là Bình Khương, là vợ của chàng cống sinh Trần Công Sỹ được thượng hoàng tin tưởng giao việc giám sát, đốc thúc phu phen xây bức tường thành phía đông.

       Hồ Quý Ly nhíu mày suy nghĩ trong giây lát, chợt ông nhớ ra điều gì đó. Thì ra người thiếu phụ đứng trước mắt mình là vợ của Trần Công Sỹ người được ông giao phó xây dựng đoạn thành phía đông. Ông nhớ lại tất cả rồi. Để gấp rút dời đô từ Thăng Long về Tây Đô, Hồ Quý Ly đã huy động một số lượng lớn dân quân ngày đêm xây thành, đắp lũy, phu phen làm việc cực nhọc vô cùng, ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ nội trong 3 tháng phải hoàn thành “kinh đô bất khả chiến bại”, Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng lúc ấy, các tường thanh các mặt khác tới kỳ đã từng bước hoàn thiện công trình thì đoạn thành phía đông do Trần Công Sỹ phụ trách xây vừa xong lại đổ sập xuống không rõ nguyên nhân khiến cho Hồ Quý Ly vô cùng tức giận. Ông nghi ngờ Trần Công Sỹ có ý đồ phản nghịch nên cố ý làm chậm trể công việc xây thành làm lỡ việc lớn. Trong cơn giận dữ, Hồ Quý Ly đã ra lịnh cho quân sĩ chôn sống chàng vào vị trí bức tường thành vừa bị đổ để làm gương răn đe tất cả những ai bất tuân thượng lệnh và giao phó trọng trách xây tường thành tiếp tục lại cho viên quan khác. Sau nầy ông còn nghe quần thần kể lại, vợ Trần Cống Sỹ tên là Bình Khương nghe tin đã chạy đến ngự sử đài than khóc kêu oan cho chồng, nhưng ai nấy đều sợ uy của Hồ Quý Ly không dám vào bẩm báo lại. Vì quá tức giận, nàng chạy đến nơi chồng bị chôn sống, dùng toàn bộ sức lực để xô ngả bức tường dầy định mệnh ấy mong tìm thấy xác của chồng trong đó nhưng bức tường không hề lay chuyển. Vô cùng tuyệt vọng, nàng liều mạng đập đầu vào bức tường thành để tự vẫn theo chồng. Phiến đá nơi nàng tuẩn tiết in sâu dấu vết đầu người và đôi bàn tay cào cấu của nàng. Cảm thương trước tấm lòng chung thủy sắt son của người thiếu phụ, người dân nơi đây đã lập đền thờ nàng ở sát vách tường cửa phia đông thành Tây Đô. Sự việc xảy ra đã lâu Hồ Quý Ly hầu như không còn nhớ nếu người thiếu phụ không nhắc đến tên chồng mình. Hồ Quý ly nghĩ đến đây đã thấy rờn rợn vì biết người đang đối diện với mình chỉ là hồn ma bóng quế mà thôi, chẳng lẽ nàng ta hiện hình về đòi đền mạng ta chăng?(2)

     Hồ Quý Ly cố giữ bình tĩnh, nhưng câu hỏi có vẻ hơi gượng gạo::

    - Ta nghe người báo là nàng đã tự vẫn chết rồi kia mà.

     Nàng Bình Khương nhìn nhà vua, giọng nói u buồn xen lẫn oán trách:

     - Người nói không sai. Thiếp đã không còn sống trên cõi đời nầy, thân xác vùi chôn dưới ba tất đất từ lâu, mồ chắc đã xanh cỏ, nhưng linh hồn còn mang nhiều nỗi u uất, phảng phất trên trần gian chưa thể siêu thoát được.

     Hồ Quý Ly có vẻ giận dữ, gằn giọng:

     - Điều gì làm cho linh hồn nàng không tan? Chẳng lẽ với cái tội làm hỏng việc lớn của ta chồng nàng bị giết oan khuất lắm sao?

     - Thưa thượng hoàng , đối với người cái chết của một chàng cống sỹ chẳng qua chỉ là con giun cái kiến mà thôi. Hơn nữa trong cơn thịnh nộ quyết định tàn bạo ấy cũng để thỏa mãn quyền uy tối thượng của mình mà thôi thì còn suy xét làm gì nỗi oan khuất của người dân chứ. Thượng hoàng có biết tường thành phía đông nơi chồng thiếp phụ trách xây dựng trên một nền đất yếu, phía dưới có mạch nước ngầm ăn thông ra Lỗi Giang nên không thể chịu đựng sức nặng hàng ngàn tấn của tường thành được, đổ sập là điều không thể tránh khỏi được. Thiếp đã đến ngự sử đài kêu oan nhưng không ai chú ý nghe lời giải trình của thiếp.

      Hồ Quý Ly tỏ vẻ nghi ngờ:

      - Làm sao nàng biết tường thành xây trên đất yếu? Phải chăng nàng nói để chạy tội khi quân của Trần Công Sỹ chăng?

      Bình Khương có vẻ không vui:

      - Người trần không thể biết được điều bí mật nằm trong lòng đất thưa thượng hoàng. Hình như trong xử lý công việc người chưa bao giờ tin tưởng một ai. Thiếp biết thượng hoàng là người có chí lớn, người dời đô về đất nầy để mưu đồ đại sự, xây dựng một vương triều hùng mạng để lưu danh muôn đời. Nhưng dục tốc bất đạt, xây thành một công trình to lớn như thế chỉ trong vòng 3 tháng chỉ bằng sức lao động tay chân cua con người là một việc làm kinh khiềp chẳng khác gì việc dời non lầp biển, đã làm tài nguyên đất nước kiệt quệ, sinh linh dân đen bị nướng vào lửa đỏ. Làm vua chỉ muốn người ta phục tùng mệnh lệnh, chỉ xem chung quanh mình thấy ai cũng có thể đồ phản nghịch, nghi ngờ tất cả mọi thứ dù sự thật hiện ra trước mắt và luôn dùng quyền uy để bức hại người khác thì không thể là một đấng minh quân được.

       Nếu như bình thường, chắc chắn Hồ Quý Ly sẽ nổi cơn lôi đình thịnh nộ, người dám nói ra câu phạm thượng đó thế nào cũng thịt nát xương tan, nhưng biết Bình Khương là người đàn bà khác thường, chỉ là hồn ma bóng quế, vất vưỡng trên đầu cây ngọn cỏ thì cơn giận cũng nguôi đi, giận dữ  cũng chẳng có ích gì, Hồ Quý Ly kìm nén cơn giận trong lòng nói:

       - Ta tạm tin lời nàng vậy nhưng nàng nói ta dùng bạo quyền để cai trị dân chẳng phải quá đáng sao?

       - Đây không phải là lời nói của thiếp mà đó là lời truyền tụng trong dân gian. Người ở trong cung cấm cách ly với đời thường, mắt không được thấy tai không được nghe, làm sao hoàng thượng có thể thấu hiểu được nỗi khổ của dân đen kia chứ? Bài đồng dao mà bọn trẻ con nghêu ngao hát khắp kẻ chợ ai mà không hay không biết.

      Hồ Quý Ly lộ vẻ ngạc nhiên:

      - Bài hát đồng dao ư? Bài hát nói điều gì thế?

      - Thiếp xin đọc hầu hoàng thượng xin trước hết xin người không được giận dữ

     Hồ Quý Ly gật đầu:

      - Được. Ta hứa. Nàng đọc ta đi

     Bình Khương bắt đầu đọc:

                            Bạt núi để xây thành

                            Phu phen nhiều lao khổ

                            Vợ con lìa cha anh

                            Thành xây xong lại sập

                            Xương chất đầy kè đá

                            Hào sâu đỏ máu dân

                            Thân gầy còm đói rách

                            Ai oán thấu trời xanh.

                            Những tưởng lục thập ký

                            Nào ngờ chỉ sáu năm

                            Thành cao dù muôn trượng

                            Không lớn bằng lòng dân.

      Dứt lời, Bình Khương nói như nói chính mình:

    - Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ. Số trời đã định không thể cải mệnh được. Tiếc thay tích củi ba năm đốt cháy một giờ. Chỉ tội cho muôn dân vô tội một lần nữa lại nướng mình trong lửa đỏ hung tàn của giặc ngoại xâm.

       Hồ Quý Ly nghe những lời nói của Bình Khương như từ cỏi âm vọng về. Ông chợt biến sắc không hiểu vì sao người thiếu phụ nầy lại biết điều bí mật mà chỉ hai cha con ông biết mà thôi. Trong đầu ông miên man suy nghĩ về điều nàng ta vừa nói. Mưu đồ xây kinh đô mới để thừa dịp truất ngôi nhà Trần đã manh nha từ lâu trong đầu của Hồ Quý Ly, mặc dù nắm giữ quyền cao chức trọng, dưới một người trên vạn người, nhưng Hồ Quý Ly nhận thấy các ông vua nhà Trần đã quá bạc nhược, u mê nên muốn tự mình thành lập một vương triều mới. Ông tin rằng với tài năng của mình sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phía nam có thể đè bẹp Chiêm Thành, phía bắc có thể dựa vào thành cao hào rộng thế núi hiểm trở có thể chống lại kẻ thù phương Bắc. Để thực hiện việc dời đô, xây dựng một vương triều vững mạnh cho riêng mình, Hồ Quý Ly đã bí mật cùng một vài cận thần tâm phúc của mình đi tìm thế đất tốt để xây thành. Khi thuyền xuôi dọc theo sông Mã đến động An Tôn ông thấy nơi đây thế núi hiểm trở, đất đai trù phú, hình thù như hình quả ấn của trời, sông Mã như long mạch dài hàng ngàn dặm, xung quanh còn có nhiều phụ lưu  bắt nguồn từ Trường Sơn như sông Luồng, sông Âm, sông Chu, sông Bưởi giống như những chi long mạch chầu vào long mạch chủ ông rất vừa lòng, ưng ý.

    Đứng trên núi cao, có thể ngắm nhìn kỷ lưỡng địa thế xung quanh vùng động An Tôn. Cảnh quan thật hùng vĩ, địa thế vô cùng hiểm trở. Phía đông nam có núi Đốn làm tiền án, tây bắc có núi Song Tượng. Một con voi chầu về hướng bắc, một con khác lại quay đầu về hướng nam canh giữ núi Mâm Xôi. Phía Tây Nam có 5 ngọn núi đá vôi: 3 ngọn gọi là Kim Ngọ(ngựa vàng), 2 ngọn khác gọi là Kim Ngưu(trâu vàng). Đây là một mỏ đá vô cùng to lớn có thể sử dụng để xây thành vững chắc. Thời bình với đồng ruộng phì nhiêu có thể cày cấy tích lũy lương thực, thời chiến có thể dựa vào thế núi hiểm trở tự nhiên, với thành cao hào sâu cự địch được.

         Bên ngoài có nhiều dãy núi vòng cung bao bọc vây kín bốn phương tám hướng. Vòng trong là sông Mã, sông Bưởi lượn tròn như những chiến hào tự nhiên vây quanh. Ở trong cùng, một khu đất nổi lên như một cái ấn của trời, Bên trên là vòm trời xanh như chiếc lọng che cho cái ấn thật huyền ảo. Từ ngã ba Bông nối vài ngã ba Đầu là một nhánh chảy vào đền Hàn, Châu Tử xuống bến Lèn ra cửa Lạch Trường. Một nhánh qua đất Hàm Rồng đổ ra cửa Hới tạo thành thể lưỡng long chầu nguyệt. Thành xây trên động An Tôn nên gọi là thành An Tôn, còn gọi là thành Tây Đô(3)

         Là người am hiểu phong thủy, Hồ Quý Ly khi chọn thế đất nầy để xây thành ông rất lấy làm tâm đắc, nói với các con mình: Đất nầy là đất Thạch bàn long xà lục thập niên ký(có nghĩa thế đất như rồng chầu rắn cuốn nầy vững như bàn thạch có thể trụ được ít nhất 60 năm) nhưng Hồ Hán Thương, người con trai thứ của Hồ Quý Ly, am hiểu phong thủy sau khi xem kỷ thế đất đã nói với ông: “Con lấy làm lạ, như phụ hoàng nói: đất nầy đúng là đất rồng chầu rắn cuốn có thể phát tích đế vương nhưng con xem đi xem lại có lúc lại giống thế Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ, chỉ phát được 6 năm thôi. Hồ Quý Ly cho rằng kiến thức phong thủy của Hồ Hán Thương chưa tinh tường nên cũng không chú ý lắm vào nhận định của con.

     Câu chuyện phong thủy nầy chỉ có cha con ông biết mà thôi, tại sao dân gian lại biết được mà truyền tụng qua bài đồng dao nầy? Có thật không chuyên gì cũng không thể qua mắt thế gian chăng? Bài hát đồng dao thật sự làm cho ông bối rối, lo ngại. Hồ Quý Ly cũng biết những hành động quyết liệt của mình tranh đoạt ngôi vị nhà Trần cũng là một điều mà nhiều người không phục, nên khi đã cũng cố được ngôi vị, chỉ sau 7 tháng làm vua ông đã nhường ngôi lại cho Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng cũng nằm trong mưu tình của ông. Lẽ ra theo lễ tục, ông phải nhường ngôi cho người con cả là Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng là một người rất giỏi võ nghệ, lại là người có tài thiết kế vũ khí lợi hại rất xứng đáng được ông truyền ngôi nhưmg lại là con của người vợ cả, không có quan hệ huyết thống với dòng tộc họ Trần , nếu lập Trừng lên làm vua, chẳng khác gì như đổ thêm dầu vào lửa, khiêu khích sự chống đối của đám quan lại, giới sĩ phu và một bộ phận lớn nhân dân trong nước, đồng thời cũng tạo thêm lí do cho giặc Minh dễ bề thực hiện ý đồ xâm lược nước ta với chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, vì thế Hồ Quý Ly quyết định chọn người con thứ là Hồ Hán Thương lên giữ ngôi vua, Một điều dêc hiểu Hồ Hán Thương là con của công chúa Huy Ninh, vợ lẽ của Hồ Quý Ly, đồng thời cũng là con ruột của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Hán Thương gọi Nghệ Tông bằng bác, gọi vua Thuận Tông(con Nghệ Tông) bằng anh và gọi vua Kiến Tân(con Thuận Tông) bằng cháu, nên việc lập Hồ Hán Thương làm vua cũng nằm trong tính toán, trù liệu của Hồ Quý Ly cả nhằm lôi kéo những người còn lưu luyến với triều đại cũ.

      Như  đoán được sự băn khoăn trong lòng Hồ Quý Ly, Bình Khương nói nhẹ nhàng:

      - Câu chuyện đối đáp giữa người và thế tử Hán Thương về long mạch, cũng như việc lập thế tử Hán Thương lên làm vua thay vì Nguyên Trừng thượng hoàng có thể giấu giếm được dân đen con đỏ chứ làm sao che mắt được trời phật thánh thần ma quỷ, xin người chớ lấy làm ngạc nhiên như thế.

     Hồ Quý Ly nghe nàng nói hình như tỉnh ngộ. Thì ra những mưu tính của ông dù ngấm ngầm bí mật hay công khai cũng không qua khỏi thiên cơ. Có điều mưu sự tại nhân, thành sự tài thiên mà thôi. Chẳng lẽ bao công sức ông đổ ra với hy vọng tạo dựng một vương triều hùng mạnh với những cải cách lớn lao, lưu danh cho muôn đời sau lại thất bại thế nầy ư?

     Hồ Quý Ly thở hắt một hơi dài buồn bã, ngước nhìn bầu trời đêm, những ngôi sao lấp lánh, xa tít trên bầu trời kia có hiểu được tâm trạng ngổn ngang của ông lúc nầy không? Ông đang suy nghĩ gì trong đầu không ai có thể đoán được. Vài tiếng chim đêm đập cánh bay đi để lại tiếng kêu nghe não nuột, mấy cành liễu lay động tạo thành những bóng đen lăn quăn trên mặt đất như mấy con rắn đang trườn mình quăng tới tìm mồi, vài chiếc lá rơi, tiếng gió thổi lạo xạo cũng không làm cho ông thoát khỏi nỗi trầm tư, muộn phiền. Ánh trăng hạ huyền đã dần dấn mờ nhạt. Phía chân trời bắt đầu xuất hiện một quầng sáng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Một ngôi sao lẻ loi, muộn màng băng ngang qua vườn thượng uyển mất hút về phìa bầu trời xa xôi đầy bí ẩn. Trong thời khắc ấy, tiếng Bình Khương hình như thoảng bay đi trong gió:

       - Âm đức của hoàng thượng không dầy, chính chính sách hà khắc, coi sinh mạng dân đen như ngọn cỏ, bao nhiêu xương máu người dân vô tội đã đổ xuống để xây thành đắp lũy, tiếng than oán ngút trời cao đã làm cho long mạch bị đứt đoạn không phát triển được. Thời cuộc sẽ có nhiều biến chuyển khôn lường, lòng người lại đang ly tán, không thể quy về một mối. Chỉ mong hoàng thượng sáng suốt mới mong tình thế thay đổi phần nào, cục diện may ra sáng sủa hơn. Không một triều đại nào có thể thống trị thiên hạ bằng bạo quyền được, muôn đời phải biết lấy dân làm gốc thiên hạ mới thái bình, đất nước mới không rơi vào ách thống trị của ngoại bang. Người đã tạo ra được một cái cớ có một không hai để kẻ thù xâm lăng nước ta với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, rồi sau đó đất nước sẽ ra sao chắc người cũng đoán được. Mấy lời khẩn thiết tự đáy lòng xin hoàng thượng nhớ lấy.

     Khi Hồ Quý Ly ngước lên muốn hỏi Bình Khương điều gì đó thì không thấy nàng đâu nữa, xa xa chỉ thấy một bóng trắng lướt qua hàng cây rồi mờ dần mất hẳn. Hồ Quý Ly nhìn theo, lẩm bẩm như nói với chính mình:

     - Nàng đã theo ngọn gió bay đi rồi về nơi mà nàng cần đến, phải chi ta nghe được những lời nói của nàng sớm hơn, có lẽ cuộc đời ta mắc nợ với nàng, với chồng nàng với cả dân tộc nầy. Cuộc đời ta chấm hết ta không hề hối tiếc, chỉ tiếc sự nghiệp lớn chưa hoàn thành, người đời sau có hiểu được chí lớn của ta chăng?

    Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Hồ Quý Ly không còn tin vào những quyết đoán táo bạo của mình nữa, chắc ta đã già rồi. Ông chợt thở dài buồn bã.

 

*

      Quả đúng như lời nàng Bình Khương nói, Tháng 9 năm 1406 quân Minh phát động chiến tranh xâm lược nước ta với chiêu bài phù Trần diệt Hồ, mặc dù đã tích cực phòng bị, xây dựng thành lũy kiên cố và huy động quân binh cao nhất, đặt quân phòng ngự giữ những nơi hiểm yếu quan trọng nhất nhưng quân nhà Hồ liên tiếp thua nhiều trận liền. Đúng như lời Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) từng nói với cha mình “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Cuộc chiến tranh đã thu hút được một số lực lượng lớn người dân trong nước đứng lên chống lại nhà Hồ, ngay cả trong quân binh nhà Hồ cũng có nhiều người quay đầu chống lệnh. Chiến tranh giữa hai bên nhanh chóng ngã ngũ, quân binh nhà Hồ liên tiếp thua các trận đánh lớn ở thành Đa Bang, Hàm Tử. Tháng 4/1407 quân Minh đánh tới thànhTây Đô. Cầm cự chẳng bao lâu thì thành vỡ, cha con Hồ Quý Ly kéo tàn binh chạy về cửa biển Kỳ La-Hà Tỉnh thì quân Minh đuổi theo rất gấp. Đến ngày 11,12 thì lần lượt Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương đều bị giặc bắt. Nếu tính từ năm 1400, khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, tự lập làm vua, đóng đô ở Tây Đô cho đến tháng 4 năm1407 khi cha con Hồ Quý Ly bỏ thành chạy về Kỳ La lánh nạn và bị giặc bắt thời gian chỉ hơn 6 năm, phải chăng ứng với lời tiên đoàn nhà Hồ chỉ tồn tại được 6 năm của Hồ Hán Thương hay là ý trời trong bài đồng dao mà nàng Bình Khương đã đợc cho Hồ Quý Ly nghe?

      Có một điều cần phải nói thêm với bạn đọc, cùng thời gian khi cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt giải về Tàu, Thành Tây Đô cũng xảy ra một câu chuyện lạ lùng: Trời đất đang quang đãng, trong vắt bỗng sấm chớp từ đâu nổi lên đùng đùng, từng trận mưa lớn đổ xuống như trút nước, lũ từ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi, sông Chu kéo về ồ ạt như một trận đại hồng thủy. Trời tối mịt mùng, sấm chớp rền vang khắp nơi, nước sôi réo ùng ục như thiên binh vạn mã rầm rập từ đâu kéo về, lẫn trong tiếng gió hú, tiếng sấm vang như còn có tiếng những oan hồn uổng tử cất lên tiếng kêu bi thương, ai oán như đòi mạng,  nhà nào nhà nấy đều hoảng sợ xanh cả mặt mày, ôm chặt lấy nhau mà khóc, người bình tĩnh hơn cuốn vội vài vật dụng cần thiết rồi bồng bế nhau kéo lên đồi cao, núi sâu lánh nạn. Mãi đến ba bốn hôm sau trời mới quang, mưa mới tạnh, mọi người mới lũ lượt nhau kéo về quê cũ. Trong thành Tây Đô thật tiêu điều xơ xác, một phần bị giặc Minh cướp bóc tàn phá, một phần do tác hại khủng khiếp của cơn lũ vừa tràn qua. Rác rến, bùn xình, xác súc vật chết vương vãi khắp nơi, điều đặc biệt đôi rồng đá được chế tác tuyệt mỹ, tượng trưng cho sức mạnh vương triều nhà Hồ tự nhiên biến mất không còn để lại một chút dấu vết nào, không ai hiểu vì sao?(4)

Tháng 1/2018

NGUYỄN AN BÌNH

______________________________________________________________

(1) Theo truyền thuyết: Thành Tây Đô được xây trong 3 tháng thì xong nhưng xét về khối lượng công trình có người cho rằng xây trong 3 năm hay nhiều năm mới xong.

 (2) Hiện nay đền thờ nàng Bình Khương vẫn còn tồn tại sau hơn 600 năm với nhiều lần trùng tu. Ngôi đền tọa lạc dưới chân bờ thành phía đông thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh long huyên Vĩnh lộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đền còn lưu giữ một phiến đá kỳ lạ có in hình giống như đôi bàn tay và chiếc đầu người phụ nữ, người dân cho rằng đó là vết tích đập đầu tự tử kêu oan cho chồng của nàng Bình Khương.

(3) Theo sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành”  của tác giả Phạm Văn Chấy

(4) Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ thì đôi rồng đá trên được người Pháp phát hiện lại vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành nhưng cả hai đều bị mất đầu. nguyên nhân của việc đôi rồng mất cả đầu có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng chưa giả thuyết nào thuyết phục vì chưa trưng ra được những chứng cứ rõ ràng có thể chấp nhận được.