Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021

 CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021



TẢN MẠN NGÀY CUỐI NĂM

 


TẢN MẠN NGÀY CUỐI NĂM

 

Nhẹ tênh tờ lịch cuối cùng

Năm tàn tháng lụn ngập ngừng vừa rơi

Bóng thời gian khép lại rồi

Có chăng còn lại phận người đa đoan.

 

Quẩn quanh sợi khói nhang tàn

Người đi còn thoảng hương trầm đâu đây

Ơn đời biết có trót vay

Mùa sau còn đợi một ngày trổ hoa.

 

Nhẹ tênh ngọn cỏ quê nhà

Nhủ lòng sáo có về qua sông dài

Tha từng sợi nắng vàng phai

Chút lòng thơm thảo ủ hoài hương xưa.

 

Rêu phong mái ngói ngày mưa

Giữa bao dâu bể nhặt thưa tiếng đàn

Chim quyên lẻ bạn lên ngàn

Ngủ quên dưới cội hoa vàng ngày xuân.

 

Nhẹ tênh dòng nước cuối năm

Vô tình cá lội biệt tăm phương nào

Suối nguồn bóng hạc bay cao

Chợt đau dấu ngựa bạc đầu trong sương.

31/12/2020

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI CHIA TAY EM, CƠN MƯA PHÙN ĐÀ LẠT

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

CHIA TAY EM, CƠN MƯA PHÙN ĐÀ LẠT

Ý thơ NGUYỄN AN BÌNH, pjoor thành ca khúc nhạc sĩ MỘC THIÊNG. 
ần đầu tiên một bài thơ tự do dài được nhạc sĩ Mộc Thiêng chọn, chắt lọc lại nội dung, từ ngữ để biến thành ca từ cho một ca khúc. Cám ơn người nhạc sĩ đã chịu khó viết thành ca khúc trong sự đồng cảm vói tác giả. Mời các bạn nghe melody ở đây:




CHIA TAY EM, CƠN MƯA PHÙN ĐÀ LẠT

 

Rồi cũng qua đi tháng mười hai lạnh giá

Tôi chia tay cơn mưa phùn ngày cuối năm

Chia tay cái dáng co ro rét căm căm

Chia tay những sợi tơ giăng qua hồn người màu xám

Nhìn ngọn gió cuốn đi từng chiếc lá kim bay mất

Lặng lẽ hàng thông gầy guộc ẩm ướt trên đồi cao

Con đường quanh co không biết đưa tôi đến một nơi nào

Dốc lên cao lại xuống thấp biết điểm nào dừng em nhỉ

Mưa thành hạt pha lê long lanh trên mái vòm cũ kỷ

Trên chiếc khăn quàng quấn cổ và trên mái tóc dài của em

Tôi thấy em rất xa như làn sương mỏng êm đềm

Bồng bềnh thành đám mây trời trôi về vô định

Lấp xấp có tiếng than van trên mái nhà cổ kính

Phải chăng là khúc hát buồn bã của một loài chim không tên

Đâu đó tiếng ngân nhà thờ một ngày trước giáng sinh

Khi em về ngang qua sau thánh lễ tan rất muộn.

 

Từ ô cửa trọ tôi nhìn xuống mặt hồ

Bất chợt nhận ra con sóng thật cô đơn

Con sóng lao đao đi giữa chợ đời, đi giữa dòng người vội vã

Con sóng mộng du trên từng con dốc dài, trong từng giấc mơ nghiệt ngã

Chia tay em, tôi chia tay cơn mưa phùn

Ôi những cơn mưa phùn không thể nào quên

Như ta chia tay một năm cũ sắp đi qua vậy mà

Mai chỉ còn là nỗi nhớ in trong từng con phố

Mai chỉ còn là rong rêu trên ngôi nhà cổ

Những con dốc một thời em đã đi qua

Cố giấu nỗi buồn và tiếng thở dài xa ngái

Tôi gởi lại núi đồi những buổi chiều mê ngủ

Dây hoa móng rồng xanh níu chân khách lữ

Có mấy bậc thang rêu phong của từng con dốc

Không tìm thấy người thiếu phụ đi tìm bông hoa

Mang tên hạnh phúc cho cuộc đời mình

Mỗi người chúng ta đều giữ trong lòng một ước mơ thầm kín

Ngát hương của một thời tuổi trẻ

Tôi sẽ chẳng còn gặp em ở bất cứ đâu bất cứ nơi nào

Trong một Đà Lạt khói sương trùng trùng mộng dữ

Niềm đau hạnh ngộ sẽ không dành cho một ai

Trong hai chúng ta khi thời gian

Viễn du vào không gian đầy huyễn hoặc

Chia tay cơn mưa phùn Đà Lạt

Chia tay em nhé.


Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

CHIA TAY EM, CƠN MƯA PHÙN ĐÀ LẠT

 


CHIA TAY EM, CƠN MƯA PHÙN ĐÀ LẠT


 Rồi cũng qua đi tháng mười hai lạnh giá

Tôi chia tay cơn mưa phùn ngày cuối năm

Chia tay cái dáng co ro rét căm căm

Chia tay những sợi tơ giăng qua hồn người màu xám

Nhìn ngọn gió cuốn đi từng chiếc lá kim bay mất

Lặng lẽ hàng thông gầy guộc ẩm ướt trên đồi cao

Con đường quanh co không biết đưa tôi đến một nơi nào

Dốc lên cao lại xuống thấp biết điểm nào dừng em nhỉ

Mưa thành hạt pha lê long lanh trên mái vòm cũ kỷ

Trên chiếc khăn quàng quấn cổ và trên mái tóc dài của em

Tôi thấy em rất xa như làn sương mỏng êm đềm

Bồng bềnh thành đám mây trời trôi về vô định

Lấp xấp có tiếng than van trên mái nhà cổ kính

Phải chăng là khúc hát buồn bã của một loài chim không tên

Đâu đó tiếng ngân nhà thờ một ngày trước giáng sinh

Khi em về ngang qua sau thánh lễ tan rất muộn.

 

Từ ô cửa trọ tôi nhìn xuống mặt hồ

Bất chợt nhận ra con sóng thật cô đơn

Con sóng lao đao đi giữa chợ đời, đi giữa dòng người vội vã

Con sóng mộng du trên từng con dốc dài, trong từng giấc mơ nghiệt ngã

Chia tay em, tôi chia tay cơn mưa phùn

Ôi những cơn mưa phùn không thể nào quên

Như ta chia tay một năm cũ sắp đi qua vậy mà

Mai chỉ còn là nỗi nhớ in trong từng con phố

Mai chỉ còn là rong rêu trên ngôi nhà cổ

Những con dốc một thời em đã đi qua

Cố giấu nỗi buồn và tiếng thở dài xa ngái

Tôi gởi lại núi đồi những buổi chiều mê ngủ

Dây hoa móng rồng xanh níu chân khách lữ

Có mấy bậc thang rêu phong của từng con dốc

Không tìm thấy người thiếu phụ đi tìm bông hoa

Mang tên hạnh phúc cho cuộc đời mình

Mỗi người chúng ta đều giữ trong lòng một ước mơ thầm kín

Ngát hương của một thời tuổi trẻ

Tôi sẽ chẳng còn gặp em ở bất cứ đâu bất cứ nơi nào

Trong một Đà Lạt khói sương trùng trùng mộng dữ

Niềm đau hạnh ngộ sẽ không dành cho một ai

Trong hai chúng ta khi thời gian

Viễn du vào không gian đầy huyễn hoặc

Chia tay cơn mưa phùn Đà Lạt

Chia tay em nhé.

NỖI NIỀM CÙNG TẬP THƠ “MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ” CỦA CỐ NHÀ THƠ TRÚC THANH TÂM

 NỖI NIỀM CÙNG TẬP THƠ “MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ” CỦA CỐ NHÀ THƠ TRÚC THANH TÂM

      Những ngày cuối tháng 12/2020 tôi nhận được tập thơ “Mây TRẮNG SAU NHÀ” của cố nhà thơ Trúc Thanh Tâm do bạn Nguyễn Đức Phú Thọ, phân hội trưởng văn học của An Giang gởi tặng. Theo Phú Thọ đây là tập thơ được Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật An Giang tài trợ kinh phí chọn in từ các tập bản thảo cá nhân hoặc chưa xuất bản  do chị Thanh Mai vợ nhà thơ Trúc Thanh Tâm lưu giữ.

    Nhận được tập thơ tôi rất vui nhưng cũng không khỏi bùi ngùi. Tôi và nhà thơ Trúc Thanh Tâm quen nhau từ hơn nửa thế kỷ trước khi anh còn ở Cần Thơ, lúc đó anh cùng Trần Duy Cang hoạt động trong thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy, còn tôi cùng Thạch Long hoạt động trong nhóm Tình Thơ. Tuy hoạt động trong hai nhóm thơ văn khác nhau nhưng chúng tôi chơi với nhau khá thân. Có một thời gian chúng tôi định sát nhập 2 nhóm lại với tên mới là Văn Nghệ Cần Thơ nhưng không thành vì thời cuộc và điều kiện sinh hoạt khá khác biệt. Một thời gian sau năm 1975 anh chuyển về Châu Đốc và hoạt động văn nghệ ở đó. Tôi lang thang dạy học xứ người hơn 5 năm rồi cũng quay về Cần Thơ sinh sống, viết lại sau một thời gian dài ngừng bút. Xin gởi đến các bạn bài viết của tôi về thơ Trúc Thanh Tâm viết từ 7 năm trước khi anh còn sống.




                 TRÚC THANH TÂM - TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
                 TRONG NHỮNG BÀI THƠ THỜI CHIẾN 
                                                         * Nguyễn An Bình


        PHẢI GẦN 38 NĂM SAU tôi mới có dịp gặp lại Trúc Thanh Tâm, mặc dù có thời gian khá dài chúng tôi ở cùng chung một thành phố, nhà của Trúc Thanh Tâm cũng không xa nhà tôi mấy ( tôi ở đường Lý Thái Tổ còn anh ở đường Quang Trung, nơi đây có Sân vận động, thường có những chiếc trực thăng đáp xuống để chuyển thương... ). Sau hòa bình 15 năm, anh về Châu Đốc định cư hẳn.
     Được gặp lại anh, trong một ngày xuân ấm áp ở quê nhà, bên mấy ly bia và một dĩa khô nhỏ bên con rạch Cái Khế nhìn ra ngoài sông gió thổi lồng lộng với dãy đèn đêm vàng hực in hình trên bóng nước lấp loáng mới cảm nhận hết được thời gian trôi qua nhanh như một giấc mộng.           
        Người xưa thường nói “Bóng câu cửa sổ”, ngày trước đi học được thầy giảng dạy cho hiểu nhưng cũng không thật để tâm lắm đến ý nghĩa sâu xa của nó, bây giờ mới thật thấm thía “đời có bao lâu mà hững hờ”. Hai anh em ôn lại thời còn làm văn nghệ trước 1975, hỏi thăm nhau bạn bè văn nghệ xưa ai còn ai mất mà cảm xúc khôn nguôi.

      Gặp lại Trúc Thanh Tâm, có dịp đọc lại thơ anh trên các trang mạng cảm giác đầu tiên của tôi là anh vẫn giữ được những tình cảm chân thật, sâu lắng và có thể nói là vẫn thủy chung, tha thiết với tình yêu quê hương, với những kỷ niệm một thời đi học và những mối tình đâu đó chợt đi qua trong tâm hồn nhà thơ, có điều nó đã được nâng lên ở một cấp độ cao hơn, tinh tế hơn và cũng thật hơn. Thơ anh viết gần như tự nhiên, gần gũi với cuộc sống, những câu thơ viết cho bạn bè, người thân, và cho những người tình không quen biết đều thấm đượm sự chân tình, giàu cảm xúc hình ảnh, xen lẩn những lời thơ hóm hỉnh đáng yêu, đời thường không cường điệu, chính vì thế làm cho người đọc thơ anh cảm thấy thích thú như thấy trong bài thơ anh đâu đó có mình trong đó. Tôi có đọc một số comment của một số độc giả trẻ trên blogs Trăng Nguyên Thủy của anh bày tỏ sự ái mộ và có bạn lại hỏi khéo nhà thơ chừng nào in thơ để được đăng ký là một trong những người ủng hộ đầu tiên thì cũng đủ thấy thơ Trúc Thanh Tâm đã thật sự có chỗ đứng vững vàng trong lòng người yêu thơ.
     Chẳng hạn như trong bài "Ví Dụ" có những câu thơ làm người đọc bật cười trước lời tỏ tình như một ví dụ ướm thử để khỏi đau lòng, bất ngờ khi bị người đẹp từ chối và sự trả lời rất ngây thơ nhưng cũng rất chân thật dễ thương trước một thực tế khá phũ phàng của cuộc sống:

     Cứ là ví dụ, vợ chồng
   Đừng nghe thiên hạ dối lòng, bán mua
   Nhỏ cười chúm chím, mây mưa
   Sống cùng thi sĩ vẽ bùa, ăn thơ.


     Một bài thơ khác “Chuyện cổ tích” mà anh ký tặng tôi khi anh về Cần Thơ mới đây cuối tháng 9 vừa rồi, khi ngồi cùng nhau bên tiệc rượu nhỏ: anh, tôi, Trần Duy Cang đã cùng ôn lại những kỷ niệm làm văn nghệ thời đó, cũng có những đoạn thơ đáng yêu như thế:

    Trệt đất xuống cho mát trời ông địa
   Nước mắt quê hương uống thét phát ghiền
   Mấy thằng nam đừng chơi gian lận
   Lót long đền, phái nữ họ ghen !

 
     Món dân dã, lai rai tới bến
   Đâu ở đâu, lại giống xứ mình
   Trước khi chết còn xuống câu vọng cổ
   Bạn ta cười, vỗ vế, y kinh !


       Và rồi anh cũng nhận ra cuộc đời vốn dĩ cũng chỉ là phù du, ngắn ngủi thì chúng ta hãy xem như là một “Chuyện cổ tích”, có lẽ Trúc Thanh Tâm muốn thế và anh cũng mong bạn bè anh nghĩ thế.
 
     Mấy chục năm, biết trên biết dưới
   Có chìm xuồng cũng hú hí cho vui
   Hương một thuở nghe còn thơm phức
   Nhằm nhò gì, chuyện cổ tích, trời ơi !

         Nhưng ở đây tôi muốn nhắc đến thơ anh ở một bình diện khác: Một Trúc Thanh Tâm với nỗi khắc khoải khôn nguôi về tình yêu quê hương trong những bài thơ thời chiến trước 1975.
     Thời ấy chúng tôi yêu văn nghệ, thích làm thơ viết văn và tự tìm đến nhau một cách vô tư, trong veo không vướng bận những ganh đua vẩn tục thường tình. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, khi tôi bước vào giảng đường đại học thì anh đã là người lính trong thời chiến nhưng không vì thế giữa chúng tôi có sự ngăn cách. Tôi không nhớ quen anh từ lúc nào nhưng có lẽ từ lúc gặp nhau trong buổi ra mắt tập thơ Như Lá Me Sầu của Mặc Uyên Thi (tên thật Trương Chí Tiến, sau nầy là giảng viên Đại Học Cần Thơ) ở một quán cà phê bên đường Mạc Tử Sanh khoảng năm 69-70 gì đó. Lúc ấy anh cùng với Mặc Uyên Thi lập nhóm Hoa Thời Gian và hoạt động khá đều trên báo chí, sau đó không lâu anh hợp nhất với Trần Duy Cang ( còn có bút danh Nguyên Thy Hồng), Trần Hòa Nhã và Hoàng Linh Trung thành lập Thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy. Đây có lẽ là thời kỳ Trăng Nguyên Thủy hoạt động sôi nổi nhất, lúc ấy anh có gởi tặng tập thơ của nhóm, qui tụ thêm được một số bạn thơ sinh viên như Lê Vũ Hùng, Nguyễn Thanh Hùng, Hồ Ngọc Ẩn, Bùi Thị Sại...Từ Trăng Nguyên Thủy, ít lâu sau Trúc Thanh Tâm và Trần Duy Cang thành lập Văn nghệ Cần Thơ, tới cuối năm 1974 thì mất dấu.
      Rất tiếc sau năm 1975 những tập thơ ấy tôi không còn giữ được ( có lẽ bạn bè cũng không còn ). Tuy không hoạt động văn nghệ chung nhóm với anh nhưng chúng tôi vẫn chơi với nhau thật thân tình, gần gũi. Còn nhớ thời kỳ ấy văn nghệ miền Tây phát triển một cách tự phát nhưng không gì thế mà không có sự gắn kết với nhau.
        Ở Vĩnh Long có Thi văn đoàn Áng Thơ Đêm của Trần Mộng Hoàng, Mỹ Tho có Văn nghệ Mây Đỉnh Cao của Thanh Uyên Vũ…, chúng tôi đều có liên hệ, trao đổi. Làm sao quên được những kỷ niệm một thời làm văn nghệ thuở ấy, lúc Trần Mộng Hoàng ra mắt tạp chí Tham Dự số 1 khoảng năm 70, tôi cùng Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, Lê Vũ Hùng ( sau nầy là thứ trưởng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo - đã mất) đã qua dự, chúng tôi có dịp quen thêm các nhà văn nhà thơ như Việt Chung Tử, Mai Trúc Linh….
       Còn nhớ giữa trưa nắng chói chang, chúng tôi với hai chiếc Honda cà tàng đến Tam Bình thăm Mai Trúc Linh ( lúc bấy giờ đang là phó quận ). Con đường vào quận vắng vẻ, ruộng đồng xác xơ mà ai cũng biết là không nên qua lại sau 5,6 giờ chiều vì có thể một viên đạn lạc nào đó găm vào mình và mãi mãi ta không biết viên đạn đó xuất phát từ đâu, bên nầy hay bên kia. Chiến tranh thời ấy khốc liệt như vậy. Nói như thế để thấy được niềm say mê gặp gỡ, giao lưu Văn nghệ của chúng tôi lúc ấy mạnh mẽ như thế nào.
       Chúng tôi cũng thường đọc thơ nhau khi bài được đăng trên báo. Ở Trúc Thanh Tâm tôi nhớ nhất là những bài thơ của anh đăng trên nhật báo Tin Sáng lúc bấy giờ. Phải nói rõ thêm nhật báo Tin Sáng thời ấy là một tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn, do dân biểu Ngô Công Đức đứng tên, tôi và anh đều có bài cộng tác ở trang Thơ Thời Chiến do dân biểu Kiều Mộng Thu phụ trách. Thơ anh xuất hiện khá đều đặn. Điều đó cũng dễ hiểu, bấy giờ anh là nhà thơ mặc áo lính nên không khí, hơi thở chiến tranh, tình yêu quê hương và những nỗi xót xa trước cuộc chiến được anh tiếp cận, thể hiện khá rõ nét.
       Mặc dù lúc ấy tôi đã vào đại học , thường làm thơ tình học trò nhiều hơn là những loại thơ khác, nên thơ chưa cảm nhận gì nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh nhưng tôi lại thích đọc thơ của những nhà thơ mặc áo lính lúc bấy giờ như Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Trần Dzạ Lữ, Hồ Chí Bửu, Phù Hư, Kim Tuấn… nên sau nầy tôi có dịp so sánh thơ anh gần gũi với thơ Kim Tuấn hơn cả. Sự khốc liệt, trần trụi, tàn nhẫn đôi khi tuyệt vọng trước một cuộc chiến mà hai tiếng hòa bình hình như còn quá xa vời thể hiện rõ nét ở thơ của Hồ Chí Bửu, Trần Dzạ Lữ, Du Tử Lê; nhuốm màu quan tái như các bài Ngậm thẻ qua sông, Đồn sơn yểm, Quân bộ khúc của Phù Hư; cao ngạo ngang tàng coi đó như trò đùa của con tạo, rong chơi cùng vũ khí như trong thơ của Luân Hoán. Ở thơ Kim Tuấn nhất là những bài thơ khi ông còn là lính đồn trú ở Pleiku, nỗi xót xa về cuộc chiến như một vết sẹo đau buồn không tránh được nó phảng phất ăn sâu vào tâm hồn nhà thơ:
 
     Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
   Trong thời chiến tranh mấy lần xuôi ngược
   Lửa đỏ đồng hoang người chết bên đường
   Máu thẩm bên bờ ruộng đất quê hương
   Tháng giá mùa đông không còn áo mặc

...
 
    Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
   Câu chuyện mười năm buồn như cắt ruột
   Lửa ngày xưa cháy quê hương.

                               (Kim Tuấn - Lửa đỏ mười năm)

       Thì ở trong thơ Trúc Thanh Tâm cuộc chiến cũng đồng nghĩa với chết chóc, với đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp,thay thế được:
 
   Như Việt Nam nầy ngày tháng đau thương
   Như ta một lần rồi cũng bỏ trường
   Như thầy của ta bỏ màu áo đạo
   Như bạn bè ta chết giữa thê lương !

 
     Nên ta bây giờ ghét kẻ cuồng ngông
   Nhìn máu Việt Nam chảy đỏ theo sông
   Nhìn từng lớp xương, nhìn từng xác thịt
   Nhìn từng mái đầu chít vội khăn tang !

 
     Hăm ba tuổi đời, ta vẫn là ta
   Việt Nam vẫn thêm hận tủi chan hòa
   Ta thấy cổ truyền Á Đông như mất
   Lỡ nhận kiếp người đành nhận xót xa !

                                                          (Một trái tim - 1970)
 
       Hay trong một bài thơ khác, Trúc Thanh Tâm cho ta thấy một hình ảnh quê hương với những cảnh đời bất hạnh, mà người ta cố tình phung phí máu xương như một món hàng rẻ mạt:
 
     Buổi sáng qua đường gặp người ăn xin
   Việt Nam đau thương, Việt Nam tội tình
   Thế kỷ hai mươi, con người tranh sống
   Thành phố Sài Gòn mọc nhiều building !

 
    Chiến cuộc kéo dài, người bỏ nhau đi
   Đứa trẻ không cha lúc mới chào đời
   Nước mắt mẹ rơi, nồi da xáo thịt
   Những dòng sông buồn có những thây trôi !

 
     Ta khóc cho người, ta khóc cho ta
   Khóc cho Việt Nam hận tủi chan hòa
   Em hãy lớn khôn để mà hiểu rõ
   Cuộc đời không ngoài hình thức đám ma !

 
     Đói rách vẫn còn triền miên đó em
   Hãy nhớ nghe em đừng có sai lầm
   Dù cho người đời bon chen đến mấy
   Xin nhớ một điều, linh hồn Việt Nam !

 
    Xa xí phẩm nào rẻ như máu xương
   Em hãy về đốt một nén hương
   Cho người đã chết và đang chết
   Giọt máu Việt Nam định nghĩa chiến trường !
                                                  
 (Giọt máu Việt Nam - 1970)
 
       
Để thấy được phút giây đợi chờ ngày đất nước ngưng tiếng súng, quê hương ruộng đồng thôi máu chảy, xác xơ nó thiêng liêng mầu nhiệm đến mức nào, nó như òa vỡ ra như ngọn lửa hòa bình bùng cháy trong tim mỗi người:
 
    Ta cũng một lần nói tiếng thủy chung
   Yêu em nghe sao đau khổ tột cùng
   Rách nát quê hương, một dòng máu chảy
   Ta ở bên nầy, em bên kia sông !
………

 
   Đời còn được gì sau những bình minh
   Bao người đấu tranh, nào phải tội tình
   Tham vọng điên cuồng mà em thấy đó
   Đất nước mình nghèo nhưng giàu những lương tâm !

 
     Em hãy bây giờ gần lại anh hơn
   Để thấy trong nhau giọt nước mắt buồn
   Để thương người sống không về nữa
   Đất trổ hoa màu dù lắm mưa bom !

 
    Ta cũng một lần nói tiếng yêu em
   Ta cũng một lần nghe những khát thèm
   Ta cũng một lần nghe người tự thú

   Ngọn lửa hòa bình cháy mãi trong tim !  
                                                ( Phút đợi chờ - 1970 ) 
                                                     
       Anh mơ ước được tay nắm lấy bàn tay, hình dung một đất nước hòa bình như thế nào và tình yêu như ngọn lửa hồng được nhóm lên trong đêm đông giá rét làm ấm lòng đôi trai gái bền bĩ chờ nhau qua những năm tháng chiến tranh,thật đẹp biết bao:
 
    Hành trang anh còn nặng tình xứ sở
   Những tủi hờn, những kỷ niệm chưa vơi
   Nên tình em, anh vẫn chưa ngỏ ý
   Sợ mai kia, em lỡ mất cuộc đời !

 
    Em có nghe trong nỗi sầu con gái
   Trời mùa đông, ai nhóm bếp lửa hồng
   Đất mẹ ơi, còn hai miền Nam, Bắc
   Một chiếc cầu thương nhớ một bến sông !

 
    Anh còn gì, những tháng ngày cơm áo
   Em được gì, những kiến thức bán mua
   Trong can qua, người giành nhau sự sống
   Thương nhau hơn giữa xã hội lọc lừa !

 
    Anh hình dung một hòa bình mai mốt
   Khi chiến tranh thật sự đã an bày
   Anh trở về với tình anh buổi trước
   Em thẹn thùng, tay nắm lấy bàn tay !

                                  (Tay Nắm Bàn Tay - 1971)
        Tôi biết ở nước ngoài có một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng lúc còn ở Việt Nam tập hợp những bài thơ tình miền Nam thời chiến in thành tuyển tập, trong nước không biết có nhà nghiên cứu, biên khảo văn học nào chú ý đến mảng đề tài nầy không, nếu có một ngày đẹp trời nào đó tuyển thơ “THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN” ra mắt thì Trúc Thanh Tâm xứng đáng có mặt trong tác phẩm đó và tôi hy vọng ngày đó không còn xa nữa.
                                       Bên bờ sông Hậu, tháng 11/2013
                                               NGUYỄN AN BÌNH 

 

 

 

 

 


Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI THU HÀ NỘI TRONG MẮT EM

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

THU HÀ NỘI TRONG MẮT EM

Thơ NGUYỄN AN BÌNH(từ bài thơ ĐI TÌM MÙA THU HÀ NỘI), phổ thành ca khúc nhạc sĩ PHAN BÁ KIỆT(Cần Thơ). Cám ơn ông anh ỏ quê nhà rất nhiều


GÕ CỬA MÙA THU HÀ NỘI

 

 

Tìm trong màu mắt em trong

Hương sen Tây Hồ thơm ngát

Tiếng sâm cầm trong sương sớm

Mênh mông bờ bãi sông Hồng.

 

Qua cầu Long Biên thép gỉ

Thấy một Hà Nội trầm tư

Theo em dịu dàng xuống phố

Mơ gì trên những cửa ô?

 

Tìm trong Hà Nội nồng thơm

Sắc hoa Ngọc Hà xưa cũ

Ai gánh mùa thu qua đó

Ngậm ngùi lăng miếu ngàn năm.

 

Tiếng chuông buông chiều lặng lẽ

Se lòng cỏ biếc chân đê

Khẻ chạm vào từng vân đá

Nghe hồn thiên cổ quay về.

 

Vàng tươi trên từng tán lá

Nắng dịu dàng theo gót em

Mùa thu khẽ khàng tha thiết

Long lanh bóng nước Hồ Gươm.

 

Gõ cửa mùa thu Hà Nội

Chút tình sương khói mong manh

Mùi cốm vòng trong se lạnh

Nghiêng lòng Hà Nội vào đêm.

         8/11/2017


Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY MƯA CUỐI

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY MƯA CUỐI

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ KỲ ANH

Cám ơn người bạn nhạc sĩ rất nhiều


ĐÀ LẠT, NHỮNG NGÀY MƯA CUỐI

 

Có đôi lúc lòng mình như tự hỏi

Tôi lại về hứng mưa bụi trong sương

Thì ra nhớ góc sầu nơi phố núi

Thật dịu dàng mùi cỏ dại ngái hương.

 

Đôi bạn trẻ đi trong làn mưa nhỏ

Dưới tán dù tim tím thật dễ thương

Tôi đứng dưới mái chợ lầu cổ kính

Lạnh se người biết em nhớ hay quên?

 

Khăn quàng đỏ có làm em đủ ấm

Dưới chân đồi nghe lá gọi thông reo

Mỗi con dốc đi qua chân mới thấm

Lời thở than hoang hoải dưới chân đèo.

 

Hiên nhà gỗ nghe phong linh gõ nhịp

Mái vòm cong chim ngơ ngác trầm tư

Trong quán vắng chút cà phê ngọt đắng

Có mềm lòng thao thức khúc tình ca.

 

Tôi vẫn thích ngắm nhìn em như thế

Như nàng tiên từ cổ tích bước ra

Con bướm lạc từ cánh rừng gai nhọn

Tuổi thần tiên ngày ấy vẫn chưa xa.

 

Chiều cuối năm tôi lại về phố núi

Gió cao nguyên thổi lồng lộng mây mù

Mùi khoai nướng thơm lừng trong cái rét

Đêm trở mình sợi tóc cũng tương tư.

 

Từng giọt nước rót từ lòng dâu bể

Thả xuống hồ thành ngọn sóng long lanh

Con mắt nhớ một ngày mưa không dứt

Cỏ vẫn mềm và nỗi nhớ vẫn xanh.

 

Đà Lạt không quên những ngày mưa cuối

Một người quen ngồi thả lá bên cầu

Trong sương khói bàn tay còn chút ấm

Lạnh đất trời một thuở có tìm nhau?

Đà Lạt-Sài Gòn, 9-19/12/2020


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

BÀI VIẾT " PHẠM THIÊN THƯ - NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG"

 BÀI VIẾT " PHẠM THIÊN THƯ - NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG"

TRÊN TẠP CHÍ NGÔN NGỮ SỐ 11 THÁNG 1-2/2021 XUÂN TÂN SỬU XUẤT BẢN TẠI HOA KỲ 



 


 

PHẠM THIÊN THƯ- NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG

                                                                   * NGUYỄN AN BÌNH

 

Khi tôi chuyển về Sài Gòn sinh sống, đó là một cơ hội để tôi được giao du, tiếp xúc gặp gỡ những văn nghệ sĩ thành danh mà mình nghe tiếng hoặc ái mộ, họ có những tác phẩm được nhiều người biết đến trước và sau năm 1975 và nhà thơ Phạm Thiên Thư là một trong những người tôi có cái duyên hội ngộ như thế. Tôi gặp nhà thơ lần đầu sau khi ông đã trải qua cơn đột quỵ thứ hai, tuy đã thoát qua cửa ải tử sinh nhưng thần thái không còn mẫn tiệp như trước, tuy nhiên ông vẫn nhớ được nhiều người nhiều việc, vẫn còn sáng tác trong chừng điều kiện sức khỏe cho phép. Ngồi với ông trong các buổi ra mắt của tập san Quán Văn ở quán cà phê Lọ Lem, hay trong chùa Linh Bửu ở Quận 8 hoặc có dịp cùng các bạn văn đến thăm ông ở quán cà phê Hoa Vàng. Nói đến quán cà phê Hoa Vàng các bạn yêu nhà thơ Phạm Thiên Thư thì ai cũng biết, nó nằm trên đường Hồng Lĩnh, một con đường nhỏ khá vắng trong khu cư xá Bắc Hải thuộc quận 10 Tp Hồ Chí Minh, lúc đó trông nhà thơ giống như tiên ông đang phiêu diêu giữa chốn trần gian còn nhiều tục lụy, trong bộ quần áo đời thường ông ngồi im lặng như một thiền sư chiêm nghiệm, một triết gia thâm trầm trong làn khói tỏa từ tẩu thuốc ông hút như một vật bất ly thân, mắt mơ màng nhìn cõi đời một cách ung dung tự tại làm tôi liên tưởng đến một hành giả đã rũ bỏ lòng trần đang trở về non để tìm Động Hoa Vàng ngủ một giấc thật say.

Căn nhà ở đường Hồng Lĩnh nơi ông ở tầng dưới là quán cà phê lấy tên Hoa Vàng nơi người vợ sau của ông kinh doanh để mưu sinh, phía bên kia đường đặt một vài cái bàn, một ít cái ghế để cho khách thập phương thích không khí đường phố ngồi uống cà phê chuyện trò và nơi đây cũng là chỗ ngồi thường xuyên của ông với tẩu thuốc luôn thả khói. Có một giai thoại thú vị về thời kỳ quán cà phê Hoa Vàng mới mở: Vì chưa có nhiều khách nên ông vừa là tiếp viên vừa kiêm luôn việc giữ xe cho khách. Nhiều cô cậu tuổi teen thích những ca khúc phổ từ thơ Phạm Thiên Thư tìm đến Hoa Vàng để được xem “chàng hoàng tử” của “nàng Hoàng Thị Ngọ” ra sao, gửi xe xong hỏi ông lão giữ xe: “Nhà thơ Phạm Thiên Thư có ở đây không ạ?”. Lão giữ xe cục mịch cười “khoe” hàm răng vẩu: “Ông ấy đi vắng rồi”.  

 Trước mặt chỗ ông ngồi có đặt một tảng đá lớn và thường xuyên có cắm vài đóa cúc vàng còn tươi. Bạn bè đến thăm ông để ý ở mỗi địa điểm cư ngụ mà ông đi qua đều có sự hiện diện của hoa vàng, có lẽ trong cuộc đời thi sĩ hoa vàng là một biểu tượng gắn liền với những ký ức, cuộc tình không quên nào đó chăng? lần ông kể với bạn bè : “Năm 1942, khi cả gia đình còn ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh (Hải Dương), bố tôi mua hẳn ngọn đồi Phượng Hoàng. Hoa cúc dại vàng mọc mênh mông, bát ngát chạy dài che khuất đường chân trời”. Chính hình ảnh hoa vàng ấy đã theo ông suốt cả từ thời niên thiếu đó cho đến khi vào Nam, hoa vàng luôn có mặt những nơi ông ở và nó xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó trở thành một biểu tượng xuyên suốt, một nỗi hoài niệm khôn nguôi trong lòng nhà thơ.

Trở lại với bài thơ Động Hoa Vàng, ta cũng nên tìm hiểu một chút về sự ra đời của nó: Trước năm 1975 ở miền Nam sống trong bầu không khí chiến tranh đầy bất an, lòng người chán chường luôn tìm cách thoát khỏi cái không khí ngột ngạt chết người, đúng trong thời điểm đó xuất hiện những nhạc phẩm thật trong sáng lãng mạn nói về tình yêu học trò, thanh niên học sinh thời ấy ai mà không si mê các ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thơ Phạm Thiên Thư, nó như một làn gió mới nổi đình nổi đám tràn qua các đô thị miền Nam thời bấy giờ.

Sự kết hợp thơ nhạc giữa Phạm Duy và Phạm Thiên Thư hình như có mối duyên kỳ ngộ thì phải: Bản thân nhạc sĩ khi đọc thơ của Phạm Thiên Thư đã nhận ra rằng những bài thơ về đạo của nhà thơ lại rất gần với đời nên trong lúc hứng khởi ông đã phổ một loạt 10 bài đạo ca vào năm 1971 và từ duyên nghiệp đó lại chính là chiếc cầu nối để Phạm Duy phổ những bài thơ tình của Phạm Thiên Thư, tính ra khoảng 15 bài tình ca ra đời sau đó như: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa nầy, Gọi em là đóa hoa sầu. Loài chim bỏ xứ...

Sau nầy trong hồi ký của Phạm Duy, người nhạc sĩ cũng cho ta thấy rõ điều đó: Khoăng năm 1970, nhạc Phạm Duy đã trải qua một chặng đường dài phổ biến trong các đô thị miền Nam, ông sáng tác rất nhiều thể loại từ dân ca, tình ca, vỉa hè ca, hoan ca, tục ca, tâm phẫn ca...sáng tác của Phạm Duy đang đi vào bế tắc. Ngay thời điểm đó, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, ông bắt gặp những vần thơ thanh thoát, nhẹ nhàng, vừa mênh mang lại thâm trầm, nửa đạo nửa đời, chứa đựng thiền ý sâu xa của người tu sĩ làm thơ Thích Tuệ Không(pháp danh của Phạm Thiên Thư lúc bấy giờ). Phạm Duy đã tìm ra lối thoát cho việc sáng tác nhạc của mình và những bài Đạo ca được ra đời từ ấy. Cũng trong mối duyên thơ nhạc đó, những bài tình ca dựa vào thơ của Phạm Thiên Thư cũng lần lượt ra đời tạo nên một làn sóng hâm mộ trong lòng người yêu nhạc.

Ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” là một ca khúc nổi tiếng đi vào lòng người yêu nhạc từ những năm đầu thập niên 1970 cho mãi đến bây giờ được Phạm Duy chọn lọc, lấy ra những câu thơ ấn tượng nhất trong bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư để viết ra. Phạm Duy đã từng viết về điểu nầy: “Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. (Trích Vang Vọng Một Thời – Mùa hè, 2012)

Động Hoa Vàng là một tập trường thi gồm 100 khúc thơ lục bát(mỗi khúc 4 câu) thể hiện tâm thức của một hành giả giác ngộ trước cuộc sống nhân sinh đầy bất trắc muộn phiềnmuốn thoát ly sinh tử tìm về cội nguồn vĩnh cửu của cái đẹp thiên tiên không vướng bụi trần và những tục tụy buông bỏ lại sau lưng. Thoát khỏi vòng luân hồi chìm đắm trong cõi nhân sinh phiền muộn là ý muốn của nhiều người khi đời đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Ta biết tác phẩm Động hoa vàng được Tuệ Không, tức Phạm Thiên Thư viết ra trong một hoàn cảnh đất nước chiến tranh, giữa một xã hội và thời sự đảo điên, lối sống thực dụng băng hoại nên lời thơ muốn thoát đi những dung tục đó tìm về một thế giới yên bình, hạnh phúc đơn sơ gắn bó với thiên nhiên như sông suối, đồi cỏ, mây hồng, triết lý của đạo phật phảng phất trong từng câu thơ, hình ảnh. Những ai yêu thích, say đắm bài thơ Động Hoa Vàng chắc sẽ bất ngờ khi biết nhiều hình ảnh, ý tứ của bài thơ được nhà thơ lấy cảm hứng từ căn gác gỗ ở khu cù lao Phan Xích Long. Hay nói một cách nào đó, khu cù lao Phan Xích Long chính là “động hoa vàng” thu nhỏ của Phạm Thiên Thư thời kỳ đó. Cũng chính nơi đây, ông đã trải qua những năm tháng sáng tác rực rỡ nhất trong cuộc đời mình. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ như Trụ Vũ, Thụy Long, cũng là nơi lui tới bàn chuyện con chữ thế sự của Phạm Duy, Sơn Nam... Năm 1968, gia đình nhà thơ mua 400m2 đất ở khu cù lao. Rồi ông sáng tác thi phẩm Động hoa vàng với 100 đoạn thơ trong giai đoạn nầy. Mỗi đoản khúc đượcmột tiếng hót của loài dị điểu, sẵn sàng yêu và chết, và để tiếng hót của mình rơi rụng trên giang.

Nói về Phạm Thiên Thư có người nhận xét: “người hiền sĩ ngồi bên lề cuộc sống ta bà, lặng yên thi hóa kinh phật”. Đọc thơ ông, ta tìm thấy những điều phong phú và mới lạ về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Giữa một thời đạn lửa, ông bình thản lập cho mình một cõi thi ca riêng: trong trẻo, trữ tình và đậm chất Thiền…

Trước hết Động hoa vàng theo tôi là một bài thơ ...tình chứa đậm rất nhiều thiền ý và gã từ quan trong bài cũng là người hành giả đang lang thang suốt đời luôn đi tìm một tình yêu trong sương khói mịt mù:

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Cái tình ấy bắt đầu từ việc “ Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, người ta những tưởng cái gã từ quan ấy chán ngán mệt mỏi lắm rồi sự gò bó của chốn quan trường đầy xu nịnh, buông bỏ tất cả lên non tìm sự nhàn nhã thanh thản trong phần đời còn lại của mình nhưng không phải thế, nó lại mở ra một cõi tình mênh mông, nỗi khao khát kiếm tìm tỉnh yêu trong một không gian đầy sương khói mờ ảo và mộng mị. Cái tình trong tác phẩm bàng bạc khắp nơi nhưng đó không phải là cái tình dung tục mà là một bản tình ca đôi lứa, có sự hòa quyện giữa đạo và đời đậm hương vị thiền. Giữa đạo và đời, giữa tình yêu và thiền học những tưởng không thể dung hòa với nhau được thế mà cái nhân vật trữ tình ấy, cái gã từ quan ấy mà tôi gọi đó là một hành giả lại vương vấn ở giữa hai dòng nước đời và đạo, giữa tình yêu trần tục và phật pháp trong bản ngã của mình.

Chẳng vậy mà trong suốt 100 khổ thơ lục bát 4 câu được dành nói về nàng, về nét đẹp của người thiếu nữ trong thơ được Phạm Thiên Thư diễn tả trong nhiều mối quan hệ biến hóa thiên hình vạn trạng, khi thì mờ mờ ảo ảo như sương khói khi thì lồ lộ rất trần thế nhưng không dung tục, ngay từ đầu ta đã thấy:

Mười con nhạn trắng về tha
          Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
          Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
          Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

Nhà thơ như muốn gởi một thông điệp đến người đọc một cảm thức một tình yêu thi vị đầy thiên tiên, người tình được nhìn,cảm nhận bằng một ngôn ngữ trong veo đầy thiền vị:

 Em nằm ngó cội thu xanh
          Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
          Về em vàng phố mây trời
         Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

       Nỗi buồn, nỗi đoạn trường lại được nhắc đến rất nhẹ nhàng:
         Thì thôi tóc ấy phù vân
         Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
        Thì thôi mù phố xe đường
       Thì thôi thôi nhé đoạn trường thế thôi”

Đôi khi những kỷ niệm của tình yêu chợt ùa về trong tâm tưởng tạo nên sự hoài niệm khôn nguôi về những ngày xưa cũ nhưng thật tinh khôi:

Nhớ xưa em chửa theo chồng
         Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
        Mùa thu áo biếc da trời
        Sang đông em lại đổi dời áo hoa

Trong một đoạn thơ khác, Phạm Thiên Thư đã dùng hình tượng con chim để nói lên điều đó:

Con chim mùa nọ chưa chồng
          Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
          Từ em giặt áo đông tơ
         Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

trong Động Hoa Vàng ta còn bắt gặp những hình ảnh gần gủi quen thuộc trong điển tích hay trong cổ thi được nhà thơ vận dụng một cách khéo léo nhuần nhuyễn để hiện chủ đích của mình:

Ta về rũ áo mây trôi
          Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
          Rằng xưa có gã từ quan
          Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Đoạn thơ làm ta nhớ đến Từ Thức gặp tiên trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, chán ngán trước những ràng buộc, gò bó của chốn quan trường mà treo ấn từ quan đi chu du thiên hạ còn ở Phạm Thiên Thư ông có làm quan đâu mà từ, như vậy nó chỉ là một cái cớ, một tiền đề thể hiện quan niệm sống của một tu sĩ có pháp danh Tuệ Không xem đời chỉ là cõi phù vân nên “rũ áo mây trôi” và bắt đầu cái ý tưởng phiêu bồng bằng việc “Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” vậy.

Hình ảnh Từ Thức tìm về thiên thai phải chăng được thể hiện qua đoạn thơ đầy biểu tượng nầy:

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
          Cửa non khép ải sương mù bóng ai
          Non xanh ướm hỏi trang đài
         Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

Ta còn bắt gặp một chút sự giống nhau về tâm thức của nhà thơ trong một đoạn khác:

         Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy

         Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ

       Làm ta nghĩ đến Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh gặp nhau lần đầu ở chùa Phổ Cưu, ở đồi Tây trong Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ. Một số câu thơ khác cũng vậy:

        Tưởng xưa có kẻ trên lầu
        Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

 

        Đường về hái nụ mù sa
        Đưa theo dài một nương cà tím thôi
        Thôi thì em chẳng yêu tôi
        Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

 

Ta còn bắt gặp trên bước lang thang tìm Động hoa vàng cho riêng mình, người hành giả ấy đã tự tạo cho mình một cuộc sống hòa vào thiên nhiên để từ đó thấy được niềm vui bất chợt và tâm hồn như được gột sạch bao nỗi buồn phiền:

 

Lên non cuốc sỏi trồng hoa
          Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
          Vớt con cá nhỏ lòng đòng
          Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ


          Một đêm nằm ngủ trong mây
       Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
       Cây bưởi trắng ngát hương đời
       Nụ là tay phật chỉ người qua song

         Chính vì thế chất thiền trong Động hoa vàng được nhà thơ thể hiện thông qua nhiều hình tượng, hình ảnh ẩn dụ, phóng dụ như: thông xanh, suối biếc, miền tuyết thơm, suối hoa rừng, thềm trăng, đồi Dạ Lan, miền cỏ hoa, bến hoa tươi...Tất cả những hình ảnh ấy rất đơn sơ, bình dị nhưng thật trong sáng thoát tục. Chúng ta thử điểm qua vài đoạn thơ như thế:

 

   Ta về rũ áo mây trôi
            Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

         Mùi hương hoa trong ấm trà mùa đông:

  Đất nam có lão trồng hoa
           Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông

thể là cánh hoa dại ven đường mùa đông:

 Bông hoa trắng rụng bên đường
          Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng

Hay ánh trăng in dấu hài hoa:

  Người về sao nở trên tay
           Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót hoa

Hoặc bóng trăng thanh bình nơi thôn dã:

  Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
           Thành đàn nảy hạt tỳ bà quyện hương

Bóng hạc nhuốm màu huyền thoại như trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

  Hạc xưa về khép cánh tà
           Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần

 

Mùa xuân trong Động hoa vàng được nhắc đến rất nhiều lần tràn đầy tiếng chim, hương hoa cây cỏ bốn mùa xanh mát, ánh trăng huyền diệu soi mái thề và ngay cả sự hoài niệm cũng mang hơi thở ấm áp nồng nàn của mùa xuân:

  Mười con nhạn trắng về tha
           Như lai thượng trụ trên tà áo xuân

 

 Mùa xuân bỏ vào suối chơi
          Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa

 

  Có con cá mại bờ xanh
           Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
          Giữa dòng cá gặp phù vân
          Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi

 

Con khuyên nó hót trên bờ
         Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
         Nhớ xưa có kẻ lên lầu
         Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

Rượu cũng thể thiếu với gã hành giả lang thang trên đồi cao cỏ biếc, đó cũng là lẽ thường tình được nhắc đến để nhà thơ thỏa mãn cảm hứng đề thơ hay ngâm vịnh, mượn rượu để gởi gấm tình yêu của mình:

Đưa nhau đổ chén rượu hồng
          Mai sau em có theo chồng đất xa


          Qua đò gõ nhịp chèo ca
          Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say

 

Đưa nhau đấu rượu hoa này
          Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm

 

Cửa sương nhẹ mở âm vào
           Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

 

Lại đem bầu ngọc ra trồng
          Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân

 

Động nam hoa có thiền sư
          Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

 

Nghiêng ly mình cạn bóng mình
          Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay

Đọc Động Hoa Vàng ta cảm nhận nó như một dòng suối chảy miên man trên một triền núi xa xăm đem nước nguồn tinh khiết vun bồi cho đất đai thêm màu mỡ, như một đám mây trôi bàng bạc khắp trời nhiều màu sắc tấu thành một khúc nhạc mong tìm thấy tri âm tri kỷ như Bá Nha Tử Kỳ nhưng thử hỏi trên đời nầy có được mấy người đạt được s nguyện như thế nên người hành giả ấy vẫn mãi lang thang đi tìm Động hoa vàng khắp đầu non cuối bể giống như Từ Thức giầy rơm nón cỏ chống thiền trượng tìm về thiên thai nhưng lối xưa đã che lp dấu giầy của tiên nương mất rồi.

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
           Cửa non khép ải sương mù bóng ai
           Non xanh ướm hỏi trang đài
           Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

Phải chăng đến một lúc nào đó ta cũng nên đi tìm một ĐỘNG HOA VÀNG cho riêng mình các bạn nhỉ?

  *Bên bờ Kênh Tẻ, Quận 7, tháng 10-2020

  NGUYỄN AN BÌNH

_______________________________________________________ 

Tham khảo:

-       Tìm “Động hoa vàng” của Đặng Tiến trên tập san Quán Văn số 32

-       Ý nghĩa của bài thơ Động hoa vàng của Nguyễn Mộng Khôi

-       “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư trên báo Tuổi Trẻ online ngày 5/12/2016

-       Bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư nhìn từ Văn Hóa Thiền của Hồ Tấn Nguyên Minh.

-       Đến Động hoa vàng gặp “Gã từ quan” của Lê Bá Lư