Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

CA KHÚC MỚI CHÀO ĐẤT MŨI

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

CHÀO ĐẤT MŨI

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ MỘC THIÊNG. Rất vui và cám ơn ông anh nhạc sĩ rất nhiều. Mời các bạn nghe melody ở đây:






CHÀO  ĐẤT MŨI

 

Chào Cà Mau – Chào bình minh đất Mũi

Chào rừng tràm chào rừng đước xôn xao

Chào biển xanh chào ngọn sóng bạc đầu

Ta lại về vùng cực nam đất nước.

 

Đất phương Nam dấu chân người đi trước

Còn đâu đây theo ngọn gió triều lên

Chạm tay vào cột mốc quá thiêng liêng

Mới thấy hết mùi bùn non dậy đất.

 

Từng bãi bồi níu chân từng thân đước

Hóa trường thành ngăn sóng dữ biển Đông

Đàn chim bay gọi con nước lớn ròng

U Minh Hạ bạt ngàn xanh bất tận.

 

Hòn Đá Bạc ai về qua cửa cạn

Có thấy tình soi bóng nước phù sa

Có thấy bông tràm tỏa ngát hương hoa

Nên rất ngọt bản tình ca vọng cổ.

 

Tình sâu nặng thấm trên từng ngọn cỏ

Đất Mũi kiên cường qua những bão dông

Cửa Khai Long thuyền vượt sóng biển Đông

Cho ta vẫy chào bình minh Đất Mũi.


Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

TRUNG THU

 

TRUNG THU

                       Em xưa vừa tuổi mười lăm

                     Trung thu sáng ánh trăng rằm tương tư.

 

Trung thu ai bảo trăng không sáng

Thưở ấy em vừa tuổi mười lăm

Soi gương em ngắm mình thấy lạ

Lược ngà tóc mượt thơm áo khăn.

 

Ừ nhỉ con gái thời mới lớn

Đêm nằm mơ thấy chuyện thần tiên

Không thèm đèn kéo quân như trước

Thích đọc thơ tình của tháng giêng.

 

Sớm mai vào lớp nhìn ra cửa

Sân trường lá rụng ngỡ sao rơi

Có người hái tặng mừng sinh nhật

Lòng rộn ràng theo tiếng chim vui.

 

Ừ nhỉ con gái thời mới lớn

Môi cắn hạt dưa thật dễ thương

Như đóa tường vy trong vườn nhỏ

Hé nở đợi chờ một nụ hôn.

 

Trung thu ngày ấy giờ đâu nhỉ

Tháp bút còn thương nét nguyệt rằm

Dõi bóng trăng soi nơi đất khách

Có người ngồi nhớ tuổi mười lăm.

29/9/2020

NHỚ MƯA ĐÊM TRONG RỪNG CÁT TIÊN

 THƠ TRÊN QUÁN THƠ HƯ VÔ 396

In trên báo Việt Luận Úc Châu- Viet’s Herald on Friday, September 25, 2020
NHỚ MƯA ĐÊM TRONG RỪNG CÁT TIÊN



Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

KHI VỀ


 


 KHI VỀ

Khi về trú dưới hiên mưa

Soi đèn bạch lạp đêm vừa sang canh

Dưới trăng nghe trống trường thành

Dặm xa ngựa mỏi cũng đành buông cương.

 

Khi về hồn gió muôn phương

Kèn vang lỗi nhịp loạn phường bát âm

Tử sinh vưt cửa phù trầm

Kiếp sau còn nợ kiếp tằm sầu riêng.

 

Khi về khai ấn đền thiêng

Bánh xe lịch sử cuốn nghiền nát thân

Đi qua glốc bụi trần

Áo phơi dấu cỏ ngại ngần biển dâu.

 

Khi về trôi giấc chiêm bao

Bướm xưa vườn cũ cỏ nhàu vết đau

Chiều tàn bóng ngả ca dao

Nhớ ai cởi áo qua cầu nước xuôi.

 

Khi về biến dạng mặt người

Soi gương chợt nhớ mấy lời cổ thi

Gieo câu lục bát lỡ thì

Bước chân sỏi đá khắc ghi lời nguyền.

 

Khi về lạc dấu đào nguyên

Đầu non cửa động trót phiền nhân gian

Non cao suối biếc thông ngàn

Tìm đâu dã hạc bay ngang bụi lầm.

 

Khi về gieo hạt từ tâm

Hoa vô ưu nở hương trầm quẩn quanh

Tóc người thuở ấy còn xanh

Sông dài biển rộng thôi đành phai hương.

 

Khi về tóc nhuộm tà dương

Vàng câu kinh tự vô thường quán không

Sóng xô gò nổi bận lòng

Vô ngôn còn chút bụi hồng nhớ nhau.

28/9/2020

CHÀO ĐẤT MŨI

 



CHÀO  ĐẤT MŨI

 

Chào Cà Mau – Chào bình minh đất Mũi

Chào rừng tràm chào rừng đước xôn xao

Chào biển xanh chào ngọn sóng bạc đầu

Ta lại về vùng cực nam đất nước.

 

Đất phương Nam dấu chân người đi trước

Còn đâu đây theo ngọn gió triều lên

Chạm tay vào cột mốc quá thiêng liêng

Mới thấy hết mùi bùn non dậy đất.

 

Từng bãi bồi níu chân từng thân đước

Hóa trường thành ngăn sóng dữ biển Đông

Đàn chim bay gọi con nước lớn ròng

U Minh Hạ bạt ngàn xanh bất tận.

 

Hòn Đá Bạc ai về qua cửa cạn

Có thấy tình soi bóng nước phù sa

Có thấy bông tràm tỏa ngát hương hoa

Nên rất ngọt bản tình ca vọng cổ.

 

Tình sâu nặng thấm trên từng ngọn cỏ

Đất Mũi kiên cường qua những bão dông

Cửa Khai Long thuyền vượt sóng biển Đông

Cho ta vẫy chào bình minh Đất Mũi.

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI MIÊN MAN CHIỀU SÔNG HẬU

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

MIÊN MAN CHIỀU SÔNG HẬU

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ Mộc Thiêng. Cám ơn nhạc sĩ Mộc Thiêng rất nhiều. Các bạn nghe melody nhạc ở đây nhé.





TRUYỆN NGẮN "CHUỘT VÀ NGƯỜI"

 TRUYỆN NGẮN "CHUỘT VÀ NGƯỜI"

TRÊN TRANG VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM-HỘI NHÀ VĂN TP HỒ CHÍ MINH

https://vanchuongphuongnam.vn/chuot-va-nguoi-truyen-ngan-nguyen-an-binh.html



Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

VỀ CÀ MAU

 VỀ CÀ MAU



CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI ĐÓA SEN HỒNG NGÀY XUÂN

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

ĐÓA SEN HỒNG NGÀY XUÂN

Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc nhạc sĩ PHAN BÁ KIỆT. Rất vui vì ca khúc viết để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến sẽ tốt lành về mọi mắt thoát khỏi em côvid đeo bám mãi phải không ông anh PBK? Cám ơn rất nhiều.



ĐÓA SEN HỒNG NGÀY XUÂN

Em như đóa sen hồng
Trong lòng anh muôn thuở
Khi mùa xuân chạm ngõ
Xôn xao từng lá cành.

Đất ủ bao mầm xanh
Trổ chồi non biếc lộc
Dâng đời bao quả ngọt
Anh lại nhớ đến em.

Bờ vai nhỏ rất mềm
Tóc thơm mùi hương lúa
Bông trở mình ngậm sửa
Từng nụ hôn ngọt ngào.

Làn má ửng hoa đào
Vì ai mà mắc cở?
Em ơi! Nghe nhịp thở
Của mùa xuân đang về

Đời vẫn cuốn mải mê
Có bao giờ trở lại
Bước chân thời con gái
Đóa sen hồng ngày xưa?

Theo gió cuốn bụi mờ
Bao năm em còn nhớ
Tim anh hoài nhắc nhở
Cánh diều của tuổi thơ.

Tình xuân tuổi học trò
Luôn tràn dâng nhựa sống
Trôi đi bao năm tháng
Vẫn mãi đóa sen hồng.

1/2/2014


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

MIÊN MAN CHIỀU SÔNG HẬU

 


MIÊN MAN CHIỀU SÔNG HẬU


 Lại về bên em dòng sông thơ ấu

Chảy hiền hòa suốt năm tháng hoa niên

Lấp lánh phù sa mang tình tôi sâu nặng

Gieo đôi bờ từng hạt nhớ hạt thương.

 

đợi nhau qua một ngày nắng vội

Để mưa về ướt ngọn tóc chiều hoang

Tôi ngồi lại bên chân cầu rất muộn

Thả cuộc tình theo sóng nước trường giang

 

Người có phải cánh bèo trôi viễn xứ

Bỏ lại đây con nước lớn không về

Màu sét gỉ của chuyến phà năm cũ

Loang vào hồn từ thuở biết si mê.

 

Màu hoa tím mang tấm lòng của biển

Có chở che dông bão cuối phương trời

Dòng sông hát bốn mùa thơm hoa cỏ

Bay về đâu một cánh nhạn lẻ loi.

 

Những giọt mưa lặng thầm trên sông vắng

Chiều lên khơi cho khói sóng dâng đầy

Con sông Hậu một đời miên man chảy

Neo tình tôi ngày ấy hóa mây bay.

23/9/2020


CA KHÚC PHỔ THƠ 40: MÙA XUÂN BÊN DÒNG XÀ NO

  GIỚI THIỆU CHÙM CA KHÚC PHỔ THƠ NGUYỄN AN BÌNH CỦA NHẠC SĨ TRƯỜNG TỬ KA

Tình đến hôm nay, 12/08/2020 nhạc sĩ TRƯỜNG TỬ KA đã phổ thơ của tôi trên 80 bài, nhưng vì điều kiện khó khăn anh chỉ viết tay, tôi mặc dù biết sử dụng phần mềm encore(phần mềm viết nhạc trên máy tính) nhưng không có thời gian nhiều đành nhờ một nhạc sĩ quen đánh vi tính lại. Đến hôm nay tương dối hoàn tất nên mỗi ngày tôi sẽ cập nhật một bài cho đến khi xong. 

Xin chân thành càm ơn nhạc sĩ Trường Tử Ka rất nhiều.

CA KHÚC PHỔ THƠ 40: MÙA XUÂN BÊN DÒNG XÀ NO



MÙA XUÂN BÊN DÒNG XÀ NO

 

Thuyền từ ngã ba sông

Qua con kênh Xà No huyền hoại

Em có còn nhớ câu

“Cái Răng Vàm Xáng Ba Láng Phong Điền”

Ghe thương hồ xuôi ngược ngày đêm

Câu hò ngân nga trên bọt sóng hoàng hôn

Mang theo nỗi lòng người xa xứ

Mẹ yêu cha bằng câu hò chơn chất

Cha yêu mẹ bằng sông nước lưu dân

Cánh đồng lúa bạt ngàn hương thơm từ đó

Bao năm không đổi thay lòng

Vẫn nhớ lời muối mặn gừng cay

Bên dòng Xà No

Miên man tình người tình đất.

 

Người Hậu Giang đón bao mùa mưa nắng

Chắt chiu hạt lúa vàng cho đồng ruộng thêm xanh

Đầm trũng cỏ năn có lác

Ngậm hạt phù sa

Đậm tình châu thổ

Đã qua thời nước mặn đồng chua

Xà No nước ngọt xuôi dòng

Chảy lặng lẽ giữa vườn cây trỉu quả

Con đường tây sông Hậu nối dài

Lại vàng sắc hoa vạn thọ

Lung linh màu nắng mới

Anh thấy mùa xuân lại về

Trong ánh mắt trẻ thơ

Và trong từng hơi thở

Người con gái anh yêu.

18/11/2019

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

TRẦN VĂN NGHĨA, MỘT BÀI THƠ 52 NĂM SAU “CHÂU HOÀN HỢP PHỐ”

CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 11

 TRẦN VĂN NGHĨA, MỘT BÀI THƠ 52 NĂM SAU “CHÂU HOÀN HỢP PHỐ”

  Trong văn chương đôi khi có những điều kỳ diệu xảy ra mà ta không lý giải được như trường hợp ông bạn thơ Trần Văn Nghĩa của tôi mới ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm với một bài thơ 52 năm sau mới “Châu hoàn hợp phố” là một ví dụ.

Cách đây mấy năm khi facebook trở nên phổ biến tôi đã thường theo dõi để kết nối với các bạn làm thơ viết văn thời tuổi trẻ của mình trước 1975 và nhà thơ Trần Văn Nghĩa là một trong những trường hợp như thế. Biết anh từ thời viết trên tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh nhưng chưa có dịp quen, khi biết tôi ở Cần Thơ và viết trước 75 anh hỏi tôi có quen Lê Vũ Hùng(LVH là nhà thơ từng là thứ trưởng Bộ GD-ĐT năm 2002) không, tôi nói quen khá thân và có được LVH tặng cho một tuyển thơ Khuôn Mặt Học Trò. Trần Văn Nghĩa cho biết thời còn trẻ đi học có tham gia thi văn đoàn Khuôn Mặt Học Trò của Lê Vũ Hùng và Bùi Văn Bình(anh BVB sau nầy tôi sẽ có một bài viết riêng) ở Ba Xuyên với bút danh Trần Vũ Cung Thy, (ông bạn nầy cũng ghê thiệt từ Phan Thiết thả thơ tới Ba Xuyên lận), tôi có nói với anh tôi có đọc bài thơ của Trần Vũ Cung Thy trong tuyển thơ KMHT mà LVH đã tặng tôi, anh mừng lắm và nhờ tôi tìm lại tuyển thơ photo gởi cho anh, trong những thùng sách cũ mà tôi đem từ Cần Thơ về Sài Gòn không thấy, tôi biết đã thất lạc rồi và rất áy náy vì không tìm ra bài thơ cũ cho anh.

Từ đó tôi và nhà thơ Trần Văn Nghĩa vẫn giữ liên lạc với nhau, anh có vào Cần Thơ hay tôi có dịp ra Phan Rang đều điện báo hẹn để cà phê cà pháo. Ông bạn nầy cũng là một “ông quan giáo dục” đó chứ, trước khi về hưu anh giữ chức Trưởng phòng giáo dục thành phô Phan Rang Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, chỉ có tôi làm hiệu trưởng một thời gian thấy không kham nổi nên trả chức, hết biết.

Cách đây hai hôm tôi có viết CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 10 về nhà thơ Lê Vũ Hùng, được chị Neang Phỉ Rom phụ trách trang Tống Phước Hiệp đem về giới thiệu, tình cờ chị Nguyễn thị Hạnh, hiền thê anh Lê Vũ Hùng vào đọc, chị rất vui và gởi cho tôi bài thơ Phong Điền mà tôi đang tìm kiếm đồng thời share cho nhiều người thân cùng đọc trong đó anh anh Trịnh Việt Hùng, người cùng nhóm thơ và học chung với Lê Vũ Hùng ở ĐHSP Việt Hán. Trịnh Việt Hùng thấy comment của nhà thơ Trần Văn Nghĩa cho tôi nói về tuyển thơ KMHT và ao ước thấy được đứa con tinh thần của mình in trong đó, anh Trịnh Việt Hùng đã chụp lại và gởi lên fb tôi toàn bộ tuyển thơ in năm 1968 đó cho nhà thơ Trần Văn Nghĩa. Tôi cũng phục cái ông Trịnh Việt Hùng nầy ghê, đã 52 năm trôi qua vẫn còn giữ được tập thơ đó dù chỉ là bản copy.

Phải nói là niềm vui không thể tả với Trần Văn Nghĩa anh liền tải về, đánh máy lại và giới thiệu ngay bài thơ “CUNG SẦU THÁNG HẠ” mà 52 năm sau mình mới thấy mặt.

CUNG SẦU THÁNG HẠ

 

Rồi tháng hạ u buồn vương lên mắt

Câu biệt ly nghe giăng nỗi ngậm ngùi

Thôi hình ảnh ngày xưa đành trôi mất

Suốt cuộc đời nuôi kỷ niệm chưa nguôi

 

Tiếng ve sầu vang sân trường hoa nắng

Tuổi học trò năm tháng cũng chia xa

Hồn nuối tiếc khung trời xưa áo trắng

Mộng mơ xanh trên trí nhớ nua già

 

Ướp môi sầu gọi ngày xưa phiêu lãng

Hàng phượng kia đứng rũ lá khóc thầm

Dấu chân xiêu loang nhòe rồi dĩ vãng

Mang niềm xưa về ấp ủ ăn năn

 

Gầm cúi mặt bật lên lời nức nở

Loài chim sâu cánh mỏng hót hao mòn

Đường lối cũ điêu tàn loang dấu cỏ

Buổi tạ từ chối bỏ mộng vàng son

 

Giờ hiu hắt nụ cười quen thân đó

Sách vở nằm phai màu mực thân yêu

Khua nhịp guốc quãng đường xưa nắng đổ

Với rã rời hơi thở mọn đăm chiêu

TRÂN VŨ CUNG THY 

1968

Với tâm trạng thật hồ hởi anh viết trên fb: “Cám ơn nhà thơ Nguyễn An Bình và anh Việt Hùng Trịnh đã cho tôi tìm gặp lại bài thơ viết lúc 17 tuổi với bút hiệu là Trần Vũ Cung Thy đăng trong tuyển tập MÙA HỌC TRÒ cùng các bạn trong thi văn đoàn KHUÔN MẶT HỌC TRÒ in năm 1968. Chị Thai Ly, vợ anh (hai ông bà nầy thường kẻ tung người hứng thường xuyên trên fb) comment chòng ghẹo: “Quơ trời! Mới 17 tuổi mà thơ những “trí nhớ nua già”, những “Mang niềm xưa về ấp ủ ăn năn”, lại còn “Thôi hình ảnh ngày xưa đành trôi mất/ Suốt cuộc đời nuôi kỷ niệm chưa nguôi!

  Thánh thần ơi! Còn bút hiệu Trần Vũ Cung Thy- Còn lấy tựa Cung Sầu Tháng Hạ..Quả là điềm báo lấy vợ mê cải lương!

Tôi cũng đùa vui:  Ông già Trần Văn Nghĩa đang đỏ mặt cười lỏn lẻn kìa chị. Hi hi

Một bài thơ 52 năm sau mới biết và “Châu về hiệp phố” một cách tình cờ và kỳ diệu đến thế.





CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI LẠC TÌNH

 CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI

LẠC TÌNH

Thơ NGUYỄN AN BÌNH. phổ thành ca khúc nhạc sĩ PHAN BÁ KIỆT, ông anh xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong quê nhà của tôi. Cám ơn ông anh rất nhiều.



LẠC TÌNH

 Trăng cuối mùa trăng mọc đầu non

Tình cuối mùa treo đầy nỗi nhớ

Tôi lận đận lạc loài đâu đó

Trong tim người còn giận hay thương.

 

Chim trốn tình đậu ở cầu sương

Cánh về đâu giữa chiều ráng đỏ

Mây xám núi hẹn hò bão tố

Chập chùng mưa vây khổn ngàn phương.

 

Bay lên đi tiếng hát yêu thương

Làm đuốc sáng thắp tình em nhé

Giữa nhân gian đôi bờ quạnh quẽ

Đâu lằn ranh địa ngục thiên đường.

 

Đã lạc mùa nhỏ của tôi ơi

Lời thở than còn xanh lá cỏ

Cành lộc non một lần gảy đổ

Lạnh tim người biết có sinh sôi.

 

Thôi cũng đành dòng nước chia đôi

Lá chờ mưa mấy tầng gió biếc

Nụ hôn nồng ngời con mắt liếc

Xa muôn trùng mắt lại có đuôi?

      Tháng 2/2015


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

CA KHÚC PHỔ THƠ 39: VỀ ĐÂU SÔNG ƠI

 GIỚI THIỆU CHÙM CA KHÚC PHỔ THƠ NGUYỄN AN BÌNH CỦA NHẠC SĨ TRƯỜNG TỬ KA

Tình đến hôm nay, 12/08/2020 nhạc sĩ TRƯỜNG TỬ KA đã phổ thơ của tôi trên 80 bài, nhưng vì điều kiện khó khăn anh chỉ viết tay, tôi mặc dù biết sử dụng phần mềm encore(phần mềm viết nhạc trên máy tính) nhưng không có thời gian nhiều đành nhờ một nhạc sĩ quen đánh vi tính lại. Đến hôm nay tương dối hoàn tất nên mỗi ngày tôi sẽ cập nhật một bài cho đến khi xong. 

Xin chân thành càm ơn nhạc sĩ Trường Tử Ka rất nhiều.

CA KHÚC PHỔ THƠ 39: VỀ ĐÂU SÔNG ƠI


VỀ ĐÂU, SÔNG ƠI…

    

 

Có một dòng sông

Chia hai nỗi nhớ

Khi Tây lại Đông

Chung nguồn Vàm Cỏ.

 

Mưa đục, nắng trong

Bên bồi bên lỡ

Tím cả triền sông

Mùa lục bình nở.

 

Có một người dưng

Sao thương lại nhớ

Guốc khua ngập ngừng

Áo hồng qua ngỏ.

 

Tiếng chim chiền chiện

Hót vọng bên trời

Vàng bông điên điển

Vương vấn tình tôi.

 

Về đâu sông ơi

Sao đi mãi miết

Đưa người xa người

Tháng năm biền biệt.

 

Về đâu sông ơi

Ngược, xuôi trôi mãi

Lạc mất tình tôi

Đầu bờ cuối bãi.

 

Đời như dâu bể

Sông ơi hãy đưa

Một lần thôi nhé

Ai về bến xưa.

 

Về đâu sông ơi

Sông ơi

Về đâu? 

tháng 4/2013

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

LÊ VŨ HÙNG, “ÔNG QUAN GIÁO DỤC” NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG BẠN BÈ VĂN NGHỆ.

 

CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 10

 LÊ VŨ HÙNG,  “ÔNG QUAN GIÁO DỤC” NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG BẠN BÈ VĂN NGHỆ.

 Nếu ai từng làm cán bộ quản lý hay giáo viên Sở Giáo Dục-Đào Tạo Đồng Tháp và Bộ GD-ĐT từ 2003 trở về trước đều biết rõ người nầy: Đó là anh Lê Vũ Hùng, làm giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp những năm 1988-1997 và là thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách phía Nam từ 1988-2003. Cuộc đời hoạn lộ của “ông quan giáo dục” đã có xã hội, đồng nghiệp anh đánh giá tôi không bàn đến, ở đây tôi chỉ đề cập đến anh trên danh nghĩa là một nhà thơ, người bạn thơ nặng tình với quê hương và bạn bè văn nghệ thời còn đi học mà thôi.

Tôi gặp nhà thơ Lê Vũ Hùng lần đầu tiên khi anh lên Cần Thơ học sau khi đỗ Đại học sư phạm Viêt Hán năm 1971(khóa 6). Mặcmới gặp mặt nhưng chúng tôi đã biết nhau trên báo chí từ lâu. Khi anh còn học trung học Hoàng Diệu ở Sóc Trăng anh đã cùng nhóm bạn yêu văn chương lập nhóm Khuôn Mặt Học Trò, có nhiều thơ đăng trên báo chí Sài Gòn và cũng ra mắt được một tập thơ chung. Lúc đó thơ văn của tôi và các bạn trong nhóm Trăng Nguyên Thủy của Trúc Thanh Tâm và Trần Duy Cang cũng có mặt thường xuyên, thậm chí có lúc bài của chúng tôi in cùng trong một trang thơ của một tờ báo nên khi anh về Cần Thơ gặp chúng tôi anh rất mừng và hòa hợp nhanh chóng vào sinh hoạt chung của Văn Nghệ Cần Thơ thời ấy. Anh tham gia gởi bài cho chương trình thi văn Về Nguồn của Lê Trúc Khanh và các tờ báo của thân hữu. Nhớ năm 1972, nhà thơ Trần Mộng Hoàng chủ trương tạp chí Tham Dự ra mắt số 1 đầu tiên có bài của tôi, Lê Vũ Hùng, Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, tôi đã chở Lê Vũ Hùng, Trúc Thanh Tâm chở Trần Duy Cang qua Vĩnh Long dự. Anh có bài thơ Phong Điền, tôi có bài thơ Cơn Mê. Có gần gủi anh mới thấy anh là người rất điềm đạm và sống chân tình với bạn bè. Tôi có một vài kỷ niệm vui với anh không thể không nhớ. Năm 1973 anh ra trường và đã nhận nhiệm sở bên Lai Vung Đồng Tháp nhưng anh còn nấn ná ở lại trường để hoàn thành nhiệm vụ của người chủ tịch Hội Việt Hán. Ở các trường đại học thời đó, mỗi một phân khoa đều có tổ chức một hội làm cầu nối cho sinh viên với giáo sư hay đề đạt nguyện vọng với khoa mình đang theo học, hay tổ chức mời các học giả ở Sài Gòn về thuyết trình, tết làm giai phẩm xuân của hội... Chẳng hạn các bạn học khoa văn chương hay sư phạm Việt Hán thì tham gia vào hội Việt Hán, học Hóa Học tham gia vào hội Hóa học...Năm 1973 tôi chân ướt chân ráo vào học năm đầu tiên sư phạm Việt Hán(khóa 8) sau một năm học ở ĐHKH, tôi cũng như các anh em văn khoa, sự phạm khác dự đại hội Hội Việt Hán đầu năm học, Lê Vũ Hùng thấy tôi mừng quá anh đề nghị tôi ứng cử BCH Hội Việt Hán năm học 73-74. Dĩ nhiên là tôi không chịu vì điều đầu tiên có ai biết tôi đâu mà bầu, nếu đắc cử  tôi biết gì mà làm hơn nữa việc học song song 2 ngành khoa học và sư phạm sau nầy sẽ chiếm rất nhiều thời gian của tôi nhưng trước những lời giới thiệu “có cánh” của anh về hoạt động báo chí  của tôingoài đời nên tôi dễ dàng đắc cử vào BCH Hội Việt Hán phụ trách nội vụ, tôi cũng không muốn làm anh buồn lòng nên thôi

  Từ khi Lê Vũ Hùng ra trường chúng tôi ít có dịp gặp nhau, tôi thấy anh cũng it viết bài hơn. Sau 75 anh hoạt động tích cực trong giáo dục Đồng Tháp, từng giữ chức chánh văn phòng tỉnh Đồng Tháp, giám đốc Sở GD-ĐT rồi thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách phía Nam.

Khi anh mất, đọc lại thơ anh tôi thấy có lẽ bài thơ Phong Điền là bài thơ hay nhất trong cuộc đời sáng tác làm thơ của mình viết về quê hương và truyền thống đấu tranh nơi chôn nhau cắt rốn Nhơn Ái-Phong Điền của anh. Rất tiếc khi viết bài nầy tôi lục lại trong thư viên lưu trử lại không tìm ra. Sau nầy tìm được tôi sẽ bổ sung vào bài viết của mình, tôi chỉ còn nhớ một vài câu:

...Kháng chiến quân về xây cảng gạch

Tàu Lang Sa bắn phá như mưa...

Một câu chuyện tôi tình cờ đọc trên trang Trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng, có một bài viết của một cô giáo từng dạy anh ở trường Hoàng Diệu. Năm đó có đoàn giáo viên Hoàng Diệu qua Đồng Tháp công tác, Lê Vũ Hùng đang là giám đốc Sở GD-ĐT, anh đã tiếp đãi hết sức ân cần chu đáo, nơi nhà hàng ẩm thực có trồng rất nhiều giò lan đẹp, cô giáo rất thích một giò lan, anh liền điều đình với nhà hàng để mua lại giò lan đó tặng cô giáo của mình, Các bạn thời đại học sư phạm và bạn thơ của anh mỗi khi có dịp qua Đồng Tháp nhắn tin cho anh, anh đều niềm nở tiếp đón chân tình, khi gặp lại tôi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau tôi cũng cảm nhận được điều chân tình đó.

Lê Vũ Hùng đột quỵ mất ngày 27-05-2003 tại Hà Nội,  gia đình đưa anh về an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần có dịp gặp lại bạn thơ sinh hoạt thời ấy nhắc đến Lê Vũ Hùng anh em đều buồn. Đời người ai cũng đều có số phận và đường đi riêng của mình. Nhắc lại để nhớ một thời hoạt động văn nghệ sôi nổi và có được một người bạn thơ chân tình yêu quê hương và trân trọng tình nghĩa bạn bè văn nghệ là một điều không phải dễ tìm trong đời của mình.