Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

VIẾT TRÊN NGỌN TÌNH SẦU

VIẾT TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
Bài thơ mới đăng trên trang dutule.com như một nén tâm hương về một nhà thơ mà tôi quí mến vừa mới về cõi vĩnh hằng
https://www.dutule.com/p112a9436/nguyen-an-binh-viet-tren-ngon-tinh-sau

VIẾT TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
* Tâm hương viếng nhà thơ Du Tử Lê

1.
Bài thơ viết trên ngọn tình sầu
Từ những năm
Tôi còn rất trẻ
Sao mãi ám hồn tôi không dứt ra được
Như vết cường toan loang lỡ
Hay như vết thương từ đám cây rừng gãy gập
Cố vắt kiệt dòng nhựa cuối cùng
Cho cuộc sống
Dòng suối trơ nguồn
Đầy vết bom cày đạn xới
Tôi lại nhớ lời vỡ lòng cho cô gái Mỹ
Giữa một đất nước xa lạ
Quê hương lại chập chờn ẩn hiện
Như một bóng ma
Anh đơn độc tận cùng trong chiến tranh
Nghe dốc đời trôi theo dòng lịch sử
Có ai nhớ bài thơ anh viết cho T. Ch.
Hạnh phúc không thể tự tìm về
Khi giấc mơ kéo dài trong cơn mê hoảng
Đêm mưa nào khi về Thông Tây Hội
Sợi tóc đã chín rụng bất ngờ
Cũng đành vuốt mặt chối bỏ
Theo cuộc chiến đã tàn
Tháng tư gãy súng.

2.
Bài thơ viết trên ngọn tình sầu
Đắng hơn nước mắt
“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”
Có lời nào
Buồn thê thiết đến vậy
Quê hương bên kia bờ đại dương
Theo từng con sóng vẫy gọi
Tặng phẩm thượng đế ban cho mỗi người
Phải chăng chỉ có niềm đau và sự bất hạnh
Anh tự vẽ chân dung mình
Bằng những đường cong không rõ nét
Lại nhớ những đêm mưa Sài Gòn
Và những tháng năm tuổi trẻ
Địa chỉ là con đường không tên
Đường đi là cành cây treo ngược
Thời gian bây giờ đã khác
Đời chỉ còn lại giọt sương tan chưa kịp rụng
Xuống huyệt mồ vô định
Anh đã hiểu ra
Lời thiên thu đang vẫy gọi
T. ơi!
Anh thấy mệt, anh muốn nghỉ!
Muốn nghỉ!
Muốn nghỉ!


NGUYỄN AN BÌNH

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

NHÀ VĂN LÊ XUÂN CẢM NGHĨ BUỔI RA MẮT SÁCH

NHÀ VĂN LÊ XUÂN PHÁT BIỂU TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH CỦA NGUYÊN AN BÌNH TẠI CẦN THƠ NGÀY 23/10/2019
VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC “CỎ HOA THỜI ÁO TRẮNG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN AN BÌNH.


Tôi quen nhà thơ NAB từ những năm 1980 của thế kỷ XX, khi anh là Chủ tịch Công đoàn trường THCS ở An Thới. Nếu nói như M.Gorky: “Văn học là nhân học” thì điều này vận rất đúng vào thơ và con người anh. Với hơn 14 tác phẩm in riêng, 2 tác phẩm in chung, và bộ ca khúc 5 tập với hơn 500 bài thơ được phổ nhạc, đủ thấy bút lực của anh dồi dào như thế nào.
Cứ mỗi lần anh ra tác phẩm là tôi lại được hân hạnh đón nhận “đứa con tinh thần” từ tay anh. Và tôi cũng rất vui khi được viết những dòng cảm nhận về thơ của người bạn mà mình rất ái mộ, trân quý. Thơ của NAB dù viết về đề tài nào, thể loại nào cũng đằm thắm một tình yêu đôn hậu, chân tình, tạo được sự lắng đọng nơi trái tim người đọc. Một hồn thơ lãng mạn và hiện thực như thế luôn chứa đựng những ba động của hiện thực cuộc sống với những vui sướng, buồn đau về tình đời nhân thế. Anh đã khiêm tốn nói về thơ và những người bạn của mình: “Năm mươi năm qua đi, giở đọc từng trang báo cũ, vàng úa mục nát mà rưng rưng nước mắt nhớ đến một thời, một số bạn thơ ngày ấy đã rong chơi xa ngái, vài bạn khác đã buông bút vì cơm áo không đùa với khách thơ. Xin chọn một số bài thơ đọc nghe tạm được in vào tập Cỏ hoa thời áo trắng để kỷ niệm một thời đi học cho vui, còn những bài khác xin hãy để gió cuốn đi”.
Lần này ra mắt sách, anh nói có thể là lần cuối ở đất Cần Thơ này với tập thơ “Cỏ hoa thời áo trắng” (NXB HNV T8-2019) . Riêng tên tập thơ đã toát lên chủ đề của những bài thơ trong tập sách này. Đó là những bài thơ về tuổi học trò, những bài thơ gắn với bảng đen phấn trắng, áo trắng sân trường và những hàng phượng vĩ, những ghế đá công viên…
Tôi xin phép được nói đôi điều về hình tượng thơ trong tuyển thơ này. Như chúng ta đã biết “Bản chất của văn học là phản ánh đời sống bằng hình tượng, chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật là linh hồn của tác phẩm văn học nghệ thuật. Nghệ thuật khẳng định vẻ đẹp tâm hồn con người, do đó nghiên cứu tác phẩm văn học là nghiên cứu thế giới tinh thần do con người sáng tạo ra và đó cũng chính là hình thức tồn tại của tác phẩm nghệ thuật,” (Đào Thái Sơn).
Thơ về thời áo trắng sân trường thường là những kỷ niệm đẹp của một thời học sinh với bao ước mơ, hoài vọng đẹp. Đề tài về loại thơ này tuy không mới nhưng nhiều tác giả đã tìm được những tứ thơ mới lạ và có cách thể hiện khác nhau vẫn cho độc giả thưởng thức nhiều áng thơ hay. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng trong bài thơ “Trước cổng ngôi trường cũ” đã viết về một mối tình cũ không thành, sau 10 năm trở lại cổng trường xưa:
Cô gái ấy đi ra mười năm không thấy lại
Chỉ các em vẫn lũ lượt tan trường
Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay tôi cầm mãi mãi cứ tơ vương.
Mỗi buổi tan trường, mỗi kỳ nghỉ hè những lá thư tình tuổi học trò trao tay vội vã với nhiều hò hẹn tương lai. Nhưng rồi khi các cô, các cậu chia tay nhau lên đại học hay bước vào đời thì nó chỉ còn là những hoài niệm đẹp của thời áo trắng, tuy cũng có những mối tình ra hoa kết trái nên vợ nên chồng. Tình yêu chớm nở đầu đời ấy đẹp vô cùng. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã nói hộ điều ngượng ngùng thầm kín của các cô gái khi con tim rung động trong bài “Áo trắng má hồng”:
Áo trắng là áo trắng à
Một hôm ta thấy bạn ta ngượng ngùng
Vờ che ngực áo hơi phồng
Tay run rẩy ngó má hồng hây hây.
Và thơ của Nguyễn An Bình trong “Cỏ hoa thời áo trắng” cũng nằm trong quỹ đạo ấy. Ở đây tôi chỉ bàn thêm đôi điều về tính hình tượng trong tập thơ. Các ý tưởng về nhiều mặt của tập thơ thì nhà thơ Trịnh Bửu Hoài – bạn của anh, đã nói khá kỹ ở lời giới thiệu đầu sách, sau lời Tự bạch của tác giả.
Nói về sự xa cách anh đã mượn hình ảnh “mây trắng”, “cánh chim” để diễn tả sự ra đi không biết bao giờ trở lại, tan hay hợp:
Khắp bốn phương trời mây trắng gọi
Chưa lần nghe máu trở về tim
(Có những mùa xuân chim đổi xứ)
Riêng hình ảnh hoa phượng (còn gọi là hoa Học trò), lặp lại ở nhiều bài thơ, là biểu tượng của ngày nghỉ hè sắp đến. Nó đậm màu trong ký ức của mỗi cô cậu:
Hàng phượng buồn lá rũ khóc thành thơ
(Áo trắng tình thơ)
Đường phượng xưa dẫm nát trái tim hồng…
(Có những mùa đông)
Hay: Ngày xưa áo phượng mang mang
Ngày nay tôi lại lang thang một mình
(Về yêu hoa phượng)
Ở đây phượng là hồn người, là máu thịt, là áo quần và nó còn là “đường phượng”. Ta có cảm giác màu phượng đỏ choán ngợp cả không gia, thời gian và tâm hồn các em. Và khi anh xa mái trường, đi học sư phạm thì nỗi buồn ấy cũng dai dẳng đeo bám, một nỗi buồn man mác ôm ảo vọng quên cả sự sang mùa của trời đất:
Chỉ còn anh ôm hoài bao ảo vọng
Mà không hay trời đất đã sang mùa.
(Chiều ở trường sư phạm)
Mối tình tuổi học trò đẹp như nắng sớm long lang hạt sương. Và đôi khi cũng nhuốm màu ly biệt, nỗi đau:
Nửa đêm lá ngậm hồn sương
Em thân cỏ úa ta mòn gót đau.
(Chút ngậm ngùi xưa)
Để rồi khi tuổi xế chiều, trở lại trường xưa tim người thơ như hóa đá rồi:
Khi ta về, tim khô hóa đá
Tóc hoa râm chợt nhớ thương người.
(Khi trở lại trường xưa)
Thời yêu em ngày ấy, nay đã thành dĩ vãng trong chiều mưa:
Ướt như ướt áo một người
Chiều mưa năm cũ một thời đã xa.
(Một thời yêu em)
Nỗi nhớ trường, thầy cô, bè bạn trong thơ anh luôn đau đáu. Nhưng nỗi nhớ quê, nhớ nhà cũng da diết, dằng dặc một nỗi buồn:
Ta trở lại dòng sông xưa hiu quạnh
Bóng cau già vàng úa đứng bơ vơ
Ôi quê hương một thời thơ ấu cũ
Tiếng sáo diều ôm ấp những mộng mơ.
(An Bình và tóc nội)
Trong hành trang nỗi nhớ của những kỷ niệm xưa, NAB khắc sâu nỗi nhớ những vùng đất anh đã qua trong chuỗi ngày lưu lạc kiếm sống. Có nơi anh trở lại, có nơi không biết giờ này ra sao, nỗi sầu ly hương dâng lên tầng tầng lớp lớp:
Gọi nắng về trên cành hoa cũ
Nghe trái sầu đau rụng xuống đời
Góp lấy ngày xưa, mù tiếng gọi
Trông chừng vô vọng lắm tình ơi.
(Có những mùa xuân chim đổi xứ)
Nhiều địa danh đi vào thơ anh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Cái Dầu, Phong Điền, Cần thơ, Sài Gòn, Thới Long, sông Cái… rồi trường Phan Thanh Giản, trường Đoàn Thị Điểm luôn thường trực trong bộ nhớ:
Và bông lúa chín vàng mơ ước
Biết có còn không để nhớ thương?
(Về Phong Điền)
Hay: Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
Theo ai về hò hẹn đất phương Nam
Hoặc: Có nhớ ngày xưa em với anh
Trường Đoàn chung lối với trường Phan.
Nguyễn An Bình viết thơ ở nhiều thể loại, nhưng theo tôi anh thành công hơn cả là ở thể thơ lục bát. Lục bát là “ngôi đền thiêng” không phải ai vào cũng được, đây là loại thơ dễ làm nhưng khó hay. Người làm thơ lục bát như đứng trên miệng vực. Nếu sơ ý một chút là thành vè, rớt xuống vực. Nếu thành công là đứng vững trên mặt đất và bay lên. NAB đã vượt qua được ranh giới đó. Một số câu thơ hay, như:
Trong tim tôi có ngày xưa
Theo em suốt những bốn mùa trong năm.
(Trao em trái mộng ngậm ngùi ngàn sau)
Em từ sợi nắng mong manh
Bay qua vườn mộng góp thành trăng sao.
(Ngày tháng lãng quên)
Hay: Ta về nhặt cánh phượng hồng
Nghe trăn trở mãi một dòng máu tim
Cạn nguồn sỏi đá nằm im
Dãy hành lang cũ cũng tìm lãng quên.
Riêng mấy chục bài thơ ngắn 4 câu đã dồn nén cảm xúc như thơ tứ tuyệt Đường luật, đã chứa nhiều thông điệp hay mà hồn thơ và ngôn ngữ thơ không hề bị gò bó.
Đường thơ và tài thơ của NAB tôi rất cảm phục. Hàng nghìn câu thơ giàu tính họa, tính nhạc đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc với hơn 500 bài. Con thuyền thơ của anh nhờ có bơi chèo nghệ thuật định hướng đã chở được những nội dung đi tới những bến bờ xa. Ngôn ngữ thơ anh vừa dân dã vừa hiện đại, vừa có sự hoài cổ và cách tân, có sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ văn chương rất đậm chất Nam Bộ. Điều đó đã góp phần làm cho nhiều bài thơ nổi gió, bay cao như giai điệu vút lên ở bản nhạc. Tôi tin rằng thơ của NAB sẽ còn tiến xa hơn nữa, vang vọng hơn nữa ở trong và ngoài nước, góp phần quảng bá cho văn học Việt Nam tới bè bạn thế giới trong thời kỳ đất nước hội nhập toàn cầu./.
LÊ XUÂN
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

SÓNG

BÀI 80 THƠ PHỔ NHẠC  VÀ NGHE MELODY Ở ĐÂY https://soundcloud.com/nguyen-anbinh/song


SÓNG

TRONG TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC TẬP 1 "TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI" THƠ NGUYỄN AN BÌNH, NHẠC MỘC THIÊNG

SÓNG
  
Đêm nằm nghe tiếng sóng
Vỗ hoài tận chân mây
Phải chăng đời biển động
Đánh thức người khuya nay?

Ơi mấy con còng gió
Nghe gì lại ngẩn ngơ
Chắc hiểu lòng tôi đó
Giữa biển người chơ vơ.

Thôi em đừng xe cát
Mệt nhoài sóng biển Đông
Cuốn trôi người đi mất
Xóa nhòa dấu chân không.

Tình đâu là đá cuội
Sao sóng xô bạc lòng
Hải âu chiều cánh mỏi
Treo tình vào thinh không.

Biển sâu đầy ngang trái.
Sóng vang ở đầu ghềnh
Sao nghe đau cuối bãi
Bám rong chiều lênh đênh.

Lòng đong đầy tiếng sóng
Gọi người trong mưa ngâu
Em chỉ còn chiếc bóng
Nhớ một thời yêu nhau.
4/9/2018

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

BAY THEO MÙA CHIM VIỄN XỨ

BÀI 78 THƠ PHỔ NHẠC  VÀ NGHE MELODY Ở ĐÂY https://soundcloud.com/nguyen-anbinh/bay-theo-mua-chim-vien-xu


BAY THEO MÙA CHIM VIỄN XỨ

TRONG TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC TẬP 1 "TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI" THƠ NGUYỄN AN BÌNH, NHẠC MỘC THIÊNG

BAY THEO MÙA CHIM VIỄN XỨ


Về  đâu đàn chim viễn xứ
Chân trời chưa hết bão giông
Bên tai còn nghe đập cánh
Tiếng chim lẻ bạn nao lòng.

Về đâu đàn chim viễn xứ
Quê nhà cách một đại dương
Dòng sông chìm trong sương khói
Bóng trăng lạc dấu thiên đường.

Về đâu đàn chim viễn xứ
Quê người bao cuộc bể dâu
Giấc mơ cuối đời mộng mị
Hắt hiu một thuở tóc sầu.

Về đâu đàn chim viễn xứ
Hành trình có báo tin xuân
Mùa đông bên trời hiu quạnh
Đường bay đã khuất dặm ngàn.

Về đâu đàn chim viễn xứ
Người về có phải đêm nay?
Cánh chim giang hồ chưa mõi
Thiên di trong giấc mộng dài.
  17/1/2018


NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA BÓNG

BÀI 77 THƠ PHỔ NHẠC 


NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA BÓNG

TRONG TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC TẬP 1 "TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI" THƠ NGUYỄN AN BÌNH, NHẠC MỘC THIÊNG

NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA BÓNG


Chiều rất mỏng nên ngày đi không hết
Tiếng họa mi buồn tha thiết bên song
Ai khua sóng để sầu thành khói biếc
Sương bên hồ gọi hoa tím lên bông.

Còn đóm lửa đêm khuya chờ thắp sáng
Que diêm tàn cho hình bóng hiển linh
Ai trở lại hiên xưa tìm dĩ vãng
Để nghe mưa xao xác lạnh quanh mình.

Tôi tìm em giữa đôi bờ hạnh phúc
Dấu trăm năm chia cắt một hình hài
Chiếc lá nghiêng giật mình chừng muốn khóc
Thả lời tình trong đêm nhớ tàn phai.

Em tìm tôi giữa nhân gian hiu quạnh
Qua đời nhau lạnh buốt một trời sương
Người có về đem lời kinh thú tội
Treo bên đời chờ giấc mộng tàn hương.

Tôi suốt đời đi tìm hình của bóng
Người biệt tăm bến vắng tiếng gọi đò
Len lén gọi mảnh trăng vàng cổ tích
Để đóa hồng chợt nở giữa tim khô.
Sàigòn, 22/8/2018


Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

EM ĐI QUA MÙA THU

BÀI 76 THƠ PHỔ NHẠC VÀ NGHE MELODY Ở ĐÂY


EM ĐI QUA MÙA THU

TRONG TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC TẬP 1 "TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI" THƠ NGUYỄN AN BÌNH, NHẠC MỘC THIÊNG

EM  ĐI  QUA  MÙA  THU
  
Em mang mùa thu đi
Mưa rất nhiều bong bóng
Bàn tay che gió lộng
Mặt nào cũng hư hao.

Không còn nghe lời chào
Tiếng chim non buổi sớm
Làn heo may vừa chớm
Tóc người giọt sương rơi.

Em mang mùa thu trôi
Trên tầng cao gió biếc
Lời hẹn hò nuối tiếc
Cõi đời quá quạnh hiu.

Nhà ai khói lam chiều
Níu chân tình hai đứa
Một thời bên khung cửa
Mơ màng  mối tình thơ.

Em mang mùa thu xa
Tiếng đàn cầm thánh thót
Chim theo mùa nhả hột
Tương tư, một đóa quỳnh.

Hương đêm đợi bình minh
Hoa cải vàng chợt nở
Nhớ áo em qua ngõ
Thu phai dấu  chân người.
             31/7/2015

TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG

BÀI 75 THƠ PHỔ NHẠC VÀ NGHE MELODY Ở ĐÂY https://soundcloud.com/nguyen-anbinh/ta-voi-nguoi-chung-mot-vet-thuong

TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG

TRONG TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC TẬP 1 "TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI" THƠ NGUYỄN AN BÌNH, NHẠC MỘC THIÊNG

TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG

Ta với người chung một nhánh sông
Giấu chi tiếng sóng mãi trong lòng
Nước chia trăm hướng đời vô định
Không một mái chèo khơi nhớ mong.

Ta với người chung giọt nắng khuya
Bàn tay thương gọi ngón tay lìa
Vực sâu gió núi âm còn mỏng
Đá lạnh muôn trùng đợi cách chia.

Ta với người chung một giấc mơ
Hàng cây trốn gió trắng đôi bờ
Côn trùng thôi khóc mùa ân ái
Chim trốn bên trời phơi gió mưa.

Ta với người chung một nỗi đau
Tương tư tầm gửi áo xưa nhàu
Mưa reo tám hướng người nghe lạnh.
Lạnh ở phương nào cũng nhớ nhau.

Ta với người chung một vết thương
Một mai rời bỏ dấu thiên đường
Lá sen nào ủ mùi hương cốm
Ai sẽ là người bỏ yêu đương?