Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

XA RỒI ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY

RẤT VUI VỀ BÀI CẢM NHẬN CỦA NHÀ THƠ TRẺ PHAN NAM VỀ TẬP THƠ HẠ ĐỎ LÊN TRỜI

XA RỒI ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY (*)

Trong dòng chảy ngược xuôi của cuộc sống với bao bộn bề lo toan, thật hiếm khi chúng ta có thời gian hồi tưởng, suy niệm về quá khứ, về tuổi học trò tinh khôi trong trắng, vô ưu vô lo. Nhà thơ Nguyễn An Bình, thi sĩ kỳ cựu của đất phương Nam đắm đuối với trang viết, đặc biệt là mảng thơ về tuổi học trò và đã cho ra đời nhiều thi phẩm được đông đảo độc giả yêu thơ đón nhận: Còn một chút mưa bay (2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (2016) và mới đây là tập sách Hạ đỏ lên trời (NXB Hội nhà văn 2018). Khung trời hoa mộng với sân trường, bảng đen, phấn trắng, hoa phượng, sợi tóc, cơn mưa, tà áo, tiếng ve, nắng vàng, mây trắng… ẩn hiện chập chờn qua từng dòng thơ êm ả, dịu ngọt chảy tràn trong tim người đọc, qua từng khung ảnh nhạt nhòa thời gian.
Có nhiều thơ xuất bản từ trước năm 1975, sau một thời gian vắng bóng, nhà thơ Nguyễn An Bình trở lại độc giả với tập thơ Còn một chút mưa bay và từ đó đến nay ông miệt mài sáng tác, toàn tâm toàn ý với thi ca, với con chữ. Thơ ông nhịp điệu, nhẹ nhàng, lãng mạn và tràn tiếng nhạc, tựa như những mầm cây đang thổn thức, cựa quậy bên trong tâm hồn, mặc kệ sương gió thời gian phủ kín mái đầu thi sĩ. Lật mở tập thơ, có thể bắt gặp hành trình thi ca của ông dài như đường phượng bay, thổi qua từng trang ký ức: Rồi cũng chia tay đường phượng bay/ Làm sao đếm hết lá trên vai/ Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt/ Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay? (…) Sợi tóc nào vương mùa hạ cũ/ Có người về nhớ chuyện trăm năm/ Một mai trang sách vàng nhung nhớ/ Mới thấy đêm khuya lạnh chỗ nằm (Xa rồi đường phượng bay). Phải có một trái tim nhạy cảm, sâu sắc, khắc khoải mới có thể viết nên những vần thơ đằm thắm, tình cảm như thế, và phải có một tấm lòng dành trọn cho mái trường xưa cũ mới có những vần thơ tiếc nuối, u hoài như thế:
Ngôi trường cũ tôi không về kịp nữa/ Nhớ mái vòm rêu phủ bóng thời gian/ Bầy sẻ nâu thôi không còn ríu rít/ Trường trăm năm trơ gạch ngói hoang tàn
Tàn lim xanh đâu còn nghe chim hót/ Rải hoa vàng cho sắc nhớ thêm tươi/ Trái phượng già cuối mùa chưa kịp rụng/ Em có về thương nhớ tiếng ve rơi
Từng viên gạch vẫn đỏ tươi màu đất/ Dẫu trăm năm luôn giữ mãi tình hồng/ Bao vôi vữa đâu chôn vùi ký ức/ Trong dòng đời chìm nổi bến đục trong (Trường cũ)
Ngoài thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, ngũ ngôn có lẽ là thể thơ được ông yêu thích, tính cô đọng, hàm súc và mềm mại chảy vào bài thơ rất tự nhiên, mộc mạc: Phượng hồng còn thắp lửa/ Đỏ một trời tương tư/ Tiếng ve rền khung cửa/ Gõ từng nhịp thiên thu (Về đâu những mùa hạ xưa); Em có nghe cỏ hát/ Bốn mùa nở đầy hoa/ Tim treo lời mật ngọt/ Đỏ tươi màu phù sa (Có một thời yêu nhau). Cởi bỏ chiếc áo học trò để bước vào đường đời đầy giông bão, quăng quật khiến cảm xúc chai sần, tàn lụi, thế nhưng có một người thầy giáo cũ vẫn ngày đêm nâng niu cảm xúc, nâng niu khát vọng chạm đến mọi ngóc ngách tươi đẹp của tuổi học trò thơ mộng, bình yên. Khi đọc từng con chữ được viết ra từ tâm huyết của nhà thơ, cảm xúc tự đâu ùa về, giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên mi ngỡ như vừa mới hôn qua, dòng mực tím vẹn nguyên trên tà áo: Thuở ấy thơ còn thơm mùi sữa/ Xé giấy học trò viết vu vơ/ Bao lần quên mất lời thầy giảng/ Ngoài sân say tiếng chim líu lo (…) Dăm thằng bạn học khoái văn chương/ Mài đũng quần mơ thi văn đoàn/ Khoe bài Tuổi Ngọc, Văn, Văn học/ Sóng Thần, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam… (Thuở ban đầu ấy).
Trở về mái trường xưa, hoa phượng giăng kín ký ức, chảy trong huyết quản, thắp sáng tâm khảm: Chờ em ướt lạnh chỗ nằm/ Tóc rơi lời hẹn xa xăm không đành/ Bao mùa mắt lá còn xanh/ Trôi theo nỗi nhớ lên nhành phượng xưa (Phượng yêu). Bàng bạc trong thơ Nguyễn An Bình là dòng thời gian đong đầy nhịp thở, bóng hình người xưa khao khát yêu thương, nỗi nhớ đông đặc khuấy động từng trang ký ức, khúc hát xa xăm vang vọng trôi qua cõi người. Tất cả chỉ còn rung lên từng hồi giữa thinh không nhiệm màu, muốn quên đi tất cả nhưng càng quên lại càng nhớ, càng xóa nhòa lại càng hiện rõ, thực khiến người ta phải động lòng. Lòng cố níu ước gì mưa không dứt/ Sao mưa cứ đùa rắc nhẹ xuống từng cơn/ Tay muốn giữ nhưng dòng đời vẫn chảy/ Con nước vô tình thả vạt tóc buông (Mưa tháng sáu), khép lại tập thơ trong dòng chảy miên man, vô tận...       
PHAN VĂN NAM
(*) Nhân đọc Hạ đỏ lên trời, thơ Nguyễn An Bình, NXB Hội nhà văn 2018)

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018



NGUYỄN AN BÌNH

NGỒI LẠI BÊN CẦU

Tháng chín em về có vàng hoa cúc
Sợ bước chân người lạc dấu ra sông
Giữ nỗi buồn riêng bay như lá trúc
Thương cánh ô môi đã nhạt má hồng.

Tháng chín em về tiếng chim ngơ ngác
Thơm dậy đất trời trái chín nào rơi
Một thuở đi tìm tình yêu thất lạc
Giữa chốn nhân gian bụi đỏ mù trời.

Tháng chín em về còn âm tiếng sóng
Nhẹ tựa tơ trời đủng đỉnh gót thu
Nghe tóc phai màu nghe mùa thay lá
Nghe dòng đời trôi trắng đục sương mù.

Tháng chín em về có thành khách lạ
Buồn mênh mang theo tiếng vạc gọi chiều
Ráng hoàng hôn soi một màu rất lạ
Có giấu riêng mình hơi thở đìu hiu?

Ngồi lại bên cầu khua bao dòng nhớ
Con cá ngày về ngược nước mù tăm
Thương hạt phù sa ngàn năm vẫn đỏ
Sao sóng trong lòng dội mãi dư âm.

VUI VỚI BÀI VIẾT "THEO DÕI CUỘC TRƯỜNG-CHINH-THI-CA CỦA NGUYỄN AN BÌNH" - của HỒ HUẤN CAO(nhà thơ DU TỬ LÊ) trên trang dutule.com

Sáng nay nhận được mail của nhà thơ DU TỬ LÊ báo tin về bài viết của anh về thơ Nguyễn An Bình trên trang nhà mời vào xem. Rất vui vì được anh viết cho một bài viết nhận định khi anh cầm tập THƠ TÌNH NGUYỄN AN BÌNH do nxb NHÂN ẢNH - HOA KỲ ấn hành trên tay. Cám ơn anh rất nhiều về tình cảm đối với bạn thơ ở quê nhà.
Mời các bạn đợc cho vui nhé, có thể theo đường link sau vào trang dutule.com nhé
https://www.dutule.com/p118a8959/doi-theo-cuoc-truong-chinh-thi-ca-cua-nguyen-an-binh
DÕI THEO CUỘC TRƯỜNG-CHINH-THI-CA CỦA NGUYỄN AN BÌNH
24 Tháng Chín 201810:02 SA(Xem: 19)
dutule.com (ngày 22 tháng 9-2018): Dõi theo cuộc trường-chinh-thi-ca của Nguyễn An Bình, với nhịp đập của trái tim chữ, nghĩa; dường như mỗi ngày một sung mãn hơn, tôi không biết thơ có phải là hơi thở của Nguyễn? Chỉ thấy, hiển nhiên, tự thân những dòng thơ sung mãn, tuôn chảy như một thứ nội lực cảm xúc chẳng những khôn vơi mà, càng lúc càng gia tăng… Tựa, nếu một ngày ngưng làm thơ, Nguyễn có thể bị hiệu ứng mất thăng bằng giống như một thứ… nhồi-máu-cơ-tim-tinh-thần bởi quá độ yêu thương vần điệu.
Dõi theo cuộc trường-chinh-thi-ca của Nguyễn An Bình, khi biết được đời thường của Nguyễn là bảng đen, là phấn trắng, sân trường, tôi không ngạc nhiên khi thấy những ngọn lửa phượng vĩ bập bùng cùng khắp cõi-giới thi ca của Nguyễn, liên lủy nhiều chục năm, như thể đó là một định nghiệp nhà giáo, song hành cùng định nghiệp chữ, nghĩa xây dựng trên phông nền tình yêu, của người thi sĩ, một đời thao thiết với những vần điệu dung dị, êm ái này:

“Mùa ve rộn rã
Vàng trên tóc người
Tóc xanh màu lá
Tìm đâu tiếng cười?
.
Người mang cánh phượng
Về bên kia trời
Còn trong cổ tích
Áo người sương phơi
(…)
Xin làm hạ đỏ
Một đời bên em
Xin làm cánh gió
Ru người bình yên.
(Trích “Hạ Đỏ”, Thơ Tình, tr. 176)
Hoặc:
“Rồi cũng chia tay đường phượng bay
Làm sao đếm hết lá trên vai
Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt
Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay?
(…)
Em có nhớ gì đường phượng mơ
Thuở ấy yêu nhau áo học trò
Cánh diều no gió bay xa tít
Còn lại một mình tôi ngẩn ngơ
.
Người đã đem một trời phượng đỏ
Làm hành trang ngược chuyến tàu
Chiếc vé tình yêu giờ thất lạc
Đường phượng xưa nào biết tìm đâu?
(Trích “Xa rồi đường phượng bay”. Thơ Tình, tr. 160, 161)

Hoặc nữa:

“Phượng rưng rức đỏ một trời
Mùa hoa bỏ lại một người tương tư
Em xa bụi lốc biệt mù
Sóng tình trôi dạt buồn như kiếp tằm.”
(Trích “Một khúc mưa”. Thơ Tình, tr. 144)

.
Song hành cùng định nghiệp chữ, nghĩa xây dựng trên phông nền tình yêu, của Nguyễn An Bình, không chỉ là những đốm lửa đìu hiu trên đường bay phượng vĩ mà, với tôi, cõi giới thi ca của Nguyễn còn song hành với nơi chốn, kỷ niệm. Những đi qua và, có thể không bao giờ trở lại:

“Tạ cùng phố núi mù sương
Ngày buông tiếng ngựa đêm buồn nẻo xa
Mùa này tháng tám đi qua
Nào đâu tìm thấy vàng hoa dã quỳ.
(…)
Tạ cùng lá biếc rừng cây
Tình trôi lũng sớm dốc mây lưng chiều
Khăn quàng cổ tím nhìn theo
Xe khuya khoắt đổ xuống đèo về xuôi.
.
Tạ người một sớm mưa bay
Tóc rơi từng sợi trên tay ngậm ngùi
Tím ơi áo giấu phận người
Cho tôi ươm sợi tơ trời trong thơ.
.
Tạ cùng quán nhỏ ven hồ
Ly cà phê nóng cuộc trò chuyện vui
Ghế thôi đã lạnh chỗ ngồi
Biết ai xuống núi lên đồi tìm nhau.
(Trích “Tạ lỗi cùng Đà Lạt”. Thơ Tình, tr. 134, 135)

Hoặc:

“Có đi qua con sông
Mới nghe rừng lá kể
Dòng Đắk Bla lặng lẽ
Gọi mùa thu đang về
.
Từng bãi mía nương ngô
Xanh một màu sương phủ
Lời nguyền mùa nước lũ
Sông chảy ngược về đâu?
(…)
Em gùi nước về buôn
Mái nhà rông cao vút
Bập bùng vang tiếng hát
Say trong điệu múa xoang
(…)
Thuyền độc mộc qua sông
Đắk Bla nhuộm nắng vàng
Tình đất đỏ ba dan
Đôi bờ giăng nỗi nhớ.
(Trích “Đắk Bla mùa thu về”. Thơ Tình, tr. 122, 123)

Hoặc nữa:

“Ta đứng bên này Phan Rí Cửa
Nhìn thuyền thấp thoáng mãi khơi xa
Nghe âm tiếng sóng quanh lèn đá
Không đủ làm vơi nỗi nhớ nhà
.
Nhà em nép bên bờ sông Lũy
Có cụm hoa vàng nở sáng nay
Vườn ai sao lại tươi mượt lá
Hương táo thơm bay tận ngõ ngoài.
(Trích “Ở Phan Rí Cửa”. Thơ Tình, tr. 117)

.
Thơ Nguyễn An Bình không chỉ song hành với những đốm lửa đìu hiu phượng vĩ hay, nơi chốn, kỷ niệm… với phông nền tình yêu thao thiết, mà, còn nhiều, hơn thế nữa.

Do đấy, theo tôi, cõi giới thơ của Nguyễn sẽ song hành dài lâu với những người yêu tiếng thơ nhẹ nhàng, dung dị này, nữa.

Hồ Huấn Cao,


(Garden Grove, Sept. 2018)

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

CHUYỆN TÌNH TRÊN PHÁ TAM GIANG




TRUYỆN NGẮN TRÊN QUÁN VĂN SỐ 58(THÁNG 9/2018)
CHUYỆN TÌNH TRÊN PHÁ TAM GIANG 
TRUYỆN NGẮN
CHUYỆN TÌNH TRÊN PHÁ TAM GIANG
*NGUYỄN AN BÌNH
Du tắt máy cho thuyền của minh tiến từ từ vào khoảng nước trống dành cho chổ họp chợ mỗi ngày , rồi dùng mái chèo bơi nhẹ vào khu chợ nổi. Đã gần 4 giờ sáng một vùng đầm phá Tam Giang còn chìm trong bóng đêm bỗng sáng dần lên từ những ánh đèn pin . Ánh đèn pin từ tám hướng đổ về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ rải rác khắp nơi. Rồi những chiếc thuyền ấy tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông sông nước. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi chúng ta quan sát từ trong bờ. Trên đầm phá, tiếng mái chèo khua nước, tiếng gọi bạn í ới, tiếng cười đùa của các ngư dân rộn ràng khi gặp nhau. Không ai biết cái chợ nổi Mỹ Thạnh có từ bao giờ, Du chỉ biết từ nhỏ đã theo ba mạ đi bán tôm cá đánh bắt được trên đầm phá là đã thấy nó rồi. Ngày trước nó chỉ là nơi họp chợ của dân trong làng trong việc mua bán trao đổi thủy hải sản. Bây giờ cái chợ nổi nầy là nơi họp chợ của cả một vùng đầm phá vì sự lâu đời và sự di chuyển thuận tiện của nó. Khi bóng đêm còn chưa tan hết, chợ đã bắt đầu đón nhận những ghe thuyền của người dân sống bằng nghề sông nước sau một đêm đánh bắt vất vả đổ về đây và thương lái cũng chờ đón để mua. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng khoảng một hai giờ rồi tan. Người bán muốn bán nhanh để về nhà thu xếp ngư cụ, công việc gia đình, ngủ một giấc để chuẩn bị cho buổi đánh bắt ngày hôm sau, còn người mua hay thương lái cũng muốn mua nhanh để kịp phiên chợ sáng của chợ huyện, chợ lớn thành phố, nếu họp chợ quá lâu tôm cá sẽ không còn tươi ngon nữa hoặc lỡ cả một phiên chợ không bán được. Cả một khoảng sông nước sáng lên từ những ánh đèn pin như thế xen lấn trong tiếng ồn ào làm cho chợ nổi càng lúc càng thêm đông đúc, náo nhiệt.
Tuy goi là chợ nhưng đa số ai đến họp chợ ở đây đa số đều biết nhau, biết tên họ, quê quán tuổi tác của nhau khác với những ngôi chợ trên bờ. Ngoài việc mua bán tôm cá thủy hải sản cũng là dịp mọi người thăm hỏi sức khỏe công việc của nhau, thông tin cho nhau những tin tức mà họ nghe được chẳng hạn cái chết thương tâm của hai đứa con ông An đuối nước khi đi bắt nuốc, đám ma của ông Lê được nhiều quan chức đến điếu vì con ông đang có chức quyền cao ở tỉnh…Chính vì thế buổi họp chợ ngoài việc mua bán, trao đổi còn là niềm vui của những người quen biết được gặp nhau.
Cô Nụ một thương lái quen cho chiếc xuồng nhỏ của mình cập mạn thuyền của Du cười bổ bâ:
- Thế nào chú Du, đêm qua đánh bắt được nhiều chứ, có gì bán cho tôi nào?
Du cười nhẹ:
- Ít thôi cô ạ nhưng bù lại có mấy con cua nên cũng bù cho một đêm vất vả.
- Cậu đưa đây cho tôi cân nhé.
Nói xong cô Nụ nhanh nhẹn đở lấy cái xô đựng thủy sản từ tay Du, phân loại và lấy cân cân lấy, tính toán rồi lấy tiền trả cho Du, sau đó dùng mái chèo bơi đi. Du hỏi với theo;
- Cô Nụ ơi, có thấy thuyền của Duyên đến họp chợ chưa cô nhỉ?
Vừa bơi thuyền cô Nụ vừa trả lời:
- Chưa thấy bóng dáng cô ấy đâu, chắc một lát nữa đến thôi mà, cậu chờ đi, chưa gì đã nhớ rồi à?
Du còn nghe tiếng cười có vẻ đùa vui của người đàn bà trong gió. Kệ cô ta đi, có gì mà mình phải mắc mớ giấu diếm nhỉ? Trai gái lớn lên yêu nhau là chuyện thường tình mà. Du cười một mình và cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Anh và Duyên từ nhỏ sống cùng thôn, tuy nhà một đứa ở đầu thôn còn một đứa ở gần cuối thôn, cả hai cùng học chung lớp từ tiểu học, lên cấp 2, chưa hết cấp 3 phải bỏ học vì hoàn cảnh. Mỗi ngày đi học cùng về chung một đường, ngày mưa cũng như ngày nắng nên tình cảm cũng tự nhiên mà đến vậy thôi. Hoàn cảnh mỗi đưa nghỉ học có hơi khác nhau. Năm Du học lớp 10, một hôm ba Du đi giăng lưới ở phá về đột ngột cảm lạnh rồi mất, Du phải nghỉ học thay ba kiếm sống trên phá, còn Duyên học xong lớp 11, mạ cô bỗng dưng bệnh qua đời, ông già buồn tình bỏ bờ xuống nước, suốt ngày ở trên chồ lấy công việc đánh bắt, chăm nom nò sáo nuôi thủy sản để làm vui. Thương ông già cô đơn, một mình thui thủi sống đơn độc giữa bốn bề sóng nước mênh mông, bệnh tật thất thường ai lo? Duyên đành nghỉ học theo ba ra chồ để sống. Thời gian hai đứa từ đó gặp nhau cũng ít ỏi đi, thường ở phiên chợ sớm nầy thôi nên mặc dù mua bán đã xong Du cũng nấn ná chờ Duyên đến.
Du chèo thuyền len lỏi vào chợ nổi tìm Duyên. Duyên đã thấy thuyền Du từ xa nhưng còn bận xem cân hàng lấy tiền đã, hơn nữa vội gì lên tiếng người ta để ý. Duyên biết khi cân cá xong thế nào Du cũng tìm nàng. Du cho thuyền cập mạn song song với thuyền của Duyên hỏi:
- Cân xong chưa Duyên?
Duyên nhìn anh nói nhẹ:
- Gần xong rồi anh. Anh chờ em một chút nhé.
- Ừ! Thì chờ.
Cả hai cho thuyền thong thả rời chợ nổi, Du cầm một chiếc hộp nhỏ đưa sang cho Duyên nói gọn lỏn:
- Tặng em.
Duyên dừng tay chèo đón lấy:
- Gì vậy anh?
- Đoán đi.
- Không đoán cũng biết. Cái kẹp tóc đúng không?
Du chưng hửng ngạc nhiên:
- Sao đoán hay vậy.
Duyên cười:
- Ông nầy mau quên quá.
- Quên sao?
- Chẳng phải mấy hôm trước anh nói trên nhà chồ gió thổi nhiều lắm, làm tóc Duyên rối hết rồi nhìn coi không đẹp để anh mua cái kẹp tóc cho Duyên.
- Ừ nhỉ. Anh mau quên thật. Còn gói thuốc bánh nầy em đưa cho ba nhé.
Duyên nhìn Du cười cà rởn:
- Cho người ta nói lại đó. Ba của ai nè.
- Thì ba của Duyên.
- Nhưng ai gọi là ba:
- Thì ba của Duyên cũng là… ba của anh mà. Nói chi ngộ hè.
- Cưới con người ta hồi nào mà gọi là ba?
- Trước sau gì cũng gọi là ba. Gọi trước cho quen miệng không được sao?
- Anh khôn thí mồ. Mà anh mua thuốc cho ba hoài, ổng hút càng nhiều càng ho thêm có ích chi mô?
- Người già quen tật khó bỏ được mà, em hiểu cho ba đi. Hơn nữa ở chồ bốn bề lộng gió, lạnh người hút cho ấm mà.
Đến một chỗ rẻ, họ chia tay. Duyên cho thuyền ra phá về chồ, còn Du hướng lên bờ để lo cho một ngày mới đang chờ đợi phía trước. Lòng họ cảm thấy ấm áp một chút vì được gặp nhau dù chỉ là giây phút ngắn ngủi.
Từ ngày ba mất, Du phải bỏ học, thay ba kiếm sống trên phá để lo cho mạ và đứa em gái đang tuổi ăn tuổi mặc, con bé lại sắp thi tốt nghiệp nên cũng cần được chăm sóc nhiều hơn. Mạ đôi khi trái gió trở trời lại lăn ra bệnh, tất cả gánh nặng cơm áo Du đều phải cáng đáng lo toan nhưng anh không phiền hà về chuyện đó. Cũng như dân vạn chài, sáng sớm Du đã dong thuyền ra phá để thả lừ bủa lưới, buổi trưa khoảng 2 giờ lúc nầy nước cao, con nước đứng, tôm cá đi ăn nhiều là có thể kéo lừ thu hoạch. Sau đó lại chọn hướng gió thả lừ tiếp, mỗi tay lừ dài khoảng 10m, dân chài nào cũng có vài chục hoặc hàng trăm tay lừ như thế. Đợt thả lừ nầy chờ nửa đêm là kéo lên thu hoạch và đem ra chợ sớm để bán. Thuở ba Du còn sống, tôm cá còn nhiều giăng lưới thả lừ không đi xa mấy, đánh bắt tôm cá cũng đủ cái ăn cái mặc hằng ngày, tuy không khá giả hơn ai nhưng không phải lo toan nhiều về cuộc sống. Nay tôm cá ngày một ít đi, người ta lại đánh bắt nhiều, có kẻ lại dùng xung điện, lưới cào để tận diệt, tôm cá nào sinh sôi nẩy nở cho kịp để thỏa mãn lòng tham của con người kia chứ, nên muốn đánh bắt được nhiều tôm cá thuyền càng lúc càng phải đi xa bờ hơn nữa.
Hoàn cảnh của gia đình Du đã khổ mà nhiều gia đình trên đầm phá cũng khổ không kém, Có người nghèo đến nỗi không sắm được chiếc thuyền để bủa lưới thả lừ, ngày ngày chỉ biết mò trìa, suốt ngày ngâm mình trong dòng nước lạnh lẻo để bắt trìa cũng chỉ đủ miếng cơm hằng ngày. Đó là chưa nói đến chuyện thời tiết, mấy hôm vừa rồi xảy ra một tai nạn rất thương tâm làm chết cả gia đình. Anh Hải ở thôn bên đang kéo lừ bỗng cơn dông từ đâu ập đến, sóng duềnh cao làm thuyền lật, anh cố gắng kéo vợ con lên bờ, đuối nước cả gia đình cùng chết, đau đớn hơn thuyền của người mẹ chồng kéo lưới gần đó nghe tiếng người đàn bà kêu cứu nhưng sóng lớn quá không thể nào đến được, chừng biết ra người bị nạn là gia đình con trai mình khóc hết nước mắt. Cũng có người may mắn thoát chết, đó là vợ chồng anh Phiên ở Điền Hải.Đêm đó thuyền thả lưới gặp sóng to, gió thổi mạnh làm chiếc thuyền dạt ra cửa biển. Hai vự chồng cố gắng chèo chống đở đến kiệt sức cho đến khi thuyền sắp chìm. Họ đánh liều bỏ thuyền cột phao vào người rồi để mặc cho người trôi theo dòng nước. Cũng may sóng đây họ tầp vào đê chắn sóng và họ được một chiếc tàu cá cứu sống. Biết được điều đó, Du cũng không thấy buồn cho hoàn cảnh của mình.
Một buổi sáng, thuyền chú Ba Địa – bạn của ông Bảy, ba Duyên cập vào nhà chồ, chú cột dây, gọi ông Bảy ơi ới rồi cùng ông Bảy đem lên nhà chồ mấy can nước, một số vật dụng cần thiết mà ông Bảy nhờ mua như mắm, muối xà bông, bột ngọt. Từ ngày vợ mất, ông Bảy buồn tình ra chồ sống, ít khi lên bờ. Mấy thứ lặt vặt thường hay nhờ chú Ba Địa lên bờ mua hộ vì chú về nhà trên bờ thường xuyên. Ông Bảy gọi Duyên đem bình rượu thuốc mà ông ngâm để dành khi có bạn đến chơi, Duyên lúi húi ra sau nướng miếng khô cá cho hai ông nhấm rượu. Nhìn theo Duyên chú Ba Địa hỏi ông Bảy:
- Con nhỏ năm nay bao nhiêu rồi anh?
Ông Bảy nhìn ông bạn già của mình:
- Chậc. Ông hỏi tui mới nhớ. Con nhỏ năm nay đã hai hai còn gì. Mới đây mau quá. Mạ nó mất đã năm năm rồi, lúc đó nó mới mười bảy tuổi. Tui bỏ ra đây sống một mình, nó thương tui bỏ học ra đây sống cùng tôi cho tới bây giờ.
- Con gái lớn rồi phải lo dựng vợ gả chồng cho nó đi chớ. Ông không nghe người ta nói có con gái trong nhà như hủ mắm treo đầu giường sao?
Ông Bảy vặn vẹo:
- Chú nầy nói lạ, con mình mình biết chứ. Nó đâu phải như con gái người ta lo ăn diện đâu mà chú lo.
- Tui nghe nói nó với thằng Du con bà năm Nghĩa quen nhau lâu rồi đó.
- Chuyện nầy tui biết. Hai đứa nó sống cùng thôn, từ nhỏ tới lớn học chung lớp chung trường mà. Tính tình thằng Du cũng là đứa hiều hậu tui cũng ưng, mà nói thật hoàn cảnh của nó nghèo quá tui không đành cho con Duyên chịu khổ.
- Ừ! Bạn già với nhau thì tui nói vậy, thàng Du tui cũng chịu chứ con của bà Thu ở nhà hàng bên Cồn Tộc hay thằng con của thằng cha Nhung trưởng công an là tui không ưng cái bụng đâu đó.
- Chuyện của gia đình tui mà chú khéo lo. Thôi vô một ly cho ấm bụng cái đã.
Duyên ở bên trong đang trở miếng khô cá, nghe hết. Cô tủm tỉm cười. Cô biết ông Bảy thương cô nên nói vậy thôi. Ngọn lửa trên bếp bập bùng làm hồng thêm má người thiếu nữ, chợt cô giật mình khi nghe tiếng cha gọi:
- Duyên ơi, đang nướng cá à. Có mùi khét rồi đấy. Cái con nầy…
Khi chú Ba Địa về rồi, ông Bảy ngồi trầm ngâm một mình,lặng im không nói năng nhưng trong bụng ông nghĩ lung lắm: Duyên năm nay cũng đã hai hai rồi chứ còn nhỏ nhít gì nữa đâu, ở cái xứ đầm phá nầy ngày xưa ở cái tuổi ni đã là đàn bà một nách mấy con rồi chứ có phải sống độc thân như vậy đâu. Từ ngày vợ mất ông cảm thấy hụt hẩng trong lòng, bỏ ra chồ ở, vui cùng sông nước. Con bè thương cha ra chồ để săn sóc ông bỏ cả ước mơ làm cô giáo của mình. Ông biết thế nên ông thương con bé lắm chứ. Ông cũng biết tình cảm của con gái ông với thằng Du ở đầu thôn, hai đứa học chung quen nhau từ thời để chỏm, tắm còn ở truồng làm gì lão không biết, tánh tình cũng hiền hậu ăn ở tử tế mọi xóm giềng, ông không có gì chê trách nếu Du làm rể ông, nhưng ngặt nổi thằng nầy gia đình nghèo quá, một mình gồng gánh chuyện gia đình, mẹ già ốm yếu ho hen, còn đứa em gái còn đang học hành, gả con gái cho nó liệu con mình có chịu khổ nổi hay không? Hay vài ba bửa lại cắn đắn bỏ nhau thì khổ đời con gái ông tội nghiệp. Mà có phải con Duyên không ai để ý đến đâu. Bà Thu chủ nhà hàng ở Cồn Tộc, có của ăn của để lại là mối quen biết làm ăn, chuyên thu mua tôm cá nò sáo của gia đình ông nhiều lẩn ướm hỏi Duyên cho con trai bả, mới hôm qua đây thôi chứ có xa xôi gì đâu khi lão đem tôm cá cho nhà hàng bả còn dạm hỏi, nhắc lại nếu ưng con bả thì sau đám cưới bà ta giao lại nhà hàng nầy cho vợ chồng nó, bả rút về Huế lo mấy cửa hàng hải sản ngoài đó. Lão có lạ gì thằng Quân con bà Thu đâu, nó ỷ gia đình giàu có khá giả, không chịu lo học hành. Học chưa hết lớp mười hai đã bỏ ngang,tối ngày đàn đúm ăn nhậu, phá trời không mời thiên lôi, tuy chưa có tai tiếng gì nhưng ông không ưa ngữ thanh niên ấy, Ông nhớ hôm Duyên đi cùng ông đến nhà hàng để cân cá, nó nhìn con Duyên chăm chú như muốn ăn tươi nuốt sống con bé, Duyên không thích cái nhìn như muốn lột da lột thịt nó nên nó đứng tránh xa ra dù thằng Quân cố tình bắt chuyện, chớt nhã. Lão biết hết chớ, nhưng lão tảng lờ thản nhiên như không biết. Mấy lần sau Duyên ghét không đi theo ba nữa, thằng Quân thấy lạ lân la hỏi ông:
- Ủa! Hôm nay cô Duyên không đi với bác sao?
Ông ầm ừ cho qua chuyện:
- Nó bận rồi.
Thằng Quân nhìn ông như dò hỏi:
- Chắc má con có thưa chuyện hỏi cưới Duyên cho con với bác rồi chứ?
Ông trả lời gọn lỏn:
- Có.
Thằng Quân háo hức:
- Con thật lòng thương Duyên. Rồi bác nghĩ sao?
- Nghĩ sao là nghĩ sao?
- Bác ủng hộ chứ?
- Cậu nầy hỏi lạ? Chuyện ăn ở một đời của nó sao lại hỏi tui, sao cậu không hỏi con Duyên? Nó ưng đâu tui gả đó.
- Bác nói là Duyên ưng ngay mà.
- Tui là cha nó nhưng chuyện nầy là tự nó quyết định cậu ơi.
Ông Bảy biết về làm dâu nhà bả Thu thì Duyên sung sướng đấy, được làm chủ cả người ta, thậm chí muốn gì có nấy, không còn phải ngày đêm sống trên nhà chồ nhỏ bé chật chội, hằng ngày đối mặt với sóng nước mênh mông, vắng người hiu quạnh nhưng biết sống có lâu bền không khi có thằng chồng phá gia chi tử, tối ngày chỉ lo nhậu nhẹt đàn đúm. Lại nữa, còn lão Nhung, trưởng công an xã, mượn cớ đi tuần tra bọn ngư tặc lộng hành thường hay ăn trộm tôm cá của bà con trên đầm phá ghé nhà chồ của ông thường xuyên, mỗi lần có chút rượu vào là lời ra hỏi cưới con Duyên cho thằng con trai thứ của chả. Lão Nhung tâng bốc thằng con trai thứ lão thấu trời xanh: nào là đẹp trai có phong độ như tài tử ci-nê-ma, nào là sui gia với chả tôm cá trong nò sáo của lão không thằng ăn trộm nào dám sờ mó tới, ông cứ yên tâm ngủ thẳng cẳng…Ai mà không biết tánh khí thằng con trai lão Nhung: vợ chồng lão chiều chuộng con quá mức nên thằng nhỏ có thèm học hành gì đâu, ham đua đòi ăn diện, mai xe nầy một xe nọ, học chưa xong một nghề để nuôi thân thì lấy gì để nuôi vợ con. Lão chỉ ừ hử cho qua chuyện vì thẳng thừng từ chối thì mích lòng, hơn nữa lão cũng không nở xa con, nó luôn biết ý cha không bao giờ làm ông buồn lòng, nếu ông muốn đám nào chắc nó sẽ nghe theo dù nó không muốn. Thôi thì cứ thư thả đã. Hôm lão Nhung rề rà câu chuyện cưới hỏi, cũng có mặt chú Ba Địa nhà chồ gần đó, chú nói kháy một câu:
- Vậy chớ hôm nọ hồ của nhà ai bị bọn trộm khoắng gần sạch hết mấy trăm ký cua vậy ta?
Lão Nhung chưng hửng mặt quạu quọ:
- Tui mà bắt được bọn ăn trộm cua trong hồ của tui là tui xử liền. Cái thứ không biết kiêng nể ai cả. Chú đừng tưởng tui bỏ qua chuyện đó nghe, tui đang tìm kiếm thủ phạm đó. Còn cái nò sáo của chú đó, khéo mà trông chừng, kẻo nó ra tay thì đừng trách tui không nói trước à nghe.
Rồi chả đứng lên, phủi đit cái phạch, quày quả bước xuống đò nổ máy đi mất. Hai ông già còn ở lại đưa mắt nhìn nhau phá lên cười.
Du cho thuyền ra phá từ lúc nắng chiều đã nhạt. Anh thông thả neo thuyền chổ anh đánh dấu thả lừ buổi trưa. Giờ nầy còn sớm, anh nhìn những sợi nắng còn sót lại trong một ngày sắp tàn rải trên sông một màu đỏ ửng lấp lánh. Anh trông về phía xa, chổ nhà chồ của Duyên mà thấy nhớ và thương cô tha thiết, không biết cô giờ nầy đang làm gì có nhớ anh không? Tội nghiệp cô, sống thui thủi trên nhà chồ nhỏ bé kia, làm bạn với sóng nước mênh mông bên ông già trầm lặng ít nói, luôn đau đáu nhớ thương người vợ đã mất chắc cô buồn lắm. Chẳng có ai làm bạn để chia sớt nỗi vui buồn. Anh muốn giúp cô thoát khỏi nỗi buồn hiu quạnh kia nhưng anh biết phải làm gì bây giờ, hoàn cảnh của anh chắc cô cũng hiểu, chờ đợi có lẽ là một sự bất công đối với cô, con gái có thì, anh nằm xuống khoang thuyền, lấy bao thuốc rút một điếu gắn lên môi, đốt lửa rồi chợt thở dài buồn hiu.
Đêm đã dần khuya, trời bắt đầu trở gió, từ xa vài tia chớp ngoằn nghoèo rạch những vết chân chim lên bầu trời tối sẩm, Du thầm nghĩ có lẽ khuya nay trời mưa. Anh hy vọng kéo lừ xong trời hãy mưa. Gió bắt đầu thổi, mưa bắt đầu trút nước, sóng lô nhô từng đợt sóng .Cái lạnh như len vào từng thớ thịt của anh. Anh lặng lẽ cắm cúi kéo lừ, trút cá dính trông lồng vào xô. Bỗng anh nghe trong tiếng gió, có tiếng ai kêu cứu. Anh ngừng tay lắng nghe. Đúng rồi có tiếng người kêu cứu, hình như xuất phát từ nhà chồ của Duyên thì phải. Đúng là tiếng Duyên rồi. Chuyện gì thế. Anh vội buông lừ xuống nước nổ máy. Con thuyền chồm lên sóng, băng băng hướng về phía nhà chồ. Trong giây phút nầy sau Du cảm thấy con thuyền đi sao chậm thế. Tiếng kêu cứu càng lúc càng rõ hơn, đúng là tiếng Duyên:
- Cứu, cứu với. Ai cứu với.
Thuyền anh lướt tới ánh lửa trên nhà chồ mỗi lúc một gần. Trên nhà chồ Duyên đã thấy dáng thuyền của anh. Cô bụm tay nói to giọng như bị tiếng mưa át đi:
- Anh Du ơi cứu ba em với. Bọn trộm cá, bọn trộm cá…
Tiếng cô như nấc nghẹn lại. Du nhìn về phía nò sáo thấy hai chiếc thuyền đang nhầp nhô trên sóng, tiếng ông Bảy hét lên dữ dội:
- Lũ ăn cướp. Bọn bây là một lũ ăn cướp.
Ông đưa chiếc chèo giơ cao đánh vào lũ trộm cá. Một đứa đở mái chèo của ông giật mạnh làm ông lúi húi ngã sấp, thuyền chao đảo rồi lật úp. Du giận dữ hét lên một tiếng thật lớn tăng tốc cho thuyền mình đâm thẳng vào mạn thuyền của bọn trộm cá. Chiếc thuyền dạt qua một bên, chao đảo chòng chành như sấp lật. Hoảng hốt hai tên trộm nổ máy cho thuyến chạy ra xa trốn mất. Du vội vàng đở lấy ông Bảy người bấy giờ đã mềm nhủn bất động:
- Bác Bảy ơi có sao không? Con là Du đây bác Bảy ơi.
Trên chồ Duyên cũng sợ hải không kém:
- Anh Du ơi! Ba em có soa không?
Du lính quính:
- Anh cũng không biết nữa. Phải đưa bác đi cấp cứu thôi.
Du đón vội Duyên xuống thuyền rồi nhắm hướng bờ mà lướt tới.
Mấy hôm nay nằm trong trạm xá làm ông Bảy cảm thấy khó chịu, buồn bực không yên. Một phần ông thấy mình bất lực trong việc bảo vệ tài sản của mình. Ai đời có trộm đến nhà chẳng những không bắt được chúng mà còn bị bọn chúng đánh cho bất tỉnh. Một phần mắc cở với Du, thấy mình có lỗi với nó quá. Đáng lý ra mình nên tin tưởng nó hơn, giao con Duyên cho nó sớm hơn nếu lỡ ông có mệnh hệ nào con nhỏ biết nương tựa vào ai. Nếu không nhờ có Du đêm ấy không biết ông có còn sống không? Âu là trời muốn thử lòng ông đây mà. Hàng xóm đến thăm, ai cũng mừng cho ông tai qua nạn khỏi. Thằng cha Nhung cũng đến thăm càm ràm:
- Đã trộm cá còn đánh người tội nặng đây. Phen nầy tui quyết bắt cho được bọn ác ôn nầy. Tui đã nói với ông rồi làm sui gia với tui là bọn chúng không dám đụng tới nò sáo của ông mà.
Thằng cha Nhung đi rồi, chú ba Địa xí một tiếng rõ to:
- Chả là cái gì mà bọn trộm sợ chứ. Tối ngày chỉ lo tìm cách gài độ ăn nhậu là hay nhất.
Ông Bảy không nói gì, liếc nhìn ra ngoài sân thấy Du và Duyên đang ngồi trên băng đá trò chuyện với nhau, mặt mày đứa nào đưa nấy hình như tươi rỡ. Chắc tụi nó mừng ông sắp xuất viện về nhà đây mà. Mấy hôm nay cực cho chúng nó quá. Mấy ngày ông nằm đây, Duyên phải chầu chực lo cơm nước thuốc thang cho ông, chuyện nò sáo ông giao cho ông bạn già là chú Ba Địa coi giùm, còn thằng Du nó cũng lăng xăng chạy tới chạy lui lo lắng cho ông như chính cha ruột của nó không bằng. Tới bây giờ ông mới cảm thấy mình già rồi, cần có một người đàn ông khỏe mạnh trong nhà để con gái của ông có nơi nương tựa gởi gắm. Ông tính rồi qua tết thong thả sẽ làm đám cưới cho hai đứa rồi giao hẳn nò sáo, hồ nuôi tôm cho chúng làm ăn. Ông sẽ lên bờ sống. Trong thâm tâm ông cảm thấy mình có lỗi với vợ quá. Ai đời thương vợ mà lại bỏ tuốt ra ngoài chồ sống mấy năm nay để bả nằm hiu quạnh một mình giữa những người xa lạ, thương vợ gì kỳ vậy ta?
Mấy hôm sau trước khi ra chồ trở lại, ông Bảy ra phần mộ của bà, bày mâm quả, đốt nhang khấn nguyện:
- Bà nó ơi, có sống khôn thác thiêng về đây chứng giám cho lòng thành của tui đối với bà. Qua tết tui sẽ làm đám cưới cho con Duyên và thằng Du. Chắc bà biết thằng Du con chị Năm Nghĩa ở đầu thôn của mình chớ. Nó là thằng tốt đáng tin cậy. Tui giao con Duyên cho nó, giao hết tài sản trên đầm cho tụi nó. Tui lên bờ sống với bà. Bà chờ tui với nghe bà ơi.
Khói hương từ những cây nhang bốc lên, thoang thoảng bay trong gió sao nghe thấy có mùi thơm lạ.
NGUYỄN AN BÌNH

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

THƠ PHỔ NHẠC MỚI
T H Â N Q U E N
Thơ NGUYỄN AN BÌNH, phổ thành ca khúc PHAN BÁ KIỆT hát theo điệu dân ca Nam Bô.. Bài thơ tui viết với tựa KHÁCH LẠ vì mình bây giờ là người xa xứ về quê nhà giống như khách lạ, ông anh nhạc sĩ lại đổi thành THÂN QUEN. Có ý gì đây? Nhưng dù sao có nhạc là dzui dzẻ rùi.


THI ẢNH; GHÉ ĐÁ BA CHỒNG

THI ẢNH
GHÉ ĐÁ BA CHỒNG - Thơ NGUYỄN AN BÌNH