Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

EM VÀ MÙA XUÂN – KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC PHỔ NHẠC.

 CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 4

EM VÀ MÙA XUÂN – KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC PHỔ NHẠC.

         Nếu nói bài thơ đầu tiên của tôi được viết nhạc thì đó là bài thơ Cần Thơ em và mùa xuân” được viết ngắn lại là “Em và mùa xuân”viết cuối năm 1974 in trong tập thơ HOA XƯA cùng nhà thơ Thạch Long in đầu năm 1975 để kỷ niệm trước khi rời trường ĐHSP Cần Thơ. Thạch Long tên thật là Huỳnh Phát Minh, anh là bạn học cùng lớp 12A2 cùng trường với tôi ở THTH Phan Thanh Giản Cần Thơ, cùng lập nhóm Tình Thơ hoạt động sôi nổi suốt một thời gian dài trên báo chí Sài Gòn từ năm 1971 đến 1975. Khi tôi và Thạch Long bàn in tập thơ nầy thì anh Phạm Văn Đức(nay định cư ở Mỹ) là bạn học chung sư phạm Việt Hán với tôi và Thạch Long biết nên đề nghị hai chúng tôi mỗi người gởi cho anh một bài thơ để anh viết nhạc góp sức. Lời đề nghị đó được tôi và Thạch Long tích cực hưởng ứng.

         Thế là mấy ngày hôm sau Đức mày mò sáng tác ca khúc với cây đàn guitar cũ kĩ mà anh đem từ Đồng Nai xuống. Sau đó anh lại chịu khó dùng bút sắt kẻ khuông nhạc và viết tay lời ca khúc lên tờ stencil(giấy sáp) theo đúng kích thước của tập thơ để tiện quay roneo dưới ký bút danh là Phạm Tương Như. Ngày đó sinh viên nghèo lắm làm gì có tiền để in typo sang trọng ở mấy nhà in, nếu sang một chút thì lấy tranh bìa chụp điện tử rồi in roneo còn sang hơn nữa thì bìa in typo là ok rồi coi như bảnh lắm. Đây là tập thơ thứ 6 cũng là tập thơ cuối của Nhóm Tình Thơ-Tây Đô chúng tôi. Sở dĩ có tên Hoa Xưa là vì năm học 74-75 là năm cuối cùng của lớp Đại Học Sư Phạm Việt Hán mà tôi đang theo học để chuẩn bị hè 75 ra trường làm công việc “Phù thế giáo một vài câu thanh nghị(Hàn nho phong vị phú-Nguyễn Công Trứ). Tập thơ đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của nhóm Tình Thơ để bắt đầu bước sang một giai đoạn sáng tác mới với nhiều hoài vọng đang mở ra trước mắt nhưng vì thời cuộc 75 tất cả những dự tính đều phải dừng lại.

  Ra trường tôi về Huyện Mỹ Xuyên-Hậu Giang công tác, Thạch Long về huyện Long Phú, còn Đức về Trảng Bom-Đồng Nai quê anh. Cuộc sống bao cấp lúc đó vô cùng khó khăn rồi cũng bặt tin nhau từ đó.

  Cách đây hơn 10 năm một buổi tối chuông điện thoại reo tôi bắt máy, một giọng nói xa lạ hỏi có phải nhà tôi không, tôi đáp phải, bên đầu dây kia hỏi có nhớ giọng nói nói của ai không? Tôi ngại ngần cố nhớ nhưng không thể nào nhớ được, thấy tôi ngập ngừng người bên đầu dây kia cười nói: Đức đây, Phạm văn Đức học chung sư phạm Cần Thơ với ông đây mà. Nghe lời anh kể thì ra sau khi về Trảng Bom Đồng Nai dạy một thời gian anh tìm cách vượt biên và ở mãi đến giờ chưa về VN, anh nói cố gắng sẽ về VN thời gian tới thăm bạn bè. Tôi thông tin cùng Thạch Long anh rất vui nhưng rồi từ đó đến nay cũng chỉ là bóng chim tăm cá.

  Sau nầy khi viết thơ trở lại tôi đã sử dụng bài thơ phổ nhạc đầu tiên của anh viết năm 1974 để in vào bìa sau của tập thơ mới “Còn Một Chút Mưa Bay” xuất bản năm 2013 để kỷ niệm một thuở học trò áo trắng. Ở một phương trời xa xôi nào đó nếu anh đọc được những dòng chữ nầy thì tôi rất vui nhưng điều đó tôi nghĩ rất mong manh và quá xa vời mà thôi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét