Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

CHIẾC ĐÁNH MÁY CHỮ HIỆU OLIVETTI

 CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 5

 CHIẾC ĐÁNH MÁY CHỮ HIỆU OLIVETTI

         Tôi mua chiếc máy chữ năm vừa tròn 16 tuổi. Năm 1970 của thế kỷ trước.

Đó có thể là một điều lạ lẫm với một người còn đang học phổ thông và theo người lớn là còn quá nhỏ tuổi để có quyền sở hữu một công cụ chuyên nghiệp dành cho người có công ăn việc làm ổn định.

Mặc cho ai có suy nghĩ gì đó tôi không thật sự quan tâm vì việc ao ước có một máy chữ tôi ao ước từ lâu, công việc chép lại thơ, tản văn hay truyện ngắn để gởi báo đăng làm tôi mệt mỏi vì mất rất nhiều thời công sức hơn nữa khi gởi đi rồi bản thảo có thể thất lạc hoặc tòa soạn không sử dụng thì coi như mất trắng. Có bàn đánh máy bản thảo đánh ra có được nhiều bản dễ lưu giữ, chữ đẹp rõ ràng tòa soạn người ta thích sử dụng hơn.

Đó là chiếc máy chữ nhỏ gọn gàng hiệu Olivetti của Ý giá 20.000 đồng, một số tiền khá lớn mà tôi phải dành dụm từ lâu mới có được. Ngày đó mua chiếc máy chữ không thật dễ dàng và bị kiểm soát chặt chẽ, hiệu buôn phải ghi lại số căn cước của người mua để sau nầy có vấn đề sẽ truy ra được chủ nhân của chiếc máy. Ngày ấy miên Nam chiến sự lan tràn giữa quân đội VNCH và quân giải phóng thật dữ dội, truyền đơn của phe bên kia lâu lâu lại rải đầy thành phố, mỗi loại hiệu của máy chữ đều có một co chữ khác nhau, nhìn co chữ trong truyền đơn cảnh sát có thể lần ra truy tìm được chủ nhân của chiếc máy chữ đó là ai.

  Nhờ máy chữ mà tôi viết được nhiều và lưu giữ bản thảo đầy đủ hơn. Sau nầy khi cùng nhà thơ Thạch Long thành lập nhóm Tình Thơ-Tây Đô, bàn đánh máy được sử dụng vào việc công. Các bạn trong nhóm được sử dụng nên bài đăng thường xuyên hơn trên báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ thậm chí nhóm còn sử dụng bàn máy chữ của tôi để thực hiện các bài giảng, sách cours của các thầy, giáo sư mà nhóm quen biết để có tiền cà phê. Bản thảo của nhóm thực hiện cũng từ bàn đánh máy nhỏ nhắn nầy.

Sau năm 1975 chiếc máy chữ Olivetti không còn sử dụng để đánh tác phẩm nữa, nhóm Tình Thơ cũng tan rã, mỗi người ra đời theo số phận riêng của mình. Tôi vẫn giữ chiếc máy chữ như một kỷ niệm một thời đam mê làm thơ viết văn. Cho đến một ngày, cách đây ba năm, tôi lại rời quê hương về định cư Sài Gòn nên đành bỏ lại, nó theo chân một kẻ mua bán đồ cũ và bây giờ không biết nó trôi nổi về tận phương trời nào.

Chiếc đánh máy Olivetti cũ kĩ, nó cũng như tôi, đã hoàn thành sứ mệnh của mình một thời say mê văn chương chữ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét