Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

ĐÊM HỘI KA TÊ

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 102(12)
ĐÊM HỘI KA TÊ
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


Ở LÀNG GỐM BÀU TRÚC


Có qua miền gió cát
Về tắm nước sông Quao
Giao hòa đất và lửa
Mới thấy lòng xuyến xao.

Ngủ yên trong lòng đất
Hồn vương quốc Chăm-Pa
Ngàn năm chợt thức giấc
Vũ khúc thần Siva.

Bàn chân em xoay chuyển
Ngón tay quá dịu dàng
Thổi hồn vào thớ đất
Tình yêu người mênh mang.

Những trái dông trái thị
Làm nên chất men hồng
Trắng trong hồn Chiêm nữ
Gò ngực tròn thanh tân.

Say men nồng rượu ngọt
Đêm lễ hội Katê
Giao duyên tình trai gái
Ấm lòng người xa quê.
*Ninh Thuận, tháng 5/2018


Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

ĐÊM BẠC LIÊU NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 101(11)
ĐÊM BẠC LIÊU NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


ĐÊM BẠC LIÊU NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ


Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
Theo ai về hò hẹn đất phương Nam
Tiếng đàn kìm nổi trôi đời xa xứ
Ngậm ngùi thương khúc “Dạ Cổ Hoài Lang”.

Từng điệu nhạc thành bài ca vọng cổ
Trên dòng sông ngân mãi những điệu hò
Câu thủy chung trong “Tình Anh Bán Chiếu”
Nỗi niềm riêng chưa dứt một đường tơ.

Hồn Cao Văn Lầu bay theo ngọn cỏ
Dù người xưa cánh hạc đã lên trời
Lời ai dưới ánh trăng vàng thổn thức
Nghe đắng cay đeo đuổi một kiếp người.

Thương mảnh đất cha ông thời mở cỏi
Mặn mồ hôi thấm cả máu xương người
Nặng phù sa thăng trầm bao số phận
“Lục Vân Tiên” nhân nghĩa chẳng hề phai.

Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
Để biết mình còn có một quê hương
Để yêu em yêu người dân xứ biển
Thật ngọt ngào trong từng phím tơ vương.
                    13/06/2014


Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

ĐẮK BLA MÙA THU VỀ

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 100(10)
ĐẮK BLA MÙA THU VỀ
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


ĐẮK BLA MÙA THU VỀ


Có đi qua con sông
Mới nghe rừng lá kể
Dòng Đắc Bla lặng lẽ
Gọi mùa thu đang về.

Từng bãi mía nương ngô
Xanh một màu sương phủ
Lời nguyền mùa nước lũ
Sông chảy ngược về đâu?

Ai kể cho đời sau
Bóng cây đôi chung thủy**
Chuyện tình in dáng núi
Tím một chiều hoàng hôn.

Em gùi nước về buôn
Mái nhà rông cao vút
Bập bùng vang tiếng hát
Say trong điệu múa xoang.

Hoa nở khắp đại ngàn
Sắt se làn mưa bụi
Hương bay cùng gió núi
Mùa cà phê thơm nồng.

Thuyền độc mộc qua sông
Đắk Bla nhuộm nắng vàng
Tình đất đỏ ba dan
Đôi bờ giăng nổi nhớ.
     Kon Tum, tháng 8/2017

 *Sông Đắk Bla: Bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh huyện Tu-Mơ-Rông. Dòng chảy khi đến huyện Kon Rẩy thì bẻ về hướng bắc nam, đoạn qua tp KonTum thì chảy ngược về hướng đông-tây nên Đắk Bla còn gọi là dòng sông chảy ngược.
**Cây đôi: Trước kia ở cửa ngõ vào tp Kon Tum có 2 cây tơ-đáp và cây si mọc chung gốc bên bờ sông Đắk-Bla gắn liền với huyền thoại đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hận thù của hai bộ tộc nên chết đi hóa thành. Năm 2012 cây đôi nầy đã bị chính quyền chặt bỏ.


Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

VỀ ĐẤT MŨI

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 99(9)
VỀ ĐẤT MŨI
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


VỀ ĐẤT MŨI


Về đây
 Cuối đất cùng trời
Nghe rừng đước mặn hát lời phù sa
Rạt rào ngọn sóng khơi xa
Nhìn triều Cái Lớn chan hòa biển khơi.

Anh về
 Sông Đốc Đầm Dơi
Thương em nhớ mãi những lời tình ca
Hương tràm theo gió biển xa
Tóc em thơm ngát mùa hoa tự tình.


Về đây
Đón ánh bình minh
Xem rừng lấn biển hồi sinh bạt ngàn
Mặn mòi con gái Năm Căn
Rượu cay Đất Mũi còn nồng tình anh.

Anh về
Cái Nước Viên An
Rưng rưng cột mốc biên cương cuối trời
Nhìn thuyền rẽ sóng ra khơi
Nắng lên còn đọng tiếng cười của em.
                      25/03/2017


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

CON MẮT PHÚ YÊN

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 98(8)
CON MẮT PHÚ YÊN
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


CON MẮT PHÚ YÊN


Có phải em con gái Tuy Hòa
Neo tình tôi sau mấy ngõ hoa
Để hương nắng sớm tràn lên tóc
Dừng bước giang hồ bụi đường xa.

Theo dấu chân em bước qua cầu
Đà Rằng mấy nhịp gởi về đâu?
Hay tình theo nước xuôi Đà Diễn
Núi Nhạn ngàn năm đứng dãi dầu.

Hùng Vương ánh điện đèn giăng sáng
Sông Chùa in đáy nước đêm thơ
Em về ngang đó soi bến nước
Con mắt Phú Yên có đợi chờ.

Đụn rơm vàng óng trước nhà ai
Thấy mắt em vui phía Chóp Chài
Đàn bò gặm cỏ qua sông cạn
Bóng đổ dài theo những nương khoai.

Triền dốc mùa nầy lau trắng rợp
Vàng hoa mướp nở rộ sông Ba
Hình như tháng tám mây trong lắm
Dưa xanh đồng bãi mượt phù sa.

Con mắt đa tình em Phú Yên
Chiều về lộng gió cát Bãi Môn
Con sông lau sậy buồn không nói*
Giữ mãi tình em sóng Đà giang.
  Tuy Hòa, tháng 8/2017


*Con sông lau sậy: Ea Drăng theo nghĩa của từ Chăm cổ, một cái tên khác của sông Đà Rằng.


Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG

CA KHÚC THƠ PHỔ NHẠC BÀI 97(7)
TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG
Trong Tuyền Tập Thơ Phổ Nhạc Tập 2 QUA MIỀN ĐẤT NHỚ Thơ Nguyễn An Bình, nhạc Hồ Hoàng


TA VỚI NGƯỜI CHUNG MỘT VẾT THƯƠNG

Ta với người chung một nhánh sông
Giấu chi tiếng sóng mãi trong lòng
Nước chia trăm hướng đời vô định
Không một mái chèo khơi nhớ mong.

Ta với người chung giọt nắng khuya
Bàn tay thương gọi ngón tay lìa
Vực sâu gió núi âm còn mỏng
Đá lạnh muôn trùng đợi cách chia.

Ta với người chung một giấc mơ
Hàng cây trốn gió trắng đôi bờ
Côn trùng thôi khóc mùa ân ái
Chim trốn bên trời phơi gió mưa.

Ta với người chung một nỗi đau
Tương tư tầm gửi áo xưa nhàu
Mưa reo tám hướng người nghe lạnh.
Lạnh ở phương nào cũng nhớ nhau.

Ta với người chung một vết thương
Một mai rời bỏ dấu thiên đường
Lá sen nào ủ mùi hương cốm
Ai sẽ là người bỏ yêu đương?


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

BÊN GIÁO ĐƯỜNG NGÀY ẤY



BÊN GIÁO ĐƯỜNG NGÀY ẤY

Đi trong tiếng chuông ngân
Bên giáo đường ngày ấy
Bóng tháp cao trầm ngâm
Gió ngàn sương giăng mãi.

Tiếng chuông đưa tôi về
Trên dốc mơ ngày cũ
Bồi hồi khi lắng nghe
Lời ca người thánh nữ.
            
Hai ngàn năm trước đó
Người xuống trần đêm nay
Hiển linh trong máng cỏ
Có hiểu đời đắng cay?

Ngọn nến trong tay em
Như đóa hồng vừa nở
Thắp sáng bầu trời đêm
Tình tôi và nỗi nhớ.

Ai hát “Giáng Sinh Trắng”*
Ngợi ca niềm cô đơn
Tuyết rơi trong trầm lặng
Nốt nhạc mang nỗi buồn?

Món quà của trần gian
Nào ghi trong sách ước
Quên hết lời thiên ân
Tạ ơn người gian dối.
____________________________________________________
*Giáng Sinh Trắng: tên bài hát White Christmas do nhạc sĩ người Mỹ Irving Berlin sáng tác năm 1940

NGUYỄN AN BÌNH - TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

BÀI CẢM NHẬN CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN CẨN VỀ BỘ TUYỂN TẬP THƠ PHỔ NHẠC CỦA NGUYỄN AN BÌNH NHÂN BUỔI RA MẮT SÁCH TẠI SÀI GÒN TRONG THÁNG 12/2019 TẠI COFFEE HƯƠNG VIỆT



Nguyễn An Bình – Nhà thơ của tình yêu và nỗi nhớ
Dẫn nhập :
Sáu tập thơ với hơn  500 bài thơ phổ nhạc – một con số kỷ lục của một người làm thơ được phổ nhạc  bởi nhiều nhạc sĩ khác nhau , trong đó có người phổ nhiều như anh Mộc Thiêng , có người ít hơn như anh Huy Thọ hay Phan Bá Kiệt …Để có một cái nhìn đầy đủ về thơ Nguyễn An Bình (NAB) chắc chúng  ta phải có  một công trình dài hơi và cần nhiều thời gian hơn . Trong bài viết này ,chúng  tôi chỉ có  tham vọngkhiêm  tốn là đưa ra một lát cắt hay một cái nhìn lướt qua( a glimpse ) dòng thơ NAB để dừng lại ở một vài nhận định tổng quát .
Chúng ta hãy cùng nhau bước vào cõi thơ NAB  với tất cả sự trân trọng  để khám phá xem NAB đã duy trì và luôn giữ nguồn “ thi hứng ‘ mãnh liệt  và tươi trẻ của mình  như thế nào ?
1/Chàng Peter Pan của thơ tình yêu
Peter Pan là một nhân vật  của nhà văn James Matthew Barrie. Peter Pan mang hình hài của một thiếu niên  biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống, chính vì thế cậu luôn tìm cách không “ già hóa “ và mãi mãi thanh xuân . NAB cũng có nét ấy .Tình yêu luôn tồn tại trong mọi bài thơ , luôn trẻ trung , luôn thao thức dù ở tuổi nào .Ta ngờ như  tác giả vẫn ‘nuôi dưỡng ‘ trong tâm hồn mình tình yêu  ngày xưa ấy như chất  liệu hay động cơ để viết thơ hôm nay hay là  tình yêu ấy quá sâu lắng nên vẫn cứ lần khân ở lại cùng nhà thơ bất chấp năm tháng với tất cả cung bậc vui buồn :
 Tôi ngẩn ngơ tìm cây  hạnh phúc
 Lang thang hoài  hết tuổi thanh xuân
Mãi theo em,lên rừng xuống phố
Thưở yêu người ngậm ngải  trầm luân
….
Chim, lạc núi đường bay thăm  thẳm
 Tiếng kêu buồn khắc khoải  trong sương
 Bóng em khuất trong đời lặng lẽ
 Tôi thương người nước mắt rưng rưng
(  ( Phiên tình sầu cuối đông-2014 )
Hãy thử so  sánh hai bài thơ viết cách nhau gần 40 năm , chúng ta thấy dù có đi đâu hay  làm gì , có trải qua bao nhiêu biến cố trong đời ,tác giả khi khắc họa tình yêu luôn nồng nàn trong ký  ức. Bài thơ anh viết năm 19 tuổi :
Cần Thơ có những ngày mưa bay
Là bóng em còn lại tháng ngày
 Đường về chắc là buồn muôn thưở
 Như cuộc đời này anh trắng tay
 (Cần Thơ  có những ngày mưa -1973)
 hay
Như  nước xa nguồn sông Ngã bảy
 Con tàu tách bến sẽ về đâu ?
Như tình ta đã chia nhiều lối
 Chờ đợi nhau cũng đến bạc đầu
 ( Dòng sông Ngả bảy -1973)
Và tâm tình ấy vẫn cứ thổn thức sau khi anh đi tròn một vòng hoa giáp đến 60 tuổi
Đời  vẫn trôi hoài nước vẫn xuôi
Sông  sâu bên lở nhớ bên bồi 
Hạt nắng mùa xưa thành  giọt lệ
Mất dấu tình sầu lệ vỡ thôi
( Hạt nắng mùa xưa – 2014)
Khi đang  yêu năm 21 tuổi , anh viết
Lòng anh bão nhỏ
Một thưở yêu người
Tình xanh ai nhớ
 E ấp môi cười
 Cây như trốn gió
 Trao em hoa đời
( Lòng anh bão nhỏ -1975)
Và 40 năm sau anh viết tiếp bài thơ tình dang dở ấy
Nhỏ  ơi nhỏ bốn mươi năm rồi đó
Cửa thời gian  đóng mở thật vô tình …
 …Thư của nhỏ  nằm im trong ngăn tủ
Biết bao năm mực giấy đã phai mờ
Bông hoa tím  ép nằm trong trang vở
 Vẫn dịu dàng ôm ấp một vần thơ 
( Bài cho nhỏ- 2013)
Phải chăng như ai đó  nói nỗi cô đơn  là bạn của nhà thơ hay những giấc mộng không thành là cội nguồn của thi ca và âm nhạc . Một mối tình dang dở phải chăng là thi hứng cho tác giả viết được những câu thơ như
Em có  còn nhớ anh
 Như lá nhớ  xa cành
Con sông dài nhớ biển
Chiếc thuyền nan nhớ bến
Dẫu lìa cội xa nguồn
 Kiếp tằm còn tơ vương
( Phố mưa )
Em hóa thành  ngọn gió
Gió chiều thổi qua sông
 Tình tôi theo ngọn sóng
Sóng xô se thắt lòng
( Thu trên tay người )
Người tình ấy vẫn đi về trong thi ca hay tâm hồn nhà thơ để anh mãi hỏi câu hỏi ngày xưa  một cách khéo léo, nhẹ nhàng
Xưa em chải tóc dưới trăng
Sợi thương rơi mất sợi buồn theo ai ?
Để rồi giờ đây đáp số cho bài toán tình yêu ấy chỉ là :
Tóc thề một thưở hư hao
 Em rưng mắt lệ cúi đầu xe qua
Thương  em một giấc phù hoa
 Hồn ta rong ruổi như là trăng phai
(  Chút ngậm ngùi xưa- 2017 )
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã có lần hỏi người yêu “Này em hỡi/Con đường em đi đó,
Con đường em theo đó/Đúng hay sao em? “ ( Bài không tên cuối cùng    ) thì gần đây ông đã tự tìm câu trả lời “Này em hỡi con đường em đi đó/Con  đường  em theo đó đúng đấy em ơi/Nếu chúng mình có thành đôi lứa/Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau. “(Bài không tên cuối cùng  tiếp nối )
Nhưng NAB thì  không, Dù  người xưa giờ đây cũng đã chỉ còn trong mộng tưởng khi nỗi nhớ lãng đãng như mây trời , vậy đó mà dằn vặt , vậy đó mà thiết tha 
Em giờ trong cõi sa mù
Tôi mang tình nhỏ thả thơ lên trời
 Người quên tôi giữa cuộc  chơi
Tôi quên người  mất một đời bể dâu ( Tình nhỏ )
Những dòng thơ tình của NAB cũng nằm trong dòng chảy những bài thơ tình ngày xưa , từ thời những tập san “ Áo Trắng “ hay “ Mực Tím “ hay xa hơn nữa là ” Tuổi Ngọc “Cùng “ nòi tình “ như NAB , chúng ta củng đã từng nghe những nhà thơ  đương thời hay đàn  anh của NAB viết về những kỷ niệm nhựng hoài niệm một thời xa vắng.Có nhà thơ viết da diết tận cùng
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển. Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
(Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi -Du Tử Lê )
Có người mượt mà dịu dàng nhưng không kém phần chua xót
Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em
Để bàn tay gối sầu trên ngực
Và gió thu đầy trong mắt trăng
( Khi em mười sáu- Trần Dạ Từ)
Có nhà thơ  thì thầm thỏ thẻ kể lệ với người  tình , “ hăm dọa” đáng yêu
Không có anh thì ai ve vuốt
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu run từng cành lộc biếc
( Cần thiết -Nguyên Sa)
Còn NAB thì sao ở tuổi ấy , cũng mơ hồ lãng mạn một thưở yêu người
yêu người một thưở trăng tan
 tiếng chim vườn cũ người đành bỏ quên
 lời thương chưa chớm môi hiền
 yêu em nên để con tim dại khờ
để rồi hoa rụng chiều mưa
 em trăng mười sáu tôi vừa tương tư
( 2015)
Cái khác ở đây là Trần Dạ Từ viết bài thơ của mình năm 16 tuồi còn NAB viết bài thơ về tuổi 16 khi đã 60 tuổi. Những rung động dường như vừa mới hôm qua.Những cảm xúc không trôi đi mà đọng lại ,thời gian và không  gian đặc quánh  tình yêu vì khi yêu , người ta không có tuổi ,mà chỉ có những rung động bao giờ cũng bồi hồi .
Tóc em thơm một rừng mai trắng
 Chiều vàng nghiêng cánh nhớ mùa xưa
 Hôn lên bờ vai em thắp nắng
Ngọt ngào hương cốm lá ngày mưa
( Tương tư tháng  giêng )
Tuổi học trò với bao kỷ niệm , lưu luyến , e ấp , một chút bẽn lẽn , một chút hờn nhè nhẹ đủ để nhớ nhau
Gói ô mai giấu hoài trong chiếc cặp
 Ai thèm ăn mà tôi lén để dành ?
Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo
Sợ buồn vương làm  bẩn gót chân son
 ( Còn lại chút mưa bay)
Mưa nắng hay thời tiết chỉ là cái cớ cho tác giả bộc bạch cảm xúc
Cảm ơn mưa nắng Sài Gòn 
Cảm ơn em giữ được hồn phố xưa
( Sài Gòn  một thời để nhớ -2013)
Bởi lẽ người yêu luôn tìm thấy nhau  mọi nơi mọi lúc như bài hát Phạm Duy
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
( Tìm nhau )
Thế nên chúng  ta nghe  NAB băn khoăn trước sức mạnh thời gian ,liệu có là cơn gió xóa mờ dĩ vãng không?
Cõi xưa hiên đời mưa nắng
 Thời gian vai áo bạc màu
Hẹn hò một thời xa vắng
 Biết còn nhớ để tìm nhau
( Còn mãi tìm  nhau )
 Nhưng tác giả vững tin vào năng lực mầu nhiệm của yêu thương vì nó luôn làm mới như Shakespeare từng viết
… Love is not love ,which alters when it alteration finds…
 Love is not Time’s fool …
Love alters not with his brief hours and weeks …
 ( Sonnet 116)
( Tình yêu sẽ chẳng phải tình yêu nếu nó thay đổi theo dòng đời , nghĩ là bị xói mòn theo năm tháng  , nên chẳng phải tên hề của thời gian ) .
Và NAB cho rằng phẩm tính tình yêu là bền bỉ và “ kiên trinh “
Tình tôi màu giấy mới
 Xanh bao mùa quả thơm
Tinh khôi từng  nét chữ
 Giấu bao điều  ẩn hương  ..
 Em bên bờ nhật nguyệt 
 Cánh chuồn khuất mưa sương
 Tình vẫn thơm giấy mới
 Một thưở chưa  biết buồn
( Tình thơm màu giấy mới )
Vì quá khứ vẫn là khoảng  thời gian ta sống và ta nhớ như  Henry Miller nói “ Sứ mệnh con người trên mặt đất này là nhớ “ nên NAB nhìn dòng sông trôi đi như thời gian gợi lên dư âm ngày tháng cũ
Ngồi lại bên cầu khua bao dòng nhớ
Con cá ngày  về ngược nước mù tăm
 Thương hạt phù sa ngàn năm vẫn đợi
Sao sóng trong lòng đợi mãi dư âm
Ta nghe có chút gì âm hưởng Hoài Khanh
 Rồi em lại ra đi như đã đến
 Giòng sông kia nước vẫn chảy sa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
 Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
( Ngồi lại bên cầu – Hoài Khanh )
Ngoài tình yêu đôi lứa, NAB còn dành cho mẹ , cho quê hương , cho trường cũ tình yêu và nỗi nhớ cũng nồng nàn không kém
Sông dài đỗ mãi khơi xa
Tình yêu mẹ chảy  lời ca dao buồn
Tóc người gột cả khói sương
 Mẹ thành  mây trắng suối nguồn trong tôi
( Mây trắng trong giấc mơ tôi )
Mười năm bóng người  qua thềm cũ
Bạn đã xa tình  cũng rất xa
Cuối năm uống rượu tìm hơi ấm
Mắt chợt cay theo  khói quê nhà 
(Mười năm bóng người  qua thềm cũ- 2014)
Về qua trường cũ , nhà giáo  , ông hiệu trưởng NAB tự hỏi
Về đâu trong sương một tà áo mỏng
 Nghe tím hoàng hôn nỗi nhớ vơi dầy
 Cuối dãy hành lang âm thầm đưa tiễn
 Chợt giật mình  thấy tóc đã như mây
( Về lại mái trường xưa- 2015)
Rất nhiều nơi chốn đã đi qua tác giả còn ghi lại 
Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
 Để biết  mình còn có một quê hương 
( Đêm Bạc Liêu  nghe đờn ca tài tử - 2014)
Câu hò ngày ấy giờ đâu
 Còn đau đáu nhớ chân cầu Hiền Lương
……………
Mười năm mới về qua Vàm Cống 
 Mười năm ờ nhỉ chắc lâu hơn
Mười năm đời chỉ là giấc  mộng
Muời năm sông cạn – núi cũng mòn .
2/ Nhạc tính trong thơ NAB
Thơ NAB giàu nhạc tính , những bài thơ của anh , vần điệu du dương , dễ gợi ý hay nhạc hứng trong lòng các nhạc sĩ ,từ thơ bốn chữ , năm chữ , sáu chữ …
Em tươi non như ngàn 
 Môi hồng thơm cánh lưu ly
Về ngang nhà thờ  ngày nọ
 Chuông mơ còn dấu  tình si
 ( Mùa thu xuống phố )
Chúng ta đọc tiếp
Về đâu sông ơi
Sao đi mải miết 
 Đưa người xa người
 Tháng năm biền biệt
(Về đâu sông ơi )
Bay về đâu nỗi nhớ
Cánh điệp vàng vừa rơi
Chia  tay mùa hạ cuối
Có tình đầu của tôi
( Cánh diệp vàng )
…đến thơ tám chữ
Nghe ai hát bản tình ca say đắm
 Khúc boléro chiều mượn chút men cay
Tôi và em tình một thời lận đận 
Lại hiểu  thương hoài một sợi tóc mai
 ( Khúc  tình sầu boléro)
3/ Thơ NAB mang màu sắc tiền hiện đại và một chút  hiện đại
Thủ pháp của anh phần lớn 90% là thơ  có vần , thoảng hoặc có một hay hai bài tự do cũng mang đầy nhạc tính
Có lẽ nào chúng ta  không còn nhớ được mặt nhau
Khi bao mùa lá sầu  đông vẫn rơi hoài  lặng lẽ
Đàn dơi ăn đêm đập cánh bay chỉ chao nghiêng rất khẽ
Cũng đủ làm giật mình những chú  sóc nhỏ giữa khuya …
 Chiều mênh mông mênh mông núi lạnh trắng mây ngàn
Đời  cũng đành trôi xuôi lẻ loi như những cành củi mục
 Nghe hơi thở mong manh tan trong làn sương mờ đục
 Bay giữa đông  người chợt hiểu thế nào là trái tim đau ..
( Màu nắng cũ )
Ba hệ hình tiền hiện đại, (THĐ), hiện đại (HĐ) và hậu  hiện đại (HHĐ)biểu hiện từng đặc trưng thể loại . có sự đồng tồn của cả ba hệ hình trong văn chương Việt Nam  .Thơ NAB thuộc hệ hình tiền hiện đại  . “ Ở thơ thì cốt lõi là ngôn ngữ  , mà cốt lõi của ngôn ngữ là quan hệ giữa chữ và nghĩa , nên ba hệ hình tiền hiện đại,hiện đại và hậu  hiện đại của thơ là chữ ---nghĩa ( từ nghĩa đến chữ ) ; chữ-nghĩa ( từ chữ đến nghĩa) và chữ = nghĩa (chữ nghĩa tương tác ) “ ( Đỗ Lai Thúy –Sống trải lý thuyết và lý thuyết hệ hình của tôi, trích trong Những cạnh khía của lịch sử văn học -2016)
Với tiêu chí nghĩa – chữ tức nghĩa/ ý tưởng có trước  mới tìm chữ / câu / văn bản để thể hiện nó.Thơ Mới là đỉnh cao của tiến trình phát triển thơ THĐ còn thơ tự do là tiêu biểu cho thơ hiện đại với  những cách tân của Thanh Tâm Tuyền .
 Chúng ta biết mục tiêu của mỗi hệ hình là khác  nhau : Mỹ học của cái Đẹp ( tiền HĐ) Mỹ học của Siêu tuyệt ( HĐ) vàMỹ học của cái  Khác (HHĐ) . Cái Đẹp ấy NAB đã đi tìm gần trọn đời mình và anh  đã may mắn nhận được sự đồng cảm của thời  đại vì thơ  anh đăng báo nào cũng được , trong nước hay hải ngoại ,Nó hiền lành như chính con người anh chỉ đau đáu một tình yêu long lanh như hạt  sương đầu đời nhưng cái hay là anh  còn giữ sự rung động đến bây giờ vì trong “ ký ức long đong “ ấy vẫn còn “ một thưở biết buồn “ giúp anh làm nguồn lực viết thành thơ . hãy đi vào cõi thơ giàu nhạc tính ấy và nghe  những bài thơ anh được hát lên .
Em mang đi giấc mơ thời trai trẻ
Ta mãi tìm trong ký ức long đong
Gió lênh đênh như chưa từng biết nhớ
 Đời xanh rêu chạm một thưở biết buồn
Khi nhìn lại mình, dù “ đời đã xanh rêu ‘( Trịnh Công Sơn ) vẫn cố tìm  trong đó  chút nắng còn sót lại từ ngày xưa , chút tình trong sương khói thời gian chỉ thấy mình như bóng nhạn trên sông . NAB chỉ ngậm ngùi
 Ngôi nhà  cũ không còn ai về nữa
 Người tìm nhau như cánh nhạn  phiêu bồng
 Ta chỉ thấy  bóng chiều rơi hấp hối
Khói  quê nhà cay mắt gởi bên sông
( Thương sợi khói quê nhà )
Và anh lại tiếp tục làm thơ vì  như anh nói

Hẹn hò một thời xa vắng
 Biết còn nhớ để tìm nhau
 là anh đang rất nhớ dù có tìm nhau hay không . Chúng ta lại có cơ hội đọc những vần thơ mới của NAB.Mong thay !

 Nguyên Cẩn