Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

KHÚC HÁT THANH XUÂN

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI
KHÚC HÁT THANH XUÂN
THƠ NGUYỄN AN BÌNH, PHỔ THÀNH CA KHÚC NHẠC SĨ NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG LIÊU, NGƯỜI BẠN NHẠC SĨ HIỀN HẬU VUI TÁNH. CÁM ƠN ANH, CÁM ƠN NHÀ THƠ NGUYỄN THÂM ĐÃ TRÌNH BÀY TRANG NHÃ CA KHÚC RẤT NHIỀU.



Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

BÀI 26: CHIM THẰNG CHÀI CŨNG BIẾT KHÓC(truyện ngắn)




TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 26: CHIM THẰNG CHÀI CŨNG BIẾT KHÓC(truyện ngắn)

TRÊN TẬP SAN QUÁN VĂN 101 XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN NHÀ VĂN NGUYÊN MINH VÀ BBT CHỌN ĐĂNG BÀI.
TRUYỆN NGẮN

CHIM THẰNG CHÀI CŨNG BIẾT KHÓC

                                       *NGUYỄN AN BÌNH

Mấy hổm rày, con Dung không nghe thằng Vĩ ưng ửng ca nỉ non mấy bài vọng cổ mà mỗi lần nó thường trề môi chê thậm thượt không mùi mẩn chút nào: Ít ra là bài Tình anh bán chiếu hay Giọt máu chung tình gì gì đó mà nó nghe hát đến mòn cái lỗ tai còn nghe được. Đằng nầy chỉ ra rả cái bàiTôn Tẩn giả điên, mỗi lần xuống xề nghe phát mệt. Đi tìm nó coi.

Nói là làm liền. Con Dung bỏ giọng thả qua cái hàng rao bông bụt thấp chủm ranh giới giữa hai nhà: Tư ơi! Thằng Vĩ đâu rồi. Có tiếng thím Tư rọt rẹt trong gian bếp cũ kỷ giăng đầy bồ hóng: Nó đi đâu sao tao biết. Mi hỏi nó làm gì? Hổm rày nó trốn biệt tăm không thấy làm mấy câu vọng cổ thấy nhớ muốn chết. Mẹ cha bây, nó hát như bò rống. Dung cười hí hí. Vậy mới vui chứ Tư. Mi ra phía sau  dài theo cái mương nước thử coi, thấy nó cà thụt cà thẹo mấy hôm nay ngoài đó không biết làm cái giống gì. Chắc có chuyện bí mật mà thằng quỷ đó muốn giấu mình đây.

Con Dung đi tè tè ra sau mương nước dài theo nơi giáp với con rạch nhỏ đổ qua xóm Miểu, cốc kèn, ô rô mọc đầy. Ở ngoài đây làm quái gì, xem con gái người ta tắm tiên sao? Mới nghĩ đến đây con Dung đã đỏ mặt la, đồ quỷ. Láo liên con mắt lé một hồi nó cũng thấy thăng Vĩ lấp ló đứng yên sau một tán cây bụi sùm sụp  ra vẻ chăm chú lắm, nó lẻn ra sau thằng nhỏ tru tréo: chết mầy chưa. Thằng nhỏ giật mình quay lại cáu gắt: Đồ quỉ, ở đâu cũng gặp mầy, Xui chết mẹ. Con Dung tiu nghỉu, không thấy mầy tưng tửng mấy câu như mọi ngày tìm xem mầy đang mò cua bắt ốc ở đâu vậy mà. Tiếng mò con nhỏ cố tình réo rắc làm thằng kia cáu tiết. Đồ khỉ gió, nói nhỏ thôi, tao đang rình con Thằng Chài đang đậu bên kia mương,  thấy không? Con Dung tò mò ngó sang, tao có thấy chi đâu. Đúng là con mắt lé thiệt, đó, trên nhánh cây tra de ra mương đó, thấy chưa? Thấy rồi, đẹp quá mầy ơi. Mầy định bắt nó hả. Làm sao bắt được, nó bay nhanh như cắt lấy gì bắt. Vậy mầy định làm gì? Mấy hôm nay tao thấy nó đậu ở đây hoài. Thì ra nó đang nuôi con. Mầy thấy cái bọng cây phía trên không? Tổ của nó đó, tao xem hưởn hưởn vài bửa con nó trồng trộng bắt đem về nuôi chơi. Vừa nói tay thăng nhỏ vừa chỉ cho con Dung thấy con chim Thằng Chài đang đứng trên nhánh cây tra như ông thầy tu đang thiền định, đừng tưởng nó bất động à nghe, lầm chết. Mỗi một tiếng động nhỏ trên mặt nước là cái tai nhỏ xíu giấu sau nhúm lông xanh mướt căng lên, rồi đột nhiên nó bay lướt theo con nước, vút lên cao rồi chúi xuống nhanh như ánh chớp, làm nước tung bọt trắng xóa. Con cá đã nằm gọn trong mỏ nó rồi. Đậu trên cành cũ, đập mỏ qua lại vào cành cây mấy cái, thằng nhỏ nghĩ chắc có lẽ nó muốn làm con cá “ngất ngư con tàu đi” đây mà, Thằng Chài liếc tới liếc lui mấy cái xem có kẻ thù nào đang rình rập hay không rồi mới chui tọt vào tổ.

Thằng nhỏ khoái cái dáng vẻ thanh tao, cái màu lông xanh lục cùng cái yếm nâu của con trống đi cùng đôi chân màu hồng trông thật hùng dũng, quí phái ra phết. Mê nhất là cái cú chao người trông thật điệu nghệ của con chim Thằng Chài khi rời tổ. Coi kìa, nó đưa cái đít xanh lè, nhòn nhọn ra trước, lùi cái thân thon gọn ra sau rồi ngửa người buông mình vào khoảng không nhẹ nhàng chao mình bay đi, nó chỉ thiếu cái động tác lộn mấy vòng cho đẹp mắt của mấy đứa vận động viên nữ thi đấu lấy tư thế nhún trên ván, ngược người ra sau lộn mấy vòng trên không làm dáng rồi chúi xuống nước mà nó xem trên ti vi. Con Dung liếng thoáng, tổ nó mấy con, thằng Vĩ gọn lỏn, ba con, cho tao một con nghe. Thằng nhỏ quay đầu cú một cái đau điếng lên đẩu con Dung, khỉ ranh, còn khuya. Con Dung xuýt xoa, xoa xoa cái đầu khét nắng kêu đau phụng phịu, không cho thì thôi làm cái gì đánh tao, tao mét Tư cho coi. Mét đi, má tao nghe lời mầy à, đồ rởm.

Con bé ta rẹt bỏ về, ngang qua nhà nó la lớn: Thằng Vĩ rình bắt con của Thằng Chài về chơi đó Tư ơi. Tiếng chơi con Dung cố tình kéo cái giọng nhão nhẹt của nó ra cho người đàn bà có tên Tư bên trong kia chú ý. Cho mầy chết, dám cú đầu bà nghe.

Săm tối đói bụng, thằng Vĩ mò về định kiếm cơm ăn. Mới bước qua ngạch cửa thấy mẹ nó đang nhịp nhịp cái roi tre, nghiêm mặt, vào đây tao bảo, việc gì vậy má, sao má muốn đánh tui? Nằm xuống bộ ngựa rồi biết. Thằng nhỏ tuy là đứa cứng đầu cừng cổ hay gây lộn ấu đả cà khịa với bọn trẻ từ xóm trên đến xóm dưới không chừa một thằng nào nhưng là đứa biết nghe lời mẹ, leo lên bộ ngựa nằm thõng thượt, nó nói tỉnh rụi: Nằm rồi đó, má nói đi, tui làm gì sai quấy mà má định đánh tui?

Thim Tư nhịp cái roi lên mép ngựa mấy cái nói, mấy hôm trước mầy đánh

lộn với thằng nào làm con người ta u đầu để trán làm tao phải năn nỉ xin lỗi đền tiền thuốc thang cho người ta nhớ không? Tại nó trêu chọc tôi không có cha chứ bộ, sao mầy không có cha, thì má nói ba đi bạn gặp bão chết không thấy xác. Không có cha mấy thấy khổ không? Mẹ nói cái nầy lạ à nghe, sao không khổ, đi đâu cũng bị ngưới ta dòm ngó, làm gì sai một chút cũng bị nói bâng quơ xua gà đuổi vịt, đúng là thằng không có cha. Vậy mầy bắt mấy đứa con của Thằng Chài mới đẻ về mần chi, lấy gì nuôi nó? Thì tui bắt cào cào châu chấu cho nó ăn. Con ơi là con! Sao mầy chậm hiểu thế, mầy không có cha, thiếu thốn khổ sở mọi bề, ai ăn hiếp gì cũng được. Con chim cùng giống như người, không có mẹ chăm sóc lấy gì nó lớn khôn hả con? Mầy khổ vì không có cha thì đừng để mấy con chim non mất mẹ chứ.

Thắng Vĩ im lặng, ngớ người ra, cảm giác thiếu thơn không có bàn tay ấm áp chăm sóc của người cha từ nhỏ làm tim nó như bị bóp chặt, đau đớn. Người cũng như chim, chim cũng như người có khác gì nhau đâu. Mấy giọt nước mắt nóng hổi chợt lăn xuống gương mặt đen đúa làm nó thấy mằn mặn trên môi, nó lấy tay quẹt ngang đi. Nó sợ con Dung thấy nó khóc. Hôm sau gặp mặt bèn lí la lí lô: lêu lêu, chim thằng chài cũng biết khóc tụi mầy ơi thì có nước mà độn thổ.

NGUYỄN AN BÌNH

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

BÀI 25: NHỚ TIẾNG QUẾT BÁNH PHỒNG XƯA(thơ)

 TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 25: NHỚ TIẾNG QUẾT BÁNH PHỒNG XƯA(thơ)

TRÊN ĐĂC SAN XUÂN QUẬN THỐT NỐT-TP.CẦN THƠ XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN NHÀ THƠ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN ĐÃ THÔNG TIN VÀ CHỌN ĐĂNG BÀI.






BÀI 24: NỒNG NÀN MÀU LÁ GIÊNG HAI(thơ)

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 24: NỒNG NÀN MÀU LÁ GIÊNG HAI(thơ)

TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ AN NHƠN - BÌNH ĐỊNH XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN NHÀ THƠ KHỔNG TRƯỜNG CHIẾN VÀ BBT TC VĂN NGHỆ AN NHƠN ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.




AI CÒN HÁT DẠO BÊN TRỜI

                        



AI CÒN HÁT DẠO BÊN TRỜI

                                  *Tiễn nhà thơ Trần Dzạ Lữ về cùng mây trắng

 

 Bay về đâu phía cuối trời

Ngàn năm mây trắng nhã lời tình ca

Vườn xưa hương bưởi hương hoa

Dấu chân lãng tử còn xa dặm đường

 

Đêm mưa lạc nẻo vô thường

“Mười năm ở chợ” lạ phường bán rao

Đời không hành xử ngọt ngào

Thì thôi cố xứ gởi vào hư không.

 

Qua đèo qua núi qua sông

Hạc vàng bay mất người không quay về

Gọi tình chết giữa cơn mê

Mưa rừng gió núi đã nghe mịt mùng.

 

Dang tay “Cứa nát nghìn trùng”

Thôi chào vẫy biệt trăng rừng tuổi thơ

Tóc người nào dệt được thơ

Tất lòng gởi lại bên bờ nhân gian.

 

Xin làm ngọn gió đi hoang

Chừng như khách lạ ngỡ ngàng đó thôi

Anh còn “Hát dạo bên trời”

Tình tang lỡ nhịp một đời... Huế ơi!

Sài gòng, 28/01/2024


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

BÀI 23: ĐỢI NẮNG(thơ)

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 23: ĐỢI NẮNG(thơ)

TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ VĨNH PHÚC XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN BBT TC VĂN NGHỆ VĨNH PHÚC ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.








BÀI 22: THAO THỨC SÔNG BA(thơ)

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 22: THAO THỨC SÔNG BA(thơ)

TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ PHÚ YÊN XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN BBT TC VĂN NGHỆ PHÚ YÊN ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.






BÀI 21: TIẾNG CHIM HÓT TRONG VƯỜN XUÂN(thơ)

 TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 21: TIẾNG CHIM HÓT TRONG VƯỜN XUÂN(thơ)

TRÊN TẠP CHÍ SỰ KIỆN VÀ NHÂN CHỨNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
NGUYỆT SAN CỦA BÁO QUÂN ĐỘI NHẬN DÂN
CÁM ƠN BBT TC ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.





BÀI 20: MÙA XUÂN ÉN BAY(thơ)

 

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 20: MÙA XUÂN ÉN BAY(thơ)

TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ BÌNH DƯƠNG XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN NHÀ THƠ LÊ MINH VŨ VÀ BBT TC ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.





Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

BÀI 19: GIẤC MƠ ĐÊM GIAO THỪA(thơ)

 TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 19: GIẤC MƠ ĐÊM GIAO THỪA(thơ)

TRÊN TẬP SAN XUÂN PHỤNG HIỆP - HẬU GIANG XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN ANH HOÀNG THỐNG VÀ BBT TC ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.




Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

SÀI GÒN TRONG KÍ TỰ THỜI GIAN

BÀI THƠ THỨ 3 QUA VÒNG GỞI XE CUỘC THI THƠ HAY NĂM 2023 CỦA TC VĂN NGHỆ TP. HỒ CHÍ MINH.
SÀI GÒN TRONG KÍ TỰ THỜI GIAN
ĐĂNG TRÊN TC VĂN NGHỆ TP.HCM THỨ NĂM 25/01/2024. CÁM ƠN NHÀ THƠ TRẦN HUY MINH PHƯƠNG ĐÃ THÔNG TIN, TÀI TRỢ ẢNH. CÁM ƠN BBT ĐÃ CHỌN BÀI




Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

BÀI 16: HƯƠNG CỐM NGÀY XUÂN(thơ)

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 16: HƯƠNG CỐM NGÀY XUÂN(thơ)
BÀI 17: CHÉN TRÀ ĐÊM GIAO THỪA(thơ)
BÀI 18: GIẤC MƠ ĐÊM GIAO THỪA(ca khúc)
TRÊN TẠP CHÍ TỪ QUANG SỐ 47 TP. HỒ CHÍ MINH XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN BBT TC TỪ QUANG ĐÃ CHỌN ĐĂNG BÀI.






Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

BÀI 15: MÙA XUÂN VỀ PHƯƠNG NAM(thơ)

TÁC PHẨM TRÊN BÁO, TẠP CHÍ XUÂN 2024

BÀI 15: MÙA XUÂN VỀ PHƯƠNG NAM(thơ)
TRÊN TẠP CHÍ GIÁO DỤC TP. HỒ CHÍ MINH XUÂN GIÁP THÌN 2024
CÁM ƠN BBT, ANH NGUYỄN ĐẠT ĐÃ CHỌN BÀI.





Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

NHỊP ĐIỆU VIỆT, TUYỂN TẬP THƠ SONG NGỮ VIỆT-ANH NỐI KẾT NHỮNG MIỀN THƯƠNG



Sinh Hoạt Văn Học Quê Nhà

 NHỊP ĐIỆU VIỆT, TUYỂN TẬP THƠ SONG NGỮ VIỆT-ANH NỐI KẾT NHỮNG MIỀN THƯƠNG

                                          *Lương Thiếu Văn

 Sáng chủ nhật 14/01/2024, tại nhà hàng AGA đường Phan Đăng Lưu Sài Gòn có buổi ra mắt tuyển tập thơ song ngữ Việt-Anh THE RHYTHM OF VIETNAM (NHỊP ĐIỆU VIỆT), tác giả mà một cô gái nhỏ nhắn Võ Thị Như Mai đang là giáo viên dạy ở Perth Tây Úc, khách đến dự đặc biệt rải rác khắp miền Tổ quốc từ Hà Nội, Đà Nẳng, Sài Gòn và cả miền Tây sông nước bởi lẽ họ đều là những tác giả thơ có mặt trong tuyển tập thơ nầy và nhiều người vì tò mò xen lẫn háo hức vì lời mời gọi quá chân tình của tác giả sách.

      NHỊP ĐIỆU VIỆT là tuyển tập thơ song ngữ Việt - Anh do nhà thơ nhà giáo Võ Thị Như Mai tuyển chọn, chuyển ngữ, dàn trang, thiết kế bìa và được Hội nhà văn VN cấp giấy phép in ấn không lấy thù lao. Đây là quyển sách mà Như Mai đã dành nhiều công sức, tâm huyết, kinh phí để nuôi nấng chăm chút trong ba năm qua. Sách dày 764 trang, bìa cứng có áo bao, gáy tròn, khâu chỉ. Tác phẩm có sự góp mặt của 304 tác giả trong và ngoài nước. Một thống kê nho nhỏ rất thú vị, có khoảng 70 tác giả sống tại Sài Gòn, 60 hải ngoại, 30 Hà Nội, 40 Quảng Trị - Quảng Nam - Quảng Ngãi và các tác giả khác trên 30 tỉnh thành. Trong đó có 55 tác giả là họ Nguyễn, 30 họ Trần, 18 họ Lê, 13 họ Phạm, 11 họ Võ, 9 họ Phan và họ Vũ, cùng một số họ khác nữa.

      Tác phẩm này được thực hiện từ những năm 2020, ban đầu với việc lập trang web rhythmofvietnam dịch sang tiếng Anh những bài thơ mà chị yêu thích khi đọc tác phẩm của bạn bè hay các nhà thơ mà chị tình cờ gặp hay đã giao lưu trên fb hoặc ở các trang mạng xã hội khác. Qua thời gian, số bài trên Rhythm of Vietnam càng nhiều lên và chị có ý định xuất bản một tuyển tập thơ song ngữ của các tác giả Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Như Mai quan niệm đây sẽ là "sân chơi" chung không phân biệt các nhà thơ đã thành danh hay là người mới viết. Một “sân chơi” bình đẳng cho tất cả mọi người có chung tình yêu thơ ca và ngôn ngữ Việt. Một tuyển tập rất công phu từ nội dung đến cách trình bày. Chị tự tay dàn trang theo cách riêng của mình để tuyển tập không quá dày và tác phẩm khi ra mắt được mỹ thuật và chỉn chu nhất, chỉ phần dàn trang, mỗi tác giả chị mất gần một giờ, tức vị chi hơn 300 giờ chưa kể công dịch thuật, biên tập qua thời gian mấy năm. Như thế, khi ta cầm tuyển tập song ngữ này trên tay mới thấy hết tâm huyết của Võ Thị Như Mai dành cho tuyển tập đặc biệt nầy.

Mở đầu tuyển tập, trong Lời Thưa dịch giả Võ Thị Như Mai cho biết: “...Viết lại những bài thơ của các tác giả bằng tiếng Anh chứ chưa dám nhận mình là người dịch thuật. Mong bạn đọc đón nhận với nhiều niềm yêu thương, các tác giả góp mặt không hề được chọn theo bất cứ tiêu chí nào mà chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên...Mỗi bài thơ là một tâm tình, một tấm lòng giàu cảm xúc của người con đất Việt. Tất cả hợp lại tạo nên ấn phẩm NHỊP ĐIỆU VIỆT...”

Võ Thị Như Mai còn bộc bạch thêm: “ Hiện nay mọi hoạt động liên quan đến cuốn sách đều tự lực chứ không liên kết với ai để cho sách lên kệ. Có khả năng bao nhiêu thì xoay sở bấy nhiêu, và vì có thể đây là cuốn sách duy nhất tôi làm nên tôi quý từng cuốn, quý từng giây phút. Tổng số lượng in là 500 cuốn, tôi không tập trung vào BÁN SÁCH, các tác giả không phải mua nếu không muốn và nếu muốc có sách thì 200k thay vì giá bìa 350k. Sách dư tôi sẽ giữ lại toàn bộ và đem qua Úc dần cũng như sẽ dần gửi thư viện trong nước và gửi qua nhóm anh Lê Hữu Minh Toán ở Mỹ”.

Điều đó có nghĩa tác giả làm sách chỉ vì tình yêu văn chương thế thôi không ngoài mục đích nào khác. Trong lời ngõ chào mừng các tác giả và khách mời trong buổi giao ra ra mắt tuyển thơ song ngữ NHỊP ĐIỆU VIỆT, Như Mai tâm sự: “...Bọn mình chỉ là cầu nối để các tác giả và khách mời có dịp gặp gỡ giao lưu trò chuyện cùng nhau, tạo nơi trưng bày sách để chúng ta có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm với mục đích chung tạo sự lan tỏa. Mỗi tác phẩm đều viết ra tự đáy lòng nên việc trân quý và chúc mừng nhừng đứa con tinh thần bằng hình thức nầy hay hình thức khác là điều vô cùng cần thiết.

...Có thể bạn là ai đó có ảnh hưởng lớn trên diễn đàn nào đó nhưng đến NHỊP ĐIỆU VIỆT tất cả chúng ta đều quan trọng như nhau, dều góp phần làm nên một tác phẩm đủ khiêm tốn để trình làng, đủ duyên dáng để tự hào và đủ mọi cung bậc để góp một phần nhỏ vào dòng thơ Việt được viết ra bởi những tâm hồn giàu cảm xúc, dù có thể không quá hàn lâm, dù có thể không quá cầu kỳ trau chuốt. Sau buổi giao lưu nầy, Như Mai hy vọng sẽ thực hiện một buổi giới thiệu sách tại Perth ngày 18/3, sau đó anh Lê Hữu Minh Toán cùng bằng hữu tại Houston sẽ có buổi cafe sách sớm nhất có thể...”

Khi nhận được tuyển tập thơ song ngữ NHỊP ĐIỆU VIỆT, nhiều tác giả thơ thật xúc động vì không nghĩ rằng nó đẹp và trang nhã đến thế. Nhà thơ trẻ Diệu Thu bay từ Hà Nội vào dự buổi ra mắt có nhận xét: “...Cuốn sách đẹp quá! Đặc biệt quá! Chị Như Mai đã tự tay dàn trang, mỗi bài thơ lại có những họa tiết trang trí, những hình ảnh minh họa vô cùng xinh xắn, đáng yêu. 304 tác giả là 304 bức chân dung kèm với đôi dòng giới thiệu về tác giả. Và tôi hiểu rằng, nếu không có niềm đam mê và tình yêu vô bờ đối với văn thơ thì làm sao chị có thể làm được một công trình đồ sộ như vậy!...”

Còn nhà thơ Trần Thị Cổ Tích ớ Quảng Ngãi khi nhận được sách: “Đây là một thế giới đa âm thanh, đa sắc màu được nàng thơ/dịch giả nhỏ nhắn Võ Thị Như Mai tổng hòa trong một “nhân vật công trình” mang tên The Rhythm ò Viet Nam – Nhịp điệu Việt...Những tác giả trong sách có cơ duyên kết bạn với VTNM qua nhiều cầu nối. Tác phẩm của họ được nhà thơ dịch giả thông minh duyên dáng yêu thích và có nhã hứng chuyển ngữ với ước mong giới thiệu phần nào những nét tâm hồn Việt ra thế giới...”. Riêng nhà thơ Nguyễn Hùng Phong ở Bến Tre chúc mừng bằng bài thơ HÒA CÙNG NHỊP ĐIỆU VIỆT: “Rất ấm áp tình thân/ Đến cùng Nhịp Điệu Việt/ Những ánh nhìn thân thiết/ Vang giai điệu thân thương./ Cùng trao lời chúc vui/ Bao ngày tháng mong chờ/ Những đôi tay nắm chắc/ Nghe ấm áp tình thơ./ Cám ơn Nhịp Điệu Việt/ Bắc cầu nối Thi-Ca/ Nâng Thơ Việt giao hòa/ Cùng bạn bè thế giới./ Chúc mừng Nhịp Điệu Việt/ Xin giữ mãi hồn thơ/ Những tâm hồn rộng mở/ Ươm Thơ mãi thăng hoa./ Hòa cùng Nhịp Điệu Việt/ Góp một đóa riêng mình/ Trong vườn hoa khoe sắc/ Với nàng thơ lung linh!”.

      Nhà thơ Ngã Du Tử có cái nhìn rất riêng: “Nhà thơ, dịch giả Võ thị Như Mai chị làm thơ Việt dễ như lấy đồ chơi trong túi. Chị chơi Facebook để làm quen, tiếp xúc và tìm xem trong ai đó có bài thơ đồng cảm với chị, chị dịch ra Anh ngữ để cất, không cần biết anh chị ấy là ai ở vị trí nào, ước mơ đầy đủ chị sẽ giới thiệu thơ Việt ra cùng thế giới văn chương và các quốc gia nói tiếng Anh. Chỉ với ý tưởng ấy tôi nghĩ chị nặng lòng với thi ca Việt cỡ nào. Nếu những người cán bộ trong Hội nhà văn được nghĩ đến đem thơ Việt ra ngoài thôi, tôi đã kính phục ý tưởng! May thay, cô giáo định cư ở Úc Đại Lợi nghĩ về điều ấy, chị thầm lặng hơn 3 năm lần dịch các bạn làm thơ Việt mọi nơi trên hành tinh, tất cả chỉ "một mình mình biết, một mình mình lo".

        Với đánh máy, dịch trên 750 trang thơ & dịch ra đã là một kỳ công, chưa hết chị dàn trang rất phong phú theo cung cách tùy bài ngắn dài rất đẹp về mỹ thuật, những tay dàn trang chuyên nghiệp cũng phải thán phục đừng nói chi kẻ amateur, còn nữa chị tự bỏ tiền in ấn, không phải chị muốn nổi tiếng, nhưng cao hơn là muốn đem thơ Việt ra biển chung nhân loại. Lần nữa tôi nói: Lòng yêu nước, yêu thơ Việt của chị quá dữ dội. Cảm phục cô giáo nhỏ nhắn mà cái đầu lớn, hơn nữa ngồi chuyện trò mới thấy chi hồn nhiên cởi mở ý nghĩ của mình, đơn giản, không cầu kỳ làm dáng đài các, tiểu thư, phẩm chất mô phạm của một kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa. Ai cầm trên tay tác phẩm này mà chê khuyết điểm chắc thật khó để tìm thấy. Tuy nhiên không thể có sự hoàn hảo, toàn bích trong in ấn, giá như để trang thơ Việt bên số lẽ, trang dịch bên số chẵn liên tục sẽ dễ cho người đọc hơn, tra cứu hơn, nhất là người biết ngôn ngữ Anh”. Còn với nhà văn Nguyễn Thị Mây ở Trà Vinh, chị viết cảm nghĩ như một lời tâm tình: Trong tập thơ có 304 tác giả được VTNM tuyển chọn và chuyển ngữ. Tiêu chí tuyển chọn của nàng thơ VTNM khiến ai ai cũg cảm thấy ấm áp và biết ơn. Nàng miệt mài đọc thơ trên fb. Bài thơ nào khiến cho nàng cảm xúc trào dâng, tan chảy...Thế là VTNM liền chuyển ngữ, trình bày tuyệt đẹp rồi đăng lên trang cá nhân. Việc này khiến cho tác giả bài thơ cũng ...tan chảy, hạnh phúc trào dâng vì có một nhà thơ vừa là bạn đọc vừa là một người chọn mình làm một NHỊP ĐIỆU VIỆT để khơi bùng ngọn lửa thơ trên vùng trời Châu Âu, tập hợp để ghi lại một dấu ấn Văn học VN đầu tiên nơi xứ sở xa lạ.”

       Ghi lại một số cảm nghĩ của các bạn thơ khi cầm trên tay tuyển tập thơ song ngữ NHỊP ĐIỆU VIỆT để thấy rõ họ rất yêu mến việc làm của tác giả Võ Thị Như Mai và trân trọng biết bao công sức của chị bỏ ra để thực hiện tuyển tập. Trước ngày ra mắt sách NHỊP ĐIỆU VIỆT ở Sài Gòn, nhà văn Hoàng Thị Bích Hà có viết bài giới thiệu nêu cảm nhận của mình: Theo Võ Thị Như Mai, chị bộc bạch một cách cởi mở chân tình: “Từ chỗ ham vui viết lại thơ của các tác giả bằng tiếng Anh từ nhiều năm đến khi tổng hợp và dành ra hàng đêm để chăm chút dàn trang”. Công việc xuất phát từ tình yêu văn chương nghệ thuật mà chị đã cần mẫn, miệt mài làm trong thời gian gần ba năm. Tranh thủ thời gian rảnh, mặc dù giờ giấc của một người đi làm full time, ngoài ra còn phải chăm sóc gia đình nhỏ cũng như gia đình lớn của mình. Và dĩ nhiên cả tài chính đầu tư để cho cuốn sách được hoàn thiện. Như vậy đó là công trình rất đáng ghi nhận. Hiện nay, đã có những bài báo của một số nhà văn nhà thơ giới thiệu tác phẩm NHỊP ĐIỆU VIỆT trên một số Website VHNT nổi tiếng và uy tín trong và ngoài nước. Sự kiện ra mắt sách cũng đã nhận được những sự quan tâm đặc biệt từ các nhà thơ nhà văn có tên tuổi trên diễn đàn văn học nước nhà và hải ngoại.

        Khi tôi viết những dòng cuối của bài nầy thì biết Võ Thị Như Mai- nhà thơ xứ hoa đào đang ngồi trên máy bay trở về Perth- Tây Úc nơi chị làm việc và sinh sống. Trong hành lý chắc chắn mang theo rất nhiều tuyển tập thơ song ngứ NHỊP ĐIỆU VIỆT và sách bạn bè thân hữu tặng những ngày ra mắt sách ở quê nhà. Rất mong tuyển tập thơ ấy sẽ lan tỏa khắp nơi, kết nối những miền thương của những người Việt đang sống khắp nơi trên thế giới.

                                    Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, tháng 01/2024

                                                LƯƠNG THIẾU VĂN