Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

SỐ PHẬN CON NGƯỜI MỘT THỜI DÔNG TỐ THỔI QUA

BÀI NHẬN ĐỊNH TRÊN TẠP CHÍ THƯ QUÁN BẢN THẢO SỐ 95-HOA KỲ THÁNG 10-2021
CẢM NHẬN TRUYỆN NGẮN "CHIM BAY VỀ ĐÂU" TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN MỘT CỦA NHÀ VĂN MANG VIÊN LONG
SỐ PHẬN CON NGƯỜI MỘT THỜI DÔNG TỐ THỔI QUA



CẢM NHẬN TRUYỆN NGẮN “CHIM BAY VỀ ĐÂU” TRONG TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN TẬP MỘT CỦA NHÀ VĂN MANG VIÊN LONG.

 

            SỐ PHẬN CON NGƯỜI MỘT THỜI DÔNG TỐ THỔI QUA

                                                                    *Nguyễn An Bình

 

  



         Mấy hôm nay lòng tôi cảm thấy buồn bã khi đọc một mẫu tin đăng trên các báo và cả các trang mạng: Một nữ sinh ở huyện Tuyên Hóa Tỉnh Quảng Bình thi vào Học viện Chính trị Công An Nhân dân đạt số điểm rất cao: 29 điểm nhưng bị từ chối cho nhập học vì lý lịch ghi thiếu sót: Ba em có một tiền án chống người thi hành công vụ và được cho hưởng án treo. Vụ án nầy xảy ra rất lâu từ khi em chưa sinh ra và người cha đã mất từ lâu. Công An huyện giải thích rằng họ đã làm đúng theo quy định của ngành vì em đã thiếu sót khi khai không đủ, không đúng lý lịch người thân. Cánh cửa bước vào đại học của cô nữ sinh Bùi Kiều Nhi gần như khép lại vì thời điểm bấy giờ lịch xét tuyển vào các trường đại học khác gần như hoàn tất. Chủ nghĩa lý lịch và thái độ cứng ngắt của cơ quan công quyền sắp đẩy số phận em vào một khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời nếu không có một phép lạ nào đó xuất hiện. Chính điều đó làm tôi chợt nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Mang Viên Long: Đó là truyện CHIM BAY VỀ ĐÂU mà nhân vật cũng có một số phận đáng buồn vì bị cuốn vào cơn lốc xoáy lý lịch của một thời dông bão của đất nước.

        Truyện ngắn CHIM BAY VỀ ĐÂU tôi đã được đọc ở một tập truyện ngắn khác của anh rất lâu trước khi được anh đưa vào tuyển tập truyện ngắn MANG VIÊN LONG tập một được phát hành vào tháng chín 2015. Truyện được viết vào tháng 10-1985, mười năm sau ngày miền Nam rơi vào tay miền Bắc- những người thắng cuộc. Mười năm với một xã hội đầy xáo trộn, khủng khiếp về mọi mặt đối với tất cả các gia đình ở miền Nam nhất là đối với những người có liên quan đến chính quyền miền Nam. Nó làm thay đổi đến tận cùng các mối quan hệ trong cuộc sống. Những giềng mối thân thuộc đều bị bứt tung, phá vỡ tận gốc rể vì chủ nghĩa lý lịch, giáo điều đã đưa đấy bao số phận con người vào một kết cục vô cùng bi thảm. Ông Bảo một cán bộ miền Nam tập kết trở về sau nhiều năm vắng nhà. Thằng bé Luân, con ông lúc ông ra đi còn nhỏ xíu nay đã thành một người đàn ông đỉnh đạc có vợ đẹp con ngoan. Con dâu ông-Thương- là cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh có nhiều thành tích đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Đáng lý ra trong hoàn cảnh như thế thì ông cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc vì không ai trong gia đình ông vướng vào lính, công chức của chính quyền miền Nam. Nhưng gia đình Thương lại có hai người anh vượt biên trong thời tranh sáng tranh tối của đất nước và đang sống ở nước ngoài và đó là một điểm đen không thể chấp nhận được đối với ông, nó ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình. Với một lý lịch không tốt như thế, có nghĩa là sự có mặt của Thương trong gia đình sẽ là rào cản cho sự nghiệp của ông và Luân con trai ông nên ông đã quyết định yêu cầu Thương phải ly hôn với chồng và làm đơn xin nghỉ việc. Ông Bảo nói nhiều, nhiều lắm để Thương hiểu cho ông rằng với lý lịch như thế sẽ làm cho gia đình ông bị liên lụy(?).  Với con trai ông, ông cứ nhai mãi một lập luận:…Con không có thái độ ngay, không chịu nghe lời ba, tương lai của con sẽ là một con số không…

      Câu chuyện cũng dẫn ta về một quá khứ rất đẹp đẽ, trong sáng của mối tình Luân-Thương trên bờ biển năm nào khi Thương đang học sư phạm và họ kết hôn với nhau trong sự vui mừng của hai gia đình, tưởng rằng mối tình son trẻ đó không có gì có thể chia cắt nổi, thế mà sau vài lần ông Bảo giải thích, Luân đã thay đổi thái độ và đồng ý viết đơn ly hôn tuy có hơi cảm thấy có lỗi với vợ mình: -Nhưng liệu em có hiểu anh, có tha thứ cho anh không?...Tình nghĩa vợ chồng đằm thắm bấy lâu nay không bằng cái tương lai xán lạn còn rất mơ hồ ở phía trước. Thật đáng buồn thay.

           Còn đối với Thương, người đưa cô vào tình thế khó xử là ông Bảo, ba chồng của mình, cô không giận mà chỉ cảm thấy thương ông, lờ mờ hiểu dần những khổ đau chồng chất mà đời ông đã trải qua thời tuổi trẻ. Còn đối với Luân ban đầu Thương cũng buồn mang mang theo nỗi buồn của chồng nhưng rồi trước thái độ dứt khoát của Luân cô cảm thấy giữa họ không còn có thể hòa hợp, gần nhau được nữa, cơn lốc lý lịch và sự hám danh chỉ biết khư khư giữ lấy những quyền lợi cá nhân mình được thụ hưởng đã làm người ta quên đi bao tình nghĩa ở đời dù người đó từng là người đầu ấp tay gối của mình một thời. Nó như con dông bão cuốn trôi số phận con người vào dòng xoáy nghiệt ngã nếu vô tình rơi vào con đường đi của nó và Thương cuối cùng cũng hiểu ra điều đó và chấp nhận một cách bình thản. Cuộc ly hôn kết thúc một cách chóng váng khi bà chánh án tuyên đọc.

   “…nghe bà chánh án đọc lại lá đơn, Thương mới biết được lý do ly dị mà Luân đã ghi hôm trước: Tư tưởng, tình cảm không hợp, sống bất hòa, không hạnh phúc. Phiên tòa đã diễn ra không quá ba mươi phút: nhanh chóng và đơn giản. Nó không để lại trong đầu nàng một ấn tượng sâu đậm nào, ngoài sự mỏi mệt và buồn ngủ. Vậy là tình yêu của nàng, những ước mơ và hy vọng của nàng, đã kết thúc chỉ trong một buổi sáng. Ba mươi phút.” 

      Thương dắt đứa con nhỏ về ở với cha mẹ ruột mình. Tội nghiệp hai ông bà già vì có hai đứa con trai vượt biên mà phải sống trong sự nghi kỵ, hiềm nghi luôn bị chính quyền địa phương theo dõi dòm ngó. Đời ông bà đã thế, giờ đến lượt con gái ông bà phải gánh lấy hệ lụy từ hai người anh trai mình. “Theo lệnh của xã, hàng tuần Thương phải đến trình diện một lần vào chiều thứ bảy. Cha nàng nhắc: Thôi đừng có buồn, lúc trước cha đã làm như thế, giờ đến lượt con – chỉ cần một thời gian ngắn là con sẽ quen đi thôi, tất cả chỉ là thói quen mà…” 

    Và Thương đã không còn chịu đựng nỗi cái không khí ngột ngạt ấy, khi bao niềm tin hy vọng trong cô đều đổ vỡ, cô đã viết thư để lại cho cha mẹ, gởi gấm đứa con nhỏ cho ông bà nuôi nấng và…ra đi nhưng không biết đi về đâu giữa trời đất mênh mông không có tình người nầy.

      Buổi sáng mai thật tĩnh lặng. Thương thoáng ngước nhìn lên bầu trời, những cánh cò trắng đang chao đi, vỗ cánh lặng lẽ, không biết sẽ dừng nghỉ nơi đâu? Thương chợt dừng lại: nàng quay nhìn quê nhà một lần nữa. Làng xóm đang ngủ thiếp. Vạn vật im vắng, hoang sơ, như một thuở đất trời vừa tạo dựng. Thương nghĩ thầm: trong cõi đất trời mênh mông lạnh buốt nầy, ta sẽ đi về đâu?”

        Truyện viết xong vào tháng 10 năm 1985. Đây cũng là thời kỳ mà nhà văn Mang Viên Long gặp nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống. Tôi đã được đọc qua những trang hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI của anh đăng từng kỳ trên blog của anh khi nó chưa được in thành sách. Bao hy vọng để được trở lại ngành giáo dục không còn nữa, người ta đã từ chối anh thẳng thừng vì anh đã từng mặc áo lính dù là giáo sư biệt phái. Một thời gian dài anh lang thang đây đó, nương tựa vào các tịnh thất, chùa chiền, nghiền ngẫm từng trang kinh Phật và anh học được nghề sửa khóa từ một cậu thanh niên làm nghề sửa khóa tốt bụng. Anh trở lại với nghề văn như một cái nghiệp từ thời thanh niên anh đã đeo đuổi. Tôi có quen một người bạn thơ làm nghề giáo ở Bình Định, sinh hoạt chung trong Hội VHNT với anh có nói với tôi: nhiều lúc người ta đối xử không công bằng với anh vì anh là người có sách xuất bản ở nước ngoài lại trong tủ sách văn chương di sản miền Nam do Thư Ấn Quán của nhà văn Trần Hoài Thư in ấn. Mặc dù quen anh khá lâu nhưng tôi chưa từng nói điều nầy với anh vì thấy không có gì đáng nói và tôi nghĩ đối với anh, một người đã trải qua những khó khăn thậm chí bất hạnh trong cuộc sống thì điều ấy có đáng gì bận tâm đâu phải không anh?

      Truyện ngắn CHIM BAY VỀ ĐÂU anh viết tôi nghĩ không phải để gởi gấm tâm trạng hoàn cảnh của mình mà để phản ánh cuộc sống xã hội thời bấy giờ rất nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh khốn cùng đổ vỡ như thế. Dòng xoáy bão táp ấy có thể đưa một số người lên tận mây xanh đồng thời cũng dìm nhiều người khác xuống đáy vực thẳm sâu của cuộc đời, mỉa mai thay nó lại kéo dài quá lâu và không biết bao giờ mới được gở bỏ.



*

        Cuối cùng thì đơn kêu cứu của cô học sinh Lê Kiều Nhi cũng được Bộ Công An cứu xét. Cô được nhập học vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân sau khi bổ sung lại phần thiếu sót ghi trong lý lịch của mình. Âu cũng là một kết thúc có hậu, còn những người như Thương trong truyện ngắn CHIM BAY VỀ ĐÂU của nhà văn Mang Viên Long thì không có phép lạ nào đến với cô và con đường cô đi vẫn thẳm sâu trong đêm tối. Đọc lại truyện ngắn nầy với một mong muốn sẽ không còn những số phận con người bị cuốn hút vào vòng xoáy nghiệt ngã của chủ nghĩa lý lịch và giáo điều một thời đã tạo nên những bi kịch trong gia đình không gì cứu vãn được.

Bên bờ Kênh Tẻ, viết xong tháng 5-2015, viết lại bổ sung tháng 9/2021

 NGUYỄN AN BÌNH

  

  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét