Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

LÊ HÂN, HỒN ĐÔNG PHƯƠNG BAY TRÊN "NGỌN TÌNH LỤC BÁT"

BÀI NHẬN ĐINH TRÊN TẠP CHÍ NGÔN NGỮ 16-HOA KỲ(THÁNG 11-12-2021)
LÊ HÂN, HỒN ĐÔNG PHƯƠNG BAY TRÊN "NGỌN TÌNH LỤC BÁT"



NHẬN ĐỊNH

 

LÊ HÂN, HỒN PHƯƠNG ĐÔNG TRÔI TRÊN NGỌN TÌNH LỤC BÁT

                                                                                             *NGUYỄN AN BÌNH

 

 


Tôi gặp nhà thơ Lê Hân lần đầu tiên vào năm 2017 khi anh từ Mỹ về Việt Nam, anh trao cho tôi mấy quyển sách của nhà thơ Luân Hoán thc hiện mà tôi gởi mua giùm, ngay từ buổi gặp đầu tiên tôi nhận ra anh là típ người hiền hậu, chân tình, dù sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng cách ăn mặc rất xuề xòa không sang cách, trong dịp nầy anh gởi tặng tôi tập thơ thứ hai của anh “Ngọn Tình Lục Bát”in sau tập thơ đầu tiên Tình Thơm Mấy Nhánh xuất bản trước đó khá lâu do nhà xuất bản Nhân Ảnh của anh in ấn và phát hành năm trước. Sách in trên giấy kem tốt, với bìa và phụ bản cùa họa sĩ Khánh Trường, trình bày thật trang nhã làm tôi rất thích.

Lê Hân không nhận mìnhnhà thơ nhưng anh lại rất yêu thơ nên những khi cảm hứng dâng trào thì anh lại làm thơ và để đó nhất là thơ lục bát, những năm sau nầy lại gắn bó với việc xuất bản sách nên văn chương đối với anh như một người bạn thân tình không thế thiếu được. Nghĩ cũng lạ một con người được học bổng du học và tốt nghiệp với tấm bằng kỷ sư hóa học và hành nghề trong lĩnh vực nguyên tử lực một thời gian rất dài lại có duyên nặng nợ với văn chương như thế.

Nói như Hà Khánh Quân(một bút danh khác của nhà thơ Luân Hoán), Lê Hân không lớn lên cùng thơ, mà trưởng thành nhờ những môn học khác. Anh học giỏi và lấy được học bổng du học, trong thời kỳ việc ra nước ngoài không phải là điều dễ dàng, nhất là ở vị thế con của một viên chức nhỏ thuộc ty ngân khố thành phố Đà Nẵng. Có lẽ rất hiếm nhà thơ ghi lại cảm xúc của mình khi đi xa trọ học, Lê Hân cũng vậy. Anh có nhưng câu thơ khá ngộ nghĩnh khi nói về cái “nghiệp thơ” của mình, nó đến rất tự nhiên như trẻ nhỏ vọc đất vậy mà.

không nhớ làm thơ từ lúc nào

hình như từ thuở biết chiêm bao

thấy ông Nguyễn Khuyến ngồi câu cá

thấy bác Kế Xương hát ả đào

             Hay:

 tôi đã làm thơ như vọc đất

như leo trèo, chạy nhảy, tắm sông...

tôi đã làm thơ ngon trớn nhất

khi niềm vui chất ngất trong lòng

Như tên gọi, Ngọn Tình Lục Bát của họ Lê gồm trên dưới 150 bài thơ lục bát, trải dài trên 262 trang sách, khổ lớn. Sách thơ của anh có một điều khác hơn người ta ở chỗ anh sắp xếp thơ của mình theo các chủ đề cụ thể, riêng biệt, chắc có lẽ anh nghĩ bạn đọc dễ theo dõi tình cảm trong thơ của anh rõ nét hơn. Lục Bát là thể thơ truyền thống của dân tộc ta. Rất nhiều tác phẩm cổ đã sử dụng lục bát làm công cụ diễn đạt câu chuyện của mình như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Bích Câu Kỳ Ngộ... nên Ngọn Tình Lục Bát là những bài thơ tình viết bằng thơ lục bát, còn cái tình đó thế nào chúng phải đọc nó thôi phải không?

Ngay trang đầu tập thơ, Lê Hân đã khéo léo gợi mở tâm tình của mình qua mấy dòng thơ sáu tám mà tác giả đặt cho nó cái tên: Mở Cửa “Ngọn Tình Lục Bát”:

...

mời người dạo bước cùng lòng

ghé qua những luống tình nồng tôi xanh

cả đời tôi chắt chiu cành

nụ hôn nầy tặng loanh quanh cuộc đời

xin cùng tôi bước thảnh thơi

chúng ta giữ gốc cội người Việt Nam.

Lời phi lộ bằng thơ ấy đã nói lên được phần nào nội dung mà nhà thơ muốn đề cập đến: Các bạn hãy đi dạo trong vườn thơ tôi, đi quanh những luống hoa lòng ấy để thấy tình nồng tôi dành cho thiên nhiên, con người, quê hương bây giờ ngàn dặm mà “tôi chắt chiu dành” để rồi thấy được cái lẩn khuất sau những vần thơ chan chứa yêu thương và bình dị đó là “giữ gốc cội nguồn Việt Nam”

Phần nội dung Lê Hân chia làm 5 phần cụ thể:“thiên nhiên xuất sắc,” “quê hương,” “gia đình” “thầy, cô, bè bạn” và “văn nghệ sĩ,” có lẽ nhà thơ quá chu đáo khi muốn hướng dẫn độc giả khám phá thơ anh để khỏi lạc bước chăng? Mà thôi như vậy cũng tốt phải không các bạn?

Chúng ta thấy cách đặt tên phần một “thiên nhiên xuân sắc” giúp ta bắt gặp một Lê Hân có những câu thơ thiên về miêu tả nhiều hơn là thể hiện cảm xúc tình cảm, ngôn từ mộc mạc chân phương nhưng không vì thế mà dễ dãi. Anh có cái nhìn khá tinh tế mà nhiều ngưười chưa chắc đã nhận ra, đôi lúc làm ta có cái cười thú vị trước những cảm xúc khá bất ngờ:

em ngồi nhướng mắt lặng im

tiếng chim như tiếng trái tim đập đều

vẩn vơ em liếc nhìn theo

con chim sâu thích leo trèo lung tung

 

mấy con chim sẽ lạ lùng

đậu chưa nóng đít đã cùng nhau bay

(chim trong sân sau nhà, viết năm 1959)

 

Thiên nhiên, hoa cỏ, thời tiết, mùa màng, chim muông, dòng sông, bến nước, con đò... cũng in dấu rõ rệt trong thơ anh:

mong manh những cánh hoa vàng

xuân hương vi diệu bay tràn lan thơm

vô ưa hoa nở trong lòng

sắc không không sắc ngát dòng tịch liêu

(hoa vàng)

 

mưa bay từng sợi ngắn dài

buộc thương nhớ với bờ vai dịu dàng

tôi đứng núp trong hành lang

đâu hay hồn thả hai bàn chân theo

(mưa phùn)

 Mượn việc hái sen, thử hỏi người con gái nào lại không thích mấy câu thơ trêu tình rất mượt của thi sĩ nhỉ?

coi chừng ngã ướt mình dây

ướt luôn nỗi nhớ ta bày trong em

thời gian ngừng giữa mênh mông

em thơm hơn cả hương sen ngọt ngào

(hái sen)

              “Núi sông đất biển ruộng vườn, tế bào da thịt quê hương nồng nàn”, hai câu thơ hình như khái quát được tất cả những gì anh muốn viết trong phần hai “quê hương”

một quê hương nằm trong thơ

thở bằng những điệu ca dao nòi tình

một quê hương thật hiển linh

già nghìn năm tuổi tượng hình yên vui

(quê hương)

 

con cò con cuốc lang thang

nơi này chưa thấy hỏi han một lời

tiếng gù cu đất im rồi

chỉ còn vọng nhịp tim tôi buồn buồn

(thăm làng)

 

Sài gòn, nhiều nắng ít mưa

mà sao ướt sũng hương đưa trong lòng

núi sông đâu cũng núi sông

mà tôi chỉ một Sài Gòn vắt vai

(Sài Gòn, tôi vắt trên vai)

 

Phần ba gia đình với 2 câu lục bát “anh em cha mẹ ông bà, dòng máu ruột thịt đậm dà tổ tông”:

 

mẹ về xứ phật năm xưa

khi con thơ dại còn chưa hiểu đời

nỗi buồn ngấm mãi không nguôi

trở thành những sợi ngậm ngùi đong đưa

(tháng tư mẹ về)

 

về Québec thăm cháu con

ngồi giữa hoa cỏ tươi non mùa hè

gió nói gì đó chưa nghe

đang chúc đời sống, nhắn nhe điều gì

(hạnh phúc bắt gặp)

 

năm nay trời đất dễ thương

đủ mưa vừa nắng tôi luôn nhẹ nhàng

thắp lên thêm ngọn nến vàng

mừng quanh thế giới có mang hơi mình

(cho sinh nhật 2016)

 

“tình người xã hội hòa đồng, lý tưởng sở thích nối vòng tay thơm” trong phần bốn: thầy, cô, bè bạn:

 

“Tình Thơm Mấy Nhánh” về đâu

tạ ơn bè bạn nối cầu thơ bay

về vườn tạm thời chia tay

nhớ nhau còn chút chữ lay lắt tình

(đất lành chim đậu)

 

bây giờ thầy đã hư vô

về nơi hư ảo còn thao thức gì

thỉnh thoảng nghe tiếng thầm thì

lúc nhìn chữ số nhớ khi thầy còn

(thầy Lê Ngọc Thành)

 

cùng chung một lớp một trường

cuối cùng bay khắp bốn phương tung hoành

bạn tôi ai cũng danh thành

dù khác đôi chút mong manh phận người

(viết chung tặng tất cả bạn trung học cũ)

 

Phần năm viết về  văn nghệ sĩ với tấm lòng của kẻ yêu nghệ thuật:

“tinh hoa dân tộc nằm trong

thơ văn khắc họa cùng dòng âm thanh”

Lê Hân còn là một người rất yêu nhạc, từ nhạc cổ điển, hiện đại của phương tây cho đến nhạc trữ tình Việt Nam anh đều nghe và biết khá rành r, anh là tác giả của bộ sách đồ sộ về các ca khúc Việt Nam mà ít ai ngờ tới, anh viết nhiều bài thơ sử dụng các tên ca khúc của nhạc sĩ, lắp ghép vào câu thơ của mình. Tuy nhiên không gượng ép và khá tự nhiên. Sự tinh tế ấy giúp mỗi bài thơ có một cái hồn riêng.

Cô Hái Mơ lướt thướt tha

Cô Gánh Gạo áo bà ba, đêu tình

nụ cười trong nét xinh xinh

biết yêu là thuốc trường sinh sống đời

 

Bên Cầu Biên Giới một thời

Dân Quân Du Kích, ai người không mơ?

Đêm Xuân chẳng ở trong thơ

Đường Em Đi mở ra tờ giấy hoa

(lang thang theo nhạc Phạm Duy)

 

Rừng Xưa Đã Khép lại, ngồi

Ru Người Đi Nhé hỡi người thế gian

Vàng Phai Trước Ngõ điêu tàn

Tình Sầu như nắm mâyy vàng cao bay

 

Hạ Trắng níu kéo dòng mây

Mà thao thức mộng lắt lay hiên tình

Lòng thơm giọt Nắng Thủy Tinh

Thấy em mê đắm Ru Tình thảnh thơi

(cõi trọ Trịnh Công Sơn)

Về tấm lòng trân quý mà tác giả Ngọn Tình Lục Bát dành cho giới văn nghệ sĩ, người ta thấy dường như không thiếu một nghệ sĩ tên tuổi nào mà ông không nhắc đến. Từ thế hệ tiền chiến như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước tới lớp trẻ hơn một chút như Phạm Đình Chương, Hoàng Thi thơ, Y Vân… Rồi tới thế hệ Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên...

Thơ lục bát của Lê Hân đôi lúc cũng không tuân thủ theo lut bằng trắc có l bởi anh thích thế, cách nghĩ cách viết tùy cảm xúc tuôn trào mà thôi, mà có ai cấm đoán nhà thơ phải luôn tuân thủ theo luật bằng trắc cổ điển của thơ lục bát đâu phải không các bạn?

và tôi có lúc làm thơ

có lúc huýt sáo đi vào đi ra…

tuy rằng ngõ trước hiên sau

biết mặt nhưng chẳng rõ nhau tên gì.

(tháng tư nơi tôi cư ngụ)

 

                 Hay ở một bài thơ khác:

Tưởng xa lắc xa lơ rồi

Hóa ra đã trở lại thời ngây ngô…

Minh Nguyệt cùng với lá đa

Vẫn tròn vành vạnh vẫn là thanh xuân.

(trung thu rước đèn)

 Có điều anh chỉ dừng lại ở bước đó chứ chưa thật mạnh dạn cách tân làm mới một chút nếu không chắc chúng ta sẽ rất thú vị khi được đọc những câu lục bát mới mẻ và sáng tạo.

*



 

Mỗi người có cách khởi hành và bước vào vườn thơ bằng những con đường khác nhau, nên chúng ta đừng đòi hỏi người làm thơ phải viết thế nào cho hay theo ý mình mà hãy để họ thong dong đi như thế nào để những câu thơ viết ra đều xuất phát từ sự rung cảm chân thành chạm đến trái tim của mỗi người, ở Lê Hân tôi thấy thơ anh viết ra bằng chính nỗi niềm sự rung động của con tim dung dị nhưng biết chắt lọc ngôn từ, không dùng sáo ngữ hay những mỹ từ hoặc bí hiểm không giống tính cách của anh như ý nghĩ của nhà văn Pautôpxki: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường vào cái đẹp, của người biết đi tới tương lai.”

  Giáo sư Đàm Trung Pháp có nhận định: Thơ Lê Hân có một số bài mang hơi thở của Đinh Hùng và Nguyễn Bính như trong các bài ‘Đón Xuân,’ ‘Áo Vàng Hoa Tím’ và ‘Em, Biển và Trăng,’ “Lê Hân cũng chịu ảnh hưởng Nguyễn Bính, một nhà thơ nữa mà anh mến mộ. Đoạn lục bát sau đây trong bài “Tà Áo Mùa Thu” chính Lê Hân cũng từng thú nhận:

“... tôi đã mê thơ của nhiều người
                     Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương
                    Nguyên Sa, Xuân Diệu... còn ai nữa ?
                    ai cũng có phần, nếu... dễ thương ...”

Điều đó cũng chẳng có gì lạ nhất là đối với thơ Nguyễn Bính nổi tiếng là nhà thơ “Chân quê” nhưng Lê Hân có những nét đặc sc của riêng anh. Nó khơi nguồn như một dòng suối tinh khiết từ núi cao, qua bao ghềnh thác khi về xuôi hòa vào sông lớn vẫn giữ nguyên cái chất tinh khiết vô tư hồn nhiên trong trẻo không hòa lẫn vào nguồn thơ của người khác.

Nhà thơ Bắc Phong lại có suy nghĩ khá ngộ nghĩnh: “Tôi đọc thơ anh Hân, thưưởng thưức thơ anh nhẩn nha như ăn măng cụt, vũ sữa, mãng cầu. Lúc nào cũng thấy thơm ngon hương vị quê nhà...”, còn ở Thảo Nguyên thì: “...tôi càng thấy anh hiền. Một cái hiền rất gần với ca dao. Mà ca dao theo anh, đứng liền với thơ một cõi. Như vậy, có thể thấy bản tánh và con người của người làm thơ đã như  là ca dao, như là thơ, dù anh không tiết lộ dung mạo, tâm cảm của anh như thế nào:

 thơ với ca dao như là một

chung màu da chung giọt máu đào

(Thơ tôi)

Thơ anh Lê Hân giản dị, hiền lành không tinh nghịch,  phá phách. Chữ nghĩa đơn giản, không cầu kỳ. Sự mới mẻ không nằm trong những canh tân hình thức...”. Nhà văn Phạm Xuân Sinh nhận xét: Lê Hân đã dẫn ta bước vào vườn thơ của anh và cũng là vườn tình, vì hầu hết những bài thơ trong nầy là thơ tình. Trong nầy ta bắt gặp muôn màu muôn sắc từ kỳ hoa dị thảo đến hương đồng cỏ nội. Mỗi thứ đều mang một sắc thái riêng biệt rất Lê Hân. Thơ anh không màu mè, kiểu cọ. Không cường điệu, triết lý vin vông. Thơ của anh như lời thủ thỉ nhỏ nhẹ đọc lên thấy nó thanh thoát, chiếm lĩnh được lòng người đọc.

*

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có một nhận định khá sâu sắc khi nói về thơ: “...Làm thơ là một nghệ thuật. Đọc thơ cũng là một nghệ thuật. Làm thơ là nghệ thuật sáng tạo cái đẹp. Đọc thơ là nghệ thuật khám phá cái đẹp”. Đọc thơ Lê Hân ta nhận ra cái đẹp giản dị trong tâm hồn anh xuất phát từ cuộc sống thực tế, đồng cảm hòa hợp với thiên nhiên và con người giống như hai câu thơ trong bài Hương mạ “Ba Trăng”:

 

Bây giờ và đến bao giờ

Tôi còn trở lại bến bờ ruộng xưa?

          Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 9-2021

          NGUYỄN AN BÌNH

 

Tham khảo:

1- Đọc “Tình Thơm Mấy Nhánh” của Phan Ni Tấn

2- Lê Hân “Thơ dễ thương” của Hà Khánh Quân

3- Lê Hân, ‘Ngọn tình lục bát’ và ‘tiểu truyện’ văn nghệ sĩ của Du Tử Lê

4-Lê Hân, người cõng trên vai chữ tình – Phan Xuân Sinh

 

 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét