Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

CẢM NHẬN THƠ THÁNG NĂM ĐỎ NHỮNG MÙA PHƯỢNG CŨ

CẢM NHẬN THƠ 

THÁNG NĂM ĐỎ NHỮNG MÙA PHƯỢNG CŨ

                                CỦA NGUYỄN AN BÌNH

                                 *NGUYỄN XUÂN DƯƠNG



 

Khi từ giả áo xưa mùa hạ cũ

Em đã quên nắng sớm nhớ mưa chiều

Ta bỏ lại tên mình trên ghế đá

Hóa kiếp dế mèn hát khúc phiêu diêu.

 

Nếu có thể làm nhánh rong phiêu bạt

Thỏa chút giang hồ lưu thủy hành vân

Hành trang mang theo một tà áo trắng

Bướm trắng tan trường rộn rã bước chân.

 

Nhốt chút gió trong bàn tay đỡ lạnh

Đường không xa sao mây xám chập chùng

Người bên dốc đồi sương buồn hiu quạnh

Ta đứng bên trời hứng cả bão dông.

 

Hãy nhủ lòng an nhiên đi em nhé

Dù lẻ loi trong một cõi đời xa

Bao cay đắng trong cuộc tình vô lượng

Định mệnh đời mình lát cắt sát na.

 

Tháng năm đỏ một trời hoa phượng cũ

Năm tháng đi về bạc cả gió mưa

Nhớ tiếng ve rền trên cây bàng thay lá

Và tiếng em cười nghiêng giữa nắng trưa.

 

Đọc bài thơ này tôi bỗng nhớ đến một đoạn văn lí giải về cái đẹp trong tản văn: CHẬP CHỜN LAU SẬY CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ: "Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Hình thư có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa... lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất, hay vì biết mình sẽ mất nên đẹp".

Tôi muốn thêm vào đây một vẻ đẹp khác nữa, Đó là vẻ đẹp của mối tình đầu: “Chẳng hiểu đẹp để mất, hay vì biết mình sẽ mất nên đẹp".

Đã có được mấy ai trong đời tiến tới cuộc hôn nhân từ mối tình đầu. Hình như con người ta đã linh cảm được cái không bền vững của tình yêu. Có phải vậy chăng mà khi người ta yêu nhau người ta đã dâng trọn cho nhau những gì đẹp nhất. Vâng họ đã linh cảm được điều đó cái mong manh dễ vỡ nhất – Tình yêu. Cũng còn một lẽ nữa những gì đã mất, những gì đã thuộc về dĩ vãng bao giờ cũng đẹp. Bài thơ: THÁNG NĂM ĐỎ NHỮNG MÙA PHƯỢNG CŨ là bài thơ viết về vẻ đẹp của mối tình đầu đã mất. Một bài thơ dạt dào cảm xúc nhưng cũng đọng đầy tiếc nuối. Có những câu thơ làm ta nao lòng và cũng có rất nhiều câu thơ như được viết bằng nước mắt.

“Nhốt chút gió trong bàn tay đỡ lạnh

Đường không xa sao mây xám chập chùng

Người bên dốc đồi sương buồn hiu quạnh

Ta đứng bên trời hứng cả bão dông.”

Đây là khổ thơ tôi tin không chỉ dỗi mạnh vào con tim đa cảm của tôi mà còn của tất cả những con tim biết run rẩy trước vẻ đẹp của thi ca, trước những khát vọng bi thương của con người. Tất cả đã mất đi nó chỉ còn là kỉ niệm. Những kỉ niệm bắt ta phải tiếc nuối. Ai có thể nhốt được chút gió- vâng một chút thôi trong cái bàn tay bé nhỏ nông cạn của mình. Nhốt chút gió chỉ mong sao cho bàn tay đỡ lạnh. Gió thì làm sao đỡ lạnh được, nhưng lúc này nhà thơ đã cô đơn đến tận cùng nên cứ bấu víu vào cả những vật thể vô hình, những vật thể không thể nắm cầm mà chỉ cảm nhận được thôi. Vâng gió đã làm thức dậy một cảm nhận của nhà thơ và ông vội dơ bàn tay nhỏ bé của mình ra để nắm cầm. Thật phi lí, thật hư ảo, thật vô vọng bi thương. Hệ quả của nó lại làm tăng thêm nỗi tuyệt vọng khi ông gieo vào đây một câu thơ mà khi đọc ta cảm thấy lo lắng sợ hại: “Đường không xa sao mây xám chập chùng”. Đường ở đây là con đường đi hay là con đường đời. Một con đường bao quanh là cả chập chùng mây xám. Thì con đường nào cũng mù mịt bão giông. Nhà thơ đã nhìn thấy hay chỉ hiện lên trong tâm tưởng khi ông viết: “Người bên dốc đồi sương buồn hiu quạnh”. Đại từ người tưởng như xa lạ. Nhưng không phải vì đó chính là một nửa yêu thương của mối tình đầu. Hoàn cảnh của người không hề khác hoàn cảnh của nhà thơ- Cô đơn và hoang lạnh. Người không ở trên con đường đông vui mà chỉ ở bên dốc đồi. Một dốc đồi chỉ có sương buồn hiu quạnh. Còn nhà thơ và cũng có thể còn chúng ta nữa cũng chỉ có thể hoặc chỉ biết: “Ta đứng bên trời hứng cả bão dông.”. Nghe sao mà xót đau mà hãi hùng. Thân phận con người mới nhỏ bé trơ trọi làm sao giữa bão giông của cuộc đời khi chúng ta- Anh và Em đã mất nhau mãi mãi...

Khi người ta cô đơn, người ta đã mất nhau thì nỗi khát khao thật là nhỏ bé và cũng có một điều gì đó như là sự buông tay nên nhà thơ viết: “Nếu có thể làm nhánh rong phiêu bạt. Thỏa chút giang hồ lưu thủy hành vân”. Chỉ thế thôi sao kiếp người giờ chỉ có thể là nhánh rong phiêu bạt. Một nhánh rong phiêu bạt trong một miền hư ảo hoang vu để chỉ mong thỏa chí giang hồ. Thật chua xót, thật mỉa mai. Nhỏ bé thế thôi nhưng nào ai đã biến nó trở thành hiện thực! ! !

Rồi nhà thơ an ủi người mình yêu và cũng tự an ủi mình:

“Hãy nhủ lòng an nhiên đi em nhé

Dù lẻ loi trong một cõi đời xa

Bao cay đắng trong cuộc tình vô lượng

Định mệnh đời mình lát cắt sát na.”

Bởi thời gian của con người trên cõi tạm chỉ là một khoảnh khắc, một sát na so với cái vô cùng vô tận của thời gian. Nên ta cứ phải an nhiên dù giờ ta phải sống trong chia xa đơn lẻ trên cõi đời với bao đắng cay oan nghiệt.

Bài thơ còn nhiều những câu thơ đẫm đầy nước mắt. Đọc hết bài thơ tôi mới hiểu được tên bài thơ chỉ như một duyên cớ để cho cảm xúc dâng trào. Hoa phượng là loài hoa gắn liền với tuổi đầu đời đẹp nhất, tuổi học trò, tuổi của tình yêu e ấp và trong trắng. Tuổi của những tiếng ve tuổi của những tiếng cười:

“Tháng năm đỏ một trời hoa phượng cũ

Năm tháng đi về bạc cả gió mưa

Nhớ tiếng ve rền trên cây bàng thay lá

Và tiếng em cười nghiêng giữa nắng trưa.”

Bài thơ khép lại rồi còn nỗi nhớ niềm thương tiếc nuối thì còn mãi. Nó sẽ theo nhà thơ đi hết một kiếp người ....

NXD

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét