Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

BÀI VIẾT VỀ TẬP THƠ "THỜI GIAN VÀ TÔI" CỦA HÀ VŨ GIANG CHÂU

 BÀI VIẾT VỀ TẬP THƠ "THỜI GIAN VÀ TÔI" CỦA HÀ VŨ GIANG CHÂU 

TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ SỐ 20 THÁNG 10-2024




CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “THỜI GIAN VÀ TÔI” CỦA NHÀ THƠ HÀ VŨ GIANG CHÂU

 HÀ VŨ GIANG CHÂU, KHI CHỈ CÒN LẠI “THỜI GIAN VÀ TÔI”

                                                         *NGUYỄN AN BÌNH

  Phải nói thật lòng, thời gian tôi quen biết nhà thơ Hà Vũ Giang Châu không lâu nhưng cái tình thì không ngắn. Bởi lẽ đối với tôi giữa người làm thơ và yêu thơ không có biên độ giới hạn tình cảm gắn bó với nhau. Điều đó thật dễ hiểu khi ta đọc một bài thơ hay thậm chí chỉ một câu thơ hay thôi cũng đủ nhận ra sự đồng cảm thẩm thấu ý nghĩa mà nó mang lại từ đó cảm thấy gần gủi thân thiết cùng người đã viết ra nó. Tôi đọc tập thơ “Thời gian và tôi” do nhà thơ Hà Vũ Giang Châu gởi tặng cách đây không lâu một cách chậm rãi cũng chính vì cái thanh âm đồng điệu tương ứng đó.

“Thời gian và tôi” là tập thơ được Hà Vũ Giang Châu in và phát hành vào cuối năm 2022, có thể coi đó là tập thơ mới nhất của anh do nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép dày gần 400 trang, nhưng thật ra số lượng bài thơ in trong đó chỉ gần 200 trang thôi, phần còn lại phổ biến một số bài thơ của anh được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, vài bức thư pháp và tranh phụ bản, một số hình ảnh ký họa chân dung tác giả và trên 140 trang là những bài viết cảm nhận của nhiều tác giả về thơ của anh nên nói là tập thơ cũng chưa thật đúng theo nghĩa của nó lắm. Còn về thơ một phần lớn thơ Hà Vũ Giang Châu trích tuyển từ các tập thơ cũ hay được in trên các tạp chí, tập san, báo từ trước 1975 đến nay anh cho là ưng ý, các bài thơ nầy lại được chuyển ngữ sang tiếng Anh nên nhìn chung thơ mới không còn lại bao nhiêu bài và cách phân bố các phần như thế làm người đọc khó cảm nhận hết nội dung ý nghĩa truyền tải tác giả muốn gởi gắm vào tập thơ nầy. Nhưng chúng ta quan tâm đến điều nầy nhiều làm gì, nói là tập thơ thì chúng ta thưởng thức thơ là chủ yếu, vậy thôi các bạn nhé.

*

Nhà thơ Hà Vũ Giang Châu tên thật là Nguyễn Đình Phùng, sinh năm 1959 tại Điện Bàn Quảng Nam. Tốt nghiệp luật khoa, hành nghề luật sư, giảng viên đại học tại Tp. Hồ Chí Minh. Như vậy cuộc đời anh mưu sinh gắn bó với những gì liên quan đến luật pháp là chính nhưng điểm đặc biệt ở anh lại là một người rất yêu văn chương. Ngay từ lúc còn ngồi ở giảng đường anh có nhiều tác phẩm đăng trên các tạp chí văn chương trước 1975 như Văn, Tuổi Ngọc, Bách Khoa, Khởi Hành… Trong thời gian đó anh cho ra mắt nhiều tác phẩm thơ như: Lời ru quê hương(1966), Tóc hạ(1967), Duyên tình(1969), Điệu ru người tình không trái tim(1971), Từ khi ta yêu người(1999), Hương Thời Gian(2008)…và nhiều bài chuyên khảo về kinh tế trên một số diễn đàn kinh tế… như vậy cũng đủ cho ta thấy dù ở thời điểm nào anh cũng dành cho “Người tình thơ ca” một chỗ ngồi nhất định trong trái tim đa sầu đa cảm của người nghệ sĩ.

 *              

  Điều đầu tiên tôi nhận ra thơ Hà Vũ Giang Châu trong tập thơ “Thời gian và tôi” có nhiều bài thơ anh viết từ thuở thanh xuân khi còn đi học hay ngồi trên giảng đường như Đêm ở biển, Dáng em còn mãi trong tôi… hay sau nầy như các bài Từ khi ta yêu người, Hình như Huế cũng trông, Chiêm bao… một giọng thơ hồn hậu đầy tình cảm nhưng cũng thật trong sáng mơ mộng dù ở nhiều thời điểm khác nhau vẫn mang mang thế sự không già cỗi theo thời gian:

Em đi/ Tóc bím hai hàng

Chiều nghiêng bãi vắng/ Cánh vàng lên cây

Và trong tuổi mộng thơ ngây

Đường sang sông/ Nước vơi đầy/ Phân vân

(Bài cho tuổi vừa lớn)

 

Tháng giêng về đến quê người

Ơn em ơn bạn ơn cười sóng đôi

Lòng nàng như hiểu tình tôi

Nợ nhau mấy kiếp để rồi có nhau

(Cảm xúc tháng giêng)

 

Tôi có đọc một bài viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Nhã viết về thơ Hà Vũ Giang Châu in trong tập Hương thời gian có đoạn viết: “…Về thơ anh, tôi cảm nhận như nằm giữa mơ hồ và siêu thực – nên hồn thơ, ý thơ có lúc bay cao vút lên không gian tạo thành một triết lý nhân sinh của thế hệ trẻ đang khao khát cuộc sống thanh bình, vĩnh cửu cho quê hương đất nước…” theo tôi thì không hẳn vậy thơ anh rất đời thường, có điều anh đem cái mơ mộng của người nghệ sĩ viết nên những câu thơ thấm đẩm cái tình: tình yêu người, yêu quê hương, yêu cuộc sống đầy sắc màu và nhiều cung bậc đó thôi:

Như biển xanh mùa hạ

Ta ươm mình trong mây

Em mùi hương trời lạ

Qua hồn ta ngất ngây

Nón nghiêng vành e ấp

Áo hoa cà em bay

Biển xanh trời xuống thấp

Mắt đong đầy chiều nay.

(Từ khi ta yêu người)

   Hà Vũ Giang Châu viết nhiều bài thơ về Huế rất hay và cũng rất mượt mà. Có lẽ một thời gian dài sống ở Huế đã làm tâm hồn của anh dành cho Huế những ưu ái và sâu đậm về tình yêu, thiên nhiên con người với những nét riêng biệt không lẫn vào nhà thơ khác được:

Nỗi nhớ người con gái Huế sao mà tha thiết dịu dàng đến thế:

Khi xa Huế nhớ em sao là nhớ

   Nhớ tóc thề

       Nhớ răng khểnh

            Nhớ đường xưa

Nhớ những chiều theo em về phổ chợ

Nhớ con đường Lê Lợi gót em đi

(Gởi về em, ngày anh xa Huế)

 

Và dáng xưa Thiên Mụ, hồn thiên cổ, quá khứ vàng son chợt quay về như một thuở nào:

Chùa cổ bên sông/ U trầm mặc tưởng/ Hồn nhập hư không/ Ngàn năm định hướng.

En nhìn vạn kỷ/ Vùng trắng như sương/ Từng lớp thành lũy/ Trĩu màng tang tương.

(Chùa Linh Mụ)

 

Hay cảm nhận một cách tinh tế đổi thay nơi vùng đất cố đô anh từng sống:

Thở hơi khói tỏa thành vòng

Cơn ru kéo tới tan vòng hư vô

Mù sương đã động tàn dư

Rơi ngàn cánh mộng miền phù cỏ hoang

(Sáng mùa đông ở Huế)

 Ở một điểm khác tôi nhận ra trong tập thơ nầy anh viết có nhiều bài thơ ngắn và nhiều câu thơ ngắn. Có lẽ anh thử cô đọng ý nghĩ cảm xúc của mình trong một chừng mực nào đó có thể để người đọc tự chiêm nghiệm và suy diễn theo chiều kích nào đó chăng:

…Em ngồi chiêm nghiệm

16 trăng trong

Lung linh

Ánh nguyệt

Ngaaft ngây

Tình

(Trăng mật)

 

Hay ở một bài thơ khác:

Chua ngự trong lòng

Mỗi chúng ta

Địa đàng

Em trỗi giọng thánh ca

Sao đêm

Tụ kết…

 

Sự hoài niệm về chân trời cũ khi cuộc sống đổi thay cũng làm cho thơ Hà Vũ Giang Châu thêm tha thiết ngậm ngùi, đó là điều không thể tránh khỏi được trong mỗi con người chúng ta chỉ có khác trong cách thể hiên mà thôi

Ta trải bước phiêu bồng đã mỏi

Chừ về thăm quê cũ

Vẫn yên bình

Lũ mục đồng vẫn rong chơi diều cồn cát

Trời quê hương

Nghe dạt dào bao tình

(Rất tình cờ ta gặp lại em xưa)

 Nhận xét về thơ Hà Vũ Giang Châu, nhà văn Cung Tích Biền trong lời tựa cho tập thơ Từ khi ta yêu người của anh đã sớm nhận ra: “Chất trí tuệ, cách xuôi ngược chữ nghĩa vẫn không thể làm chết thẩm mỹ nghệ thuật. Người đọc sẽ cảm thụ với một thần thái mơ mộng, thoáng đạt rất ư thi vị; tùy nghi mỗi chủ quan. Ở đâu đây đã hiển thị một tưởng nhớ đến vàng lạnh nhân gian:

 

Ở đây ngày lại qua ngày

Ta nghe bấc lạnh và mây bạc đầu

Tiếng chim trong lá ngàn sâu

Xanh cây rừng núi như màu mắt em”

                (Trên đỉnh đèo Hải Vân)

 

*

Trong bài khảo luận “Vài đường nét về thi ca” Hà Vũ Giang Châu có viết: “… Thi ca chính là một lối nhìn đời, một lối nhìn soi tới những chiều hướng hiện sinh ẩn tàng trinh nguyên, sau đó mặc phải chân lý và hình ảnh tuyệt đối trong một chừng mực nào đó để dâng hiến cho ý thức…”. “ Khi nói sáng tạo thi ca dùng để xây đời như một nhiệm vụ, nhưng xây đời trong một chừng mực nào đó chỉ là hiệu quả tất yếu và hiệu quả đó nhằm ngoài thiên chức thi nhân là mặc khải tâm lý…”, “…Sáng tạo thi ca để đưa về một vũ trụ chính là hành động của người thi sĩ: Hành động đó là một biểu lộ trung thành của thiên chức làm thơ. Cho nên vũ trụ thi ca tuy siêu thực nhưng lại thực hơn cả lịch sử…”. Không biết trên con đường “Sáng tạo thi ca” nhà thơ Hà Vũ Giang Châu đã soi tìm và “…vén màn của những che dấu bi đát, hành động đó sau nầy sẽ có giá trị của một nỗ lực xây đời”được hay không nhưng tôi tin rằng trong cuộc hành trình đó anh không hề đơn độc và luôn tìm được những người bạn đồng hành trong từng thời điểm nào đó cũng là điều đáng quý và đáng trân trọng rồi.

   Tôi xin trích một nhận xét ngắn của nhà thơ Hạc Thành Hoa trong bài “Thêm một hồn thơ có tên trong sổ đoạng trường” viết về thơ Hà Vũ Giang Châu làm lời kết cho bài viết:“…Cái nghiệp thơ nó nặng lắm. Đã vướng vào đó đố gỡ cho ra. Có điều anh vừa làm thơ vừa hành nghề luật sư. Không biết hai con người đó có chấp nhận nhau không? Nhưng dù sao chúng ta cũng mừng vì có thêm một hồn thơ có tên trong sổ đoạn trường.”

Tôi cũng mừng vì có thêm một bạn đường đi cùng tôi trong cuốn sổ đoạn trường thơ nầy.

Sài Gòn, Bên dòng Kênh Tẻ, tháng 8-2024

 NGUYỄN AN BÌNH

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét