Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

NHỚ MỘT MÙA TRÂM ĐÃ XA

TẢN VĂN TRÊN THƯ QUÁN BẢN THẢO SỐ 88 THÁNG 2/2020
NHỚ MỘT MÙA TRÂM ĐÃ XA
TẢN VĂN
NHỚ MỘT MÙA TRÂM ĐÃ XA
*NGUYỄN AN BÌNH

“Có qua tuổi học trò, mới yêu thời áo trắng, trải bao mùa mưa nắng, mới thương tuổi bướm sầu”, không biết anh nhà thơ nào đã viết mấy câu thơ đầy trải nghiệm như thế sao giống tâm trạng của Di lúc nầy quá chừng chừng. Mỗi lần đọc lại mấy câu thơ trong trang lưu bút cũ của bạn bè viết cho ngày rời khỏi mái trương phổ thông làm Di lại cảm thấy rưng rưng nước mắt. Sao lạ vậy kìa? Đã nói với lòng mình từ nay phải cứng rắn lên không được khóc mà sao lòng mãi mủi lòng bâng khuâng thế kia? Tình cảm con người ta là cái gì khó diễn đạt qua, chắc giống tánh con gái cũng thất thường như vậy thôi, chắc cũng giống như mưa và nắng vậy mà. Hai cái thứ không thể chung sống hòa bình với nhau. Có những buổi trưa nắng hừng hực như đổ lửa, chạy xe ngoài đường thấy da thịt như được đặt trên lò nướng bánh mì quá lửa sắp bị cháy xém đi đột nhiên cơn mưa không biết từ đâu ập xuống nếu không tháo chạy kịp vào trong hàng hiên nào gần đó hay may mắn hơn đến được quán cà phê ngay đó ngồi nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà hát theo: “Trời còn làm mưa sao em không lại, lỡ mai trông cơn đau vùi làm sao có nhau…”ngắm mưa rơi thì không khéo ướt như chuột lột.
Mà cái tuổi bướm sầu đời học trò có ăn thua gì đến mấy trái trâm đâu chớ phải hôn? Vậy mà có. Tuổi bướm sầu của Di gắn liền với những mùa trâm quê nhà, ở vùng núi Cô Tô xa ngút đầu biên địa Tây Nam đất nước với tình cảm ngây thơ biết yêu thương hết lòng, chiều chuộng hết mức của Nguyên dành cho Di. Mùa trâm hàng năm bắt đầu tự lúc cơn mưa đầu mùa rớt hạt bằng những vạch chớp sáng ngời vạch trên bầu trời xám nghịt là lúc mấy cây trâm mọc thành hàng trên đường làng đến trường của Di bất ngờ nhú ra những chùm bông trăng trắng, vàng vàng hay phớt hồng giống như những quả bóng dày đặc che bít cả cành, rồi không biết tự lúc nào cơ man những trái trâm bé xíu cở chiếc tăm, xanh mướt lớn dần lên bằng đầu ngón tay cái thẩm dần chuyển từ màu tim tím thành một màu đen bóng, căng mọng dưới đôi mắt háo hức của lũ học trò. Khỏi nói đám con gái của Di ngày ấy là chúa thích ăn chua, nhưng muốn ăn mấy trái trâm đầu mùa có vị chua chua ngọt ngọt đó đâu phải dễ. Trái thì nằm lúc la lúc lỉu trên những cành cao làm sao mà trèo mà vói tới, lại còn phải đối phó với lũ kiến vàng chết khiếp kia nữa. Cái lũ kiến vàng bình thường không thấy trôi nổi ẩn náo ở đâu đến mùa trâm chín lại xuất hiện hàng hàng lớp lớp giống như các chiến binh sắp ra trận tử chiến với quân thù vậy. Chúng là đội quân rất háo chiến và hung tợn. Ai có bị chúng cắn một lần rồi thì phải biết, nó tiết ra cái chất gì sền sệt mùi hăng hắc không lấy gì làm dễ chịu cho lắm làm da thịt bị bỏng rát, nhiều đứa không chịu nổi la làng, phủi lia lịa tuột nhanh xuống không kip chẳng khác nào bị ma đuổi. Mà cái giống kiến nầy cũng cứng đầu cứng cổ lắm đó nhe, bị bứt đầu bứt cổ ra khỏi cái thân chân cẳng lêu ngêu kia mà hai cái răng hàm to tướng của nó vẫn găm chặt da thịt người ta không chịu nhã ra mới ác liệt chứ.
Lũ con trai thì khỏi phải nói là chúa leo trèo hay nghịch ngợm: leo đọt dừa phá tổ chim, trộm xoài cắp mận cái gì có chừa đâu thì chuyện leo cây hái trâm có ăn thua gì với bọn nó, mặc cho kiến vàng cắn miễn là hái đầy một bụng trâm ăn cho thỏa thích là được. Lũ con trai làng Di là lũ háo ăn lại kênh kiệu không cần biết cái từ “ga lăng” có nằm trong tự điển hay không, thấy mấy đứa con gái đứng xớ rớ nhìn lom lom chúng cười nham nhở: Ăn hôn, kêu tao bằng anh tao cho một bụm nè. Xí! Ai mà thèm thấy ghét.
Chỉ có Nguyên là luôn để ý, chăm sóc đến Di một cách dịu dàng. Nguyên nói nhỏ vừa đủ Di nghe: Di thích hôn, Nguyên hái cho Di nhé. Chẳng biết Nguyên thủ sẳn bọc tro bếp hồi nào( Ở nông thôn tro bếp nhà nào mà không có hỏi ngộ hôn), leo lên cây tới đâu Nguyên rải tro tới đó, không biết lũ kiến vàng kỵ mùi tro thế nào mà dạt ra trốn mất tiêu hết(ừ! Thì cũng có cái mà trị chúng bây chớ), chỉ một lát là hái đầy một bọc. Xuống đất Nguyên đưa cho Di nói gọn lỏn: Của Di cả đó. Nhìn những trái trâm đầu mùa chín mọng mà nước miếng như chực ứa ra,trái nhỏ bằng đầu ngón tay út mà dài, màu đen bóng no tròn mọng nước, hột to, thịt chẳng có bao nhiêu, ăn vào có vị chát chua nhiều ngọt ít vậy mà đứa con trai con gái nào cũng thích mới chết chứ. Mà ăn trâm không giấu được ai vì nó để lại trên môi trên lưỡi một màu tím rất ư là dễ thương đấy nhé. Hái ăn không hết thì gói nhét vào trong cặp đem đến trường ra chơi tiếp tục lôi ra… ăn tiếp. Có khi để quên trong cặp, trâm bị giập tứa nước ra nhuộm tím cả mấy quyển tập, làm gì mà không bị thầy cô quở mắng vì có đọc được chữ nào đâu.
Rồi cũng hết thời phổ thông, Di và Nguyên cùng khăn gói lên Sài Gòn học tiếp đại học ở hai trường khác nhau, xa tít tắp, thời gian học cũng thay đổi tẹt đùng như pháo nổ, cũng phải cố gắng hẹn gặp nhau cuối tuần hay cuối tháng gì đó. Quán cóc, quán ven đường tùy theo túi tiền từng đứa. Cười vang khi nhắc lại chuyện trường cũ lớp xưa, nhớ mùa trâm tím rịm trên môi cô học trò bé nhỏ, nhớ chuyện chàng trai vì leo hái trâm cho bạn bị rách vai áo về nhà bị rầy la dữ qua chừng. Không phải người lớn tiếc chi cái áo rách bị dính mủ trâm, tím loang lổ vì trâm mà vì sợ cậu quí tử trợt chân té gẩy giò ai gánh nổi đây hỡi trời.
Rồi cũng ra trường, mạnh ai nấy tung đi khắp nơi tìm việc làm. Có ai kịp hẹn hò gì với ai đâu, Mưu sinh lo đỏ con mắt, vàng con ngươi,thụt đầu lưỡi, kiếm cái ăn trước đã rồi hạ hồi phân giải, chuyện đâu còn có đó phải hôn. Đâu cũng vào đấy, Nguyên có việc làm nhưng đi công tác xa luôn. Di cũng thế. Lấp ra lấp rấp mà cũng hết năm hết tháng. Họa hoằn mới có thời gian rảnh hẹn cà phê, tán gẩu đôi câu ba điều bốn chuyện. Có lúc người nầy hay người kia quên mất mình có người bạn tên Nguyên hay tên Di gì đó. Vậy mà là bạn thân, vậy mà là yêu nhau sao? Thời đại nào rồi con trai con gái yêu nhau lạ quá hen.
Mới hôm qua đây thôi sau khi tan sở chạy xe cùng nhỏ bạn về nhà trọ, ở một góc đường Điện Biên Phủ chợt thấy một người phụ nữ dựng xe đạp,phía sau là một rổ đầy trâm chín căng mọng màu tím sẩm. Di thắng cái cộp dừng xe lại hỏi mua. Bạn trố mắt nhìn Di không nói. Khi đi xa rồi bạn mới cằn nhằn cử nhử: Trâm gì mà mắc thế. Giá hơn cả một ký táo Mỹ, có “mát” không mậy?. Di chỉ cười cười không nói không rằng cười thầm trong bụng: Không ngờ cái thứ trái cây dân dã quê mình lại có giá ghê nhỉ?. Con bạn nào hiểu Di đang nhớ mùi vị chát chát, chua chua, ngọt ngọt của trâm biết bao nhiêu. Đã lâu lắm rồi Di không gặp lại trái cây thôn dã quê nhà , nhớ dòng sông ấu thơ tới mùa lũ đục ngầu phù sa, tới cái lẩu mắm cá linh non béo ngầy ngậy và mùa trâm với cơn mưa đầu mùa xối xả, những quả màu tím rịm hấp dẫn tụi con trai con gái và cả những kỷ niệm thời đi học của tôi và Nguyện bất chợt ùa về nức nở chao chát. Bao lâu rồi mình không gặp nhau Nguyên nhỉ, cùng sống trong một thành phố mà muốn gặp nhau sao khó thế. Có lúc rảnh nhắc máy gọi chỉ nghe tiếng léo nhéo từ đâu như xa xôi lắm vậy: Anh đang công tác ở miền Tây, hai tuần nữa mới về. Đành thôi vậy. Hôm anh điện cho Di, Di lại bay ra Bắc làm việc. Hai con chim bay không cùng một hướng, lốc tha lốc thốc ngược chiều gió mưa, sông hồ nắng đổ thì biết bao giờ mới gặp nhau đây trời, hổng chừng lúc gặp nhau tóc đứa nào đứa nấy đầy sợi bạc rồi cũng nên. Mình đâu còn trở lại thời áo trắng nhớ tuổi học trò, tâm hồn sắp còi cọc đến nơi vì bao mưa nắng của cuộc đời, vất vả mưu sinh giữa một thành phố phồn vinh mà nhịp sống hối hả từng giờ từng phút từng giây biết có còn nhớ cái tuổi bướm sầu đa cảm của thời mới lớn hay không, biết ai có còn nhớ tháng nào mùa trâm chín để trèo hái những chùm quả căng mọng cho cô bạn gái học cùng trường, cùng che chung một chiếc áo mưa, nhón cho nhau từng trái trâm chấm muối ớt cay xè mà khúc khích cùng nhau cười không nhỉ?
NGUYỄN AN BÌNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét