Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

NGUYỄN AN BÌNH VỚI BÀI VIẾT: "NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI" THIỆT HÔNG TA? CHO TRUYỆN NGẮN "NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẶT TRE" CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN MINH.

MỘT CHÚT VUI VỚI BUỔI RA MẮT SÁCH 30/9/2020 TẠI QUAN CÀ PHÊ NGÔ ĐỒNG-Q.GÒ VẤP

TẬP SÁCH TÁC GIẢ TÁC PHẨM NGUYÊN MÌNH

NGUYỄN AN BÌNH VỚI BÀI VIẾT: "NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI" THIỆT HÔNG TA?  CHO TRUYỆN NGẮN "NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẶT TRE" CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN MINH.






BÀI VIẾT CẢM NHẬN TÁC PHẨM:

 

         “NHỨT CHẶT TRE, NHÌ VE GÁI” THIỆT HÔNG TA?

                                                                *NGUYỄN AN BÌNH

 Tôi bất chợt thức giấc vì sự chuyển động lắc lư của các toa tàu và tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray có lẽ không dễ chịu chút nào với người lần đầu tiên đi tàu lửa như tôi, chắc tàu đang qua khúc quanh nào đó trong cuộc hành trình, cái con đường sắt được thiết lập hàng trăm năm nay chắc cũng đã rệu rã, già nua lắm rồi, con đường sắt qua những lần phá hoại rồi tu bổ rồi phá hoại trong những năm chiến tranh dai dẳng của hai miền Nam Bắc, cho đến sau hòa bình nó mới được lành lặn một chút như thế nầy đây.

Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ trên nóc toa, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ nhỏ hẹp thấy trời vẫn còn tối om, nhìn đồng hồ đeo tay tôi thấy đã hơn 4 giờ sáng. Như vậy là chúng tôi đã ở trên tàu hơn 8 tiếng đồng hồ. Tàu xuất phát từ ga Hà Nội, xưa tôi vẫn gọi nó là ga Hàng Cỏ, khi nhịp sống về đêm của thủ đô mới bắt đầu nhộn nhịp là chúng tôi đã vội rời xa để đi về phương Nam. Anh em trong tập san Quán Văn chúng tôi vừa làm cuộc hành trình lên Tây Bắc để thăm thú cảnh đẹp của miền sơn cước mà nếu không có hòa bình chắc không bao giờ tôi mơ tưởng đến điều đó.

Tôi không biết tàu đã đi qua những đâu và ga sằp đến là ga nào. Không ngủ được tôi đành nhổm dậy, khom người lần theo góc thang nhẹ nhàng bước xuống sàn vì sợ làm ảnh hường đến giấc ngủ của những người trong toa dù họ là những người bạn đồng hành cùng tôi trong gần mười ngày nay vì giường của tôi ở trên cùng của toa giường nằm.

Bước ra ngoài hành lang tôi đi lần dọc theo các toa giường nằm san sát nhau, ngang qua một toa còn mở cửa tôi bắt gặp anh Nguyên Minh đang ngồi một góc sát cửa sổ và đang nhìn ra ngoài mặc dù còn rất tối, phía giường bên kia bỏ trống không biết của người nào vừa đi ra ngoài, tôi bước vào toa và ngồi vào chỗ đó đối diện với anh. Anh đưa mắt nhìn tôi rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi biết anh đang trầm tư thôi chứ ngoài kia tối thui có gì đâu để mà nhìn. Tôi chợt hỏi anh:

-  Tàu chạy tới đâu rồi anh?

Anh trả lời mà không quay lại:

-  Anh cũng không biết nữa chắc gần tới Quảng Bình hay Quảng Trị gì đó cũng nên.

Rồi tôi cũng im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ như anh. Lúc bấy giờ tôi mới thong thả ngắm toa tàu mà anh đang ngồi, chỗ anh ngồi là nơi chị Lan – vợ anh – đang nằm ngủ. Tư thế nằm ngủ thật hồn nhiên, cái chăn được đắp ngay ngắn cẩn thận trên ngực chị, có lẽ ông anh của tôi lâu lâu lại vén chăn sửa lại cho ngay ngắn đây mà, đôi lúc tôi cảm thấy có nụ cười nhẹ nhàng thoáng qua trên khuôn mặt phúc hậu của chị. Người phụ nữ ấy một thời sống trong “Nhà cao cửa rộng. Xe hơi đời mới. Những vật dụng gia đình đều hạng cao cấp” mà khi “cơn gió bão của lịch sử kéo đến” trong phút chốc trở thành người bà chân lấm tay bùn, bương chải đủ thứ, làm đủ mọi nghề để lo cho ông chồng ốm yếu đang bị bệnh dạ dày hành hạ mà tâm trạng luôn bực dọc vì cảnh ngộ bất đắc dĩ mà mình phải chịu đựng và ba đứa con thơ còn nhỏ dại mà không hề có sự trách móc oán than cho hoàn cảnh nghiệt ngã của thời cuộc. Cái vết sẹo trên ngón tay áp út của “người đàn bà đã từng chịu đựng, vất vả lam lũ với cuộc sống” mà tình cờ anh thấy được khi nằm kế bên sau một cuộc rượu say với bạn bè sau nhiều năm gặp lại. Người đàn bà ấy chỉ biết nói một cách nhỏ nhẹ:

  “-Tưởng ông đã biết từ lâu! Mấy mươi năm rồi còn gì. Người đâu mà vô tâm vậy?

   Tôi chỉ biết cười trừ. Và ngủ đi từ lúc nào không hay”

Thật ra tôi nghĩ lúc đó có lẽ anh quay mặt vô tường, mắt đã cay cay rồi mới chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay mà thôi.

*

Tôi hơi lòng vòng câu chuyện của mình trước khi nói về một người phụ nữ đã gây cho tôi một cảm giác thân thiện và quí trọng. Không phải người phụ nữ nào cũng tạo cho ta một cảm giác như thế dù có thể ta tiếp xúc, gần gủi với họ từ lâu. Tôi đang muốn nói đến truyện “Người đàn bà chặt tre” của nhà văn Nguyên Minh, người đang ngồi đối diện với tôi trong toa tàu nhỏ hẹp nầy.

“Người đàn bà chặt tre” có thể xem là truyện ngắn hay tản văn gì cũng được, trong nhiều truyện ngắn của anh nhân vật chính thường xưng “tôi”, và trong cái “tôi” của từng nhân vật ấy tôi lại bắt gặp cái “tôi” “Nguyên Minh” trong quá khứ và trong đời thường, cái đặc biệt người đọc văn Nguyên Minh thường dễ nhận ra anh lấy cốt truyện từ những nhặt nhạnh đâu đó trong cuộc đời nhiều thăng trầm và cũng lắm sốc nổi của mình để làm nên câu chuyện mà không phải ai cũng thích làm điều đó nhưng có sao đâu, miễn là đọc xong cái truyện hay tản văn nào đó nó còn đọng lại trong ta một xúc cảm mãnh liệt giống khi ta được uống một ly rượu mạnh hay nhẹ nhàng như khi được nghe một khúc nhạc trữ tình nào đó là được rồi cần gì hơn thế nữa phải không?

 Cách mở đầu câu chuyện cũng thật thú vị và cũng rất tự nhiên kiểu “Nguyên Minh”: Bạn bè cũ hẹn gặp nhau sau nhiều năm cách biệt, bạn bè thời tạp chí Ý Thức của anh(điều nầy thì có thật nghe) và trong mấy câu chuyện rôm rả ấy không thể không nhắc đến  những năm tháng sang trang của lịch sử mà anh và các bạn anh đều là chứng nhân và bị dòng chảy ấy lôi cuốn đi xa lắc bến bờ. Dòng chảy ấy như một trận cuồng phong nhấn chìm tất cả:

Trong trại học tập cải tạo năm nào, các bạn tôi là nhà văn đều trải qua, có người vác gỗ, có kẻ rút mây trong tận rừng sâu, lại có người phải lội sình lầy để chặt những cây tràm. Nhẹ nhàng hơn nhưng dè dặt hơn, tinh tế hơn là những người cầm rựa bén chặt từng cây tre, cột lại từng bó, kéo dài lê thê ra bờ sông thả trôi dòng. Vác gỗ, kéo mây, chặt tre đều để lại vài vết sẹo trên thân thể họ, như một chứng tích.

      Nhắc lại chuyện cũ, các bạn tôi cười rộn rã cùng thốt lên:

- Khó nhất vẫn là chặt tre.

- Nhứt chặt tre, nhì ve gái mà.

     Bỗng dưng tôi giật mình. Đàn ông nhất là lính tráng, khoẻ như trâu còn sợ đi chặt tre. Còn vợ tôi, một người đàn bà tay yếu chân mềm, sao ngày ấy nàng có thể làm công việc đó thế tôi. Đi chặt tre. Nhưng bao nhiêu năm qua có bao giờ tôi hỏi nàng về chuyện ấy.

Và câu chuyện mở ra bằng một khám phá vết sẹo nhỏ trên tay “nàng” mà nhiều năm “tôi” “vô tâm” không để ý tới. Cái thủ pháp vào truyện tự nhiên như vậy của anh tôi bắt gặp ở rất nhiều truyện ngắn khác của anh trong các tập: Màu Tím Hoa Mua,Như Sương Như Khói, Dòng Sông Trong Trí Nhớ...

Cũng giống như các bạn thanh niên miền Nam thời đó, tuy không bị tập trung học tập cải tạo, gia đình lại bị liệt vào thành phần tư sản mại bản, nhà cửa gia tài bị tịch thu, gia đình dắt díu nhau về một vùng đất khô cằn, xa lạ để sinh sống. Từ một gia đình sống trong “Nhà cao cửa rộng” phút chốc thành một kẻ không nhà, tha hương, nơi đến là một ngôi làng hẻo lánh, Hai vợ chồng tôi căng tấm nhựa, móc vào hai thân cây sào bằng tre, đủ che mưa che nắng tạm thời một vài hôm, trước khi chúng tôi dựng lên một mái nhà tranh vách đất.Chố ở giống như túp lều trong trò chơi con nít, rất thảm phải không?

 Trong một hoàn cảnh bi thảm như thế, với một ông chồng ốm yếu lại đang mang cơn đau dạ dày kinh niên, và hay cau có bực dọc vì hoàn cảnh, thêm ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn thì chắc hẳn người đọc ai cũng biết gánh nặng đè lên vai người phụ nữ như thế nào? Nếu chèo chống vụng về thì chắc chắn cái gia đình nhỏ bé ấy không sớm thì muộn cũng tan đàn xẻ nghe mất thôi.

 “Vợ tôi” được gắn vào câu chuyện là một điều hiển nhiên, và trong cuộc sống một khi người đàn ông gọi người đàn bà là “Vợ tôi” là điều mà họ muốn mặc định sự gắn bó và yêu thương với người phụ nữ chỉ có điều là họ không biểu hiện bằng hành động mà thôi. Vì sao vậy? Vì trong suốt câu chuyện kể tôi không thấy lần nào tác giả miêu tả bộc lộ sự khó chịu, cay đắng hay lớn tiếng với chồng con dù trong hoàn cảnh đôi lúc “cho phép” người đàn bà được gọi là “Vợ tôi” làm điều đó. Hãy lấy thí dụ mấy đoạn văn sau:

Đầu tiên là tôi cầm cây bút chì ngoặc nghệch trên tờ giấy trắng kẻ ngang học trò một mái nhà tranh. Làm mẫu. Đâu cần như thế. Có phải tôi muốn thả hồn mình vào đó. Có phải tôi muốn nhớ lại những bài thơ học thộc lòng trong sách Quốc văn giáo khoa thư tả về một mái nhà tranh ở thôn quê. Vợ tôi nhìn bản vẽ. Nàng cười mà nói đùa:

     - Sao không thấy hai quả “tim chì” cùng ba quả “tim đồng” với một lu nước lã cùng một cây gậy gắn lên một gáo dừa khô. Thôi anh coi chừng lũ nhỏ em đi chặt tre đây.

Tôi vội vã chạy ra, tháo sợi dây thừng đã cột chặt bó tre, bỏ xuống từng cây một xuống đất. Vợ tôi thở dốc một lát, hai bàn tay nàng lau chùi những hạt mồ hôi còn nhễ nhại trên trán. Xong, hai chúng tôi cầm lấy mỗi đầu tre, vác vào ngõ, vứt đại xuống. Vợ tôi thở nhẹ như trút một gánh nặng. Tôi chỉ những vết xước trên bàn tay nàng, bấy giờ nàng mới xuýt xoa kêu rát, nhưng để tôi yên lòng nàng cười nhẹ, nói nhỏ:

     - Ăn thua gì. Ngày mai tụi mình sẽ cất một mái nhà tranh, vách đất.

 

Còn chuyện chặt tre. Đây mới là chủ đề chính của truyện ngắn: Ngay từ đầu truyện nhân vật “tôi” đã nêu quan điểm của mình rồi: Nhứt chặt tre, nhì ve gái. Một chàng trai  khi thầm thương trộm nhớ một cô gái nào đó thì anh ta tìm đủ mọi cách để ve cho được, ai đã từng trải qua thời kỳ ve gái mới biết “khó động trời mây” khi muốn được nàng xiêu lòng chứ giởn chơi chứ chưa nói đến việc thất bại ê chề nữa là. Khó là vậy mà nó được xếp ở hàng thứ hai sau chặt tre thì phải biết việc chặt tre không phải dễ nuốt đâu. Tôi để ý Nguyên Minh đã 2 lần thể hiện công việc chặt tre của “Vợ tôi” “Như một cuộc chơi”. Thú vị thật

Cơn sốt vẫn thường đến với tôi nên vợ tôi không cho tôi làm một gì nặng nhọc. Sợ tôi có mặc cảm nên nàng khẽ cười, vỗ về tôi: “Có nề hà gì đâu? Chặt tre, chỉ là một cuộc chơi”,”Khi biết chúng tôi sẽ dựng một mái nhà tranh, một ông già ở hàng xóm, ốm yếu ho hen, gợi ý giúp cho chúng tôi vài chục cây tre với điều kiện là chúng tôi phải tự chặt lấy mà mang về. Ông chỉ bụi tre ở tận đâu xa, qua những cánh đồng khô nức đất, qua một con mương nước đục ngầu, nằm cuối khu đất rộng mênh mông đầy những bụi xương rồng. Tôi cười, nói cám ơn. Lắc đầu từ chối vì tôi nghĩ ông già này chơi khăm muốn thử sức chúng tôi. Vợ tôi mau mắn hỏi tới: “Dạ, bao nhiêu tiền con trả?” Ông già ho vài tiếng mới nói nhỏ: “Cho không hai anh chị. Chặt được bao nhiêu tùy thích. Nhớ chặt những cây tre đực, chắc ruột mới tốt đấy”. Tôi nghĩ ông già này chỉ nói đùa cũng như vợ tôi cũng đùa khi thốt lên với vẻ vui mừng mấy tiếng: “Dạ, cám ơn bác trước”. Nhìn vẻ ngơ ngác trên mặt tôi, nàng nói: “Anh cứ để em. Có gì đâu. Như một cuộc chơi”.

Hãy xem việc chặt tre của “Vợ tôi” “Có gì đâu. Như một cuộc chơi” như thế nào đây:

Một buổi sáng trời trong vắt, ánh nắng chưa tỏ, vợ tôi mặc một bộ đồ kaki bệch màu, chân mang đôi giày cao ống, đội cái mũ vải, cầm cái rựa bén cột vào thành chiếc xe đạp. Lên đường.

Mặc cho sự sốt ruột bồn chồn và những tưởng tượng có chiều hướng bi quan ảm đạm, ra vào lo lắng, lại đâm giận ngang hông ông già lối xóm tốt bụng cho tre cất nhà của “tôi” thì xế trưa đã nghe lũ trẻ reo inh ỏi: - Ba ơi! Mẹ về! Mẹ về!

“Tôi” chỉ còn biết thở ra nhẹ nhỏm và vội chạy ra ngoài tiếp vợ lấy tre ra khỏi chiếc xe đạp đầy bụi mà thôi.

Tôi vội vã chạy ra, tháo sợi dây thừng đã cột chặt bó tre, bỏ xuống từng cây một xuống đất. Vợ tôi thở dốc một lát, hai bàn tay nàng lau chùi những hạt mồ hôi còn nhễ nhại trên trán. Xong, hai chúng tôi cầm lấy mỗi đầu tre, vác vào ngõ, vứt đại xuống. Vợ tôi thở nhẹ như trút một gánh nặng. Tôi chỉ những vết xước trên bàn tay nàng, bấy giờ nàng mới xúyt xoa kêu rát, nhưng để tôi yên lòng nàng cười nhẹ, nói nhỏ:

     - Ăn thua gì. Ngày mai tụi mình sẽ cất một mái nhà tranh, vách đất.

 

Rồi nhà cũng dựng xong, cô “Vợ tôi” còn làm cho chúng ta thật sự khâm phục về sự vén khéo, tháo vát cũng như nhanh nhẹn trong công ăn việc làm sau nầy: Hái rau tập tàng mọc ở những bãi hoang để cải thiện và tự trồng rau đem ra chợ bán, bắt cá trong mương trước nhà, bắt trai nấu cháo, nuôi vịt lấy trứng, nuôi heo, làm phân chuồng, nuôi gà rồi chuyển sang trồng nho, lại bắt kịp thị trường bằng cách mua ti vi màu nội địa và đầu máy, mướn băng về chiếu kiếm thêm thu nhập... Không biết khi viết truyện ngắn nầy Nguyên Minh có bỏ sót một việc làm nào của “Người đàn bà chặt tre” không nữa, mà chỉ riêng cái việc chặt tre không thôi bản thân tôi cũng phục “Vợ tôi” sát đất rồi.

 Sau nầy khi trở về thành phố sống, khoảng đời gian nan, khốn khó đó chỉ còn lại những ký ức buồn vui của một thời bao cấp. Dù vui dù buồn nó cũng theo ta suốt khoảng đời còn lại mà thôi.

 Cuối cùng tôi cũng muốn nói với các bạn điều nầy. Cái câu “Nhứt chặt tre, nhì ve gái” xem ra chẳng “ép phê” gì với “Vợ tôi”cả vì cô đã nắm được bí quyết của nó:

“...khi tôi hỏi vợ tôi:

          - Chặt tre có khó không?

          - Có gì khó đâu, ta chỉ cần rọc đi những cái mắc nhỏ đầu nhọn, để thân tre suôn đuột, rồi một phát rựa vào gốc là xong.

Vậy mà trên đời nầy không phải ai cũng hiểu được đạo lý đó phải không?

*

Bỗng đoàn tàu lắc mạnh rồi giảm tốc từ từ, sau cùng thì dừng hẳn. Trời đã hừng sáng. Tôi và anh Nguyên Minh chăm chú nhìn ra ngoài cửa kính nhỏ hẹp của toa tàu. Ba chữ “GA ĐÔNG HÀ” màu đỏ to gắn trên nóc của nhà ga, tôi nhìn sang anh nói nhẹ:

-  Mình đã đến Quảng Trị rồi đó anh.

-  Ừ! Đến Quảng Trị rồi.

Anh không nói gì thêm, tôi cũng im lặng. Tàu đã qua sông Bến Hải, qua cầu Hiền Lương nơi mà hơn chục năm trước trên đường thiên lý tôi đã dừng lại rất lâu và bước một cách chậm chạp qua những tầm gỗ lót trên cầu nối hai bờ sông Bến Hải. Dòng sông đã chia cắt hai miền đất nước hơn hai thập kỷ. Đất nước hòa bình nhưng nỗi đau vẫn chưa liền sẹo. Buồn biết bao.

Tiếng còi tàu lại hú lên, khói trắng lại phun lên thải lên bầu trời và tàu bắt đầu trôi. Trong ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối năm, đoàn tàu lại đi qua bao làng mạc, màu xanh của ruộng vườn, nương rấy và những lũy tre làng cứ lui dần về phía sau. Hình ảnh bao lũy tre xanh xanh chạy dài làm tôi lại nhớ đến truyện ‘Người đàn bà chặt tre” trong suốt khoảng đường còn lại khi tàu về đến ga Huế.

Bên bờ Kênh Tẻ, 2/5/2020

NGUYỄN AN BÌNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét