*Tưởng nhớ nhà văn Trần Hoài Thư
Đọc dòng tin ngắn ngủi tôi ngầm biết mục
đích anh hỏi thăm ngôi chùa nữ ngày xưa còn ở Cần Thơ chị Yến hay viếng thăm cúng
dường để làm gì nhưng với thông tin mơ hồ nên tôi hồi đáp: Em về sống ở Sài Gòn 7 năm nay rồi anh ạ, không biết ngôi chùa nữ ấy có
còn nữa hay không. Anh hồi đáp – Nhờ
em hỏi giùm. Anh muốn mang bình đựng tro cốt của chì Yến gởi vào chùa ấy. Nếu
khó thì thôi. Đừng bận tâm. Tôi sợ anh hiểu lầm mình không nhiệt tình giúp
nên viết cụ thể hơn: Không phải khó mà thông
tin anh gởi không rõ ràng nên nói với người thân còn ở Cần Thơ dò hỏi giúp chắc
cũng không biết hay khó tìm lắm anh ạ. Chắc anh Trần Hoài Thư cũng biết thế
nên anh trả lời: Vâng, gần nửa thế kỷ rồi.
Cám ơn em một lần nữa. Chị Yến sinh ở An Bình Cần Thơ...
Thật tình tôi cũng rất áy náy vì không
giúp được gì cho anh trong việc nầy vì thông tin anh nói quá mơ hồ. Thời gian
ngắn sau nhà văn Phạm Văn Nhàn điện về cho tôi hay: Anh Trần Hoài Thư nhập viện
hôn mê sâu rồi em ạ. Bác sĩ Ngô Thế Vinh vừa báo cho anh, tiên liệu chắc không
qua khỏi. Anh Nhàn cũng nói với tôi biết anh Thư có ước nguyện đưa tro cốt của
chị Yến về ngôi chùa mà ngày xưa chị Yến thường đi lễ, có nhờ tôi tìm giúp
nhưng không được, anh có giải thích cho anh Thư: Mấy mươi năm rồi ngôi chùa ấy
không có tên, biết còn tồn tại không sao Bình tìm được, hơn nữa sức khỏe ông thế
nầy làm sao đem tro cốt cô ấy về Việt Nam cho được, nên gởi tro cốt ở một ngôi
chùa nào bên nầy thuận tiện hơn, anh Thư cũng đã đồng ý rồi. Hôm sau anh Nhàn lại
báo: Anh Trần Quý Phiệt(anh trai anh Thư) điện báo anh Thư đã tỉnh lại rồi, anh
mừng quá. Tôi cũng vui trong nỗi vui của anh, thì chỉ một thời gian ngắn Quí Thoại
con anh Thư báo tin anh Thư vĩnh viễn rời xa cõi tạm. Anh Nhàn lại điện báo tin
cho mọi người tin đau buồn này. Nhà văn Trần Hoài Thư mất lúc 6:35 sáng ngày 27
tháng 5 năm 2024(giờ bên Mỹ), Quí Thoại con anh Thư xác định trên trang fb của
anh Thư như vậy.
“ Dẫu biết trăm năm là hữu hạn “, cuộc đời
ai cũng một lần bước qua bờ sinh tử, Anh Thư giờ đã được gặp lại chị Yến ở một
bến bờ an lạc nào đó. Thời gian sẽ làm cho người ta lãng quên đi tất cả, bao niềm
vui hạnh phúc, sự muộn phiền sẽ theo dòng thời gian cuốn về một nơi xa lắc không
dễ ai tìm lại được nhưng lịch sử văn học Việt Nam không thể quên có một người –
một nhà văn có tên TRẦN HOÀI THƯ – tự nguyện khâu vá di sản văn chương miền Nam
đã bị khói phần thư đốt cháy.
Tôi có hai bài thơ viết tặng anh đã lâu
giờ xin được đăng lại như một nén tâm hương gởi người đã khuất, một tình cảm chân
thành người em văn nghệ luôn yêu quí tấm lòng của anh đối văn học miền Nam.
KHI NGHE SÓNG TỪ TRƯỜNG
*Tặng anh Trần Hoài Thư
Từ khi bẻ súng bên trời
Cánh chim phiêu bạt một đời
tha hương
Hỏa châu treo giữa chiến
trường
Núi xương sông máu lạc đường
chung thân.
Từ khi binh lửa lụi tàn
Chinh y trút xuống khoác
thân tù đày
Góc rừng lam khí trùng vây
Gò hoang bãi vắng sương
dày âm u.
Từ khi ngọn khói phần thư
Đốt tan kinh sử bụi mù tàn
hương
Đi tìm di sản văn chương
Miền Nam, còn lại tiếng
chuông gọi hồn.
Mười năm nước đã xa nguồn
Mười năm tro lạnh ăn luồng
qua tim
Mười năm chao chát nỗi niềm
Mười năm dâu bể trôi chìm
ngọc châu.
Mài gươm đã bạc mái đầu
Dưới trăng tiếng hạc bên cầu
kêu sương
Còn nghe trong sóng từ trường
Máu tim người lính treo buồn
thiên thu.
MỘT LẦN ĐƯỢC VỊN TAY NHAU
Vịn thơ tôi đứng làm người
Lần walker bước reo vui lạ
lùng
Sách báo người bạn thủy
chung
Bàn tay lóng ngóng còng
lưng in bài.
Vịn em tôi sống lại rồi
Khi nghe em hát bên đồi
hoa sim
Em đừng làm tôi chết chìm
Vui như ngày đó con tim nồng
nàn.
Vịn người làm cuộc hóa
thân
Vịn vào lục bát gieo vần tự
do
Yêu thương đâu phải tình cờ
Trăm năm duyên nợ hẹn hò đôi câu.
Một lần được vịn tay nhau
Nước cam lộ tưới nhiệm mầu
niềm tin
Núi rừng mưa lũ nhục vinh
Đường xa chân cứng đá mềm
mà đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét