Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC

TRUYỆN NGẮN TUYỂN CHỌN VÀO TUYỂN TẬP VĂN XUÔI CỦA HỘI NHÀ VĂN CẦN THƠ NĂM 2024

NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC




                                   NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC

                                                                  *NGUYỄN AN BÌNH

  Một ngày tôi về Cần Giờ đến với Rừng Sác là một ngày mưa xuân dịu nhẹ và ngắn ngủi, nắng lên vàng ruộm và rực rỡ biết bao. Tôi về Rừng Sác theo lời mời của người bạn thời đại học. Anh Hưng con một chiến sĩ Rừng Sác năm xưa, sau chiến tranh tình nguyện ở lại xây dựng cuộc đời với một nữ dân quân ở đây. Anh sinh ra từ mảnh đất mang đầy thương tích của cuộc chiến trong niềm yêu thương của cha mẹ nên anh yêu thương Cần Giờ, Rừng Sác như chính bản thân mình. Sau khi tốt nghiệp anh về lại Cần Giờ dạy học với khát vọng đóng góp công sức mình cho sự đổi mới mảnh đất còn nhiều khó khăn thiệt thòi, được là người truyền lửa trao cho thế hệ sau thông điệp chiến đấu hào hùng của thế hệ cha ông đi trước. Trong quá trình dạy học anh thường tổ chức cho học sinh tham quan di tích Rừng Sác, thỉnh thoảng mời bạn bè cũ thăm nhà, giới thiệu Cần Giờ, hướng dẫn thăm chiến khu Rừng Sác một thời vang dội bằng những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong đó có sự đóng góp nhỏ bé của người cha thân yêu.

Chúng tôi gặp nhau một điểm đã hẹn trước, cùng cà phê ăn sáng rồi lên đường. Vừa đi anh vừa nói, giải thích cho tôi nghe: “Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác tọa lạc tại xã Long Hòa huyện Cần Giờ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh gần 60 km, hiện nay có diện tích hơn 2.200 hecta, trong đó có 514 hecta đã và đang được khai thác phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trước đây còn có tên là Lâm Viên Cần Giờ, địa danh gắn liền với các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 anh hùng. Trải qua hơn 45 năm chiến tranh, chiến khu Rừng Sác đã được phục dựng thành một địa điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.”

Trước khi đến theo lời mời của anh, tôi cũng tìm hiểu chiến khu Rừng Sác qua sách báo, tin đài nên cũng hiểu sơ bộ về nó. Theo dòng lịch sử, nhận thấy vị trí chiến lược của Rừng Sác, sông Lòng Tàu, cửa ngõ đường thủy chiến lược quan trọng của chế độ Sài gòn, ngày 15/4/1966, Bộ chỉ huy Miền thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác đóng tại đây với mật danh T10, có nhiệm vụ thọc sâu, áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu Rừng Sác tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng cơ quan đầu nảo sào huyệt của địch. Một trong những trận đánh nổi tiếng là trận đánh bằng thủy lôi vào tàu Victotia tháng 8-1966, đã làm nổ tung con tàu trọng tải hơn 10 nghìn tấn chìm dưới dòng sông mang theo nhiều khí tài quan sự quan trọng. Trận đánh thứ hai oai hùng hơn không kém, trận đánh kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng. Chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về”, kho xăng cháy suốt 12 ngày đêm không tắt. Rồi kho bom thành Tuy Hạ và nhiều trận đánh khác làm chế độ Sài Gòn run sợ muốn biến Rừng Sác trở thành vùng đất trắng bằng cách rải thảm chất độc hóa học, xiết chặt phong tỏa mọi nguồn tiếp túc vào chiến khu Rừng Sát. Có một thời kỳ lương thực rất thiếu thốn chiến sĩ Rừng Sát chỉ ăn cháo, rau dại nhưng vẫn bám sát trận địa không rời.

  Anh Hưng đưa tôi đến viếng Đền thờ chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Chúng tôi đốt nhang tưởng niệm một cách trang trọng thành kính. Trong đền có gắn nhiều bia đá khắc tên những người anh hùng ngã xuống, ta thấy họ đến đây từ nhiều tỉnh thành cả nước, có người quê tận Lạng Sơn, có người cuối miền đất nước  như Bạc Liêu, hội tụ về đây là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, chiến đấu anh dũng viết nên khúc tráng ca oanh liệt của một thời chống Mỹ và những cuộc đời ngắn ngủi ấy đã đi vào huyền thoại đúng như lời người đoàn trưởng năm nào, Đại tá Lê Bá Ước đã viết về đồng đội của mình bằng mấy câu thơ: “Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ. Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ. Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng. Mỗi người ngã xuống một bài thơ”.

 Nằm trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác. Đến nơi đây chúng tôi phải di chuyển bằng ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm, tán lá xanh ngát phủ kín cả mặt sông, chúng ta rất khó hình dung thời chiến tranh nơi đây đã hứng lấy hàng ngàn lít chất độc hóa học, hàng trăm tấn bom đạn trút xuống hủy diệt môi trường và sự sống. Chúng tôi di chuyển trên những con đường lát bằng gỗ đước rọp mát bởi những hàng cây đước cứng cáp chỉa thẳng lên trời xanh. Ở chiến trường xưa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ dang cho phục dựng lại các mô hình mô phỏng lại những hoạt động chiến đấu, sinh hoạt, công tác của chiến sĩ Rừng Sác một cách sống động, đi trên con đường lát gỗ ngoằn ngoèo dài hơn 1 km chia thành nhiều ngả nhỏ. Mỗi ngã dẫn đến một khu vực khác nhau, nhà trưng bày với các hiện vật của chiến sĩ từng sử dụng như bi đông, đèn pin, dây nịt, quần áo, bạt dù, nhà chiếu phim, nhà thông tin với máy đánh chữ, phát điện cầm tay, điện đài, hầm chữ A làm nói trú ẩn tránh bom, nhà ăn tập thể với những dãy bàn ăn đơn cũng làm bằng cành gỗ đước, hình ảnh chiến sĩ anh nuôi được phục dựng rất đặc sắc, nhà quân nhu, nhà chế tạo vũ khí, nhà quân y, nhà trưng bày mô hình tác chiến...tất cả như hiện ra trước mắt chúng ta sống động.

 

Anh Hưng kể thêm về cảnh sinh hoạt trong chiến khu, sự chiến đấu hy sinh anh dũng của họ, anh nói về cái chết của hai trung đội trưởng đặc công Nguyễn Nghĩa và Trần Khét, về nữ chiến sĩ quân y Nguyễn Kim Mến –Tư Mến - từ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi lại vượt Trường Sơn  về Nam chiến đấu ở Rừng Sác lúc anh dũng hy sinh trên vai còn nặng trĩu túi cứu thương, về mẹ anh hùng Hai Trầu cùng với 3 con trai, 1 con gái cùng tham gia đơn vị đặc công Rừng Sác từ thuở ban đầu, bản thân m từng được phong cấp hàm đại đội phó của quân giải phóng, bị địch bắt mấy lần, đày ra Côn Đảo đến tận ngày 30-4-1975 mới trở về... 

Thú vị hơn khi nghe anh kể về chuyện một chiến sĩ được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt cá sấu tại Rừng Sác trong thời kháng chiến chống Mỹ. Chiến sĩ Hoàng Chương Dương, quê Mỹ Xá tỉnh Nam Định, vào Nam chiến đấu ông Dương được phân về đội 1 Đoàn 10, ông cùng đồng đội đánh cháy nhiều tàu chiến của địch trên sông Lòng Tàu, Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Trong một lần trinh sát địch ở Lòng Tàu, ông bị thương do trúng đạn của địch nhưng cố bơi về phía rạch Chàm để thoát thân. Bất ngờ bị cá sấu tấn công, cả hai cánh tay nằm trọn trong miệng cá sấu, nhờ bình tĩnh ông đã kịp rút dao đeo bên người đâm những nhát chí mạng vào con cá sấu thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.

,

              Len lỏi trên kênh rạch giữa những hàng cây mắm, đước, bần, trước mắt chúng tôi là tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đặc công Rừng Sác đã hy sinh. Hình ảnh hai người lính trong tư thế săn sàng chiến đấu, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực mắt nhìn thẳng về phỉa trước, một người tay ôm bộc phá tay đưa thẳng lên cao, người phía sau một tay đưa ngang một tay đưa thẳng thể hiện sự quả cảm được đặt trên nền cách điệu tượng trung cho những ngọn sóng đang dâng trào. Chúng tôi lặng lẽ thắp hương tưởng niệm. Nhìn tấm biển đồng ghi rõ “Nơi đây, đã có 860 chiến sĩ đặc công hy sinh”, tự nhiên tôi cảm  thấy mình trở nên quá nhỏ bé trước những con người vĩ đại đã khuất.  Họ chiến đấu dũng cảm nhưng hy sinh vô cùng thầm lặng, họ xứng đáng sống mãi trong lòng dân tộc và trái tim của mọi người dân trên mảnh đất nầy.

Từ khu di tích tôi ghé lại nhà Hưng ngủ một đêm. Lâu ngày không gặp nhau chúng tôi có nhiều chuyện muốn kể cho nhau nghe, từ công việc, chuyện vợ con rồi những dự tính cho tương lai... Để cho buổi họp mặt thêm vui, anh mời thêm một số bạn bè thân thiết đến tham gia. Bạn cuả anh là những người gắn bó với mảnh đất nầy từ lâu nên tâm hồn rất phóng khoáng cởi mở. Đêm Rừng Sác mênh mông thường ngày chỉ có tiếng chim xao xác, tiếng gió hú gọi ngàn, bỗng vang lên tiếng hát câu hò rôm rả của những người yêu Cần Giờ, Rừng Sác như yêu chính máu thịt của mình, cũng trong đêm đó tôi đã được anh đọc cho nghe bài thơ “Bên tượng đài Rừng Sác” với giọng đọc đầy truyền cảm xúc động. Bài thơ của trung tướng Phạm Quốc Trung, ông viết trong một chuyến công tác của Bộ Quốc Phòng về thăm Rừng Sác năm 2015, cảm phục trước ý chí quật cường, sự hinh sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa ông sáng tác bài thơ nầy, tôi vẫn nhớ mãi hai đoạn thơ đầy nỗi lòng của ông:

              “...Tượng đài các anh xanh rợp bóng cây. Ngát hương thờ hơn tám trăm liệt sĩ. Bao đồng đội chưa về nơi yên nghỉ. Cuộc chiến xa rồi, vẫn chưa dứt nỗi đau.

               Anh đang ở đâu, đáy sông Lòng Tàu? Đã hóa mây trời khi đánh Thành Tuy Hạ? Hay trong lửa xăng Nhà Bè nghìn độ? Xin hãy về theo làn khói hương bay...”

Sau gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, từ một vùng đất nghèo, Cần Giờ đã đổi thay rất nhiều. được quy hoạch và phát triển thành khu du lịch phát triển nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Rừng Sác là điểm về nguồn đầy thú vi thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, về Rừng Sác du khách còn tham quan Đầm Dơi, sân chim, đảo khỉ, xem cá sấu săn mồi và khám phá thêm hệ động thực vật hiện hữu nơi đây.

NGUYỄN AN BÌNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét