BÀI CĂM NHẬN VỀ THƠ ĐOÀN VỊ THƯỢNG TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ SỐ 18 THÁNG 5-2024
*NGUYỄN AN BÌNH
*Nhà thơ Đoàn Vị Thượng(1959-2021) tên thật là Trần Quang
Đoàn, quê quán Thừa Thiên-Huế, có một thời đi dạy học khoảng 10 năm, sau chuyển
sang làm báo. Có thơ đăng báo rất sớm từ khi còn học cấp 2. Các tác phẩm chính
của anh đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi(thơ), Thơ Đoàn Vị Thượng-Phan
Thị Nguyệt Hồng-Lê Minh Quốc, Chuyện tình chim hót(truyện dài), Môi thơm(truyện
dài), Tóc em còn thả mùa đi học(truyện dài), Thơ Đoàn Vị Thượng. Sau khi anh mất(2021),
người thân và bạn bè đã tập hợp những bài thơ anh viết sau nầy in thành tập thơ
“Thơ tình&những bài áo trắng” cho anh như một kỷ niệm đối với người đã đi
xa.
Nhắc đến Đoàn
Vị Thượng, người ta thường gọi đùa anh là nhà thơ của Áo Trắng, có lẽ vì thơ
anh viết cho thời áo trắng khá nhiều và có nhiều bài thơ ghi lại dấu ấn sâu đậm
trong lòng người yêu thơ như bài Bụi Phấn.Trong một lần trả lời một bạn trẻ trên
tập san Áo Trắng câu hỏi: “Tại sao thơ và
truyện của anh hay viết về tuổi mới lớn trong khi lứa tuổi đó của anh đã qua từ
lâu rồi. Phải chăng anh còn nuối tiếc quãng đời ấy?”, anh đã tâm sự một cách
thật lòng: “Không làm gì hơn là phải tự gạn
lọc chính mình, mà điều quan trọng là phải sống cho thật lòng. Kỷ niệm của một
thời áo trắng luôn sống động trong tôi, nó giúp tôi “tạo tác” đề tài và cảm xúc
mỗi khi “ngó lại”.”
Cô giáo Nguyễn
Thị Tịnh Thy đang dạy Đại Học Sư Phạm Huế nhớ lại lần đầu tiên biết đến thơ Đoàn
Vị Thượng một cách tình cờ nhưng đầy ấn tượng trong những năm còn đi học: “...trong
một buổi chiều trong vườn nhà một người bạn ở thành nội Huế, chúng tôi được
nghe một người bạn là sinh viên Văn khoa đọc bài thơ Xin lỗi em và bài Bỗng nhớ lại.
Lúc đó, tất cả chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng, choáng ngộp vì lần đầu tiên nghe được
những bài thơ day dứt, tha thiết, tình cảm và cao hơn hết đó là một tâm hồn thơ.
Từ đó, chúng tôi
bắt đầu tìm đến với thơ Đoàn Vị Thượng(ĐVT). Hầu như trong các sổ chép tay của
bạn bè tôi đều có thơ của ĐVT...”
(Tôi đến với
tri âm – Nguyễn Thị Tịnh Thy)
Nhắc lại như
thế để biết thơ anh từ lâu đã có một chỗ đứng nào đó trong lòng lứa tuổi thanh
niên yêu thơ như thế nào. Riêng tôi biết đến thơ anh rất trể vì có một thời gian
rất dài tôi không tham gia viết lách, thậm chí khi về Sài Gòn định cư, sống cùng
một thành phố với anh nhưng cũng không có dịp gặp gỡ, bù khú cà phê cà pháo cùng
anh khi tôi trở lại con đường văn chương, nhưng thơ anh đôi khi tôi có đọc đâu đó
vì anh sau nầy sáng tác thơ cũng ít đi và khá thờ ơ đến việc giới thiệu thơ của
mình trên báo chí. Tập thơ “Thơ tình&những bài áo trắng” tôi muốn giới thiệu
ở đây có lẽ là tập thơ cuối cùng của anh được xuất bản do bào huynh Từ Nguyên
Thạch và các bạn thân của anh in cho sau ngày anh mất.
Tập thơ in rất
trang nhã, dày khoảng 170 trang và khoảng 90 bài thơ chia làm 2 phần: Phần 1:
Thơ tình, phần 2: Những bài áo trắng. Thật ra sự phân định như thế chỉ làm cho
người đọc cảm nhận có chút gì đó phân biệt chứ giới hạn của nó theo tôi thật
mong manh và nói rõ hơn tất cả dều là những bài thơ tình mà thôi.
Có nhiều nhà
thơ nhận định: Thơ anh rất đổi hồn nhiên, mặc dù đa số thơ anh viết đều sử dụng
thơ truyền thống nhất là thơ lục bát, nhưng ai đọc thơ Đoàn Vị Thượng đều cảm
nhận được sự sáo mòn không lập lại trong đó. Chẳng hạn khi viết về mối tình thời
áo trắng anh đã có góc nhìn, suy nghĩ rất mới khi đặt mình vào vị trí của một
người quan sát. Tôi thích nhất mấy câu thơ sau của anh trong bài Trước cổng trường con gái:
Cô gái ấy đi ra... mười năm không thấy lại
Chỉ các em cứ lũ lượt tan trường
Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay tôi cầm muốn gỡ sợ tơ vương
Nên cứ mỗi buổi chiều tan lớp học
Khi các em đang rối rít hẹn hò
Mắt lơ đễnh thoáng ngạc nhiên bất gặp
Có một người đãng trí đứng buồn xo.
(trang 116)
Phải chăng tình
yêu trong thơ Đoàn Vị Thượng là những đóa hoa hồng dành tặng cho một ai đó thoáng
đi qua trong cuộc đời anh:
Tình yêu có làm tôi đớn đau cũng là điều hạnh phúc
Như mũi ngữi hoa hồng – tay chảy máu vì gai
Lúc ấy máu của tôi sạch nhất
Còn hương kia thơm suốt những năm dài.
(Hoa hồng tình yêu – trang 15)
“Hương thơm suốt
những năm dài ấy” sẽ theo ai, về phương trời nào không ai biết được nhưng ít nhất
cũng có những cô gái tên Nguyên(Những ví dụ về Nguyên, Trước dự định lấy chồng
của Nguyên) hay Diệu(Diệu) hoặc Vi Lan(Thơ gởi Vi Lan)...Thơ tình viết sao ví
von, dễ thương mà lạ lẫm đến thế:
...Thơ anh không phải vi-la
Để em lộng lẫy vào ra mỗi ngày
Thơ anh là một vòng tay
Sẵn sàng mở đón em đầy trong anh
Lê Thị Vi Lan nghe không
Đợi ngày gió lớn anh...bồng em đi.
(thơ gởi Vi Lan – trang 39)
Trước khi làm báo Đoàn Vị Thượng có một
thời gian dài dạy học nên thơ tình thấp thoáng những tà áo dài khi đến lớp của
các cô giáo là điều tất nhiên, giống như một với một là hai vậy thôi. Nhẹ nhàng,
tha thiết, có chút ngập ngừng như ngọn gió vờn nhẹ qua bờ vai, có chút trong
veo như giọt sương buổi sớm, có chút lãng đãng như khói sóng hoàng hôn nhưng cũng
rất xốn xang, thổn thức trái tim các cô lắm đấy:
Đưa cô giáo mới đến trường
Lòng vui theo ngọn nắng hường ngẩn ngơ
Phải con đường sáng nay chờ
Âm vang tiếng guốc điểm giờ sang thu
.....
Đưa cô giáo mới đến trường
Người đưa cũng chẳng bình thường nữa đâu
Đưa người hay cũng đưa nhau
Ngôi trường – tháng chín thành câu hẹn hò.
(Đưa cô giáo mới đến trường – trang 22)
Hay ở một bài
thơ khác trong một tâm thức khác:
Một ngày cô giáo về
Cỏ sân trường xanh hơn
Níu chân ta ngồi lại
Liếc ai qua tủi hờn
Hành lang cao hơn cỏ
Ta làm sao tỏ bày
Che giùm ta tội lỗi
Hỡi hai hàng lá cây
Ta nghe mùi khuynh diệp
Hăng mối tình đầu tay
(Một ngày cô giáo về - trang 141)
Thơ áo trắng của
Đoàn Vị Thượng như tiếng đàn muôn điệu, khi lên bổng lúc xuống trầm, tuy không
phải làm cho người yêu thơ lúc nào cũng cảm nhận tiếng đàn ấy hay ở chỗ nào, hình
dáng nó ra sao thì hãy xem nó như ...một chút hương thoảng qua thời học trò đi
vậy:
Tóc em dài tuổi mười lăm
Giấu riêng trong cặp chiếc khăn học trò
Hương ngọc lan trắng thơm tho
Đừng ai theo bước hỏi dò: hoa đâu?
(Còn một chút hương bay – trang 100)
Đôi lúc cũng rộn
ràng ngây thơ như những bước chân sáo:
Cho anh theo với
Sáng nay tựu trường
Áo dài đừng vội
Lấm bùn ai thương?
(Với em, mùa tưu trường – trang 106)
Đôi lúc thơ
anh có một chút gì đó của thơ Nguyễn Tất Nhiên, có chút đắng cay hờn dỗi đi qua
bể dâu đời người:
Anh đi dò lại mười năm trước
Dù vắng quanh đây bóng bạn bè
Khi bị những oán thù vây rượt
Anh nhờ áo trắng dịu dàng che
(Đi theo áo trắng – trang 110)
Và thêm một chút
hoài niệm khôn nguôi(Hoa vàng bờ giậu cũ), ngỡ mây là áo trắng người xưa(Em đi
bỏ lại mây trời), bâng khuâng bên trường cũ(Về trường cũ), nhớ một thuở theo
người(Theo em), thôi thì gởi lại tuổi thanh xuân một chút gì một thời để nhớ:
Thanh xuân ơi, tôi biết tuổi thanh xuân
Sẵn sàng đi qua không bao giờ trở lại
Tôi chẳng giấu lòng mình muốn tải
Rất nhiều điều đi với tuổi thanh xuân.
(Thơ gởi tuổi thanh xuân – trang 156)
Đoàn Vị Thượng có nhiều bạn văn, họ đọc
thơ, cảm nhận thơ anh ở những góc độ khác nhau, chẳng hạn Nhà thơ Lê Xuân đã có
lời bình khá thú vị về bài thơ “Trước cổng
trường con gái” của Đoàn Vị Thượng: “Tuổi học trò với bao kỷ niệm đẹp về tình thầy nghĩa
bạn, về mái trường và hàng cây yêu dấu. Nhưng có lẽ
không có kỷ niệm nào đẹp và ngọt ngào bằng sự rung động đầu đời của con tim ở
tuổi đầy mộng mơ. Tình yêu ở lứa tuổi học trò có khi chỉ là tình cảm về bạn
khác giới, muốn nói mà không dám cất lời, phải mượn những phong thư nói hộ. Nhà
thơ sống lại với kỷ niệm xưa. Cũng cổng trường này, cô gái ấy đi ra. Anh vẫn giữ mãi môt phong
thư mười năm chưa kịp gởi. Tác giả chỉ viện cớ thất lạc số nhà thôi, vì không
có địa chỉ của người mình yêu, cũng là cái cớ để tự an ủi lòng. Có lẽ đó là một
tình yêu đơn phương? Nó vừa khấp khởi lo âu, vừa hồi hộp chờ đợi mà không dám
tâm sự, giãi bày, ngập ngừng kiểu Cởi ra khó cởi, trao lời khó trao (Xuân
Diệu). Cô gái ấy đã đi ra từ cổng trường này mười năm không trở lại. Còn tác
giả thì cứ hy vọng, cứ cầu mong Nào các em hãy nhận dùm tôi với. Cảnh vẫn còn
đó, người xưa đâu thấy. Đây là tứ thơ từ đông, tây, kim, cổ nhiều người đã
viết. Nhưng Đoàn Vị Thượng đã vượt lên cách diễn đạt ước lệ ấy bằng một câu thơ
đẹp, rất dân tộc mà hiện đại:
Phong
thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay
tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương.”
Còn với nhà thơ Vũ Xuân Hương,
người cùng làm việc với anh một thời gian dài ở tạp chí Tài Hoa Trẻ thì có cái
nhìn ngắn gọn nhưng vô cùng sắc lẻm: “Những câu thơ của Đoàn Vị Thượng chắc hạt, chân
tình, hồn hậu – thứ ngày càng hiếm trong thơ phú ngày nay.”. Đoàn Đại Tri trong bài viết Khi bụi phấn đã bay về trời, anh có nhận
xét: “Với
nhiều độc giả, thơ Đoàn Vị Thượng mang một nét khá riêng là nhẹ nhàng, lặng lẽ
nhưng cũng ẩn ức những thăng trầm của cuộc đời. Những câu thơ dường như cố ẩn
mình đi, xa lánh những bon chen phố thị.”
Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có
sự so sánh đối nghịch mà tôi cho rằng khá rõ nét: “...Bùi
Chí Vinh giọng Nam bộ ngang tàng hào sảng, Đoàn Vị Thượng giọng Quảng Ngãi mộc
mạc, chân chất, âm sắc hơi nhừa nhựa nghe rất duyên. Tôi nghĩ, phải yêu thơ cực
kỳ mới có thể hứng thú và nhập tâm những bài thơ… không phải của mình đến vậy.
Điều đó nói lên thái độ trân trọng với thơ và phải có tấm lòng liên tài đặc
biệt, điều hiếm có với giới sáng tác vốn bị đóng khung trong thành kiến “văn
mình vợ người”.
Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi
một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc
Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình.
Bởi khi con người đã đốn ngộ, tâm đã tịnh, không muộn phiền nào có thể quấy nhiễu
được nữa.”
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn Đoàn
Vị Thượng ở một góc độ chiều kích thời gian trong thơ Đoàn Vị Thượng: “Thời thanh xuân, nhà thơ Đoàn Vị Thượng từng hồ hởi: “Với những hy vọng của tôi, tôi không giữ
trong lòng/ Tôi ao ước được chia đều tất cả/ Và cũng muốn được nhận nhiều hơn
thế/ Tôi tắm mình trong bầu bạn anh em”. Và anh đã có khoảng một thập niên
dạt dào vần điệu. Với thái độ gượng nhẹ những xung khắc và những bất hòa xung
quanh, nên thơ Đoàn Vị Thượng không mạnh về ngổn ngang thế sự, về triết lý nhân
sinh, về sạt lở đạo đức. Thơ Đoàn Vị Thượng chọn cách “đi theo áo trắng” để
đứng gần những tình cảm trong trẻo: “Anh
đi dò lại mười năm trước/ Dù vắng quanh đây bóng bạn bè/ Khi bị những oán thù
vây rượt/ Anh nhờ áo trắng dịu dàng che”.”
*
Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thơ Đoàn
Vị Thượng đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cây cỏ. Anh yêu thơ, có một đời sống
thơ trong trẻo, một đời sống chết vì thơ: “Trong các văn hữu cùng thế hệ với tôi,
Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng là hai người thuộc thơ nhiều nhất. Không chỉ thơ
mình, cả hai còn thuộc nhiều bài thơ hay của các thi sĩ khác. Mỗi lần ngồi lai
rai và đàm đạo thi ca với Vinh và Thượng, thật thú vị khi nghe cả hai cao hứng
“phun châu nhả ngọc”. Chúng
ta hãy để hồn thơ ấy hòa vào phù sa đất cát làm phân bón cho cây cỏ hồn nhiên
xanh tươi bốn mùa. Hãy để những hạt phấn kia bay về trời và cuộc viễn du kia ít
ra cũng mở một chân trời mới cho bao kẻ yêu thơ Đoàn Vị Thượng:
Trong giấc mơ tôi, những viên phấn hằng đêm vạch sánh những
hành trình
Bảng xanh trước các em là chân trời rộng mở
Thì bụi phấn ơi, cứ tan mình trong gió
Nơi trăm miền sẽ còn có dấu tay tôi.
(Bụi phấn)
Sài gòn, bên bờ Kênh Tẻ- tháng 9-2023
NAB
Tham khảo:
1-
Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại của Lê
Xuân
2-
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Soi vào từng con
mắt láy đen của Lê Thiếu Nhơn
3-
Tôi đến với tri âm của Nguyễn Thị Tịnh
Thy
4-
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Khi bụi phấn đã
bay về trời của Đoàn Đại Trí
5-
Đoàn Vị Thượng&Cây cỏ hồn nhiên của
Nguyễn Nhật Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét