Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

NHÂN VẬT PHAN KIM THỊNH, NGƯỜI TRÔI THEO DÒNG LỊCH SỬ MIỀN NAM

BÀI ĐĂNG TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ SỐ 11, THÁNG 9-2022
NHÂN VẬT PHAN KIM THỊNH, NGƯỜI TRÔI THEO DÒNG LỊCH SỬ MIỀN NAM






   






NHÂN VẬT

PHAN KIM THỊNH, NGƯỜI TRÔI THEO DÒNG LỊCH SỬ MIỀN NAM

                                                        *NGUYỄN AN BÌNH

 Nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang tên thật là Phan Kim Thịnh sinh năm 1936(Bính Tý), nguyên quán xã Nhân Hưng, huyện Lý Nhân Hà Nam. Từng là thư ký tòa soạn nguyệt san Quê Hương(Sài Gòn 1960-1962), chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học(1962-1975).

Một số tác phẩm đã xuất bản tiêu biểu của ông như:

- Một phù thủy làm quân sư cho Ngô Đình Diệm(nxb Văn Học, 1970)

- Trần Lệ Xuân – giấc mộng chính trường(nxb CAND, 1998)

- Bảo Đại – vị vua triều Nguyễn cuối cùng(nxb CAND, 1999)

- Giai thoại và sự thật về Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn(nxb Đà Nẵng , 2002. Nxb Văn Nghệ tái bản có bổ sung, 2006)

- Thiệu-Kỳ, một thời hãnh tiến, một thời suy vong(nxb CAND, 2006)

- Nguyễn Cao Kỳ - đứa con trở về đất mẹ(nxb CAND, 2006)

- Nam Phương, hoàng hậu cuối cùng(nxb Thế Giới, 2020)

- Sài Gòn vang bóng(nxb Văn Hóa, Văn Nghệ, 2020)

  Nghe tin nhà văn Phan Kim Thịnh qua đời lúc 6g 15 sáng ngày 4/6/2022 tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ(Củ Chi), linh cửu anh chỉ quàn lại vài giờ sau đó đưa đi hỏa táng trong ngày lòng tôi không khỏi bàng hoàng xúc động. Biết là sức khỏe của anh dạo nầy không được tốt, khá lâu không được gặp anh từ khi anh trả căn nhà trọ trong con hẻm cụt 58 Trần Quốc Thảo đến thuê chỗ khác thì gần như không còn thấy anh nữa, bởi lẽ đó là nơi tôi thường hẹn hò với vài người bạn văn ở quán cà phê cóc đầu hẻm khi có dịp đến trụ sở Hội Nhà Văn thành phố nên thường gặp anh ra vào con hẻm đó. Anh Nhâm chủ quán cà phê nói anh thuê trọ và sống thui thủi một mình, còn nghe kể trước kia nhà anh ở đường Bùi Đình Túy, sau nầy khi cô Nguyễn Phương Khanh-vợ anh bị bệnh mất, anh đau buồn bán nhà chia tài sản cho các con rồi chấp nhận cảnh ở nhà trọ rày đây mai đó, cơm hàng cháo chợ.

      Phải thật lòng nói rằng tôi gặp và quen nhà văn Phan Kim Thịnh chỉ thời gian ngắn mấy năm gần đây, nhưng lại biết và quí anh từ hơn nửa thế kỷ trước. Nói ra cuộc hội ngộ thật lạ lùng như một định mệnh. Thuở ấy tôi còn là sinh viên sư phạm ở một tỉnh miền Tây xa xôi mới bắt đầu có thơ văn đăng báo còn anh lúc ấy đã là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học, một trong những tạp chí văn chương có uy tín của miền Nam lúc bấy giờ. Tạp chí Văn Học là một tạp chí chuyên khảo về các tác giả văn học của cả hai miền Nam Bắc và nhiều chuyên khảo văn học có giá trị. Một số nhà văn nhà thơ tên tuổi cũng thường xuyên xuất hiện trên tờ Văn Học như: Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Bằng, Nhật Tiến,Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Hùng. Thanh Lãng, Nguyên Sa...tôi chỉ được anh chiếu cố đăng ít bài vào những năm 73,74,75 mà thôi.

Cách đây mấy năm tôi về Sài Gòn định cư và tham gia văn nghệ ở nơi ở mói, khi ngồi uống cà phê cùng nhà thơ Trần Hữu Dũng ở quán nhỏ đầu hẻm 58 Trần Quốc Thảo Quận 3, một quán cà phê nhỏ của anh Nhâm, nơi qui tụ một số anh em văn nghệ sĩ thành phố có túi tiền hơi eo hẹp không thể la cà ở mấy cái quán cà phê sang trọng, tình cờ tôi bắt gặp một ông già đang ngồi một mình bên bàn cà phê kế cận, Trần Hữu Dũng giới thiệu: Đây là nhà văn Phan Kim Thịnh, chủ nhiệm tạp chí Văn Học trước 1975, bây giờ là nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang chuyên viết về các tác phẩm về các nhân vật nổi tiếng của Miền Nam trước ngày đất nước thống nhất. Tôi mừng rỡ vội chào anh và mời anh qua bàn ngồi chung cho vui và nói với anh tôi là người đã từng cộng tác với tờ tạp chí Văn Học của anh khi còn là sinh viên ở Cần Thơ, anh đã ưu ái cho đăng thơ tôi khá nhiều trên tờ báo lớn đó cho tới ngày đình bản sau 30 tháng 4 năm 75. Anh không còn nhớ vì người cộng tác với tờ văn học lúc ấy khá đông đảo, hơn nữa tôi lúc ấy ở tỉnh nhỏ lại mới tập tễnh bước vào con đường văn chương nên không gây một ấn tượng cho anh là phải nhưng khi tôi nhắc lại vài số báo và những tác giả thường xuyên có mặt trên tạp chí thì gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên, anh bắt đầu nói một cách sôi nổi về tờ tạp chí do anh phụ trách, có lẽ từ lâu lắm không ai nhắc đến cái quá khứ vàng son của tờ tạp chí mà anh là bà đở cho nó lúc hình thành cho đến lúc tử giả cõi đời vì thời cuộc.

Lần gặp đầu tiên ấy tôi đã khơi dậy trong lòng anh một quá khứ làm báo đầy khó khăn nhưng rất sôi nổi mà ông không thể nào quên. Qua lời kể của anh, tôi hình dung anh là một người rất nhạy bén trước những biến động của miền Nam, anh có mối quan hệ chằng chịt với những người làm chính trị quân sự nên trong giai đoạn rối ren của lịch sử thời ấy, các cuộc đảo chỉnh, chính biến giới cầm quyền ra lệnh bắt giữ anh nhưng nhờ hay trước anh đã lánh nạn kịp thời, tờ Văn Học do vợ anh đứng tên nên không bị đóng cửa. Nhà văn Bích Ngân, chủ tịch HNV Tp. Hồ Chí Minh có nhận xét về anh khá rõ nét: Nhà báo, nhà văn Phan Kim Thinh sống một cuộc đời thăng trầm cùng những biến thiên thời cuộc, cùng lịch sử. Ông viết nhiều quyển sách từ tư liệu, từ sự kiện chính trị xã hội mà cả đời ông, không chỉ có cơ hội được trải nghiệm, mà còn có sự say mê tìm kiếm, nghiên cứu... từ cuộc đời thật của nhiều nhân vật có ảnh hưởng thời đến thời cuộc, đến đất nước, đến lịch sử.

Nhà báo – nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết: "Có thể nói, nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh là chứng nhân của một thời kỳ khi ông trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận khi đó. Trước năm 1975, những vụ tòa án xử các vụ như xử chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn…, ông đều tới chứng kiến, chụp ảnh, ghi âm để làm tư liệu khi cần. Đó là lý do khiến sau này ông có những tư liệu sống động để viết nên những bài báo và những cuốn sách mà bạn đọc biết đến".

Những năm cuối đời, nhà báo Phan Kim Thịnh vẫn miệt mài viết sách với bút hiệu Lý Nhân Phan Thứ Lang, tập sách Sài Gòn vang bóng ấn hành năm 2020 là một trong những tập cuối cùng của anh, ghi lại những tư liệu về giới văn nghệ và những giao tình của văn nghệ sĩ Sài Gòn một thời.

Nhiều nhà văn nhà báo thường lui tới nhà tìm anh như Lê Văn Nghĩa, Trần Nhật Vy, Trần Hoàng Nhân, Lê Minh Quốc... vì ngôi nhà của anh còn lưu trử rất nhiều sách báo, tư liệu văn học, ngay cả bản thân ông đã là một kho tư liệu sống mà các nhà nghiên cứu cần tham khảo về một Sài Gòn xưa cũ trước năm 1975. Tôi còn nhớ có một lần đang ngồi uống cà phê với anh thì nhà văn Lê Văn Nghĩa từ đâu chạy tới, xin phép được chở anh đi nhờ anh lấy tư liệu để viết mấy cuốn sách về Sài Gòn.

Anh mất đi để lại nhiều đầu sách còn viết dở dang, nhất là quyển viết về nhà tình báo lỗi lạc Phạm Ngọc Thảo và những câu chuyện sau hậu trường chính trị nhiều bí ẩn còn bỏ ngõ. Đối với tôi, cuộc đời nhà văn Phan Kim Thịnh, nhà nghiên cứu lịch sử Lý Nhân Phan Thứ Lang, người trôi theo dòng lịch sử miền Nam giai đoạn 1954-1975 vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải rõ ràng nhưng đành thôi hãy để cho anh yên nghỉ vậy.

Đời người ai cũng một lần bước qua cửa tử sinh mà.

Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 7-2022

NGUYỄN AN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét