Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

CẢM NHÂN TÁC PHẨM “CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỂN” CỦA CÁI TRỌNG TY

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT CỦA BẠN VĂN LƯƠNG THIẾU VĂN VỀ NHÀ THƠ CÁI TRỌNG TY VỀ TÁC PHẨM "CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỂN" TRÊN TẠP CHÍ NGÔN NGỮ 21-HOA KỲ SỐ THÁNG 9-2022

CẢM NHÂN TÁC PHẨM “CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỂN” CỦA CÁI TRỌNG TY

 HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRẬN MIỀN NAM TRONG THƠ CÁI TRỌNG TY QUA TÁC PHẨM “CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỂN”

                                                          *LƯƠNG THIẾU VĂN


   ngoài đời thực tôi chưa từng gặp mặt hay quen nhà thơ Cái Trọng Ty, nhưng qua lời kể của nhà văn Phạm Văn Nhàn cùng định cư chung với anh ở Houston đó là một người hiền hậu, dễ gần gũi, còn với Tô Thẩm Huy thìAnh lành như đất, nhỏ nhẹ như mưa phùn tháng giêng. Tôi đọc thơ anh đã lâu trên các trang của Trần Thị Nguyệt Mai, Văn Việt, Cái Trọng Ty, Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ... nhưng vẫn chưa có cái nhìn khái quát về thơ anh kịp đến khi nhà văn Nguyên Minh(chủ biên tập san Quán Văn) gởi tặng tôi tập thơ “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” do nhà xuất bản Thư Ấn Quán in trong lần anh về Việt Nam gởi lại nhờ anh Nguyên Minh tặng lại các bạn thơ thì tôi mới có dịp đọc tìm hiểu kỷ thơ anh hơn.

Tập thơ “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” là tập thơ đầu tay của Cái Trọng Ty sau khi định cư qua Mỹ, đã có một số bài thơ đăng trên báo, tạp chí người Việt. Đây là ấn bản in lần thứ ba có bổ sung. Sách dày192 trang, in đẹp với bìa láng, gồm khoảng 63 bài thơ của Cái Trọng Ty và phụ trang gồm 7 bài cảm nhận của 7 tác giả Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh, Lương Trung Thư, Đinh Cường, Nguyễn Âu Hồng, Trần Yên Hòa, Tô Thẩm Huy. Ta hãy đi vào cõi thơ của Cái Trọng Ty để thấy hơi thở của nhà thơ một thời khoác trên vai màu áo trận trải qua bao khổ nạn của kiếp tù đày khi “Tháng tư bẻ súng”:

biển gầm núi hú quân tan rã

lịch sử sang sông bão tố tràn

ráng chiều đỏ quạch đời vô hướng

biển dâu cung kiếm bóng chiều sương

về đây ngồi ngóng triền sông cũ

chợt thấm vô cùng thương tích xưa

tháng Tư bẻ súng người tự sát

oan khiên tận khốc nỗi niềm đau.

Tại sao lại là “bẻ súng và không phải “gãy súng”, vũ khí vẫn còn nguyên vẹn để chiến đấu, người lính lại tự hủy nó đi vì còn có ích gì khi chiến trận đã tàn và mình là người thua cuộc, cái đau đớn khi phải tự sát và chuốc lấy những oan khiên của cuộc đời là niềm ray rức khôn nguôi trong lòng người trong cuộc ngày đó nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên về hình ảnh người lính gần như chiếm trọn nhiều trang thơ của tác phẩm nầy.

 Đúng như lời mở đầu giới thiệu tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Thư, chủ biên nhà xuất bản Thư Ấn Quán khi đọc tác phẩm của nhà thơ: “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển là một nỗi niềm của người lính cũ miền Nam. Nó như có ma mị dẫn dắt người yêu thơ đi trên con thuyền “thơ” của một người lính một thời cầm súng, một thời tù đày. Nó như một dòng sông thơ bất tận chảy mãi. Khi thì tình yêu bao dung bát ngát vô lượng. Khi thì dạt dào tình đồng đội thủy chung. Khi thì uất nghẹn bật lên trên những giòng rỉ máu, đau xót đến tận tâm can. Khi thì hào khí ngang tàng của một thời ba lô và nón sắt...”

          Nhà thơ Trần Yên Hòa khi viết về thơ Cái Trọng Ty giải bày tâm sự của mình: Tôi đã qua đời lính, đã từng đi hành quân, đã là một người lính trận, đọc bài thơ này mới thấy thấm thía một nỗi buồn của người lính tác chiến. Thơ Cái Trọng Ty viết về người lính không hô xung phong, không kèn xung trận, không kêu gọi bắn giết, không khẩu hiệu gì cả. Đó là thân phận của một con người, giữa cái chết và sống, giữa còn và mất, của xác thân. Nó mang nổi buồn thê thiết của một kiếp người “sớm triền đông chiều chết đồi tây”.

        Riêng tôi khi đọc bài thơ “Tình em rau đắng” của Cái Trọng Ty, cái cảm giác rờn rợn giống bước chân mình đang đi qua một vùng đất khổ, làng mạc thôn xóm tiêu điều chỉ có “hạt gió Lào khô” thiêu chín con người, hình ảnh cô gái mắt nhòe lệ nhìn theo tê tái làm sao:

quê em tận đồng sâu heo hút

gió mùa lép hạt gió Lào khô

sáng di quân quay quắt em nhìn

sau tay áo lệ nhòa giấu kín

trong bụi mù bóng em đang trôi

đời rong ruổi rừng thâm u muỗi vắt

bãi nước sình gạn lọc nấu nồi canh...

Cái tình của người lính chiến Cái Trọng Ty trong bài thơ “tình em rau đất” sao giống quá cái tình của Phù Hư trong bài “Ngậm thẻ qua sông” quá, chỉ nghĩ đến điều đó thôi tôi cũng cảm thấy đau buốt tận đáy lòng;

thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng

ven thôn vừa ghé buổi di quân

khói mẹ sau lều cơm chín tới

nước em chè lá đậm phèn sông

tôi đời trận mạc xa quê quán

buổi ghé nương em núp bóng nhà...

Bước chân của người lính trận trải dài qua những vùng lửa đạn, nơi đâu trên mảnh đất miền Nam cũng có dấu vết bom cài đạn xới, cái chết luôn rình rập khắp nơi, nỗi u uất mơ hồ luôn vướng vất cùng suối ngàn ngọn cỏ:

cành nhãn tháng ba

trổ cờ hoa tránh muốt

từ Phú Xuân

bay suốt suối ngàn

đậu xuống phận người

nở oan tình thời chiến

(qua đầm Ô Loan)

Dấu chân người lính trận trong thơ Cái Trọng Ty đã dẫn chúng ta qua suốt những chặng đường di quân mà anh cùng đồng đội đi qua, các địa danh với những trận chiến sinh tử: Kon Tum trong “cuộc rượu bốn người”, Tuy Phong, Mường Mán trong “tháng tư bẻ súng”, Sông Mao, Phan Rí trong “đêm trăng hoang dại”, Tuy An, Củng Sơn qua “qua đầm Ô Loan”, Bình Định, An Phú trong “biên cương”, Bình Tuy, Sông Lũy trong “hương thơ”... để thấy chiến tranh khốc liệt đến nhường nào, nó như chiếc vòi con bạch tuộc vươn dài tỏa ra khằp nơi trên mảnh đất miền Trung khốn khổ đầy kinh hoàng chết chóc.

Đôi khi trong cuộc hành quân, ở một góc rừng nào đó trên cao nguyên trong một đêm khuya giá lạnh, người lính bỗng cảm thấy vô cùng cô đơn, tại sao ta bị cuốn lốc vào cuộc chiến tranh vô nghĩa. men rượu cay nồng có làm làm vơi đi nỗi buồn chiến tranh hay không:

Uống đi người bạn vừa quen biết

Đơn vị nơi đâu quê quán phương nào

Liêu xiêu ta hát cơn cuồng nộ

Trong cõi đời bạc phước ngộ tri âm

Ta với ngươi chôn theo dòng cát lỡ...

(Ban Mê)

Chiến tranh như một cơn dông bão lớn cuốn phăng những gì mà nó đi qua: thân phận, tình người, nước mắt, máu xương, giống con độc trùng gậm nhấm cơ thể con người đến tàn rữa, tấm thân trôi dạt muôn trùng không định hướng giữa chốn biên cương trùng trùng lam khí:

...gọi ai nơi tận cùng sơn thủy

ai làm khách lạ gió muôn phương

ta về bạn hỏi từ đâu lại

mây khói tàn tro phủ tượng đài

đêm rơi giọt lệ sôi trên bếp

dấu giầy thô người ở trọ quê nhà.

(biên cương)

Ta thấy đâu đây tái hiện hình ảnh một biên cương đầy chết chóc, mùi tử khí bốc lên dày như sương trong bài thơ Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư khiến ai cũng phải kinh hoàng:

đây biên cương, ghê thay biên cương!

tử khí bốc lên dày như sương

đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

rừng núi ơi ta đến chia buồn.

Cái ký ức đau buồn sau ngày tàn binh lửa ấy, người cha-người lính trận ấy- ôm xiết đứa con nhỏ vào lòng trước khi vào trại tù vì anh có linh cảm không bao giờ còn gặp lại, mãi đến hai mươi ba năm sau mới tao phùng. Đó cũng là hình ảnh rất quen thuộc về người lính miền Nam, những người trong cuộc không thể nào quên:

ký ức đau buồn

có đâu ngờ

buổi chia ly bỗng thành tai kiếp

mãi hai mươi ba năm sau

lần đầu gặp lại con

thành phố cảng Sydney

dưới vòm cầu Darling Harbour

(thư về Sedney)

Tiếp theo là cảnh người lính bị tù đày trên chính quê hương của mình, cảm thấy con đường trỏ lại làm người đúng nghĩa sau gian nan đến thế:

tuyệt đường Kỳ lộ lưu đày

kiếp tù thay vật kéo cày vỡ hoang

dấu chân mộ huyệt rũ tàn

xó rừng Xuân Phước gian nan nẻo về

...đêm về gom đống tang thương

em nằm ôm mộng vô thường áo quan

trăm năm dẫu cuộc chiến tàn

dấu binh lửa đã nhuộm vàng chiến y

(bên dòng Trà Bương)

Trải qua mười năm lưu đày, mười năm tang thương ngẫu lục, mười năm vật đổi sao dời, có ai thấu được tâm tình của người lính tù miền Nam hơn anh  haykhông?

mười năm lưu đày trông vời cố xứ

lê chiếc nạn cùn vượt đường ra bắc

đất tù đày lũ ma đói thảm thương

núi đồi hoang vu suối sông dằng dặc

lòng người đổi thay vực thẳm khôn lường

những chị những em xem chừng lạnh nhạt

núm ruột rà quặn thắt đau thương

một gã cùng đường như tên khất thực...

(khúc tù ca)

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, dù rời khỏi cuộc chiến bẽ bàng, cam chịu cảnh tù đày chấp nhận số phận bi thương của một bại binh, người lính không hề  khuất phục, dòng thơ ấy sao ngang tàng đến thế:

...tôi người lính Miền Nam

phủi tay rời cuộc chiến

tuổi trẻ tù đày đứng vững đôi chân

lòng kiêu hãnh làm người lính thất trận...

(tuyên ngôn gởi người dưới mộ)

Có một bài thơ, cái tựa được Cái Trọng Ty lấy đặt tên cho tác phẩm: “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” làm tôi chú ý: cái tựa thật lạ: Biển gần ta lại rất xa ta, mùa trăng có liên quan gì đến biển, có thật “có một mùa trăng xa như biển” ở trên đời nầy không? Tôi không biết bài thơ nầy Cái Trọng Ty viết vào thời điểm nào: lúc anh khoác trên mình màu áo chinh y hay khi tù đày mười năm, hoặc dõi mắt ngóng về quê nhà từ bên kia bờ đại dương cách biệt nhưng chắc chắc đó là nỗi lòng của một con người từng trải qua trận cuồng phong bão táp dữ dội của thời đại, sống sót trở về chợt thấy đời như “hạt bụi cay khóe mắt”, chỉ thấy nơi nào cũng in đậm “dấu tàn phai”, chỉ thấy “em xa vọng lại một âm ba” thì thân phận con người là gì trước những “hư hao chiều viễn xứ”, vậy thì ta cũng đừng phải phân định rạch ròi làm chi chữ nghĩa trong câu “Có một mùa trăng xa như biển” làm gì:

có một mùa trăng

xa như biển

lênh đênh trôi mãi bến vô cùng

hoang mang có lạc vừa dậy mộng

em từ đâu lại

động chân không

       Nói như nhà thơ Trần Yên Hòa:Tôi đọc những bài thơ của Cái Trọng Ty trong một buổi chiều sau 30-4. 30-4.15 gợi tôi nhớ vế bốn mươi năm trước, những ngày thất vọng nhất của người lính bại trận. Hôm nay đọc những lời thơ của Cái Trọng Ty, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, nó như có một phù phép nào đó lôi tôi ra khỏi cơn mộng dữ 40 năm. Thơ Cái Trọng Ty làm cho tôi tỉnh lại, như người vừa đi qua những chặng đường gai lửa, tôi đã an nhiên, tự tại và êm đềm theo những câu thơ của anh.Tôi cũng mong người đọc tập thơ “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” có cùng tâm trạng như vậy. Những ký ức đau buồn về chiến tranh một thời đến một lúc nào đó chúng ta nên quên đi để lòng thanh thản hơn mà sống tiếp.

       Tôi xin mượn lời giới thiệu của nhà văn Trần Hoài Thư làm lời kết cho bài viết của mình:

“...Dù nhà thơ làm thơ cho ông, nhưng khi đọc “Có một mùa trăng xa như biển”, chúng ta nhận ra là ông làm cho chúng ta. Chúng ta thấy lại chính hình bóng mình, đồng đội mình, người thân yêu và cả một miền Nam của mình trong một thời “chập chùng khổ nạn.”(mượn lời Cái Trọng Ty).

 

Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 7-2022

LƯƠNG THIẾU VĂN

 

 

*Tham khảo:

1- Cái Trọng Ty – với Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển của Trần Yên Hòa

2- Cái Trọng Ty, Người Giữ Mùi Hương Thơ của Nguyễn Âu Hồng

3- Cõi thơ Cái Trọng Ty của Tô Thẩm Huy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét