BÀI TRÊN THƯ QUÁN BẢN THẢO SỐ 100
SỐNG VÀ VIẾT
*Nguyễn An Bình
2- Một ngày khi tôi gởi truyện ngắn đầu
tiên đến TQBT kèm lý lịch trích ngang của một kẻ làm văn nghệ, nhà văn Trần
Hoài Thư đã vội điện thư cho tôi giọng rất hồ hỡi khi nhận tôi là đồng hương với
người bạn đời của anh– Chị Yến – Nơi anh nhận làm quê hương thứ hai của mình,
nơi anh lăn lộn trong cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách là phóng viên chiến
trường cho đến khi tan hàng rã ngũ. Một ngày khi nhận điện thư của anh Phạm Văn
Nhàn nhờ tôi thay thế con gái nhà thơ Viêm Tịnh đã bỏ về Huế tiếp tục chuyển tạp
chí TQBT đến bạn bè và độc giả trong nước, mặc dù biết công việc nầy trong thời
điểm đó vẫn là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận vì
không muốn để tâm huyết của các anh đứt đoạn. Một ngày anh hồ hỡi báo tin truyện
ngắn của anh và anh Phạm Văn Nhàn được đọc trên Đài phát thanh và truyền hình
Tiền Giang nhiều số liền dù họ biết các anh đang sống ở nước ngoài và từng là
những người lính miền Nam. Một ngày Khánh Ly trở về nước lưu diễn kỷ niệm 60
năm đi hát của mình bị tuýt còi vì hát ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công
Sơn có câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”... Tất cả những điều đó cho ta thấy
điều gì? Sự cởi mở về văn nghệ chỉ là tảng băng nổi nhỏ bé trôi bềnh bồng trên
mặt biển mà thôi, chúng ta còn phải đi một đoạn đường rất dài nữa để có được một
nền văn nghệ tự do cởi mở hơn. Đó không phải là một tiêu chí mà những người thực
hiên TQBT muốn hướng tới hay sao?
3- Khi số TQBT số 96 phát hành cũng là
lúc Ban Biên Tập thông báo chính thức sẽ đình bản vì nhiều lý do bất khả kháng,
sức khỏe của anh Trần Hoài Thư đang trong giai đoạn báo động, sau khi bị stroky
anh ra vào bệnh viện thường xuyên vì nhiều căn bệnh khác. Cũng không phải không
có lý do khi bạn bè văn nghệ đặt cho anh biệt danh “Kim Mao Sư Vương”. Anh em đều
rất lo lắng, dẫu biết rằng việc duy trì những tờ TQBT lúc nầy chỉ tính từng số
một và càng lúc càng khó khăn hơn, độc giả càng thu hẹp, cộng tác viên thưa thớt
gởi bài, có lần trong một điện thư anh phàn nàn với tôi: “Anh đã thông báo gởi
bài cho số TQBT mới, nhưng cho tới bây giờ cũng chỉ nhận được ít bài. Không biết
họ(những bạn văn cộng tác thường xuyên
cùng tạp chí) dùng thời gian để làm gì nữa. Sự nghèo nàn về nội dung tất
nhiên là không tránh khỏi cũng một một nguyên nhân để anh đi đến quyết định
không vui nầy.
4- “Bước tiếp hay dừng lại” sau số TQBT
100 còn là câu hỏi bỏ ngõ, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng những người chủ
biên của nó: nhà văn Trần Hoài Thư, nhà văn Phạm Văn Nhàn... đã hoàn thành xuất
sắc tiêu chí mà họ đã đề ra lúc ban đầu, đã đi hết đoạn đường cần đi, đã làm hết
những điều cần làm trong điều kiện có thể để giữ gìn bảo tồn di sản văn chương
miền Nam có thể bị mai một, các anh như những người lính luôn xung phong về
phía trước không nề khó khăn gian khổ. Tôi nghe anh Phạm Văn Nhàn nói Trần Hoài
Thư đang thu gọn lại Basement của mình chỉ giữ lại một số máy móc dụng cụ cần
thiết cho việc viết bài và in ấn mà thôi. Anh Phạm Văn Nhàn không giấu điều mơ
ước: “Anh và Trần Hoài Thư ao ước trở về Việt Nam một lần thăm quê hương, bạn
bè và người thân rồi trở qua đây sống phần đời còn lại nhưng chắc không thể thực
hiện được vì không có ai thay thê chăm sóc mấy bà trong những ngày các anh đi vắng.
Biết làm sao được. Đành thôi”
Nhưng tôi tin khi còn một chút hơi thở,
các anh sẽ vẫn còn viết, phổ biến tác phẩm của mình dưới các hình thức khác
nhau: chẳng hạn qua điện thư, đăng tải lên blog, facebook hay trang trọng hơn
là in thành tác phẩm, bạn văn vẫn dành tình cảm thân thiết với những đứa con
tinh thần của các anh. Dù TQBT có đình bản nhưng trong lòng anh em văn nghệ
không bao giờ quên một tờ tạp chí nặng lòng với văn chương và một Thư Ấn Quán nặng
lòng với Di Sản Văn Chương Miền Nam.
Sài Gòn, 14/07/2022
NGUYỄN AN BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét