*NGUYỄN AN BÌNH
Khi tuyển tập THƠ BẠN THƠ 9 in xong, thời
may nhà văn Nguyễn Minh Nữu có về Việt Nam, biết Nguyễn Minh Nữu gần nhà anh ở
tiểu bang Virginia nên tôi nhờ anh ấy đem về Mỹ tặng anh một bản. Thời gian sau
anh mail cho tôi đã nhận được và có nhã ý gởi cho tôi một ít tiền bù vào ấn phí
thực hiện nhưng tôi từ chối và nói với anh người khác bỏ tiền túi để in tôi chỉ
biên tập nên anh đừng quan tâm đến việc đó. Tôi còn viết cho anh nếu được xin
anh gởi về tôi những tác phẩm đã in của anh vẫn còn lưu giữ để tôi đọc cho vui.
Qua nhà văn Phạm Văn Nhàn tôi nhận một lúc 3 tác phẩm của anh đó là: Mây khói
quê nhà, Đất còn thơm mãi mùi hương, Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt, tất cả đều do
nhà xuất bản Thư Ấn Quán của nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện vào các thời điểm
khác nhau. Cầm những quyển sách trên tay tôi rất vui và xúc động vì biết anh vẫn
còn nhớ lời của tôi.
Nói như nhà thơ Du Tử Lê: Thơ Phạm Cao Hoàng không chạy
theo xu hướng thời thượng nào ở thời điểm văn học miền Nam lúc bấy giờ: “...Thí dụ xu hướng chống chiến tranh, hay khuynh hướng mang
“buồn nôn” (ảnh hưởng triết lý hiện sinh của Jean Paul Sartre) vào văn chương.
Ông cũng không cho thấy có chút ý hướng biểu diễn chữ, nghĩa một cách khinh bạc
(trong khi đời thường mưu cầu chức tước), với những ý niệm triết lý xào nấu,
mang đầy tính khoe khoang… “đe dọa!”
Họ Phạm
lặng lẽ đem mình ra khỏi trào lưu, xốc nổi thời thế. Ông tự tin, thanh thản với
những đường bay thi ca bình thường mà sâu sắc, giản dị mà cảm động, qua những
chủ đề, tưởng như tầm thường mà, rất gần nhân thế; rất gần tình yêu con người
và; đất nước của ông.”
(Du Tử Lê-
Tiếng thơ tách thoát khỏi mọi trào lưu thời thượng)
Hay nói theo một nhà văn khác: Thơ Phạm
Cao Hoàng không cầu kỳ, anh thích đơn giản, chẳng cần cường điệu hóa, anh thích
làm dòng suối chưa từng bị ô nhiễm hơn là lao thân vào sông hồ lắm phèn chua nước
mặn. Đọc thơ Phạm
Cao Hoàng ta thấy như mình đang đi dạo trong một khu vườn nhỏ chỉ vun trồng các
loài hoa quen thuộc nhưng đầy hương sắc mà không du nhập bất cứ loài hoa xa lạ
nào dù nó đẹp đẽ xanh tươi đến mấy nên trong không gian thơ, dòng chảy thơ của
anh trước sau như một chỉ chảy một dòng thấm đẩm tâm hồn phương Đông và tôi đã đọc thơ Phạm Cao Hoàng trong một
tâm trạng như vậy.
*
Những năm cuối thập niên 60 bước sang
thập niên 70 ở miền Nam, chiến tranh bắt đầu trở nên khốc liệt, cuộc sống nhiều
xáo trộn về thời thế, Phạm Cao Hoàng cũng như bao thanh niên thời chiến khác
phải rời xa quê từ sớm nên quê nhà luôn là nỗi ám ảnh nhớ thương da diết nhưng
cũng không kém phần đau xót khi đứng trước hai lằn đạn của cả hai phía:
quê cũ mười năm
mây lớp lớp
mười năm mưa
khóc buổi sang mùa
dưới trời sương
lạnh rơi tan tác
rét mùa đông cũ
rét lê thê
đường tôi đi có
bom và đạn
có hận thù trên
mỗi dấu chân
ai thả vào hồn
tôi mới lớn
những mùa xương
máu ngập tang thương
...
(Đi giữa chiến
tranh, 1969 – Mây khói quê nhà)
Quê nhà gắn
liền với bao kỷ niệm ấu thơ nơi có mái trường xưa, có cây
bàng đỏ lá, có con đường đất mưa lầy nắng bụi, có cánh đồng lúa xanh rì rập rờn
theo sóng gió một thời anh đi học giờ chỉ còn trong ký ức và những nỗi hoài
niệm:
…
chiều nay
ghé thăm trường cũ
nghe mùa
thu hát ngoài kia
chợt nghe
trong lòng man mác
những ngày
thơ ấu xa xưa
(Trở về
mái trường xưa, 1996 – Đất còn thơm mãi mùi hương)
Hình như nỗi sầu xứ đã vận vào đời
anh khi tuổi còn rất trẻ, phải chăng đó là định mệnh mà ta không thể cưỡng cầu,
giống như cánh chim đơn côi bay lạc lõng giữa buổi chiều tà và người hàn sĩ ấy
lại một lần nữa cất bước ra đi, trời đất mênh mông không biết đâu là nhà:
bóng chim nào
lạc cánh cuối trời xa
đất rộng quá
biết đâu là cố lý
và nơi đây hiu
hắt những đời người
dài râu tóc
ngồi mơ thời thịnh trị
lúc tuổi trẻ đã
tan rồi chí khí
sống nửa đời ta
chằng thấy quê hương
nhìn lên cao
mây còn bay lớp lớp
ta cùng ngươi
quay với bóng tang thương
(Hành phương
đông, 1971 – MKQN)
Hay trong những câu thơ khác:
...
ra đi đàng gửi
quê nhà lại
nhạc thu giục giã
bước chân người
con sáo nó kêu
ngoài giậu vắng
nhủ người thôi
hãy bước đi thôi
ta đi, thôi
nhé, ta đi nhé
đưa tay ngắt
một cánh hoa quì
nghe dòng lệ ứa
trong đôi mắt
chào quê nhà
nhé, thôi ta đi
(Gã hàn sĩ ấy
lại ra đi, 1972 – MKQN)
Cho đến khi rời xa Tổ quốc anh chợt
cảm thấy những hoài bảo, ước mơ đã vuột khỏi tầm tay mình từ lâu, bước chân thời
gian không chờ đợi một ai nhưng biết làm thế nào níu kéo được khi phía sau là
dòng sông mệnh bạc còn phía trước lại mù mù sương khói. Chỉ mấy câu thơ cũng đủ
làm lòng người không khỏi ray rức.
ngày mai con lại ra đi nữa
cứ đi hoài mà chẳng đến nơi
ước mơ ngày ấy giờ chưa đạt
mà bóng thời gian đã muộn rồi
(Trước khi rời Việt Nam, 1999 – MKQN)
Nhiều năm sau trở lại quê nhà, thăm lại
Phú Thứ nơi chôn nhau cắt rốn của
mình anh vẫn còn có cái cảm giác hương đất hương đồng nội vẫn còn quanh quất
trong tâm hồn như ngày nào và hình như thấy lại
hình bóng người cha thân yêu ngày nào đã vì mình mà lam lũ cả đời:
…
mùi hương
của đất làm con nhớ
những giọt
mồ hôi những nhọc nhằn
cha đã vì
con mà nhỏ xuống
cho giấc
mơ đời con thêm xanh
mùi hương
của đất làm con tiếc
những ngày
hoa mộng thuở bình yên
nồi cá rô
thơm mùi lúa mới
và tiếng
cười vui của mẹ hiền”
(Mây Khói
Quê Nhà, 1999)
...
*
Phạm Cao Hoàng viết nhiều thơ về vùng đất cao nguyên Lâm
Viên với một tình cảm tràn đầy và tha thiết. Điều nầy cũng thật dễ hiểu. Bước
đường viễn xứ của anh từ ngày rời trường sư phạm đã lưu trên đất Tuy Hòa, Phan
Thiết... rồi ngược lên Đơn Dương, Đà Lạt, Đức Trọng. Nơi đây anh gặp được người
con gái có tên Cúc Hoa và kể từ đó thơ anh đã có những vần thơ bay bổng ca ngợi
tình yêu. Phải nói anh viết rất nhiều bài thơ cho Cúc Hoa, thời còn ở Đà Lạt
với những hạnh phúc, những thăng trầm của cuộc sống cho đến khi ra nước ngoài,
thơ anh vẫn nồng nàn say đắm dành cho người bạn đời chia ngọt sẻ bùi với anh
trong những tháng ngày khốn khó. Anh còn viết cả một tập truyện ký “Mơ cùng tôi
giấc mơ Đà Lạt” thì đủ biết nguồn cảm hứng của anh về Đà Lạt sương mù, thông
ngàn, quì vàng, Cúc Hoa không bao giờ cạn.
bây giờ nhớ núi nhớ rừng
nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
…
(Bây giờ, virginia, 2009 – ĐCTMMH)
Tôi có cái cảm giác mùa thu Đức Trọng vẫn níu kéo gã hàn
sĩ ấy dù chỉ là sợi dây vô hình nhưng không thể bứt rời ruồng rẫy được:
…
em ơi mùa thu
năm đó
là mùa thu của muôn đời
bàn chân nhẹ nhàng bước tới
đi bên cạnh
cuộc đời tôi
rồi từ mùa thu năm ấy
thương em cho đến bây giờ
hơn bốn mươi năm rồi đó
mùa thu Đức Trọng ngày xưa…
(Mùa thu Đức Trọng – ĐCTMMH)
Với Cúc Hoa thì luôn gắn bó thủy
chung:
mơ cùng
tôi nhé, Cúc Hoa
giấc mơ Đà
Lạt thời chưa biết buồn
vẫn là
tôi, vẫn là em
vẫn khu
vườn lạnh tiếng chim gọi đàn
vẫn là mây
trắng ngàn năm
(Ngày tôi
trở lại miền Đông – ĐCTMMH)
Nếu bạn là một người có
tình cảm sâu nặng với người mình yêu quí có thể đánh đổi cả tính mạng mình cho
họ chắc cũng sẽ vô cùng xúc động với tiếng hát của anh chàng hát cho Cúc Hoa
nghe khi nàng gặp tai nạn phải nằm viện:
sáng nay mưa đã về
ngàn thông xao xuyến khách phương xa
hỡi cô em Đà Lạt
về đâu?
tôi muốn theo về với người
mưa cho đôi má em hồng
mưa cho đôi mắt nai tròn
mưa bay qua cõi vô cùng
và tôi bay giữa mênh mông
...
(Ca khúc Gửi em Đà Lạt – Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt)
Tôi chắc rằng lúc ấy
Cúc Hoa, vợ anh chắc xúc động lắm và quên đi thân xác đang chịu nhiều đau đớn
tổn thương. Chắc những lúc ấy anh và người bạn đời lại nhớ về Đà Lạt, được đi
dạo cùng nhau trên những dốc sương mù thời hai kẻ mới yêu nhau:
rồi có lúc trở về chốn cũ
đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù
hát cùng em bài tình ca thuở ấy
tìm lại dấu chân mình trên những lối đi xưa
...
(Đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù – MCTGMĐL)
*
Ngoài cái tình
với người bạn đời Cúc Hoa, trong thơ Phạm Cao Hoàng ta còn bắt gặp cái tình
khác cũng không kém phần thắm thiết, gắn bó đó là tình bạn. Chính cái tình chân
thật, sôi nổi trước sau như một đã làm hồn thơ của anh thêm sâu nặng và thơ
luôn truyền tải thông điệp buồn vui muốn được san sẻ cùng bạn bè thân quen của
mình:
Trong bài Mây trắng gởi tặng nhà thơ Trần Huiền Ân anh thố lộ:
…
khói ngày xưa ấy còn vương
sương còn đọng lại bên dòng cổ
thi
ngày về nhớ lúc ra đi
biển gào lên khúc biệt ly sao đành
vậy mà…
biền biệt bao năm
...
Hay:
tiễn đưa bạn trong nỗi buồn thầm lặng
anh đi rồi đi thật rồi
rất bình an không một lời
chia tay
tôi về Bellingham chiều nay
mắt anh khép lại bàn tay hững hờ
sáu mươi lăm năm, ô hô!
đời tha
phương một nầm mồ mọc lên
(Tôi về Bellingham chiều nay)
Còn
niềm vui nào bằng nơi quê người còn gặp lại bạn bè
qua bao dâu bể của thời cuộc:
sau chiến tranh chúng ta là
những người sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
đêm ở New
Jersey
nhắc với nhau về những ngày tháng xa xôi
về người bạn đề thơ trên vách tường năm ấy
về người bạn lên Pleime rồi chẳng bao giờ trở lại
về người bạn mấy lần bị thương ở Bình Định Qui Nhơn
về cà phê quán sớm bên đường
về căn nhà cửa không bao giờ khóa
…
(Ở New Jersey, gặp lại Phạm Văn Nhàn – ĐCTMMH)
*
Từ khi định cư ở nước
ngoài, dòng thơ Phạm Cao Hoàng lại có thêm một chủ đề mới, đó là tình hoài
hương.Ta hãy lắng nghe tâm sự của anh trong bài tùy bút: “Tuy Hòa, một thời để
nhớ” để hiểu được nỗi niềm thầm kín của chàng “hàn sĩ”:“Bước giang hồ tưởng đã dừng
lại, nhưng rồi tôi lại ra đi, và lần đi nầy là biền biệt. Tôi trôi dạt về Đơn Dương,
Đức Trọng, Đà Lạt; cho đến một ngày tôi phải làm chuyến đi xa nhất của đời
mình. Trong hành trang mang theo ngày tôi rời đất nước có những giọt sương của
cao nguyên Lâm Viên, có tiếng sóng biển của Qui Nhơn, có tiếng gió biển của
Phan Thiết, và có mây khói của Tuy Hòa mà một thời đã làm nhẹ bước chân tôi.”
khi dừng
lại bên dòng Potomac
tôi và em
nhìn lại quê nhà
buồn hiu
hắt thương về chốn cũ
phía chân
trời đã mịt mù xa
(Bên dòng
Potomac, Virginia 2005 – ĐCTMMH)
Tôi còn nhớ đã sử dụng bài thơ nầy
trong một truyện ngắn đăng trên Thư Quán Bản Thảo, anh có đọc và gởi mail cho
tôi xin bản pdf để đăng trên trang web PCH như một kỷ niệm cho vui.
Tình hoài hương luôn canh cánh trong long làm thơ anh trở nên tha thiết nhưng không ủy mị yếu đuối, anh viết cho người
thân ở quê nhà nhưng
thật ra là anh viết cho chính mình:
…
ngày mai
con lại ra đi nữa
cứ đi hoài
mà chẳng đến nơi
ước mơ ngày
ấy giờ chưa đạt
mà bóng thời gian đã muộn rồi
(Mây khói
quê nhà – ĐCTMMH)
ngủ đi em,
đêm khuya rồi
sớm mai
thức dậy cùng tôi lên đường
mười ba
năm, quy cố hương
có đi biền
biệt vẫn thương quê nhà
(13 năm,
quy cố hương, Virginia,2012 – ĐCTMMH)
Lại thêm một lần xót xa khi phải rời Đà Lạt:
và tôi lại chia tay Đà Lạt
trở lại
quê người với những cơn bão tuyết mùa đông
tôi mang
theo nỗi buồn xa xứ
và nỗi
hoài hương nặng trĩu trong lòng
…
(Chia tay
Đà Lạt – ĐCTMMH)
Có gì đó là ta muốn rơi nước mắt, khi ở quê
người lại quay quắt nhớ thương, Khi trở về nhìn cảnh cũ lại bịn rịn không muốn bỏ đi, rời xa. Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ở giai đoạn nầy làm tôi bắt chợt nhớ tới mấy câu
thơ trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm mà bùi ngùi quá đổi:
Người đi? Ừ nhỉ, ngưười đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...
*
Viết về Phạm Cao Hoàng, xin
được gởi đến các bạn một vài nhận xét chân tình của bạn bè thân hữu nói về anh.
Nguyễn Minh Nữu có nhận xét: “...thơ Phạm Cao Hoàng vẫn giữ nguyên thần sắc
nhẹ nhàng, sâu lắng và đôn hậu như chính con ngưười anh. Trong thơ, Phạm Cao
Hoàng ghi nhận được thiên nhiên kỳ thú bằng cái nhìn mới lạ và tìm ra mối liên
quan bất ngờ đầy sáng tạo giữa thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm riêng mình.”(Từng
có một thời), còn họa sĩ Trương Vũ với cái nhìn của kẻ cầm cọ thì: “Thơ PCH
có nhạc. Lời thơ chơn chất nhưng vẫn luôn bàng bạc nét cao sang trầm lặng của
một tâm hồn đẹp...”(Thơm mãi mùi hương), nhà văn Hồ Đình Nghiêm lại có cái nhìn rất
riêng: “...Tôi xin được cám ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng vừa trao gởi cho tôi
một ít đất đai thu giấu trong phong bì vàng, mở ra nghe dậy mùi thơm hoàng thổ.
Hoàng thổ có thể là ám danh của ngày xưa Đà Lạt, hoàng thổ là đất vàng và hoàng
thổ cũng nên hiểu là giọng thơ chân chất hiền lành của người tên Hoàng, Phạm
Cao Hoàng...”(Đất hoàng thổ), Nguyễn Xuân Thiệp thật công tâm: “ Đọc thơ
Phạm Cao Hoàng, ta thấy tâm hồn anh thật nhân hậu, bao dung và độ lượng, luôn
mở rộng đón nhận những âm vang của đất trời. Ở Phạm Cao Hoàng, không có sự ganh
ghét, thù hận hay ra vẻ trí thức triết lý với đời. Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ta
tìm được niềm an ủi trong tình yêu, gia đình, bạn bè, quê hương đất nước và
cuộc sống chung quanh mình.”(Phạm Cao Hoàng&Đất còn thơm mãi mùi hương”
Tôi xin được dùng hai câu thơ
trong bài “Cũng may còn có nơi nầy” của anh nói lên cái tình anh dành cho quê
hương, cho người bạn đời trăm năm, cho những bạn bè thân yêu như một cái kết về
thơ Phạm Cao Hoàng vậy.
…
Cũng may còn có nơi nầy
Để tôi còn có những ngày bên em
(Đất còn thơm
mãi mùi hương)
Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 9-2021
NGUYỄN AN BÌNH
1- Phạm Cao
Hoàng, tiếng thơ tách thoát khỏi mọi trào lưu thời thượng – Du Tử Lê
2- Từng có một
thời – Nguyễn Minh Nữu
3- Đất hoàng
thổ - Hồ Đình Nghiêm
4- Phạm Cao
Hoàng&Đất còn thơm mãi mùi hưương – Nguyễn Xuân Thiệp
5- Những bài
thơ một thời của Phạm Cao Hoàng – Trần Hoài Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét