Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

NỖI NIỀM CÙNG TẬP THƠ “MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ” CỦA CỐ NHÀ THƠ TRÚC THANH TÂM

 NỖI NIỀM CÙNG TẬP THƠ “MÂY TRẮNG PHÍA NHÀ” CỦA CỐ NHÀ THƠ TRÚC THANH TÂM

      Những ngày cuối tháng 12/2020 tôi nhận được tập thơ “Mây TRẮNG SAU NHÀ” của cố nhà thơ Trúc Thanh Tâm do bạn Nguyễn Đức Phú Thọ, phân hội trưởng văn học của An Giang gởi tặng. Theo Phú Thọ đây là tập thơ được Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật An Giang tài trợ kinh phí chọn in từ các tập bản thảo cá nhân hoặc chưa xuất bản  do chị Thanh Mai vợ nhà thơ Trúc Thanh Tâm lưu giữ.

    Nhận được tập thơ tôi rất vui nhưng cũng không khỏi bùi ngùi. Tôi và nhà thơ Trúc Thanh Tâm quen nhau từ hơn nửa thế kỷ trước khi anh còn ở Cần Thơ, lúc đó anh cùng Trần Duy Cang hoạt động trong thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy, còn tôi cùng Thạch Long hoạt động trong nhóm Tình Thơ. Tuy hoạt động trong hai nhóm thơ văn khác nhau nhưng chúng tôi chơi với nhau khá thân. Có một thời gian chúng tôi định sát nhập 2 nhóm lại với tên mới là Văn Nghệ Cần Thơ nhưng không thành vì thời cuộc và điều kiện sinh hoạt khá khác biệt. Một thời gian sau năm 1975 anh chuyển về Châu Đốc và hoạt động văn nghệ ở đó. Tôi lang thang dạy học xứ người hơn 5 năm rồi cũng quay về Cần Thơ sinh sống, viết lại sau một thời gian dài ngừng bút. Xin gởi đến các bạn bài viết của tôi về thơ Trúc Thanh Tâm viết từ 7 năm trước khi anh còn sống.




                 TRÚC THANH TÂM - TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
                 TRONG NHỮNG BÀI THƠ THỜI CHIẾN 
                                                         * Nguyễn An Bình


        PHẢI GẦN 38 NĂM SAU tôi mới có dịp gặp lại Trúc Thanh Tâm, mặc dù có thời gian khá dài chúng tôi ở cùng chung một thành phố, nhà của Trúc Thanh Tâm cũng không xa nhà tôi mấy ( tôi ở đường Lý Thái Tổ còn anh ở đường Quang Trung, nơi đây có Sân vận động, thường có những chiếc trực thăng đáp xuống để chuyển thương... ). Sau hòa bình 15 năm, anh về Châu Đốc định cư hẳn.
     Được gặp lại anh, trong một ngày xuân ấm áp ở quê nhà, bên mấy ly bia và một dĩa khô nhỏ bên con rạch Cái Khế nhìn ra ngoài sông gió thổi lồng lộng với dãy đèn đêm vàng hực in hình trên bóng nước lấp loáng mới cảm nhận hết được thời gian trôi qua nhanh như một giấc mộng.           
        Người xưa thường nói “Bóng câu cửa sổ”, ngày trước đi học được thầy giảng dạy cho hiểu nhưng cũng không thật để tâm lắm đến ý nghĩa sâu xa của nó, bây giờ mới thật thấm thía “đời có bao lâu mà hững hờ”. Hai anh em ôn lại thời còn làm văn nghệ trước 1975, hỏi thăm nhau bạn bè văn nghệ xưa ai còn ai mất mà cảm xúc khôn nguôi.

      Gặp lại Trúc Thanh Tâm, có dịp đọc lại thơ anh trên các trang mạng cảm giác đầu tiên của tôi là anh vẫn giữ được những tình cảm chân thật, sâu lắng và có thể nói là vẫn thủy chung, tha thiết với tình yêu quê hương, với những kỷ niệm một thời đi học và những mối tình đâu đó chợt đi qua trong tâm hồn nhà thơ, có điều nó đã được nâng lên ở một cấp độ cao hơn, tinh tế hơn và cũng thật hơn. Thơ anh viết gần như tự nhiên, gần gũi với cuộc sống, những câu thơ viết cho bạn bè, người thân, và cho những người tình không quen biết đều thấm đượm sự chân tình, giàu cảm xúc hình ảnh, xen lẩn những lời thơ hóm hỉnh đáng yêu, đời thường không cường điệu, chính vì thế làm cho người đọc thơ anh cảm thấy thích thú như thấy trong bài thơ anh đâu đó có mình trong đó. Tôi có đọc một số comment của một số độc giả trẻ trên blogs Trăng Nguyên Thủy của anh bày tỏ sự ái mộ và có bạn lại hỏi khéo nhà thơ chừng nào in thơ để được đăng ký là một trong những người ủng hộ đầu tiên thì cũng đủ thấy thơ Trúc Thanh Tâm đã thật sự có chỗ đứng vững vàng trong lòng người yêu thơ.
     Chẳng hạn như trong bài "Ví Dụ" có những câu thơ làm người đọc bật cười trước lời tỏ tình như một ví dụ ướm thử để khỏi đau lòng, bất ngờ khi bị người đẹp từ chối và sự trả lời rất ngây thơ nhưng cũng rất chân thật dễ thương trước một thực tế khá phũ phàng của cuộc sống:

     Cứ là ví dụ, vợ chồng
   Đừng nghe thiên hạ dối lòng, bán mua
   Nhỏ cười chúm chím, mây mưa
   Sống cùng thi sĩ vẽ bùa, ăn thơ.


     Một bài thơ khác “Chuyện cổ tích” mà anh ký tặng tôi khi anh về Cần Thơ mới đây cuối tháng 9 vừa rồi, khi ngồi cùng nhau bên tiệc rượu nhỏ: anh, tôi, Trần Duy Cang đã cùng ôn lại những kỷ niệm làm văn nghệ thời đó, cũng có những đoạn thơ đáng yêu như thế:

    Trệt đất xuống cho mát trời ông địa
   Nước mắt quê hương uống thét phát ghiền
   Mấy thằng nam đừng chơi gian lận
   Lót long đền, phái nữ họ ghen !

 
     Món dân dã, lai rai tới bến
   Đâu ở đâu, lại giống xứ mình
   Trước khi chết còn xuống câu vọng cổ
   Bạn ta cười, vỗ vế, y kinh !


       Và rồi anh cũng nhận ra cuộc đời vốn dĩ cũng chỉ là phù du, ngắn ngủi thì chúng ta hãy xem như là một “Chuyện cổ tích”, có lẽ Trúc Thanh Tâm muốn thế và anh cũng mong bạn bè anh nghĩ thế.
 
     Mấy chục năm, biết trên biết dưới
   Có chìm xuồng cũng hú hí cho vui
   Hương một thuở nghe còn thơm phức
   Nhằm nhò gì, chuyện cổ tích, trời ơi !

         Nhưng ở đây tôi muốn nhắc đến thơ anh ở một bình diện khác: Một Trúc Thanh Tâm với nỗi khắc khoải khôn nguôi về tình yêu quê hương trong những bài thơ thời chiến trước 1975.
     Thời ấy chúng tôi yêu văn nghệ, thích làm thơ viết văn và tự tìm đến nhau một cách vô tư, trong veo không vướng bận những ganh đua vẩn tục thường tình. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, khi tôi bước vào giảng đường đại học thì anh đã là người lính trong thời chiến nhưng không vì thế giữa chúng tôi có sự ngăn cách. Tôi không nhớ quen anh từ lúc nào nhưng có lẽ từ lúc gặp nhau trong buổi ra mắt tập thơ Như Lá Me Sầu của Mặc Uyên Thi (tên thật Trương Chí Tiến, sau nầy là giảng viên Đại Học Cần Thơ) ở một quán cà phê bên đường Mạc Tử Sanh khoảng năm 69-70 gì đó. Lúc ấy anh cùng với Mặc Uyên Thi lập nhóm Hoa Thời Gian và hoạt động khá đều trên báo chí, sau đó không lâu anh hợp nhất với Trần Duy Cang ( còn có bút danh Nguyên Thy Hồng), Trần Hòa Nhã và Hoàng Linh Trung thành lập Thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy. Đây có lẽ là thời kỳ Trăng Nguyên Thủy hoạt động sôi nổi nhất, lúc ấy anh có gởi tặng tập thơ của nhóm, qui tụ thêm được một số bạn thơ sinh viên như Lê Vũ Hùng, Nguyễn Thanh Hùng, Hồ Ngọc Ẩn, Bùi Thị Sại...Từ Trăng Nguyên Thủy, ít lâu sau Trúc Thanh Tâm và Trần Duy Cang thành lập Văn nghệ Cần Thơ, tới cuối năm 1974 thì mất dấu.
      Rất tiếc sau năm 1975 những tập thơ ấy tôi không còn giữ được ( có lẽ bạn bè cũng không còn ). Tuy không hoạt động văn nghệ chung nhóm với anh nhưng chúng tôi vẫn chơi với nhau thật thân tình, gần gũi. Còn nhớ thời kỳ ấy văn nghệ miền Tây phát triển một cách tự phát nhưng không gì thế mà không có sự gắn kết với nhau.
        Ở Vĩnh Long có Thi văn đoàn Áng Thơ Đêm của Trần Mộng Hoàng, Mỹ Tho có Văn nghệ Mây Đỉnh Cao của Thanh Uyên Vũ…, chúng tôi đều có liên hệ, trao đổi. Làm sao quên được những kỷ niệm một thời làm văn nghệ thuở ấy, lúc Trần Mộng Hoàng ra mắt tạp chí Tham Dự số 1 khoảng năm 70, tôi cùng Trúc Thanh Tâm, Trần Duy Cang, Lê Vũ Hùng ( sau nầy là thứ trưởng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo - đã mất) đã qua dự, chúng tôi có dịp quen thêm các nhà văn nhà thơ như Việt Chung Tử, Mai Trúc Linh….
       Còn nhớ giữa trưa nắng chói chang, chúng tôi với hai chiếc Honda cà tàng đến Tam Bình thăm Mai Trúc Linh ( lúc bấy giờ đang là phó quận ). Con đường vào quận vắng vẻ, ruộng đồng xác xơ mà ai cũng biết là không nên qua lại sau 5,6 giờ chiều vì có thể một viên đạn lạc nào đó găm vào mình và mãi mãi ta không biết viên đạn đó xuất phát từ đâu, bên nầy hay bên kia. Chiến tranh thời ấy khốc liệt như vậy. Nói như thế để thấy được niềm say mê gặp gỡ, giao lưu Văn nghệ của chúng tôi lúc ấy mạnh mẽ như thế nào.
       Chúng tôi cũng thường đọc thơ nhau khi bài được đăng trên báo. Ở Trúc Thanh Tâm tôi nhớ nhất là những bài thơ của anh đăng trên nhật báo Tin Sáng lúc bấy giờ. Phải nói rõ thêm nhật báo Tin Sáng thời ấy là một tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn, do dân biểu Ngô Công Đức đứng tên, tôi và anh đều có bài cộng tác ở trang Thơ Thời Chiến do dân biểu Kiều Mộng Thu phụ trách. Thơ anh xuất hiện khá đều đặn. Điều đó cũng dễ hiểu, bấy giờ anh là nhà thơ mặc áo lính nên không khí, hơi thở chiến tranh, tình yêu quê hương và những nỗi xót xa trước cuộc chiến được anh tiếp cận, thể hiện khá rõ nét.
       Mặc dù lúc ấy tôi đã vào đại học , thường làm thơ tình học trò nhiều hơn là những loại thơ khác, nên thơ chưa cảm nhận gì nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh nhưng tôi lại thích đọc thơ của những nhà thơ mặc áo lính lúc bấy giờ như Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Trần Dzạ Lữ, Hồ Chí Bửu, Phù Hư, Kim Tuấn… nên sau nầy tôi có dịp so sánh thơ anh gần gũi với thơ Kim Tuấn hơn cả. Sự khốc liệt, trần trụi, tàn nhẫn đôi khi tuyệt vọng trước một cuộc chiến mà hai tiếng hòa bình hình như còn quá xa vời thể hiện rõ nét ở thơ của Hồ Chí Bửu, Trần Dzạ Lữ, Du Tử Lê; nhuốm màu quan tái như các bài Ngậm thẻ qua sông, Đồn sơn yểm, Quân bộ khúc của Phù Hư; cao ngạo ngang tàng coi đó như trò đùa của con tạo, rong chơi cùng vũ khí như trong thơ của Luân Hoán. Ở thơ Kim Tuấn nhất là những bài thơ khi ông còn là lính đồn trú ở Pleiku, nỗi xót xa về cuộc chiến như một vết sẹo đau buồn không tránh được nó phảng phất ăn sâu vào tâm hồn nhà thơ:
 
     Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
   Trong thời chiến tranh mấy lần xuôi ngược
   Lửa đỏ đồng hoang người chết bên đường
   Máu thẩm bên bờ ruộng đất quê hương
   Tháng giá mùa đông không còn áo mặc

...
 
    Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
   Câu chuyện mười năm buồn như cắt ruột
   Lửa ngày xưa cháy quê hương.

                               (Kim Tuấn - Lửa đỏ mười năm)

       Thì ở trong thơ Trúc Thanh Tâm cuộc chiến cũng đồng nghĩa với chết chóc, với đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp,thay thế được:
 
   Như Việt Nam nầy ngày tháng đau thương
   Như ta một lần rồi cũng bỏ trường
   Như thầy của ta bỏ màu áo đạo
   Như bạn bè ta chết giữa thê lương !

 
     Nên ta bây giờ ghét kẻ cuồng ngông
   Nhìn máu Việt Nam chảy đỏ theo sông
   Nhìn từng lớp xương, nhìn từng xác thịt
   Nhìn từng mái đầu chít vội khăn tang !

 
     Hăm ba tuổi đời, ta vẫn là ta
   Việt Nam vẫn thêm hận tủi chan hòa
   Ta thấy cổ truyền Á Đông như mất
   Lỡ nhận kiếp người đành nhận xót xa !

                                                          (Một trái tim - 1970)
 
       Hay trong một bài thơ khác, Trúc Thanh Tâm cho ta thấy một hình ảnh quê hương với những cảnh đời bất hạnh, mà người ta cố tình phung phí máu xương như một món hàng rẻ mạt:
 
     Buổi sáng qua đường gặp người ăn xin
   Việt Nam đau thương, Việt Nam tội tình
   Thế kỷ hai mươi, con người tranh sống
   Thành phố Sài Gòn mọc nhiều building !

 
    Chiến cuộc kéo dài, người bỏ nhau đi
   Đứa trẻ không cha lúc mới chào đời
   Nước mắt mẹ rơi, nồi da xáo thịt
   Những dòng sông buồn có những thây trôi !

 
     Ta khóc cho người, ta khóc cho ta
   Khóc cho Việt Nam hận tủi chan hòa
   Em hãy lớn khôn để mà hiểu rõ
   Cuộc đời không ngoài hình thức đám ma !

 
     Đói rách vẫn còn triền miên đó em
   Hãy nhớ nghe em đừng có sai lầm
   Dù cho người đời bon chen đến mấy
   Xin nhớ một điều, linh hồn Việt Nam !

 
    Xa xí phẩm nào rẻ như máu xương
   Em hãy về đốt một nén hương
   Cho người đã chết và đang chết
   Giọt máu Việt Nam định nghĩa chiến trường !
                                                  
 (Giọt máu Việt Nam - 1970)
 
       
Để thấy được phút giây đợi chờ ngày đất nước ngưng tiếng súng, quê hương ruộng đồng thôi máu chảy, xác xơ nó thiêng liêng mầu nhiệm đến mức nào, nó như òa vỡ ra như ngọn lửa hòa bình bùng cháy trong tim mỗi người:
 
    Ta cũng một lần nói tiếng thủy chung
   Yêu em nghe sao đau khổ tột cùng
   Rách nát quê hương, một dòng máu chảy
   Ta ở bên nầy, em bên kia sông !
………

 
   Đời còn được gì sau những bình minh
   Bao người đấu tranh, nào phải tội tình
   Tham vọng điên cuồng mà em thấy đó
   Đất nước mình nghèo nhưng giàu những lương tâm !

 
     Em hãy bây giờ gần lại anh hơn
   Để thấy trong nhau giọt nước mắt buồn
   Để thương người sống không về nữa
   Đất trổ hoa màu dù lắm mưa bom !

 
    Ta cũng một lần nói tiếng yêu em
   Ta cũng một lần nghe những khát thèm
   Ta cũng một lần nghe người tự thú

   Ngọn lửa hòa bình cháy mãi trong tim !  
                                                ( Phút đợi chờ - 1970 ) 
                                                     
       Anh mơ ước được tay nắm lấy bàn tay, hình dung một đất nước hòa bình như thế nào và tình yêu như ngọn lửa hồng được nhóm lên trong đêm đông giá rét làm ấm lòng đôi trai gái bền bĩ chờ nhau qua những năm tháng chiến tranh,thật đẹp biết bao:
 
    Hành trang anh còn nặng tình xứ sở
   Những tủi hờn, những kỷ niệm chưa vơi
   Nên tình em, anh vẫn chưa ngỏ ý
   Sợ mai kia, em lỡ mất cuộc đời !

 
    Em có nghe trong nỗi sầu con gái
   Trời mùa đông, ai nhóm bếp lửa hồng
   Đất mẹ ơi, còn hai miền Nam, Bắc
   Một chiếc cầu thương nhớ một bến sông !

 
    Anh còn gì, những tháng ngày cơm áo
   Em được gì, những kiến thức bán mua
   Trong can qua, người giành nhau sự sống
   Thương nhau hơn giữa xã hội lọc lừa !

 
    Anh hình dung một hòa bình mai mốt
   Khi chiến tranh thật sự đã an bày
   Anh trở về với tình anh buổi trước
   Em thẹn thùng, tay nắm lấy bàn tay !

                                  (Tay Nắm Bàn Tay - 1971)
        Tôi biết ở nước ngoài có một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng lúc còn ở Việt Nam tập hợp những bài thơ tình miền Nam thời chiến in thành tuyển tập, trong nước không biết có nhà nghiên cứu, biên khảo văn học nào chú ý đến mảng đề tài nầy không, nếu có một ngày đẹp trời nào đó tuyển thơ “THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN” ra mắt thì Trúc Thanh Tâm xứng đáng có mặt trong tác phẩm đó và tôi hy vọng ngày đó không còn xa nữa.
                                       Bên bờ sông Hậu, tháng 11/2013
                                               NGUYỄN AN BÌNH 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét