Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

BÀI VIẾT " PHẠM THIÊN THƯ - NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG"

 BÀI VIẾT " PHẠM THIÊN THƯ - NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG"

TRÊN TẠP CHÍ NGÔN NGỮ SỐ 11 THÁNG 1-2/2021 XUÂN TÂN SỬU XUẤT BẢN TẠI HOA KỲ 



 


 

PHẠM THIÊN THƯ- NGƯỜI HÀNH GIẢ SUỐT ĐỜI LANG THANG ĐI TÌM ĐỘNG HOA VÀNG

                                                                   * NGUYỄN AN BÌNH

 

Khi tôi chuyển về Sài Gòn sinh sống, đó là một cơ hội để tôi được giao du, tiếp xúc gặp gỡ những văn nghệ sĩ thành danh mà mình nghe tiếng hoặc ái mộ, họ có những tác phẩm được nhiều người biết đến trước và sau năm 1975 và nhà thơ Phạm Thiên Thư là một trong những người tôi có cái duyên hội ngộ như thế. Tôi gặp nhà thơ lần đầu sau khi ông đã trải qua cơn đột quỵ thứ hai, tuy đã thoát qua cửa ải tử sinh nhưng thần thái không còn mẫn tiệp như trước, tuy nhiên ông vẫn nhớ được nhiều người nhiều việc, vẫn còn sáng tác trong chừng điều kiện sức khỏe cho phép. Ngồi với ông trong các buổi ra mắt của tập san Quán Văn ở quán cà phê Lọ Lem, hay trong chùa Linh Bửu ở Quận 8 hoặc có dịp cùng các bạn văn đến thăm ông ở quán cà phê Hoa Vàng. Nói đến quán cà phê Hoa Vàng các bạn yêu nhà thơ Phạm Thiên Thư thì ai cũng biết, nó nằm trên đường Hồng Lĩnh, một con đường nhỏ khá vắng trong khu cư xá Bắc Hải thuộc quận 10 Tp Hồ Chí Minh, lúc đó trông nhà thơ giống như tiên ông đang phiêu diêu giữa chốn trần gian còn nhiều tục lụy, trong bộ quần áo đời thường ông ngồi im lặng như một thiền sư chiêm nghiệm, một triết gia thâm trầm trong làn khói tỏa từ tẩu thuốc ông hút như một vật bất ly thân, mắt mơ màng nhìn cõi đời một cách ung dung tự tại làm tôi liên tưởng đến một hành giả đã rũ bỏ lòng trần đang trở về non để tìm Động Hoa Vàng ngủ một giấc thật say.

Căn nhà ở đường Hồng Lĩnh nơi ông ở tầng dưới là quán cà phê lấy tên Hoa Vàng nơi người vợ sau của ông kinh doanh để mưu sinh, phía bên kia đường đặt một vài cái bàn, một ít cái ghế để cho khách thập phương thích không khí đường phố ngồi uống cà phê chuyện trò và nơi đây cũng là chỗ ngồi thường xuyên của ông với tẩu thuốc luôn thả khói. Có một giai thoại thú vị về thời kỳ quán cà phê Hoa Vàng mới mở: Vì chưa có nhiều khách nên ông vừa là tiếp viên vừa kiêm luôn việc giữ xe cho khách. Nhiều cô cậu tuổi teen thích những ca khúc phổ từ thơ Phạm Thiên Thư tìm đến Hoa Vàng để được xem “chàng hoàng tử” của “nàng Hoàng Thị Ngọ” ra sao, gửi xe xong hỏi ông lão giữ xe: “Nhà thơ Phạm Thiên Thư có ở đây không ạ?”. Lão giữ xe cục mịch cười “khoe” hàm răng vẩu: “Ông ấy đi vắng rồi”.  

 Trước mặt chỗ ông ngồi có đặt một tảng đá lớn và thường xuyên có cắm vài đóa cúc vàng còn tươi. Bạn bè đến thăm ông để ý ở mỗi địa điểm cư ngụ mà ông đi qua đều có sự hiện diện của hoa vàng, có lẽ trong cuộc đời thi sĩ hoa vàng là một biểu tượng gắn liền với những ký ức, cuộc tình không quên nào đó chăng? lần ông kể với bạn bè : “Năm 1942, khi cả gia đình còn ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh (Hải Dương), bố tôi mua hẳn ngọn đồi Phượng Hoàng. Hoa cúc dại vàng mọc mênh mông, bát ngát chạy dài che khuất đường chân trời”. Chính hình ảnh hoa vàng ấy đã theo ông suốt cả từ thời niên thiếu đó cho đến khi vào Nam, hoa vàng luôn có mặt những nơi ông ở và nó xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó trở thành một biểu tượng xuyên suốt, một nỗi hoài niệm khôn nguôi trong lòng nhà thơ.

Trở lại với bài thơ Động Hoa Vàng, ta cũng nên tìm hiểu một chút về sự ra đời của nó: Trước năm 1975 ở miền Nam sống trong bầu không khí chiến tranh đầy bất an, lòng người chán chường luôn tìm cách thoát khỏi cái không khí ngột ngạt chết người, đúng trong thời điểm đó xuất hiện những nhạc phẩm thật trong sáng lãng mạn nói về tình yêu học trò, thanh niên học sinh thời ấy ai mà không si mê các ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thơ Phạm Thiên Thư, nó như một làn gió mới nổi đình nổi đám tràn qua các đô thị miền Nam thời bấy giờ.

Sự kết hợp thơ nhạc giữa Phạm Duy và Phạm Thiên Thư hình như có mối duyên kỳ ngộ thì phải: Bản thân nhạc sĩ khi đọc thơ của Phạm Thiên Thư đã nhận ra rằng những bài thơ về đạo của nhà thơ lại rất gần với đời nên trong lúc hứng khởi ông đã phổ một loạt 10 bài đạo ca vào năm 1971 và từ duyên nghiệp đó lại chính là chiếc cầu nối để Phạm Duy phổ những bài thơ tình của Phạm Thiên Thư, tính ra khoảng 15 bài tình ca ra đời sau đó như: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa nầy, Gọi em là đóa hoa sầu. Loài chim bỏ xứ...

Sau nầy trong hồi ký của Phạm Duy, người nhạc sĩ cũng cho ta thấy rõ điều đó: Khoăng năm 1970, nhạc Phạm Duy đã trải qua một chặng đường dài phổ biến trong các đô thị miền Nam, ông sáng tác rất nhiều thể loại từ dân ca, tình ca, vỉa hè ca, hoan ca, tục ca, tâm phẫn ca...sáng tác của Phạm Duy đang đi vào bế tắc. Ngay thời điểm đó, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, ông bắt gặp những vần thơ thanh thoát, nhẹ nhàng, vừa mênh mang lại thâm trầm, nửa đạo nửa đời, chứa đựng thiền ý sâu xa của người tu sĩ làm thơ Thích Tuệ Không(pháp danh của Phạm Thiên Thư lúc bấy giờ). Phạm Duy đã tìm ra lối thoát cho việc sáng tác nhạc của mình và những bài Đạo ca được ra đời từ ấy. Cũng trong mối duyên thơ nhạc đó, những bài tình ca dựa vào thơ của Phạm Thiên Thư cũng lần lượt ra đời tạo nên một làn sóng hâm mộ trong lòng người yêu nhạc.

Ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng” là một ca khúc nổi tiếng đi vào lòng người yêu nhạc từ những năm đầu thập niên 1970 cho mãi đến bây giờ được Phạm Duy chọn lọc, lấy ra những câu thơ ấn tượng nhất trong bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư để viết ra. Phạm Duy đã từng viết về điểu nầy: “Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. (Trích Vang Vọng Một Thời – Mùa hè, 2012)

Động Hoa Vàng là một tập trường thi gồm 100 khúc thơ lục bát(mỗi khúc 4 câu) thể hiện tâm thức của một hành giả giác ngộ trước cuộc sống nhân sinh đầy bất trắc muộn phiềnmuốn thoát ly sinh tử tìm về cội nguồn vĩnh cửu của cái đẹp thiên tiên không vướng bụi trần và những tục tụy buông bỏ lại sau lưng. Thoát khỏi vòng luân hồi chìm đắm trong cõi nhân sinh phiền muộn là ý muốn của nhiều người khi đời đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Ta biết tác phẩm Động hoa vàng được Tuệ Không, tức Phạm Thiên Thư viết ra trong một hoàn cảnh đất nước chiến tranh, giữa một xã hội và thời sự đảo điên, lối sống thực dụng băng hoại nên lời thơ muốn thoát đi những dung tục đó tìm về một thế giới yên bình, hạnh phúc đơn sơ gắn bó với thiên nhiên như sông suối, đồi cỏ, mây hồng, triết lý của đạo phật phảng phất trong từng câu thơ, hình ảnh. Những ai yêu thích, say đắm bài thơ Động Hoa Vàng chắc sẽ bất ngờ khi biết nhiều hình ảnh, ý tứ của bài thơ được nhà thơ lấy cảm hứng từ căn gác gỗ ở khu cù lao Phan Xích Long. Hay nói một cách nào đó, khu cù lao Phan Xích Long chính là “động hoa vàng” thu nhỏ của Phạm Thiên Thư thời kỳ đó. Cũng chính nơi đây, ông đã trải qua những năm tháng sáng tác rực rỡ nhất trong cuộc đời mình. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ như Trụ Vũ, Thụy Long, cũng là nơi lui tới bàn chuyện con chữ thế sự của Phạm Duy, Sơn Nam... Năm 1968, gia đình nhà thơ mua 400m2 đất ở khu cù lao. Rồi ông sáng tác thi phẩm Động hoa vàng với 100 đoạn thơ trong giai đoạn nầy. Mỗi đoản khúc đượcmột tiếng hót của loài dị điểu, sẵn sàng yêu và chết, và để tiếng hót của mình rơi rụng trên giang.

Nói về Phạm Thiên Thư có người nhận xét: “người hiền sĩ ngồi bên lề cuộc sống ta bà, lặng yên thi hóa kinh phật”. Đọc thơ ông, ta tìm thấy những điều phong phú và mới lạ về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Giữa một thời đạn lửa, ông bình thản lập cho mình một cõi thi ca riêng: trong trẻo, trữ tình và đậm chất Thiền…

Trước hết Động hoa vàng theo tôi là một bài thơ ...tình chứa đậm rất nhiều thiền ý và gã từ quan trong bài cũng là người hành giả đang lang thang suốt đời luôn đi tìm một tình yêu trong sương khói mịt mù:

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Cái tình ấy bắt đầu từ việc “ Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, người ta những tưởng cái gã từ quan ấy chán ngán mệt mỏi lắm rồi sự gò bó của chốn quan trường đầy xu nịnh, buông bỏ tất cả lên non tìm sự nhàn nhã thanh thản trong phần đời còn lại của mình nhưng không phải thế, nó lại mở ra một cõi tình mênh mông, nỗi khao khát kiếm tìm tỉnh yêu trong một không gian đầy sương khói mờ ảo và mộng mị. Cái tình trong tác phẩm bàng bạc khắp nơi nhưng đó không phải là cái tình dung tục mà là một bản tình ca đôi lứa, có sự hòa quyện giữa đạo và đời đậm hương vị thiền. Giữa đạo và đời, giữa tình yêu và thiền học những tưởng không thể dung hòa với nhau được thế mà cái nhân vật trữ tình ấy, cái gã từ quan ấy mà tôi gọi đó là một hành giả lại vương vấn ở giữa hai dòng nước đời và đạo, giữa tình yêu trần tục và phật pháp trong bản ngã của mình.

Chẳng vậy mà trong suốt 100 khổ thơ lục bát 4 câu được dành nói về nàng, về nét đẹp của người thiếu nữ trong thơ được Phạm Thiên Thư diễn tả trong nhiều mối quan hệ biến hóa thiên hình vạn trạng, khi thì mờ mờ ảo ảo như sương khói khi thì lồ lộ rất trần thế nhưng không dung tục, ngay từ đầu ta đã thấy:

Mười con nhạn trắng về tha
          Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
          Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
          Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

Nhà thơ như muốn gởi một thông điệp đến người đọc một cảm thức một tình yêu thi vị đầy thiên tiên, người tình được nhìn,cảm nhận bằng một ngôn ngữ trong veo đầy thiền vị:

 Em nằm ngó cội thu xanh
          Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
          Về em vàng phố mây trời
         Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

       Nỗi buồn, nỗi đoạn trường lại được nhắc đến rất nhẹ nhàng:
         Thì thôi tóc ấy phù vân
         Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
        Thì thôi mù phố xe đường
       Thì thôi thôi nhé đoạn trường thế thôi”

Đôi khi những kỷ niệm của tình yêu chợt ùa về trong tâm tưởng tạo nên sự hoài niệm khôn nguôi về những ngày xưa cũ nhưng thật tinh khôi:

Nhớ xưa em chửa theo chồng
         Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
        Mùa thu áo biếc da trời
        Sang đông em lại đổi dời áo hoa

Trong một đoạn thơ khác, Phạm Thiên Thư đã dùng hình tượng con chim để nói lên điều đó:

Con chim mùa nọ chưa chồng
          Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
          Từ em giặt áo đông tơ
         Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

trong Động Hoa Vàng ta còn bắt gặp những hình ảnh gần gủi quen thuộc trong điển tích hay trong cổ thi được nhà thơ vận dụng một cách khéo léo nhuần nhuyễn để hiện chủ đích của mình:

Ta về rũ áo mây trôi
          Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
          Rằng xưa có gã từ quan
          Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Đoạn thơ làm ta nhớ đến Từ Thức gặp tiên trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, chán ngán trước những ràng buộc, gò bó của chốn quan trường mà treo ấn từ quan đi chu du thiên hạ còn ở Phạm Thiên Thư ông có làm quan đâu mà từ, như vậy nó chỉ là một cái cớ, một tiền đề thể hiện quan niệm sống của một tu sĩ có pháp danh Tuệ Không xem đời chỉ là cõi phù vân nên “rũ áo mây trôi” và bắt đầu cái ý tưởng phiêu bồng bằng việc “Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” vậy.

Hình ảnh Từ Thức tìm về thiên thai phải chăng được thể hiện qua đoạn thơ đầy biểu tượng nầy:

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
          Cửa non khép ải sương mù bóng ai
          Non xanh ướm hỏi trang đài
         Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

Ta còn bắt gặp một chút sự giống nhau về tâm thức của nhà thơ trong một đoạn khác:

         Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy

         Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ

       Làm ta nghĩ đến Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh gặp nhau lần đầu ở chùa Phổ Cưu, ở đồi Tây trong Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ. Một số câu thơ khác cũng vậy:

        Tưởng xưa có kẻ trên lầu
        Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

 

        Đường về hái nụ mù sa
        Đưa theo dài một nương cà tím thôi
        Thôi thì em chẳng yêu tôi
        Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

 

Ta còn bắt gặp trên bước lang thang tìm Động hoa vàng cho riêng mình, người hành giả ấy đã tự tạo cho mình một cuộc sống hòa vào thiên nhiên để từ đó thấy được niềm vui bất chợt và tâm hồn như được gột sạch bao nỗi buồn phiền:

 

Lên non cuốc sỏi trồng hoa
          Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
          Vớt con cá nhỏ lòng đòng
          Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ


          Một đêm nằm ngủ trong mây
       Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
       Cây bưởi trắng ngát hương đời
       Nụ là tay phật chỉ người qua song

         Chính vì thế chất thiền trong Động hoa vàng được nhà thơ thể hiện thông qua nhiều hình tượng, hình ảnh ẩn dụ, phóng dụ như: thông xanh, suối biếc, miền tuyết thơm, suối hoa rừng, thềm trăng, đồi Dạ Lan, miền cỏ hoa, bến hoa tươi...Tất cả những hình ảnh ấy rất đơn sơ, bình dị nhưng thật trong sáng thoát tục. Chúng ta thử điểm qua vài đoạn thơ như thế:

 

   Ta về rũ áo mây trôi
            Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

         Mùi hương hoa trong ấm trà mùa đông:

  Đất nam có lão trồng hoa
           Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông

thể là cánh hoa dại ven đường mùa đông:

 Bông hoa trắng rụng bên đường
          Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng

Hay ánh trăng in dấu hài hoa:

  Người về sao nở trên tay
           Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót hoa

Hoặc bóng trăng thanh bình nơi thôn dã:

  Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
           Thành đàn nảy hạt tỳ bà quyện hương

Bóng hạc nhuốm màu huyền thoại như trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

  Hạc xưa về khép cánh tà
           Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần

 

Mùa xuân trong Động hoa vàng được nhắc đến rất nhiều lần tràn đầy tiếng chim, hương hoa cây cỏ bốn mùa xanh mát, ánh trăng huyền diệu soi mái thề và ngay cả sự hoài niệm cũng mang hơi thở ấm áp nồng nàn của mùa xuân:

  Mười con nhạn trắng về tha
           Như lai thượng trụ trên tà áo xuân

 

 Mùa xuân bỏ vào suối chơi
          Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa

 

  Có con cá mại bờ xanh
           Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
          Giữa dòng cá gặp phù vân
          Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi

 

Con khuyên nó hót trên bờ
         Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
         Nhớ xưa có kẻ lên lầu
         Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

Rượu cũng thể thiếu với gã hành giả lang thang trên đồi cao cỏ biếc, đó cũng là lẽ thường tình được nhắc đến để nhà thơ thỏa mãn cảm hứng đề thơ hay ngâm vịnh, mượn rượu để gởi gấm tình yêu của mình:

Đưa nhau đổ chén rượu hồng
          Mai sau em có theo chồng đất xa


          Qua đò gõ nhịp chèo ca
          Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say

 

Đưa nhau đấu rượu hoa này
          Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm

 

Cửa sương nhẹ mở âm vào
           Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

 

Lại đem bầu ngọc ra trồng
          Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân

 

Động nam hoa có thiền sư
          Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

 

Nghiêng ly mình cạn bóng mình
          Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay

Đọc Động Hoa Vàng ta cảm nhận nó như một dòng suối chảy miên man trên một triền núi xa xăm đem nước nguồn tinh khiết vun bồi cho đất đai thêm màu mỡ, như một đám mây trôi bàng bạc khắp trời nhiều màu sắc tấu thành một khúc nhạc mong tìm thấy tri âm tri kỷ như Bá Nha Tử Kỳ nhưng thử hỏi trên đời nầy có được mấy người đạt được s nguyện như thế nên người hành giả ấy vẫn mãi lang thang đi tìm Động hoa vàng khắp đầu non cuối bể giống như Từ Thức giầy rơm nón cỏ chống thiền trượng tìm về thiên thai nhưng lối xưa đã che lp dấu giầy của tiên nương mất rồi.

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
           Cửa non khép ải sương mù bóng ai
           Non xanh ướm hỏi trang đài
           Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

Phải chăng đến một lúc nào đó ta cũng nên đi tìm một ĐỘNG HOA VÀNG cho riêng mình các bạn nhỉ?

  *Bên bờ Kênh Tẻ, Quận 7, tháng 10-2020

  NGUYỄN AN BÌNH

_______________________________________________________ 

Tham khảo:

-       Tìm “Động hoa vàng” của Đặng Tiến trên tập san Quán Văn số 32

-       Ý nghĩa của bài thơ Động hoa vàng của Nguyễn Mộng Khôi

-       “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư trên báo Tuổi Trẻ online ngày 5/12/2016

-       Bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư nhìn từ Văn Hóa Thiền của Hồ Tấn Nguyên Minh.

-       Đến Động hoa vàng gặp “Gã từ quan” của Lê Bá Lư

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét