Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

DẪU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN

 

 


 NGUYỄN AN BÌNH

                         DẪU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN

                                               *Tưởng nhớ nhà văn Trần Hoài Thư

 Vài ngày sau khi chị Yến mất, anh Trần Hoài Thư có tin nhắn cho tôi: Nguyễn An Bình- Anh nhớ có một ngôi chùa nữ(Sư Nữ) ở phia bên kia đường Phan Thanh Giản gần chợ, bờ sông bên đường ngày xưa có quán cà phê văn nghệ. Chị Yến hay đi chùa nầy. Em cho anh tin tức chùa nầy. Cám ơn em lắm lắm.

Đọc dòng tin ngắn ngủi tôi ngầm biết mục đích anh hỏi thăm ngôi chùa nữ ngày xưa còn ở Cần Thơ chị Yến hay viếng thăm cúng dường để làm gì nhưng với thông tin mơ hồ nên tôi hồi đáp: Em về sống ở Sài Gòn 7 năm nay rồi anh ạ, không biết ngôi chùa nữ ấy có còn nữa hay không. Anh hồi đáp – Nhờ em hỏi giùm. Anh muốn mang bình đựng tro cốt của chì Yến gởi vào chùa ấy. Nếu khó thì thôi. Đừng bận tâm. Tôi sợ anh hiểu lầm mình không nhiệt tình giúp nên viết cụ thể hơn: Không phải khó mà thông tin anh gởi không rõ ràng nên nói với người thân còn ở Cần Thơ dò hỏi giúp chắc cũng không biết hay khó tìm lắm anh ạ. Chắc anh Trần Hoài Thư cũng biết thế nên anh trả lời: Vâng, gần nửa thế kỷ rồi. Cám ơn em một lần nữa. Chị Yến sinh ở An Bình Cần Thơ...

Thật tình tôi cũng rất áy náy vì không giúp được gì cho anh trong việc nầy vì thông tin anh nói quá mơ hồ. Thời gian ngắn sau nhà văn Phạm Văn Nhàn điện về cho tôi hay: Anh Trần Hoài Thư nhập viện hôn mê sâu rồi em ạ. Bác sĩ Ngô Thế Vinh vừa báo cho anh, tiên liệu chắc không qua khỏi. Anh Nhàn cũng nói với tôi biết anh Thư có ước nguyện đưa tro cốt của chị Yến về ngôi chùa mà ngày xưa chị Yến thường đi lễ, có nhờ tôi tìm giúp nhưng không được, anh có giải thích cho anh Thư: Mấy mươi năm rồi ngôi chùa ấy không có tên, biết còn tồn tại không sao Bình tìm được, hơn nữa sức khỏe ông thế nầy làm sao đem tro cốt cô ấy về Việt Nam cho được, nên gởi tro cốt ở một ngôi chùa nào bên nầy thuận tiện hơn, anh Thư cũng đã đồng ý rồi. Hôm sau anh Nhàn lại báo: Anh Trần Quý Phiệt(anh trai anh Thư) điện báo anh Thư đã tỉnh lại rồi, anh mừng quá. Tôi cũng vui trong nỗi vui của anh, thì chỉ một thời gian ngắn Quí Thoại con anh Thư báo tin anh Thư vĩnh viễn rời xa cõi tạm. Anh Nhàn lại điện báo tin cho mọi người tin đau buồn này. Nhà văn Trần Hoài Thư mất lúc 6:35 sáng ngày 27 tháng 5 năm 2024(giờ bên Mỹ), Quí Thoại con anh Thư xác định trên trang fb của anh Thư như vậy.

“ Dẫu biết trăm năm là hữu hạn “, cuộc đời ai cũng một lần bước qua bờ sinh tử, Anh Thư giờ đã được gặp lại chị Yến ở một bến bờ an lạc nào đó. Thời gian sẽ làm cho người ta lãng quên đi tất cả, bao niềm vui hạnh phúc, sự muộn phiền sẽ theo dòng thời gian cuốn về một nơi xa lắc không dễ ai tìm lại được nhưng lịch sử văn học Việt Nam không thể quên có một người – một nhà văn có tên TRẦN HOÀI THƯ – tự nguyện khâu vá di sản văn chương miền Nam đã bị khói phần thư đốt cháy.

Tôi có hai bài thơ viết tặng anh đã lâu giờ xin được đăng lại như một nén tâm hương gởi người đã khuất, một tình cảm chân thành người em văn nghệ luôn yêu quí tấm lòng của anh đối văn học miền Nam.

 

KHI NGHE SÓNG TỪ TRƯỜNG

*Tặng anh Trần Hoài Thư

 

Từ khi bẻ súng bên trời

Cánh chim phiêu bạt một đời tha hương

Hỏa châu treo giữa chiến trường

Núi xương sông máu lạc đường chung thân.

 

Từ khi binh lửa lụi tàn

Chinh y trút xuống khoác thân tù đày

Góc rừng lam khí trùng vây

Gò hoang bãi vắng sương dày âm u.

 

Từ khi ngọn khói phần thư

Đốt tan kinh sử bụi mù tàn hương

Đi tìm di sản văn chương

Miền Nam, còn lại tiếng chuông gọi hồn.

 

Mười năm nước đã xa nguồn

Mười năm tro lạnh ăn luồng qua tim

Mười năm chao chát nỗi niềm

Mười năm dâu bể trôi chìm ngọc châu.

 

Mài gươm đã bạc mái đầu

Dưới trăng tiếng hạc bên cầu kêu sương

Còn nghe trong sóng từ trường

Máu tim người lính treo buồn thiên thu.

 

 

MỘT LẦN ĐƯỢC VỊN TAY NHAU

 

Vịn thơ tôi đứng làm người

Lần walker bước reo vui lạ lùng

Sách báo người bạn thủy chung

Bàn tay lóng ngóng còng lưng in bài.

 

Vịn em tôi sống lại rồi

Khi nghe em hát bên đồi hoa sim

Em đừng làm tôi chết chìm

Vui như ngày đó con tim nồng nàn.

 

Vịn người làm cuộc hóa thân

Vịn vào lục bát gieo vần tự do

Yêu thương đâu phải tình cờ

 Trăm năm duyên nợ hẹn hò đôi câu.

 

Một lần được vịn tay nhau

Nước cam lộ tưới nhiệm mầu niềm tin

Núi rừng mưa lũ nhục vinh

Đường xa chân cứng đá mềm mà đi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

ĐOÀN VỊ THƯỢNG, ĐÓA HỒNG CHO TÌNH YÊU THỜI ÁO TRẮNG

 BÀI CĂM NHẬN VỀ THƠ ĐOÀN VỊ THƯỢNG TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ SỐ 18 THÁNG 5-2024






 ĐOÀN VỊ THƯỢNG, ĐÓA HỒNG CHO TÌNH YÊU THỜI ÁO TRẮNG

                                                               *NGUYỄN AN BÌNH


*Nhà thơ Đoàn Vị Thượng(1959-2021) tên thật là Trần Quang Đoàn, quê quán Thừa Thiên-Huế, có một thời đi dạy học khoảng 10 năm, sau chuyển sang làm báo. Có thơ đăng báo rất sớm từ khi còn học cấp 2. Các tác phẩm chính của anh đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi(thơ), Thơ Đoàn Vị Thượng-Phan Thị Nguyệt Hồng-Lê Minh Quốc, Chuyện tình chim hót(truyện dài), Môi thơm(truyện dài), Tóc em còn thả mùa đi học(truyện dài), Thơ Đoàn Vị Thượng. Sau khi anh mất(2021), người thân và bạn bè đã tập hợp những bài thơ anh viết sau nầy in thành tập thơ “Thơ tình&những bài áo trắng” cho anh như một kỷ niệm đối với người đã đi xa.

Nhắc đến Đoàn Vị Thượng, người ta thường gọi đùa anh là nhà thơ của Áo Trắng, có lẽ vì thơ anh viết cho thời áo trắng khá nhiều và có nhiều bài thơ ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thơ như bài Bụi Phấn.Trong một lần trả lời một bạn trẻ trên tập san Áo Trắng câu hỏi: “Tại sao thơ và truyện của anh hay viết về tuổi mới lớn trong khi lứa tuổi đó của anh đã qua từ lâu rồi. Phải chăng anh còn nuối tiếc quãng đời ấy?”, anh đã tâm sự một cách thật lòng: “Không làm gì hơn là phải tự gạn lọc chính mình, mà điều quan trọng là phải sống cho thật lòng. Kỷ niệm của một thời áo trắng luôn sống động trong tôi, nó giúp tôi “tạo tác” đề tài và cảm xúc mỗi khi “ngó lại”.”

Cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy đang dạy Đại Học Sư Phạm Huế nhớ lại lần đầu tiên biết đến thơ Đoàn Vị Thượng một cách tình cờ nhưng đầy ấn tượng trong những năm còn đi học: “...trong một buổi chiều trong vườn nhà một người bạn ở thành nội Huế, chúng tôi được nghe một người bạn là sinh viên Văn khoa đọc bài thơ Xin lỗi em và bài Bỗng nhớ lại. Lúc đó, tất cả chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng, choáng ngộp vì lần đầu tiên nghe được những bài thơ day dứt, tha thiết, tình cảm và cao hơn hết đó là một tâm hồn thơ.

Từ đó, chúng tôi bắt đầu tìm đến với thơ Đoàn Vị Thượng(ĐVT). Hầu như trong các sổ chép tay của bạn bè tôi đều có thơ của ĐVT...”

(Tôi đến với tri âm – Nguyễn Thị Tịnh Thy)

Nhắc lại như thế để biết thơ anh từ lâu đã có một chỗ đứng nào đó trong lòng lứa tuổi thanh niên yêu thơ như thế nào. Riêng tôi biết đến thơ anh rất trể vì có một thời gian rất dài tôi không tham gia viết lách, thậm chí khi về Sài Gòn định cư, sống cùng một thành phố với anh nhưng cũng không có dịp gặp gỡ, bù khú cà phê cà pháo cùng anh khi tôi trở lại con đường văn chương, nhưng thơ anh đôi khi tôi có đọc đâu đó vì anh sau nầy sáng tác thơ cũng ít đi và khá thờ ơ đến việc giới thiệu thơ của mình trên báo chí. Tập thơ “Thơ tình&những bài áo trắng” tôi muốn giới thiệu ở đây có lẽ là tập thơ cuối cùng của anh được xuất bản do bào huynh Từ Nguyên Thạch và các bạn thân của anh in cho sau ngày anh mất.

Tập thơ in rất trang nhã, dày khoảng 170 trang và khoảng 90 bài thơ chia làm 2 phần: Phần 1: Thơ tình, phần 2: Những bài áo trắng. Thật ra sự phân định như thế chỉ làm cho người đọc cảm nhận có chút gì đó phân biệt chứ giới hạn của nó theo tôi thật mong manh và nói rõ hơn tất cả dều là những bài thơ tình mà thôi.

Có nhiều nhà thơ nhận định: Thơ anh rất đổi hồn nhiên, mặc dù đa số thơ anh viết đều sử dụng thơ truyền thống nhất là thơ lục bát, nhưng ai đọc thơ Đoàn Vị Thượng đều cảm nhận được sự sáo mòn không lập lại trong đó. Chẳng hạn khi viết về mối tình thời áo trắng anh đã có góc nhìn, suy nghĩ rất mới khi đặt mình vào vị trí của một người quan sát. Tôi thích nhất mấy câu thơ sau của anh trong bài Trước cổng trường con gái:

Cô gái ấy đi ra... mười năm không thấy lại

Chỉ các em cứ lũ lượt tan trường

Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại

Tay tôi cầm muốn gỡ sợ tơ vương

 

Nên cứ mỗi buổi chiều tan lớp học

Khi các em đang rối rít hẹn hò

Mắt lơ đễnh thoáng ngạc nhiên bất gặp

Có một người đãng trí đứng buồn xo.

(trang 116) 

Phải chăng tình yêu trong thơ Đoàn Vị Thượng là những đóa hoa hồng dành tặng cho một ai đó thoáng đi qua trong cuộc đời anh:

Tình yêu có làm tôi đớn đau cũng là điều hạnh phúc

Như mũi ngữi hoa hồng – tay chảy máu vì gai

Lúc ấy máu của tôi sạch nhất

Còn hương kia thơm suốt những năm dài.

(Hoa hồng tình yêu – trang 15) 

“Hương thơm suốt những năm dài ấy” sẽ theo ai, về phương trời nào không ai biết được nhưng ít nhất cũng có những cô gái tên Nguyên(Những ví dụ về Nguyên, Trước dự định lấy chồng của Nguyên) hay Diệu(Diệu) hoặc Vi Lan(Thơ gởi Vi Lan)...Thơ tình viết sao ví von, dễ thương mà lạ lẫm đến thế:

...Thơ anh không phải vi-la

Để em lộng lẫy vào ra mỗi ngày

Thơ anh là một vòng tay

Sẵn sàng mở đón em đầy trong anh

 

Lê Thị Vi Lan nghe không

Đợi ngày gió lớn anh...bồng em đi.

(thơ gởi Vi Lan – trang 39)

   Trước khi làm báo Đoàn Vị Thượng có một thời gian dài dạy học nên thơ tình thấp thoáng những tà áo dài khi đến lớp của các cô giáo là điều tất nhiên, giống như một với một là hai vậy thôi. Nhẹ nhàng, tha thiết, có chút ngập ngừng như ngọn gió vờn nhẹ qua bờ vai, có chút trong veo như giọt sương buổi sớm, có chút lãng đãng như khói sóng hoàng hôn nhưng cũng rất xốn xang, thổn thức trái tim các cô lắm đấy:

Đưa cô giáo mới đến trường

Lòng vui theo ngọn nắng hường ngẩn ngơ

Phải con đường sáng nay chờ

Âm vang tiếng guốc điểm giờ sang thu

.....

Đưa cô giáo mới đến trường

Người đưa cũng chẳng bình thường nữa đâu

Đưa người hay cũng đưa nhau

Ngôi trường – tháng chín thành câu hẹn hò.

(Đưa cô giáo mới đến trường – trang 22)

Hay ở một bài thơ khác trong một tâm thức khác:

Một ngày cô giáo về

Cỏ sân trường xanh hơn

Níu chân ta ngồi lại

Liếc ai qua tủi hờn

Hành lang cao hơn cỏ

Ta làm sao tỏ bày

Che giùm ta tội lỗi

Hỡi hai hàng lá cây

Ta nghe mùi khuynh diệp

Hăng mối tình đầu tay

(Một ngày cô giáo về - trang 141)   

Thơ áo trắng của Đoàn Vị Thượng như tiếng đàn muôn điệu, khi lên bổng lúc xuống trầm, tuy không phải làm cho người yêu thơ lúc nào cũng cảm nhận tiếng đàn ấy hay ở chỗ nào, hình dáng nó ra sao thì hãy xem nó như ...một chút hương thoảng qua thời học trò đi vậy:

Tóc em dài tuổi mười lăm

Giấu riêng trong cặp chiếc khăn học trò

Hương ngọc lan trắng thơm tho

Đừng ai theo bước hỏi dò: hoa đâu?

(Còn một chút hương bay – trang 100)

Đôi lúc cũng rộn ràng ngây thơ như những bước chân sáo:

Cho anh theo với

Sáng nay tựu trường

Áo dài đừng vội

Lấm bùn ai thương?

(Với em, mùa tưu trường – trang 106)                    

Đôi lúc thơ anh có một chút gì đó của thơ Nguyễn Tất Nhiên, có chút đắng cay hờn dỗi đi qua bể dâu đời người:

Anh đi dò lại mười năm trước

Dù vắng quanh đây bóng bạn bè

Khi bị những oán thù vây rượt

Anh nhờ áo trắng dịu dàng che

(Đi theo áo trắng – trang 110)

Và thêm một chút hoài niệm khôn nguôi(Hoa vàng bờ giậu cũ), ngỡ mây là áo trắng người xưa(Em đi bỏ lại mây trời), bâng khuâng bên trường cũ(Về trường cũ), nhớ một thuở theo người(Theo em), thôi thì gởi lại tuổi thanh xuân một chút gì một thời để nhớ:

Thanh xuân ơi, tôi biết tuổi thanh xuân

Sẵn sàng đi qua không bao giờ trở lại

Tôi chẳng giấu lòng mình muốn tải

Rất nhiều điều đi với tuổi thanh xuân.

(Thơ gởi tuổi thanh xuân – trang 156)

         Đoàn Vị Thượng có nhiều bạn văn, họ đọc thơ, cảm nhận thơ anh ở những góc độ khác nhau, chẳng hạn Nhà thơ Lê Xuân đã có lời bình khá thú vị về bài thơ “Trước cổng trường con gái” của Đoàn Vị Thượng: Tuổi học trò với bao kỷ niệm đẹp về tình thầy nghĩa bạn, về mái trường và hàng cây yêu dấu. Nhưng có lẽ không có kỷ niệm nào đẹp và ngọt ngào bằng sự rung động đầu đời của con tim ở tuổi đầy mộng mơ. Tình yêu ở lứa tuổi học trò có khi chỉ là tình cảm về bạn khác giới, muốn nói mà không dám cất lời, phải mượn những phong thư nói hộ. Nhà thơ sống lại với kỷ niệm xưa. Cũng cổng trường này, cô gái ấy đi ra. Anh vẫn giữ mãi môt phong thư mười năm chưa kịp gởi. Tác giả chỉ viện cớ thất lạc số nhà thôi, vì không có địa chỉ của người mình yêu, cũng là cái cớ để tự an ủi lòng. Có lẽ đó là một tình yêu đơn phương? Nó vừa khấp khởi lo âu, vừa hồi hộp chờ đợi mà không dám tâm sự, giãi bày, ngập ngừng kiểu Cởi ra khó cởi, trao lời khó trao (Xuân Diệu). Cô gái ấy đã đi ra từ cổng trường này mười năm không trở lại. Còn tác giả thì cứ hy vọng, cứ cầu mong Nào các em hãy nhận dùm tôi với. Cảnh vẫn còn đó, người xưa đâu thấy. Đây là tứ thơ từ đông, tây, kim, cổ nhiều người đã viết. Nhưng Đoàn Vị Thượng đã vượt lên cách diễn đạt ước lệ ấy bằng một câu thơ đẹp, rất dân tộc mà hiện đại:

                Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại

                Tay tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương.

         Còn với nhà thơ Vũ Xuân Hương, người cùng làm việc với anh một thời gian dài ở tạp chí Tài Hoa Trẻ thì có cái nhìn ngắn gọn nhưng vô cùng sắc lẻm: Những câu thơ của Đoàn Vị Thượng chắc hạt, chân tình, hồn hậu – thứ ngày càng hiếm trong thơ phú ngày nay.”. Đoàn Đại Tri trong bài viết Khi bụi phấn đã bay về trời, anh có nhận xét: “Với nhiều độc giả, thơ Đoàn Vị Thượng mang một nét khá riêng là nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng cũng ẩn ức những thăng trầm của cuộc đời. Những câu thơ dường như cố ẩn mình đi, xa lánh những bon chen phố thị.

        Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có sự so sánh đối nghịch mà tôi cho rằng khá rõ nét: “...Bùi Chí Vinh giọng Nam bộ ngang tàng hào sảng, Đoàn Vị Thượng giọng Quảng Ngãi mộc mạc, chân chất, âm sắc hơi nhừa nhựa nghe rất duyên. Tôi nghĩ, phải yêu thơ cực kỳ mới có thể hứng thú và nhập tâm những bài thơ… không phải của mình đến vậy. Điều đó nói lên thái độ trân trọng với thơ và phải có tấm lòng liên tài đặc biệt, điều hiếm có với giới sáng tác vốn bị đóng khung trong thành kiến “văn mình vợ người”.

Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình. Bởi khi con người đã đốn ngộ, tâm đã tịnh, không muộn phiền nào có thể quấy nhiễu được nữa.

          Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn Đoàn Vị Thượng ở một góc độ chiều kích thời gian trong thơ Đoàn Vị Thượng: Thời thanh xuân, nhà thơ Đoàn Vị Thượng từng hồ hởi: “Với những hy vọng của tôi, tôi không giữ trong lòng/ Tôi ao ước được chia đều tất cả/ Và cũng muốn được nhận nhiều hơn thế/ Tôi tắm mình trong bầu bạn anh em”. Và anh đã có khoảng một thập niên dạt dào vần điệu. Với thái độ gượng nhẹ những xung khắc và những bất hòa xung quanh, nên thơ Đoàn Vị Thượng không mạnh về ngổn ngang thế sự, về triết lý nhân sinh, về sạt lở đạo đức. Thơ Đoàn Vị Thượng chọn cách “đi theo áo trắng” để đứng gần những tình cảm trong trẻo: “Anh đi dò lại mười năm trước/ Dù vắng quanh đây bóng bạn bè/ Khi bị những oán thù vây rượt/ Anh nhờ áo trắng dịu dàng che”.

 

*

         Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thơ Đoàn Vị Thượng đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cây cỏ. Anh yêu thơ, có một đời sống thơ trong trẻo, một đời sống chết vì thơ: Trong các văn hữu cùng thế hệ với tôi, Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng là hai người thuộc thơ nhiều nhất. Không chỉ thơ mình, cả hai còn thuộc nhiều bài thơ hay của các thi sĩ khác. Mỗi lần ngồi lai rai và đàm đạo thi ca với Vinh và Thượng, thật thú vị khi nghe cả hai cao hứng “phun châu nhả ngọc”.  Chúng ta hãy để hồn thơ ấy hòa vào phù sa đất cát làm phân bón cho cây cỏ hồn nhiên xanh tươi bốn mùa. Hãy để những hạt phấn kia bay về trời và cuộc viễn du kia ít ra cũng mở một chân trời mới cho bao kẻ yêu thơ Đoàn Vị Thượng:

Trong giấc mơ tôi, những viên phấn hằng đêm vạch sánh những hành trình

Bảng xanh trước các em là chân trời rộng mở

Thì bụi phấn ơi, cứ tan mình trong gió

Nơi trăm miền sẽ còn có dấu tay tôi.

(Bụi phấn)

Sài gòn, bên bờ Kênh Tẻ- tháng 9-2023

NAB

 

Tham khảo:

1-    Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại của Lê Xuân

2-    Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Soi vào từng con mắt láy đen của Lê Thiếu Nhơn

3-    Tôi đến với tri âm của Nguyễn Thị Tịnh Thy

4-    Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Khi bụi phấn đã bay về trời của Đoàn Đại Trí

5-    Đoàn Vị Thượng&Cây cỏ hồn nhiên của Nguyễn Nhật Ánh

 


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI
ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG
THƠ NGUYỄN AN BÌNH, PHỔ THÀNH CA KHÚC NHẠC SĨ LÊ PHƯỚC LONG
Cám ơn rất nhiều ông bạn nhạc sĩ xứ Tam Nông Đồng Tháp




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

NẮNG BÊN SÔNG

CA KHÚC PHỔ THƠ MỚI
NẮNG BÊN SÔNG
THƠ NGUYỄN AN BÌNH, PHỔ THÀNH CA KHÚC NHẠC SĨ MỘC THIÊNG.
CÁM ƠN ÔNG ANH NHẠC SĨ RẤT NHIỀU






Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

NGÔN NGỮ SỐ ĐẶC BIỆT

NGÔN NGỮ SỐ ĐẶC BIỆT VỪA PHÁT HÀNH SÁCH VỀ VIẾT "ĐỖ NGHÊ-ĐỖ HỒNG NGỌC BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG". SÁCH DÀY 717 TRANG, GIÁ BÌA 50$ (BÌA MỀM.

RẤT VUI ĐƯỢC GỐP MẶT TRONG TẬP SÁCH NÂY VỚI BÀI VIÊT: "MỘT CHÚT TẢN MẠN CÙNG TẬP "THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ"






Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

NHỮNG ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

THƠ TRÊN TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC 15/05/2024
NHỮNG ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG


Thơ NGUYỄN AN BÌNH

 NHỮNG ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

 

Dưới tán cây sa la

Hoa vô ưu bừng nở

Chim cất khúc hoan ca

Ánh hào quang rực rỡ.

 

Vườn thiêng Lâm-Tì-Ni

Ngày đản sinh Đức Phật

Ánh sáng lửa từ bi

Soi ba ngàn thế giới.

 

Bảy đóa sen hồng tươi

Nâng niu bàn chân ngọc

Tay chỉ đất chỉ trời

Mở khai nguồn chánh pháp.

 

Những đóa hoa vô thường

Hương thơm dường mở lối

Tỏa sáng vầng thái dương

Xua bóng đêm tăm tối.

 

Nguyện theo ánh đạo vàng

Thắp niềm tin an lạc

Lời dạy Đức Thế Tôn

Ngọn nguồn dòng suối mát.

 

Những đóa hoa vô thường

Gieo trồng mầm chánh đạo

Nuôi dưỡng bao tâm hồn

Trước bến bờ giác ngộ.

19/02/2024


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC

TRUYỆN NGẮN TUYỂN CHỌN VÀO TUYỂN TẬP VĂN XUÔI CỦA HỘI NHÀ VĂN CẦN THƠ NĂM 2024

NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC




                                   NGƯỜI KỂ CHUYỆN RỪNG SÁC

                                                                  *NGUYỄN AN BÌNH

  Một ngày tôi về Cần Giờ đến với Rừng Sác là một ngày mưa xuân dịu nhẹ và ngắn ngủi, nắng lên vàng ruộm và rực rỡ biết bao. Tôi về Rừng Sác theo lời mời của người bạn thời đại học. Anh Hưng con một chiến sĩ Rừng Sác năm xưa, sau chiến tranh tình nguyện ở lại xây dựng cuộc đời với một nữ dân quân ở đây. Anh sinh ra từ mảnh đất mang đầy thương tích của cuộc chiến trong niềm yêu thương của cha mẹ nên anh yêu thương Cần Giờ, Rừng Sác như chính bản thân mình. Sau khi tốt nghiệp anh về lại Cần Giờ dạy học với khát vọng đóng góp công sức mình cho sự đổi mới mảnh đất còn nhiều khó khăn thiệt thòi, được là người truyền lửa trao cho thế hệ sau thông điệp chiến đấu hào hùng của thế hệ cha ông đi trước. Trong quá trình dạy học anh thường tổ chức cho học sinh tham quan di tích Rừng Sác, thỉnh thoảng mời bạn bè cũ thăm nhà, giới thiệu Cần Giờ, hướng dẫn thăm chiến khu Rừng Sác một thời vang dội bằng những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong đó có sự đóng góp nhỏ bé của người cha thân yêu.

Chúng tôi gặp nhau một điểm đã hẹn trước, cùng cà phê ăn sáng rồi lên đường. Vừa đi anh vừa nói, giải thích cho tôi nghe: “Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác tọa lạc tại xã Long Hòa huyện Cần Giờ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh gần 60 km, hiện nay có diện tích hơn 2.200 hecta, trong đó có 514 hecta đã và đang được khai thác phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trước đây còn có tên là Lâm Viên Cần Giờ, địa danh gắn liền với các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 anh hùng. Trải qua hơn 45 năm chiến tranh, chiến khu Rừng Sác đã được phục dựng thành một địa điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.”

Trước khi đến theo lời mời của anh, tôi cũng tìm hiểu chiến khu Rừng Sác qua sách báo, tin đài nên cũng hiểu sơ bộ về nó. Theo dòng lịch sử, nhận thấy vị trí chiến lược của Rừng Sác, sông Lòng Tàu, cửa ngõ đường thủy chiến lược quan trọng của chế độ Sài gòn, ngày 15/4/1966, Bộ chỉ huy Miền thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác đóng tại đây với mật danh T10, có nhiệm vụ thọc sâu, áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu Rừng Sác tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng cơ quan đầu nảo sào huyệt của địch. Một trong những trận đánh nổi tiếng là trận đánh bằng thủy lôi vào tàu Victotia tháng 8-1966, đã làm nổ tung con tàu trọng tải hơn 10 nghìn tấn chìm dưới dòng sông mang theo nhiều khí tài quan sự quan trọng. Trận đánh thứ hai oai hùng hơn không kém, trận đánh kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng. Chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về”, kho xăng cháy suốt 12 ngày đêm không tắt. Rồi kho bom thành Tuy Hạ và nhiều trận đánh khác làm chế độ Sài Gòn run sợ muốn biến Rừng Sác trở thành vùng đất trắng bằng cách rải thảm chất độc hóa học, xiết chặt phong tỏa mọi nguồn tiếp túc vào chiến khu Rừng Sát. Có một thời kỳ lương thực rất thiếu thốn chiến sĩ Rừng Sát chỉ ăn cháo, rau dại nhưng vẫn bám sát trận địa không rời.

  Anh Hưng đưa tôi đến viếng Đền thờ chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Chúng tôi đốt nhang tưởng niệm một cách trang trọng thành kính. Trong đền có gắn nhiều bia đá khắc tên những người anh hùng ngã xuống, ta thấy họ đến đây từ nhiều tỉnh thành cả nước, có người quê tận Lạng Sơn, có người cuối miền đất nước  như Bạc Liêu, hội tụ về đây là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, chiến đấu anh dũng viết nên khúc tráng ca oanh liệt của một thời chống Mỹ và những cuộc đời ngắn ngủi ấy đã đi vào huyền thoại đúng như lời người đoàn trưởng năm nào, Đại tá Lê Bá Ước đã viết về đồng đội của mình bằng mấy câu thơ: “Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ. Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ. Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng. Mỗi người ngã xuống một bài thơ”.

 Nằm trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác. Đến nơi đây chúng tôi phải di chuyển bằng ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm, tán lá xanh ngát phủ kín cả mặt sông, chúng ta rất khó hình dung thời chiến tranh nơi đây đã hứng lấy hàng ngàn lít chất độc hóa học, hàng trăm tấn bom đạn trút xuống hủy diệt môi trường và sự sống. Chúng tôi di chuyển trên những con đường lát bằng gỗ đước rọp mát bởi những hàng cây đước cứng cáp chỉa thẳng lên trời xanh. Ở chiến trường xưa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ dang cho phục dựng lại các mô hình mô phỏng lại những hoạt động chiến đấu, sinh hoạt, công tác của chiến sĩ Rừng Sác một cách sống động, đi trên con đường lát gỗ ngoằn ngoèo dài hơn 1 km chia thành nhiều ngả nhỏ. Mỗi ngã dẫn đến một khu vực khác nhau, nhà trưng bày với các hiện vật của chiến sĩ từng sử dụng như bi đông, đèn pin, dây nịt, quần áo, bạt dù, nhà chiếu phim, nhà thông tin với máy đánh chữ, phát điện cầm tay, điện đài, hầm chữ A làm nói trú ẩn tránh bom, nhà ăn tập thể với những dãy bàn ăn đơn cũng làm bằng cành gỗ đước, hình ảnh chiến sĩ anh nuôi được phục dựng rất đặc sắc, nhà quân nhu, nhà chế tạo vũ khí, nhà quân y, nhà trưng bày mô hình tác chiến...tất cả như hiện ra trước mắt chúng ta sống động.

 

Anh Hưng kể thêm về cảnh sinh hoạt trong chiến khu, sự chiến đấu hy sinh anh dũng của họ, anh nói về cái chết của hai trung đội trưởng đặc công Nguyễn Nghĩa và Trần Khét, về nữ chiến sĩ quân y Nguyễn Kim Mến –Tư Mến - từ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi lại vượt Trường Sơn  về Nam chiến đấu ở Rừng Sác lúc anh dũng hy sinh trên vai còn nặng trĩu túi cứu thương, về mẹ anh hùng Hai Trầu cùng với 3 con trai, 1 con gái cùng tham gia đơn vị đặc công Rừng Sác từ thuở ban đầu, bản thân m từng được phong cấp hàm đại đội phó của quân giải phóng, bị địch bắt mấy lần, đày ra Côn Đảo đến tận ngày 30-4-1975 mới trở về... 

Thú vị hơn khi nghe anh kể về chuyện một chiến sĩ được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt cá sấu tại Rừng Sác trong thời kháng chiến chống Mỹ. Chiến sĩ Hoàng Chương Dương, quê Mỹ Xá tỉnh Nam Định, vào Nam chiến đấu ông Dương được phân về đội 1 Đoàn 10, ông cùng đồng đội đánh cháy nhiều tàu chiến của địch trên sông Lòng Tàu, Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Trong một lần trinh sát địch ở Lòng Tàu, ông bị thương do trúng đạn của địch nhưng cố bơi về phía rạch Chàm để thoát thân. Bất ngờ bị cá sấu tấn công, cả hai cánh tay nằm trọn trong miệng cá sấu, nhờ bình tĩnh ông đã kịp rút dao đeo bên người đâm những nhát chí mạng vào con cá sấu thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.

,

              Len lỏi trên kênh rạch giữa những hàng cây mắm, đước, bần, trước mắt chúng tôi là tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đặc công Rừng Sác đã hy sinh. Hình ảnh hai người lính trong tư thế săn sàng chiến đấu, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực mắt nhìn thẳng về phỉa trước, một người tay ôm bộc phá tay đưa thẳng lên cao, người phía sau một tay đưa ngang một tay đưa thẳng thể hiện sự quả cảm được đặt trên nền cách điệu tượng trung cho những ngọn sóng đang dâng trào. Chúng tôi lặng lẽ thắp hương tưởng niệm. Nhìn tấm biển đồng ghi rõ “Nơi đây, đã có 860 chiến sĩ đặc công hy sinh”, tự nhiên tôi cảm  thấy mình trở nên quá nhỏ bé trước những con người vĩ đại đã khuất.  Họ chiến đấu dũng cảm nhưng hy sinh vô cùng thầm lặng, họ xứng đáng sống mãi trong lòng dân tộc và trái tim của mọi người dân trên mảnh đất nầy.

Từ khu di tích tôi ghé lại nhà Hưng ngủ một đêm. Lâu ngày không gặp nhau chúng tôi có nhiều chuyện muốn kể cho nhau nghe, từ công việc, chuyện vợ con rồi những dự tính cho tương lai... Để cho buổi họp mặt thêm vui, anh mời thêm một số bạn bè thân thiết đến tham gia. Bạn cuả anh là những người gắn bó với mảnh đất nầy từ lâu nên tâm hồn rất phóng khoáng cởi mở. Đêm Rừng Sác mênh mông thường ngày chỉ có tiếng chim xao xác, tiếng gió hú gọi ngàn, bỗng vang lên tiếng hát câu hò rôm rả của những người yêu Cần Giờ, Rừng Sác như yêu chính máu thịt của mình, cũng trong đêm đó tôi đã được anh đọc cho nghe bài thơ “Bên tượng đài Rừng Sác” với giọng đọc đầy truyền cảm xúc động. Bài thơ của trung tướng Phạm Quốc Trung, ông viết trong một chuyến công tác của Bộ Quốc Phòng về thăm Rừng Sác năm 2015, cảm phục trước ý chí quật cường, sự hinh sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa ông sáng tác bài thơ nầy, tôi vẫn nhớ mãi hai đoạn thơ đầy nỗi lòng của ông:

              “...Tượng đài các anh xanh rợp bóng cây. Ngát hương thờ hơn tám trăm liệt sĩ. Bao đồng đội chưa về nơi yên nghỉ. Cuộc chiến xa rồi, vẫn chưa dứt nỗi đau.

               Anh đang ở đâu, đáy sông Lòng Tàu? Đã hóa mây trời khi đánh Thành Tuy Hạ? Hay trong lửa xăng Nhà Bè nghìn độ? Xin hãy về theo làn khói hương bay...”

Sau gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, từ một vùng đất nghèo, Cần Giờ đã đổi thay rất nhiều. được quy hoạch và phát triển thành khu du lịch phát triển nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Rừng Sác là điểm về nguồn đầy thú vi thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, về Rừng Sác du khách còn tham quan Đầm Dơi, sân chim, đảo khỉ, xem cá sấu săn mồi và khám phá thêm hệ động thực vật hiện hữu nơi đây.

NGUYỄN AN BÌNH