Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

NGUYỄN AN BÌNH,NGƯỜI MIỆT MÀI TRẢ NỢ VĂN CHƯƠNG

 



TRẦN DZẠ LỮ

Hồi ức

DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ ( Phần 80)

 

NGUYỄN AN BÌNH,NGƯỜI MIỆT MÀI TRẢ NỢ VĂN CHƯƠNG

 

Nguyễn An Bình tên thật Lương Mành sinh năm 1954 tại đất Tây Đô-nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ nổi danh.Bình học hết tiểu học, trung học rồi đại học.Anh học Đại Học Sư Phạm ban Việt Hán tại quê nhà..Ra trường là một thầy giáo dạy ngữ văn ở Cần Thơ.Trước năm 1975, anh đã làm thơ, viết truyện khá nhiều đăng trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn và có quan hệ tốt với nhiều nhà văn, nhà thơ đất Tây Đô cũng như Sài Gòn-nơi hội ngộ, giao lưu văn chương cực tốt.Anh không chỉ dạy học cần mẫn mà trước tác rất miệt mài trong âm thầm, lặng lẽ nhưng là ngọn sóng ngầm…Năm 2016 anh về hưu và chuyển về quận 7-TP Hồ Chí Minh.Không gian và thời gian này, Nguyễn An Bình khác chi con kình ngư ngoài biển lớn thoả thích vẫy vùng…Không chỉ cộng tác với nhiều báo chí lớn nhỏ trong nước, ngoài nước mà anh còn viết và in tác phẩm nhiều đến…chóng mặt!.Qua học ,đọc trải nghiệm nhiều với vốn tri thức phong phú, Nguyễn An Bình đã có một gia tài tinh thần đồ sộ hiếm thấy.Sự bền bỉ trước tác này khiến tôi nghĩ đến một Balzac,một Victor Hugo,một LevTolstoy,một Poe,một Whitman,một Goethe…viết lách không còn biết đến thời gian là gì.Trong nước, thì tôi nhớ nhà văn Vũ Trọng Phụng ngày xưa,viết như điên để trả nợ áo cơm, trả nợ đời đến ho lao mà chết.Giờ đây Nguyễn An Bình viết bởi đam mê và để trả nợ văn chương trong tư thế của một người thật khoẻ mạnh, thật sung sức.Điều này chúng ta rất nên mừng.`

Biết nhau đã lâu nhưng mới quen Nguyễn An Bình từ năm 2016 khi giao lưu văn nghệ ở Quán Văn.Tôi quý Bình ở chỗ chí tình và thẳng thắn.Không chỉ chí tình với tôi mà tất cả ACE Bình quen biết.Và cũng biết Bình hướng Thiện và tránh xa điều Ác, cả ngoài đời cũng như trong văn chương.Tôi chưa thấy thơ ai được phổ nhạc cả ngàn bài thơ bởi nhạc sĩ Mộc Thiêng( 300 bài ) và các nhạc sĩ khác ( 700 bài)..Tôi nghĩ thời gian và công chúng có ơ hờ ra sao thì chi ít cũng còn có một số bài của anh và các nhạc sĩ được lưu danh sau này.

 Tôi giới thiệu về NAB ngắn gọn thế thôi.Thơ văn của Nguyễn An Bình sẽ là câu trả lời chính xác nhất khi bạn bước vào cõi riêng của tác giả.

 

ChùmThơ NGUYỄN AN BÌNH

DẤU CHÂN QUA CẦU HIỀN LƯƠNG

 

Đọc bài thơ “ Đưa dâu qua cầu Bến Hải”*

Lòng thấy vui  sao thoáng chút bùi ngùi

Dòng sông của một thời đất nước chia đôi

Cầu Hiền Lương thành chứng nhân thương nhớ.

 

Trai Vĩnh Linh cưới gái làng Cùa Cam Lộ*

Chuyện không ngờ chỉ tưởng ở trong mơ

Những cuộc đấu loa, sơn nhịp, chọi cờ

Sông vẫn mát  sao đắng lòng đến thế.

 

Tôi lặng đi  khi bàn chân mình bước nhẹ

Lên những tấm ván cầu một thời tấm còn tấm mất

Tìm vạch sơn trắng của những năm  chia cắt

Đánh dấu 450 miếng bên nầy, 444 miếng phia bên kia.**

 

Vin những nhịp cầu từng thấm máu phân chia

Mong tìm thấy từng dấu bom cày đạn xới

Trong gió nghe như có tiếng gọi đò ai đó

Đò ơi xin chèo nhẹ…dưới sông còn có bạn tôi nằm.***

 

Tiếng gọi đò nghe thao thức trở trăn

Trong đợt sóng ầm ào  của miền đất dữ

Để nhớ người bên đây cầu ngóng sang bờ Bắc

Kẻ bên kia cầu lại ngó đợi bờ Nam.

 

Nỗi đau thương từng se thắt đến oặn lòng

Dòng sông bạc cũng đành chia hai màu thương nhớ****

Một dòng sông nước xuôi  về biển cả

Sao lại gọi bằng  hai cái tên Cửa Việt, Cửa Tùng?

 

Nghe ai hát “Câu hò bên cầu Hiền Lương*****

Làm thao thức niềm riêng người lính gác đèn biển

Tình có khác gì nhau dù không cùng màu cờ chiến tuyến

Mưa bên nầy cũng làm ướt áo kẻ bên sông.

Đừng quên nhau cùng uống nước chung dòng

Để ngấm nỗi đau của một thời máu lửa

Hôn nấm đất bên bờ sông lịch sử

Vết thương nào thành sẹo chẳng liền da?

                             17/10/2015

 

*Bài thơ “Rước dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà viết sau ngày thống nhất đất nước 30/4/75 không lâu.

**Từ ý “Giữa 450 tấm phía bên nầy.Và trong 444 tấm phía bên kia” trong bài thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của nhà thơ Ngô Liêm Khoan.

***ý thơ “Lời người bên sông” của nhà báo Phan Bá Đương

**** Lấy từ ý lời hát “Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu” trong bài hát “Chuyến đò vĩ tuyến” của nhạc sĩ Lam Phương.

***** Tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ thơ của Đằng Giao

 

TIẾNG NGUYỆT CẦM TRÊN SÓNG

 

Bến sông lạnh vi vu ngàn lau trắng

Người lên yên không hẹn buổi tương phùng

Thương tráng sĩ gởi hồn qua sông Dịch

Búp sen non vương vấn kẻ sang Tần.

 

Áo khinh cừu mịt mù nơi đất trích

Tiếng ngựa Hồ hí vọng mãi mù tăm

Đàn chim Việt thiên di qua biển rộng

Vẫn mơ ngày về lại đậu cành Nam.

 

Kẻ mài kiếm dưới trăng vàng thuở ấy

Đêm chưa tàn tóc điểm trắng màu sương

Đôi giầy cỏ đâu đường về Từ Thức

Sóng Thần Phù mơ hình bóng Giáng Hương.

 

Ta nào phải người Tiêu Sơn thuở ấy

Sao tình sầu còn đọng mắt Quỳnh Như

Đường sạn đạo lửa tràn bao kinh sử

Cung A Phòng nghi ngút khói phần thư.

 

Mơ tiếng trống Quang Trung mùa xuân trước

Gò Đống Đa còn vẳng tiếng ngựa phi

Đất kinh kỳ áo bào vương khói trận

Hoa đào bay trên ngọn gió truyền kỳ.

 

Móng rùa vàng lẽ nào rơi tay giặc

Nước biển Đông có rửa sạch phù hoa

Đêm nghe tiếng nguyệt cầm rơi trên sóng

Ngỡ ai còn hát khúc Hậu đình hoa.*

 

*Hậu Đình Hoa:  Khúc hát cung đình dưới triều Trần Hậu Chủ bên Trung Quốc(583-587), suốt ngày chỉ đắm say tửu sắc đến nổi nước mất, nên Hậu Đình Hoa còn gọi là khúc ca vong quốc.

 

CHÉN RƯỢU TRẦN GIAN

 

Tạ lòng chén rượu trần gian

Say cho đắm hết mối chân tình hồng

Buồn làm chi – sáo qua sông

Bao giông tố nén trong lòng chưa tan.

 

Tạ tình thiên địa mang mang

Chim về ngủ dưới địa đàng vì ai

Trôi nghiêng mộng dữ đêm dài

Đồi hoa vàng nụ trăng cài lang thang.

 

Tạ người mấy thuở đa đoan

Chuyện trăm năm cũ đã tràn chén xưa

Sớm nắng quái – lại chiều mưa

Nâng ly rượu cuối cũng thừa đấy thôi.

 

Tạ em một chút tình rời

Môi hồng con gái qua thời bể dâu

Tóc dầy mượt rụng từ lâu

Chải bao nhiêu lược - gương sầu bấy nhiêu.

 

Tạ đời chiếc bóng liêu xiêu

Bao dung chợt ngã khói chiều hoàng hôn

Cạn đi chén rượu dỗi hờn

Trần gian nấn níu bàng hoàng cuộc chơi.

2/1/2021

 

NGÀY TÌNH NHÂN LẠI NHỚ MÙA HOA ĐÀO

 

Em ơi! Ngày tình nhân

Hoa đào xưa vẫn nở

Hiên nhà vàng nắng xuân

Mang theo lời của gió.

 

Con đường nhuộm sắc hồng

Phố chìm trong sương trắng

Lãng đãng trên đồi thông

Dấu chân người phiêu lãng.

 

Hoa đào bừng sắc thắm

Khát vọng tuổi thanh xuân

Tình yêu thành đốm lửa

Thắp sáng chỉ một lần.

 

Hoa đào, hoa đào bay

Suốt một thời mê hoặc

Hoa đào rụng trên vai

Vẫn nồng nàn ánh mắt.

 

Lạc trong rừng hoa đào

Giữa lưng chừng dốc đợi

Có đi qua đời nhau

Cũng chỉ là sương khói.

 

Em ơi! Ngày tình nhân

Hoa đào xưa vẫn nở

Dù đã rụng bao lần

Bốn mùa vơi thương nhớ.

Nguyễn An Bình

 

Và một truyện của Nguyễn An Bình:

TRUYỆN NGẮN

RỒNG ĐÁ THÀNH NHÀ HỒ

 

Ánh trăng hạ huyền đã lên cao từ lâu và đang chếch về phía tây như một cái móc câu vàng vành vạnh treo trên vòm trời tháng 8, mùa thu với tiếng gió thổi vi vu nhè nhẹ xen lẫn tiếng rên rĩ của côn trùng càng làm cho không gian chìm đắm trong thê lương,tĩnh mịch.

Đêm đã về khuya, trời càng thêm lạnh, ngọn gió phất phơ lay động  những tấm rèm nhung treo trên lầu vọng nguyệt, ngọn đèn trong phòng hắt dáng một bóng một người đang đứng yên hình gần như bất động. Hồ Quý Ly đứng yên như thế đã lâu, nhiều đêm ông vẫn đứng lặng im như pho tượng, thao thức không ngủ được, tâm trạng rối bời trước tình thế của đất nước. Ông nhìn vào đêm đen, trầm tư. Tin tức cấp báo từ phương bắc qua  những hỏa hiệu  được bắn lên từ các phong hỏa đài đặt từ biên cương Cao Bằng, Lạng Sơn kéo dài đến thànhTây Đô cho thấy tình hình chiến sự đã cấp bách lắm rồi. Các thám mã cũng lần lượt phi nhanh báo tin về sự chuyển động của quân địch. Kẻ thù phương Bắc đã bộc lộ ý đồ xâm lược rõ rệt, đã chuyển quân sát tận biên giới với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ thế mạnh như nước vỡ bờ.

       Thật ra Hồ Quý Ly cũng dự đoán trước diễn biến tình hình sự việc nhưng không ngờ chiến sự lại diễn ra nhanh như thế. Các vì vua cuối đời nhà Trần chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, phế mặc triều chính, còn quan lại, con cháu nhà Trần cũng chỉ mong giữ lấy quyền cao chức trọng tận hưởng phú qui sợ gian khổ nên những đề xuất cải cách mạnh mẽ của ông về chính trị, quân sự thường bị quan lại cựu triều dèm pha phản đối, chính vì thế nhiều lần những đề xuất cải cách ấy không thực hiện được. Biên cương phía nam thì Chiêm Thành dưới sự chỉ huy của Chế Bồng nga nhiều lần đánh tới Thanh Hóa, thậm chí đem quân ra tới Thăng Long để quấy nhiễu, cướp nhiều tài vật làm cho cuộc sống của người dân bao lần khốn đốn, phương bắc thì triều Minh chờ cơ hội nước ta suy yếu để xâm lược. Là người có tầm nhìn xa trông rộng ông thấy rõ được điều đó nên càng nung nấu quyết tâm thực hiện hành động cải cách của mình.

      Chính vì thế ông đã hối thúc vua Trần Thuận Tông dời đô về Tây Đô để khi có biến dễ bề chống đở, tránh áp lực nặng nề của giặc khi đánh vào Thăng Long nhưng cũng đồng thời mưu tính một kế sách lâu dài: nếu triều Trần không còn phù hợp nữa thì phải thay thế đi để xây dựng một vương triều hùng mạnh khác mới có thể chống đở thế lưỡng đầu thọ địch được. Kế sách dời đô của ông lần nầy cũng vấp phải phản ứng dữ dội của bọn quan lại triều Trần nhưng thế lực của ông lúc nầy đã đủ mạnh để xoay chuyển tình hình. Thế là một cuộc thanh trừng đẩm máu xảy ra, những người không theo ý hướng của ông đều nhận lấy những hậu quả khủng khiếp: kẻ thì chết người bị tù đày, gia sản bị tịch biên. Ngay cả các quan chỉ vì can gián Hồ Quý Ly không nên dời đô gây xáo trộn tình hình mà nên ở lại Thăng Long, nơi có núi cao, sông sâu án ngữ, Họ còn cho rằng”Cốt ở đức, không cốt ở hiểm” nhưng Hồ Quý Ly gạt ngang: : Ý ta đã quyết, không được can gián nữa nếu không muốn lãnh lấy cái chết”. Thế là tất cả phải im lặng nếu không muốn chọn lấy cái chết.

      Để xây thành Tây Đô, Hồ Quý Ly phải huy động toàn bộ sức người sức của rất lớn, phu phen tạp dịch rất nặng nề. Người già, đàn bà, trẻ em đều phải tham gia phục vụ công trình. Ngày ngày, tháng tháng, dân phu binh lính mệt mõi vào các dãy Tượng Sơn, Hang Ma, Đồi Cốc, Dọc Khoai chặt cây, đốn củi về đốt lò nung vôi, Lò nung vôi, nung gạch mọc lên nhiều vô kể cũng không đáp ứng đủ vật liệu để xây thành. Dân công phải bạt đồi, xẻ núi lấy đá phục vụ công trình, những phiến đá to lớn nặng hàng tấn được khai thác chuyển về xây thành, công việc vô cùng nặng nhọc, nguy hiểm. Các thợ kỹ thuật, nghệ nhân cũng phải làm việc suốt ngày đêm, lương thực cung cấp không đủ, đói ăn, ốm đau, lại nửa vùng đất xây thành nước tù đọng quanh năm nên bệnh dịch tràn lan làm phu phen chết dần, chết mòn không kể xiết.  Đặc biệt là việc chế tác đôi rồng đá đòi hỏi những nghệ nhân lành nghề trong chạm khắc. Có người đã phải chết vì lỡ chạm sai một chi tiết không vừa ý với nhãn quan của họ Hồ. Hồ Quí ly đã tuyển chọn từ các nghệ nhân có tiếng tăm khắp các vùng về để chạm khắc. Tượng rồng được tạc bằng đá xanh. nguyên khối, khi tạc xong có chiều dài 3 thước 8. Thân rồng thon nhỏ dài về phía đuôi, uốn bảy khúc, vẩy phủ kín cả thân. Rồng có 4 chi, mỗi chi có 3 móng ẩn hiện trong các vân mây mềm mại trông rất huyền ảo, sống động vô cùng. Các khoảng trống dưới bụng và các ô tam giác ghép thành các bậc đều được chạm những đóa hoa cúc và móc hoa lại thật lượn mềm, tỉ mỉ đến từng chi tiết một. Đôi rồng khi chế tác xong được đặt nằm song song hai bên đường ngay trung tâm của tòa thành từ cổng nam đi sang cổng phía bắc của thành Tây Đô tạo một cảnh quan thật trang nghiêm, hùng tráng. Cứ thế tòa thành xây ròng rã suốt hơn 3 tháng trời mới hoàn thành(1).

                   Thành xây xong, việc dời đô đã ổ định, dưới sự ủng hộ của các quan Trần Thiếu Đế là cháu ngoại của ông phải thoái vị và ra chiếu nhường ngôi cho ông, Hồ Quí Ly yên tâm có thời gian hoạch định kế sách lâu dài cải cách đất nước theo ý định mình đã vạch ra từ trước, ông thực hiện một loạt những cải cách có lợi cho đất nước như: Phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” thay thế tiền đồng thuận tiện cho việc cất giữ thông thương mua bán, quan tâm đến giáo dục, sửa chữa chế độ thi cử cho phù hợp, đưa toán học vào thi cử để tìm người tài. Về quân sự, Hồ Quý Ly ý thức rất rõ ý đồ xâm lược của nhà Minh phương bắc, ông càng ra sức tập trung xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, chú trọng cải tiến kỹ thuật vũ khí, mở xưởng đúc vũ khí, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng quân sự, Hồ Nguyên Trừng đã chế được loại súng thần cơ có sức công phá mạnh mẽ, thủy binh cũng được trang bị những chiến thuyến lớn hơn. Bên cạnh đó, ông chủ tr¬ương xây dựng các hệ thống phòng tuyến trên mặt đất để phòng thủ quốc gia như thành Tây Đô, thành Đa Bang và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Nhưng những điều thực hiện được chỉ là bước ban đầu, thời gian còn quá ngắn, công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái theo ý Hồ Quý Ly, lòng dân còn bất ổn chưa nguôi hướng về triều cũ, tướng tài lác đác như lá rụng mùa thu, quân lính tập luyện chưa thuần thục, quân lương còn thiếu thốn nhiều liệu có thể chống đở thế giặc hùng mạnh được chăng, bao nhiêu mối lo như hằn sâu lên nét mặt của thái thượng hoàng Hồ Quý Ly. Trong không gian im vắng của đêm khuya như thế, bỗng ông nghe đâu đây có tiếng đàn tỳ bà vang lên lúc khoan lúc nhặt, lúc xa lúc gần đưa đẩy theo chiều gió như mang một nỗi sầu vạn cổ, lông mày ông chợt nhíu lại tỏ vẻ không vui. Từ chổ khó chịu ông lại ngạc nhiên tự hỏi: Tiếng đàn phát ra từ đâu vậy, sao tiếng đàn như mang một nổi u hoài uất hận khôn nguôi như thế. Ông cố gắng lắng nghe, hình như tiếng vang lên từ vườn thượng uyển thì phải. Tò mò Hồ Quý Ly khẻ bước xuống lẩu, chậm rải chân bước theo tiếng đàn đang bay trong gió. Dưới liềm trăng vàng treo trên ngọn liễu, ông thấy thấp thoáng bóng dáng một thiếu phụ với y phục trắng tinh đang ngồi trên băng đá cạnh khóm bông hải đường, người thiếu phụ có mái tóc đen mượt mà óng ả dưới ánh trăng chảy dài xuống bờ vai thon nhỏ, bàn tay mềm mại đang lướt nhẹ trên từng phím đàn. Dưới bàn tay tài hoa ấy, cây đàn  vang lên những âm thanh trầm bổng, dìu dặt lúc thì trầm mặc u buồn, lúc thì như thở than ai oán thê lương vô cùng.

     Trong không gian khuya khoắt tĩnh mịch  làm cho Hồ Quý Ly như lạc vào một nơi đầy ma mị, liêu trai. Ông tự hỏi mình đang ở đâu đây và bất giác chợt rùng mình, cái lạnh như len vào từng đốt sống lưng. Người thiếu phụ nầy là ai? Ma quỷ, tiên nương hay là hồ ly? sao lại xuất hiện trong đêm hôm khuya khoắt như thế nầy, ngay trong vườn thượng uyển của ta? Tuy có phần sợ hải nhưng không kiềm chế nổi sự tò mò, Hồ Quý Ly bước tới gần thêm một chút nữa để nhìn cho rõ mặt người đàn bà. Dưới vòm trăng hạ huyền, gương mặt thiếu phụ hiện lên thật vô cùng diễm lệ mà hình như trong đời ông chưa từng thấy vẻ đẹp tự nhiên nhưng lại lôi cuốn như thế. Trên nét mặt yêu kiều đó lại thoảng lên nét buồn muôn thuở. Ông thử lục tìm trong trí nhớ xem thiếu phụ nầy có phải người ở trong cung không nhưng không tài nào nhớ được. Hồ Quý Ly lên tiếng:

- Nàng là ai? Tại sao đêm hôm khuya khoắt lại đàn một khúc cầm nghe buồn thảm thế? Ta nhớ như chưa từng gặp nàng trong cung của ta lần nào thì phải?

         Người thiếu phụ đang chìm đắm trong cung đàn, thả hồn mình vào những phím tơ lòng, không biết có người bên cạnh đang lắng nghe tiếng đàn của mình tự nảy giờ. Nàng chợt giật mình thoát khỏi trạng thái mơ hồ lãng đãng như khói sương ấy, nhẹ nhàng đặt chiếc đàn lên chiếc bàn cẩm thạch kề bên, đứng lên vòng tay cúi đầu đáp:

    - Tiện thiếp xin ra mắt thượng hoàng.

Hồ Quý Ly ngạc nhiên:

    - Nàng biết ta ư?

     - Ngài là đấng quân vương, cả đất nước nầy đều biết chẳng lẽ thiếp lại không biết người ư?

    - Nàng chưa trả lời câu hỏi của ta.

    - Thiếp không phải là người trong cung. Nhà thiếp ở dưới chân thành đông của tòa thành nầy.

Hồ Quý Ly lại càng ngạc nhiên:

    - Dưới chân thành đông ư? Nàng làm sao vào đây được?

    - Không có nơi nào thiếp không thể đến được thưa thượng hoàng.

        Không để cho Hồ Quý Ly hết ngạc nhiên, người thiếu phụ tiếp lời:

    - Tên thiếp là Bình Khương, là vợ của chàng cống sinh Trần Công Sỹ được thượng hoàng tin tưởng giao việc giám sát, đốc thúc phu phen xây bức tường thành phía đông.

       Hồ Quý Ly nhíu mày suy nghĩ trong giây lát, chợt ông nhớ ra điều gì đó. Thì ra người thiếu phụ đứng trước mắt mình là vợ của Trần Công Sỹ người được ông giao phó xây dựng đoạn thành phía đông. Ông nhớ lại tất cả rồi. Để gấp rút dời đô từ Thăng Long về Tây Đô, Hồ Quý Ly đã huy động một số lượng lớn dân quân ngày đêm xây thành, đắp lũy, phu phen làm việc cực nhọc vô cùng, ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ nội trong 3 tháng phải hoàn thành “kinh đô bất khả chiến bại”, Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng lúc ấy, các tường thanh các mặt khác tới kỳ đã từng bước hoàn thiện công trình thì đoạn thành phía đông do Trần Công Sỹ phụ trách xây vừa xong lại đổ sập xuống không rõ nguyên nhân khiến cho Hồ Quý Ly vô cùng tức giận. Ông nghi ngờ Trần Công Sỹ có ý đồ phản nghịch nên cố ý làm chậm trể công việc xây thành làm lỡ việc lớn. Trong cơn giận dữ, Hồ Quý Ly đã ra lịnh cho quân sĩ chôn sống chàng vào vị trí bức tường thành vừa bị đổ để làm gương răn đe tất cả những ai bất tuân thượng lệnh và giao phó trọng trách xây tường thành tiếp tục lại cho viên quan khác. Sau nầy ông còn nghe quần thần kể lại, vợ Trần Cống Sỹ tên là Bình Khương nghe tin đã chạy đến ngự sử đài than khóc kêu oan cho chồng, nhưng ai nấy đều sợ uy của Hồ Quý Ly không dám vào bẩm báo lại. Vì quá tức giận, nàng chạy đến nơi chồng bị chôn sống, dùng toàn bộ sức lực để xô ngả bức tường dầy định mệnh ấy mong tìm thấy xác của chồng trong đó nhưng bức tường không hề lay chuyển. Vô cùng tuyệt vọng, nàng liều mạng đập đầu vào bức tường thành để tự vẫn theo chồng. Phiến đá nơi nàng tuẩn tiết in sâu dấu vết đầu người và đôi bàn tay cào cấu của nàng. Cảm thương trước tấm lòng chung thủy sắt son của người thiếu phụ, người dân nơi đây đã lập đền thờ nàng ở sát vách tường cửa phia đông thành Tây Đô. Sự việc xảy ra đã lâu Hồ Quý Ly hầu như không còn nhớ nếu người thiếu phụ không nhắc đến tên chồng mình. Hồ Quý ly nghĩ đến đây đã thấy rờn rợn vì biết người đang đối diện với mình chỉ là hồn ma bóng quế mà thôi, chẳng lẽ nàng ta hiện hình về đòi đền mạng ta chăng?(2)

     Hồ Quý Ly cố giữ bình tĩnh, nhưng câu hỏi có vẻ hơi gượng gạo::

    - Ta nghe người báo là nàng đã tự vẫn chết rồi kia mà.

     Nàng Bình Khương nhìn nhà vua, giọng nói u buồn xen lẫn oán trách:

     - Người nói không sai. Thiếp đã không còn sống trên cõi đời nầy, thân xác vùi chôn dưới ba tất đất từ lâu, mồ chắc đã xanh cỏ, nhưng linh hồn còn mang nhiều nỗi u uất, phảng phất trên trần gian chưa thể siêu thoát được.

     Hồ Quý Ly có vẻ giận dữ, gằn giọng:

     - Điều gì làm cho linh hồn nàng không tan? Chẳng lẽ với cái tội làm hỏng việc lớn của ta chồng nàng bị giết oan khuất lắm sao?

     - Thưa thượng hoàng , đối với người cái chết của một chàng cống sỹ chẳng qua chỉ là con giun cái kiến mà thôi. Hơn nữa trong cơn thịnh nộ quyết định tàn bạo ấy cũng để thỏa mãn quyền uy tối thượng của mình mà thôi thì còn suy xét làm gì nỗi oan khuất của người dân chứ. Thượng hoàng có biết tường thành phía đông nơi chồng thiếp phụ trách xây dựng trên một nền đất yếu, phía dưới có mạch nước ngầm ăn thông ra Lỗi Giang nên không thể chịu đựng sức nặng hàng ngàn tấn của tường thành được, đổ sập là điều không thể tránh khỏi được. Thiếp đã đến ngự sử đài kêu oan nhưng không ai chú ý nghe lời giải trình của thiếp.

      Hồ Quý Ly tỏ vẻ nghi ngờ:

      - Làm sao nàng biết tường thành xây trên đất yếu? Phải chăng nàng nói để chạy tội khi quân của Trần Công Sỹ chăng?

      Bình Khương có vẻ không vui:

      - Người trần không thể biết được điều bí mật nằm trong lòng đất thưa thượng hoàng. Hình như trong xử lý công việc người chưa bao giờ tin tưởng một ai. Thiếp biết thượng hoàng là người có chí lớn, người dời đô về đất nầy để mưu đồ đại sự, xây dựng một vương triều hùng mạng để lưu danh muôn đời. Nhưng dục tốc bất đạt, xây thành một công trình to lớn như thế chỉ trong vòng 3 tháng chỉ bằng sức lao động tay chân cua con người là một việc làm kinh khiềp chẳng khác gì việc dời non lầp biển, đã làm tài nguyên đất nước kiệt quệ, sinh linh dân đen bị nướng vào lửa đỏ. Làm vua chỉ muốn người ta phục tùng mệnh lệnh, chỉ xem chung quanh mình thấy ai cũng có thể đồ phản nghịch, nghi ngờ tất cả mọi thứ dù sự thật hiện ra trước mắt và luôn dùng quyền uy để bức hại người khác thì không thể là một đấng minh quân được.

       Nếu như bình thường, chắc chắn Hồ Quý Ly sẽ nổi cơn lôi đình thịnh nộ, người dám nói ra câu phạm thượng đó thế nào cũng thịt nát xương tan, nhưng biết Bình Khương là người đàn bà khác thường, chỉ là hồn ma bóng quế, vất vưỡng trên đầu cây ngọn cỏ thì cơn giận cũng nguôi đi, giận dữ  cũng chẳng có ích gì, Hồ Quý Ly kìm nén cơn giận trong lòng nói:

       - Ta tạm tin lời nàng vậy nhưng nàng nói ta dùng bạo quyền để cai trị dân chẳng phải quá đáng sao?

       - Đây không phải là lời nói của thiếp mà đó là lời truyền tụng trong dân gian. Người ở trong cung cấm cách ly với đời thường, mắt không được thấy tai không được nghe, làm sao hoàng thượng có thể thấu hiểu được nỗi khổ của dân đen kia chứ? Bài đồng dao mà bọn trẻ con nghêu ngao hát khắp kẻ chợ ai mà không hay không biết.

      Hồ Quý Ly lộ vẻ ngạc nhiên:

      - Bài hát đồng dao ư? Bài hát nói điều gì thế?

      - Thiếp xin đọc hầu hoàng thượng xin trước hết xin người không được giận dữ

     Hồ Quý Ly gật đầu:

      - Được. Ta hứa. Nàng đọc đi. Ta nghe.

     Bình Khương bắt đầu đọc:

                            Bạt núi để xây thành

                            Phu phen nhiều lao khổ

                            Vợ con lìa cha anh

                            Thành xây xong lại sập

                            Xương chất đầy kè đá

                            Hào sâu đỏ máu dân

                            Thân gầy còm đói rách

                            Ai oán thấu trời xanh.

                            Những tưởng lục thập ký

                            Nào ngờ chỉ sáu năm

                            Thành cao dù muôn trượng

                            Không lớn bằng lòng dân.

      Dứt lời, Bình Khương nói như nói chính mình:

    - Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ. Số trời đã định không thể cải mệnh được. Tiếc thay tích củi ba năm đốt cháy một giờ. Chỉ tội cho muôn dân vô tội một lần nữa lại nướng mình trong lửa đỏ hung tàn của giặc ngoại xâm.

       Hồ Quý Ly nghe những lời nói của Bình Khương như từ cỏi âm vọng về. Ông chợt biến sắc không hiểu vì sao người thiếu phụ nầy lại biết điều bí mật mà chỉ hai cha con ông biết mà thôi. Trong đầu ông miên man suy nghĩ về điều nàng ta vừa nói. Mưu đồ xây kinh đô mới để thừa dịp truất ngôi nhà Trần đã manh nha từ lâu trong đầu của Hồ Quý Ly, mặc dù nắm giữ quyền cao chức trọng, dưới một người trên vạn người, nhưng Hồ Quý Ly nhận thấy các ông vua nhà Trần đã quá bạc nhược, u mê nên muốn tự mình thành lập một vương triều mới. Ông tin rằng với tài năng của mình sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phía nam có thể đè bẹp Chiêm Thành, phía bắc có thể dựa vào thành cao hào rộng thế núi hiểm trở có thể chống lại kẻ thù phương Bắc. Để thực hiện việc dời đô, xây dựng một vương triều vững mạnh cho riêng mình, Hồ Quý Ly đã bí mật cùng một vài cận thần tâm phúc của mình đi tìm thế đất tốt để xây thành. Khi thuyền xuôi dọc theo sông Mã đến động An Tôn ông thấy nơi đây thế núi hiểm trở, đất đai trù phú, hình thù như hình quả ấn của trời, sông Mã như long mạch dài hàng ngàn dặm, xung quanh còn có nhiều phụ lưu  bắt nguồn từ Trường Sơn như sông Luồng, sông Âm, sông Chu, sông Bưởi giống như những chi long mạch chầu vào long mạch chủ ông rất vừa lòng, ưng ý.

    Đứng trên núi cao, có thể ngắm nhìn kỷ lưỡng địa thế xung quanh vùng động An Tôn. Cảnh quan thật hùng vĩ, địa thế vô cùng hiểm trở. Phía đông nam có núi Đốn làm tiền án, tây bắc có núi Song Tượng. Một con voi chầu về hướng bắc, một con khác lại quay đầu về hướng nam canh giữ núi Mâm Xôi. Phía Tây Nam có 5 ngọn núi đá vôi: 3 ngọn gọi là Kim Ngọ(ngựa vàng), 2 ngọn khác gọi là Kim Ngưu(trâu vàng). Đây là một mỏ đá vô cùng to lớn có thể sử dụng để xây thành vững chắc. Thời bình với đồng ruộng phì nhiêu có thể cày cấy tích lũy lương thực, thời chiến có thể dựa vào thế núi hiểm trở tự nhiên, với thành cao hào sâu cự địch được.

         Bên ngoài có nhiều dãy núi vòng cung bao bọc vây kín bốn phương tám hướng. Vòng trong là sông Mã, sông Bưởi lượn tròn như những chiến hào tự nhiên vây quanh. Ở trong cùng, một khu đất nổi lên như một cái ấn của trời, Bên trên là vòm trời xanh như chiếc lọng che cho cái ấn thật huyền ảo. Từ ngã ba Bông nối vài ngã ba Đầu là một nhánh chảy vào đền Hàn, Châu Tử xuống bến Lèn ra cửa Lạch Trường. Một nhánh qua đất Hàm Rồng đổ ra cửa Hới tạo thành thể lưỡng long chầu nguyệt. Thành xây trên động An Tôn nên gọi là thành An Tôn, còn gọi là thành Tây Đô(3)

         Là người am hiểu phong thủy, Hồ Quý Ly khi chọn thế đất nầy để xây thành ông rất lấy làm tâm đắc, nói với các con mình: Đất nầy là đất Thạch bàn long xà lục thập niên ký(có nghĩa thế đất như rồng chầu rắn cuốn nầy vững như bàn thạch có thể trụ được ít nhất 60 năm) nhưng Hồ Hán Thương, người con trai thứ của Hồ Quý Ly, am hiểu phong thủy sau khi xem kỷ thế đất đã nói với ông: “Con lấy làm lạ, như phụ hoàng nói: đất nầy đúng là đất rồng chầu rắn cuốn có thể phát tích đế vương nhưng con xem đi xem lại có lúc lại giống thế Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ, chỉ phát được 6 năm thôi. Hồ Quý Ly cho rằng kiến thức phong thủy của Hồ Hán Thương chưa tinh tường nên cũng không chú ý lắm vào nhận định của con.

     Câu chuyện phong thủy nầy chỉ có cha con ông biết mà thôi, tại sao dân gian lại biết được mà truyền tụng qua bài đồng dao nầy? Có thật không chuyên gì cũng không thể qua mắt thế gian chăng? Bài hát đồng dao thật sự làm cho ông bối rối, lo ngại. Hồ Quý Ly cũng biết những hành động quyết liệt của mình tranh đoạt ngôi vị nhà Trần cũng là một điều mà nhiều người không phục, nên khi đã cũng cố được ngôi vị, chỉ sau 7 tháng làm vua ông đã nhường ngôi lại cho Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng cũng nằm trong mưu tình của ông. Lẽ ra theo lễ tục, ông phải nhường ngôi cho người con cả là Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng là một người rất giỏi võ nghệ, lại là người có tài thiết kế vũ khí lợi hại rất xứng đáng được ông truyền ngôi nhưmg lại là con của người vợ cả, không có quan hệ huyết thống với dòng tộc họ Trần , nếu lập Trừng lên làm vua, chẳng khác gì như đổ thêm dầu vào lửa, khiêu khích sự chống đối của đám quan lại, giới sĩ phu và một bộ phận lớn nhân dân trong nước, đồng thời cũng tạo thêm lí do cho giặc Minh dễ bề thực hiện ý đồ xâm lược nước ta với chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, vì thế Hồ Quý Ly quyết định chọn người con thứ là Hồ Hán Thương lên giữ ngôi vua, Một điều dêc hiểu Hồ Hán Thương là con của công chúa Huy Ninh, vợ lẽ của Hồ Quý Ly, đồng thời cũng là con ruột của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Hán Thương gọi Nghệ Tông bằng bác, gọi vua Thuận Tông(con Nghệ Tông) bằng anh và gọi vua Kiến Tân(con Thuận Tông) bằng cháu, nên việc lập Hồ Hán Thương làm vua cũng nằm trong tính toán, trù liệu của Hồ Quý Ly cả nhằm lôi kéo những người còn lưu luyến với triều đại cũ.

      Như  đoán được sự băn khoăn trong lòng Hồ Quý Ly, Bình Khương nói nhẹ nhàng:

      - Câu chuyện đối đáp giữa người và thế tử Hán Thương về long mạch, cũng như việc lập thế tử Hán Thương lên làm vua thay vì Nguyên Trừng thượng hoàng có thể giấu giếm được dân đen con đỏ chứ làm sao che mắt được trời phật thánh thần ma quỷ, xin người chớ lấy làm ngạc nhiên như thế.

     Hồ Quý Ly nghe nàng nói hình như tỉnh ngộ. Thì ra những mưu tính của ông dù ngấm ngầm bí mật hay công khai cũng không qua khỏi thiên cơ. Có điều mưu sự tại nhân, thành sự tài thiên mà thôi. Chẳng lẽ bao công sức ông đổ ra với hy vọng tạo dựng một vương triều hùng mạnh với những cải cách lớn lao, lưu danh cho muôn đời sau lại thất bại thế nầy ư?

     Hồ Quý Ly thở hắt một hơi dài buồn bã, ngước nhìn bầu trời đêm, những ngôi sao lấp lánh, xa tít trên bầu trời kia có hiểu được tâm trạng ngổn ngang của ông lúc nầy không? Ông đang suy nghĩ gì trong đầu không ai có thể đoán được. Vài tiếng chim đêm đập cánh bay đi để lại tiếng kêu nghe não nuột, mấy cành liễu lay động tạo thành những bóng đen lăn quăn trên mặt đất như mấy con rắn đang trườn mình quăng tới tìm mồi, vài chiếc lá rơi, tiếng gió thổi lạo xạo cũng không làm cho ông thoát khỏi nỗi trầm tư, muộn phiền. Ánh trăng hạ huyền đã dần dấn mờ nhạt. Phía chân trời bắt đầu xuất hiện một quầng sáng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Một ngôi sao lẻ loi, muộn màng băng ngang qua vườn thượng uyển mất hút về phìa bầu trời xa xôi đầy bí ẩn. Trong thời khắc ấy, tiếng Bình Khương hình như thoảng bay đi trong gió:

       - Âm đức của hoàng thượng không dầy, chính chính sách hà khắc, coi sinh mạng dân đen như ngọn cỏ, bao nhiêu xương máu người dân vô tội đã đổ xuống để xây thành đắp lũy, tiếng than oán ngút trời cao đã làm cho long mạch bị đứt đoạn không phát triển được. Thời cuộc sẽ có nhiều biến chuyển khôn lường, lòng người lại đang ly tán, không thể quy về một mối. Chỉ mong hoàng thượng sáng suốt mới mong tình thế thay đổi phần nào, cục diện may ra sáng sủa hơn. Không một triều đại nào có thể thống trị thiên hạ bằng bạo quyền được, muôn đời phải biết lấy dân làm gốc thiên hạ mới thái bình, đất nước mới không rơi vào ách thống trị của ngoại bang. Người đã tạo ra được một cái cớ có một không hai để kẻ thù xâm lăng nước ta với danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, rồi sau đó đất nước sẽ ra sao chắc người cũng đoán được. Mấy lời khẩn thiết tự đáy lòng xin hoàng thượng nhớ lấy.

     Khi Hồ Quý Ly ngước lên muốn hỏi Bình Khương điều gì đó thì không thấy nàng đâu nữa, xa xa chỉ thấy một bóng trắng lướt qua hàng cây rồi mờ dần mất hẳn. Hồ Quý Ly nhìn theo, lẩm bẩm như nói với chính mình:

     - Nàng đã theo ngọn gió bay đi rồi về nơi mà nàng cần đến, phải chi ta nghe được những lời nói của nàng sớm hơn, có lẽ cuộc đời ta mắc nợ với nàng, với chồng nàng với cả dân tộc nầy. Cuộc đời ta chấm hết ta không hề hối tiếc, chỉ tiếc sự nghiệp lớn chưa hoàn thành, người đời sau có hiểu được chí lớn của ta chăng?

    Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Hồ Quý Ly không còn tin vào những quyết đoán táo bạo của mình nữa, chắc ta đã già rồi. Ông chợt thở dài buồn bã.

 

*

      Quả đúng như lời nàng Bình Khương nói, Tháng 9 năm 1406 quân Minh phát động chiến tranh xâm lược nước ta với chiêu bài phù Trần diệt Hồ, mặc dù đã tích cực phòng bị, xây dựng thành lũy kiên cố và huy động quân binh cao nhất, đặt quân phòng ngự giữ những nơi hiểm yếu quan trọng nhất nhưng quân nhà Hồ liên tiếp thua nhiều trận liền. Đúng như lời Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) từng nói với cha mình “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Cuộc chiến tranh đã thu hút được một số lực lượng lớn người dân trong nước đứng lên chống lại nhà Hồ, ngay cả trong quân binh nhà Hồ cũng có nhiều người quay đầu chống lệnh. Chiến tranh giữa hai bên nhanh chóng ngã ngũ, quân binh nhà Hồ liên tiếp thua các trận đánh lớn ở thành Đa Bang, Hàm Tử. Tháng 4/1407 quân Minh đánh tới thànhTây Đô. Cầm cự chẳng bao lâu thì thành vỡ, cha con Hồ Quý Ly kéo tàn binh chạy về cửa biển Kỳ La-Hà Tỉnh thì quân Minh đuổi theo rất gấp. Đến ngày 11,12 thì lần lượt Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương đều bị giặc bắt. Nếu tính từ năm 1400, khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, tự lập làm vua, đóng đô ở Tây Đô cho đến tháng 4 năm1407 khi cha con Hồ Quý Ly bỏ thành chạy về Kỳ La lánh nạn và bị giặc bắt thời gian chỉ hơn 6 năm, phải chăng ứng với lời tiên đoàn nhà Hồ chỉ tồn tại được 6 năm của Hồ Hán Thương hay là ý trời trong bài đồng dao mà nàng Bình Khương đã đợc cho Hồ Quý Ly nghe?

      Có một điều cần phải nói thêm với bạn đọc, cùng thời gian khi cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt giải về Tàu, Thành Tây Đô cũng xảy ra một câu chuyện lạ lùng: Trời đất đang quang đãng, trong vắt bỗng sấm chớp từ đâu nổi lên đùng đùng, từng trận mưa lớn đổ xuống như trút nước, lũ từ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi, sông Chu kéo về ồ ạt như một trận đại hồng thủy. Trời tối mịt mùng, sấm chớp rền vang khắp nơi, nước sôi réo ùng ục như thiên binh vạn mã rầm rập từ đâu kéo về, lẫn trong tiếng gió hú, tiếng sấm vang như còn có tiếng những oan hồn uổng tử cất lên tiếng kêu bi thương, ai oán như đòi mạng,  nhà nào nhà nấy đều hoảng sợ xanh cả mặt mày, ôm chặt lấy nhau mà khóc, người bình tĩnh hơn cuốn vội vài vật dụng cần thiết rồi bồng bế nhau kéo lên đồi cao, núi sâu lánh nạn. Mãi đến ba bốn hôm sau trời mới quang, mưa mới tạnh, mọi người mới lũ lượt nhau kéo về quê cũ. Trong thành Tây Đô thật tiêu điều xơ xác, một phần bị giặc Minh cướp bóc tàn phá, một phần do tác hại khủng khiếp của cơn lũ vừa tràn qua. Rác rến, bùn xình, xác súc vật chết vương vãi khắp nơi, điều đặc biệt đôi rồng đá được chế tác tuyệt mỹ, tượng trưng cho sức mạnh vương triều nhà Hồ tự nhiên biến mất không còn để lại một chút dấu vết nào, không ai hiểu vì sao?(4)

Tháng 1/2018

NGUYỄN AN BÌNH

***

(1) Theo truyền thuyết: Thành Tây Đô được xây trong 3 tháng thì xong nhưng xét về khối lượng công trình có người cho rằng xây trong 3 năm hay nhiều năm mới xong.

 (2) Hiện nay đền thờ nàng Bình Khương vẫn còn tồn tại sau hơn 600 năm với nhiều lần trùng tu. Ngôi đền tọa lạc dưới chân bờ thành phía đông thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh long huyên Vĩnh lộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đền còn lưu giữ một phiến đá kỳ lạ có in hình giống như đôi bàn tay và chiếc đầu người phụ nữ, người dân cho rằng đó là vết tích đập đầu tự tử kêu oan cho chồng của nàng Bình Khương.

(3) Theo sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành”  của tác giả Phạm Văn Chấy

(4) Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ thì đôi rồng đá trên được người Pháp phát hiện lại vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành nhưng cả hai đều bị mất đầu. nguyên nhân của việc đôi rồng mất cả đầu có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng chưa giả thuyết nào thuyết phục vì chưa trưng ra được những chứng cứ rõ ràng có thể chấp nhận được.

 

TIỂU SỬ VĂN HỌC

 

NGUYỄN AN BÌNH

 

Nhà thơ, tên thật Lương Mành, sinh năm 1954 tại An Bình Cần Thơ. Cựu học sinh trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Theo học Đại Học Sư Phạm Việt Hán và Đại Học Khoa Học Cấn Thơ. Giáo viên Ngữ Văn trường trung học Đoàn Thị Điểm Cấn Thơ, đã nghỉ hưu, định cư tại Sài Gòn từ năm 2016. Bắt đầu tham gia văn nghệ rất sớm từ năm 16 tuổi. Trước năm 1975 cùng nhiều bạn học thành lập Bút Nhóm Tình Thơ Tây Đô, có bài trên các tạp chí thời danh như Văn, Văn Học, Tuổi Ngọc, các tuần báo nhật báo khác như Tiền Phong, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn, Điện Tín, Việt Nam,Tin Sáng, Thời Đại Mới, Sống. Thăng Tiến, Trắng Đen…

Sau 1975 nghỉ viết một thời gian dài mới viết lại, có bài đăng trên các tạp chí: Văn nghệ Cần Thơ, Vn Cà Mau, Vhvn Bạc Liêu, Vn Chiêu Anh Các(Kiên Giang), Vn Hậu Giang, Vn Thất Sơn(An Giang),Vn Hàm Luông(Bến Tre), Vn Bình Dương, Vn Tây Ninh, Vn Nha Trang(Khánh Hòa),Vn Phú Yên,Vn Trà Vinh, Vn Bình Định, Vn An Nhơn(Bình Định), Vn Sông Trà(Quảng Ngãi), Vn Tam Kỳ(Quảng Nam), Vn Non Nước(Đà Nẵng), Vn Lang Bian(Lâm Đồng, Vn Chưyangsin(Đắk Lắk), Vn Non Nước(Cao Bằng), Vn Thái Nguyên,  Vn Đồng Tháp, Vn Phú Yên, Vn Tiền Giang, Vn Bắc Ninh, Vn Nâm Nung (Đắk Nông), Vn Bà Rịa-Vũng Tàu,Vn Bình Thuận, Vn Vĩnh Phúc, Kiến Thức Ngày Nay, Giáo Dục Tp. Hồ Chí Minh. Tập san: Quán Văn, Ra Khơi, Hương Thiền, Đất Đứng, Hương Quê Nhà, Áo Trắng, Sông Quê, Văn Hóa Phật Giáo, Vô Ưu (Đắk Lắc). Báo chí: Báo Văn Nghệ(Hội Nhà Văn VN), Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh, Giáo Dục&Thời Đại, Người Lao Động, Đà Nẳng, Công An Đà Nẳng, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai chủ nhật, Vĩnh Phúc cuối tuần, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Trị, Vĩnh Long, Quảng Nam. Tạp chí, báo ngoài nước: Ngôn Ngữ, Thư Quán Bản Thảo, Trầm Hương, Tin Văn, Văn Hữu, Văn Học Mới, Văn Học Việt, Người Việt, Việt Luận(Úc), Chánh Pháp(Hoa Kỳ), Có mặt trên 100 tuyển tập thơ văn, nhiều trang VHNT trong và ngoài nước và trên 1000 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

Đường Tim(thơ 1970), Ngọn Thủy Triều(thơ 1971), Hai Phương Trời Nhớ(thơ 1972), Hoa Học Trò(thơ 1972). Nửa Trời Tương Tư(thơ 1972), Mờ Bóng Thiên Thu(1973), Mưa Hồng(thơ 1973), Trên Đỉnh Mùa Xuân(thơ 1973 in chung), Những Cánh Phượng Hồng(thơ 1973 in chung), Hoa Xưa(thơ 1975 cùng Thạch Long), Còn Một Chút Mưa Bay(thơ 2013 NXB Hội Nhà Văn), Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ(thơ 2016 NXB Hội Nhà Văn), Hạ Đỏ Lên Trời(thơ 2018 NXB Hội Nhà Văn), Thơ Tình Nguyễn An Bình(thơ 2018 NXB Nhân Ảnh- Hoa Kỳ), Tình Thơm Màu Giấy Mới(thơ, nhạc 2018 NXB Nhân Ảnh-Hoa Kỳ), Hành Trình Đất Và Nước(2018 thơ NXB Hội Nhà Văn), Bộ sách thơ phổ nhạc gồm 5 quyển 450 ca khúc(2019), Cỏ Hoa Thời Áo Trắng(thơ 2019, NXB Hội Nhà Văn), Tiếng Đàn Đá Trên Đỉnh Sơn Trà(Tập truyện ngắn -2020, NXB Thanh Niên), Đêm Trăng Đọc Thơ Đường(phóng dịch thơ Đường – 2020, NXB Hội Nhà Văn), Đà Lạt, Tình Tôi Người Lữ Khách(2022, NXB Hội Nhà Văn), DVD nhạc Còn Một Chút Mưa Bay (Nhạc sĩ Hoài Yên thực hiện), Có mặt trong nhiều DVD nhạc của nhạc sĩ Huy Đạt, Hoài Yên, Thanh Danh, Vũ Thế Dũng, …

Được giới thiệu trong các sách:

 Chân dung văn nghệ sĩ qua góc nhìn Ngô Nguyên Nghiễm tập 1,Tác giả Việt Nam(Lê Bảo Hoàng), 44 năm Văn học Hải Ngoại Việt Nam(tập 7), được giới thiệu trong chương trình TÁC GIẢ TÁC PHẨM trên hệ thống truyền thông VIỆT NAM HẢI NGOẠI – HOA KỲ, được giới thiệu trong chương trình THI CA ĐIỂM HẸN trên đài VOH(Đài tiếng nói nhân dân tp.HCM).

Tham gia các dự án:

Trong Ban Biên Tập Dự Án Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn và tạp chí RA KHƠI tại Việt Nam.

Trước khi dịch bùng phát ở TP HCM tôi và Nguyễn An Bình thường hẹn nhau ra cà phê Sách.Một nơi rất lý tưởng để nhâm nhi cà phê, trò chyện, giao lưu văn hoá hay hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề.nhưng từ khi tôi rời thành phố về Xuyên Mộc đến nay là 2 năm.Hai năm chưa một lần trở lại SG.Rất nhớ bạn bè, anh em và người quen nơi đất lành chim đậu ấy.Nhớ đến cồn cào nhưng hai năm rồi vẫn dịch bệnh thì làm sao về?Giờ đây chỉ còn cách sống chung với dịch.Có nghĩa là dù tuân thủ 5 K vẫn là chuyện hên xui, may rủi khó lường.Cho nên đành thăm hỏi nhau qua điện thoại.Nguyễn An Bình vẫn chịu khó gửi sách của anh và bạn bè cho tôi đọc dù là nơi hóc bà tó…

Trần Dzạ Lữ

( Xuyên Mộc tháng 2.2022)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét