Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

DÕI THEO CUỘC TRƯỜNG-CHINH THI-CA CỦA NGUYỄN AN BÌNH

BÀI NHẬN ĐỊNH TRÊN TẬP SAN RA KHƠI 6 THÁNG 4-2021

DU TỬ LÊ

DÕI THEO CUỘC TRƯỜNG-CHINH THI-CA CỦA NGUYỄN AN BÌNH



 

DÕI THEO CUỘC TRƯỜNG-CHINH-THI-CA CỦA                                NGUYỄN AN BÌNH

                                                                     *Du Tử Lê

  Dõi theo cuộc trường-chinh-thi-ca của Nguyễn An Bình, với nhịp đập của trái tim chữ, nghĩa; dường như mỗi ngày một sung mãn hơn, tôi không biết thơ có phải là hơi thở của Nguyễn? Chỉ thấy, hiển nhiên, tự thân những dòng thơ sung mãn, tuôn chảy như một thứ nội lực cảm xúc chẳng những khôn vơi mà, càng lúc càng gia tăng… Tựa, nếu một ngày ngưng làm thơ, Nguyễn có thể bị hiệu ứng mất thăng bằng giống như một thứ… nhồi-máu-cơ-tim-tinh-thần bởi quá độ yêu thương vần điệu.

Dõi theo cuộc trường-chinh-thi-ca của Nguyễn An Bình, khi biết được đời thường của Nguyễn là bảng đen, là phấn trắng, sân trường, tôi không ngạc nhiên khi thấy những ngọn lửa phượng vĩ bập bùng cùng khắp cõi-giới thi ca của Nguyễn, liên lủy nhiều chục năm, như thể đó là một định nghiệp nhà giáo, song hành cùng định nghiệp chữ, nghĩa xây dựng trên phông nền tình yêu, của người thi sĩ, một đời thao thiết với những vần điệu dung dị, êm ái này:


        “Mùa ve rộn rã

Vàng trên tóc người

Tóc xanh màu lá

Tìm đâu tiếng cười?

.

Người mang cánh phượng

Về bên kia trời

Còn trong cổ tích

Áo người sương phơi

(…)

Xin làm hạ đỏ

Một đời bên em

Xin làm cánh gió

Ru người bình yên.

(Trích “Hạ Đỏ”, Thơ Tình, tr. 176)

Hoặc:

“Rồi cũng chia tay đường phượng bay

Làm sao đếm hết lá trên vai

Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt

Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay?

(…)

Em có nhớ gì đường phượng mơ

Thuở ấy yêu nhau áo học trò

Cánh diều no gió bay xa tít

Còn lại một mình tôi ngẩn ngơ

.

Người đã đem một trời phượng đỏ

Làm hành trang ngược chuyến tàu

Chiếc vé tình yêu giờ thất lạc

Đường phượng xưa nào biết tìm đâu?

(Trích “Xa rồi đường phượng bay”. Thơ Tình, tr. 160, 161)

 

Hoặc nữa:

 

“Phượng rưng rức đỏ một trời

Mùa hoa bỏ lại một người tương tư

Em xa bụi lốc biệt mù

Sóng tình trôi dạt buồn như kiếp tằm.”

(Trích “Một khúc mưa”. Thơ Tình, tr. 144)


.Song hành cùng định nghiệp chữ, nghĩa xây dựng trên phông nền tình yêu, của Nguyễn An Bình, không chỉ là những đốm lửa đìu hiu trên đường bay phượng vĩ mà, với tôi, cõi giới thi ca của Nguyễn còn song hành với nơi chốn, kỷ niệm. Những đi qua và, có thể không bao giờ trở lại:


         “Tạ cùng phố núi mù sương

Ngày buông tiếng ngựa đêm buồn nẻo xa

Mùa này tháng tám đi qua

Nào đâu tìm thấy vàng hoa dã quỳ.

(…)

Tạ cùng lá biếc rừng cây

Tình trôi lũng sớm dốc mây lưng chiều

Khăn quàng cổ tím nhìn theo

Xe khuya khoắt đổ xuống đèo về xuôi.

.

Tạ người một sớm mưa bay

Tóc rơi từng sợi trên tay ngậm ngùi

Tím ơi áo giấu phận người

Cho tôi ươm sợi tơ trời trong thơ.

.

Tạ cùng quán nhỏ ven hồ

Ly cà phê nóng cuộc trò chuyện vui

Ghế thôi đã lạnh chỗ ngồi

Biết ai xuống núi lên đồi tìm nhau.

(Trích “Tạ lỗi cùng Đà Lạt”. Thơ Tình, tr. 134, 135)


         Hoặc:


          “Có đi qua con sông

Mới nghe rừng lá kể

Dòng Đắk Bla lặng lẽ

Gọi mùa thu đang về

.

Từng bãi mía nương ngô

Xanh một màu sương phủ

Lời nguyền mùa nước lũ

Sông chảy ngược về đâu?

(…)

Em gùi nước về buôn

Mái nhà rông cao vút

Bập bùng vang tiếng hát

Say trong điệu múa xoang

(…)

Thuyền độc mộc qua sông

Đắk Bla nhuộm nắng vàng

Tình đất đỏ ba dan

Đôi bờ giăng nỗi nhớ.

(Trích “Đắk Bla mùa thu về”. Thơ Tình, tr. 122, 123)


         Hoặc nữa:

 

“Ta đứng bên này Phan Rí Cửa

Nhìn thuyền thấp thoáng mãi khơi xa

Nghe âm tiếng sóng quanh lèn đá

Không đủ làm vơi nỗi nhớ nhà

.

Nhà em nép bên bờ sông Lũy

Có cụm hoa vàng nở sáng nay

Vườn ai sao lại tươi mượt lá

Hương táo thơm bay tận ngõ ngoài.

(Trích “Ở Phan Rí Cửa”. Thơ Tình, tr. 117)

.

Thơ Nguyễn An Bình không chỉ song hành với những đốm lửa đìu hiu phượng vĩ hay, nơi chốn, kỷ niệm… với phông nền tình yêu thao thiết, mà, còn nhiều, hơn thế nữa.

Do đấy, theo tôi, cõi giới thơ của Nguyễn sẽ song hành dài lâu với những người yêu tiếng thơ nhẹ nhàng, dung dị này, nữa.


        DU TỬ LÊ

      (Garden Grove, Sept. 2018)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét