Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

BÀI TRÊN TẠP CHÍ THƯ QUÁN BẢN THẢO SỐ 92-THÁNG 3-2021 TẠI HOA KỲ:

BÀI TRÊN TẠP CHÍ THƯ QUÁN BẢN THẢO SỐ 92-THÁNG 3-2021 TẠI HOA KỲ:

1- MỘT CHÚT TẢN MẠN CÙNG TẬP "THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ"

2- CHÙM THƠ NGUYỄN AN BÌNH








 

 

Điểm Sách

 

  MỘT CHÚT TẢN MẠN CÙNG TẬP “THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ”

                                                                     *NGUYỄN AN BÌNH

                 Nếu các bạn có một lần nào bất chợt nghe được tiếng hát của ca sĩ Thu Vàng về ca khúc Bông Hồng Cho Mẹ của nhà thơ Đỗ Nghê(tức nhà thơ-bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thành ca khúc thì tôi nghĩ chắc chắn các bạn không thể không tua lại để nghe lần thứ hai hay lần thứ ba vì ca khúc tuy chỉ có 4 câu ngắn ngủi ấy, mỗi câu 5 chữ, hơn nữa ca từ trong bài hát được lặp lại nhiều lần nhưng không vì thế làm cho người thưởng lãm nhàm chán một phần do cách xử lý thông minh của người hát mỗi lần lặp lại là một cách thể hiện ca từ khác nhau mà còn chính nội dung ca từ đó đã là một thực thể tình cảm khi nghe như xoáy sâu vào tâm can người thưởng thức, lời bài hát thấm dần, thấm dần vào tâm trí người nghe với một cung bậc, cảm xúc càng lúc càng mạnh mẽ sâu lắng không thể nào diễn tả thành lời được.

Tôi nhớ nhà thơ Đỗ Nghê có lần trải lòng khi nói về ca khúc nầy: “Bài thơ nhỏ của mình viết ngày Giỗ Mẹ đầu tiên năm 2012, cũng là ngày Vu Lan, chỉ có 4 câu ngắn ngủn: Con cài bông hoa trắng. Dành cho Mẹ đóa hồng. Mẹ nhớ gài lên ngực. Ngoại chờ bên kia sông... chẳng ngờ được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc với một âm điệu đầy xúc cảm và ca sĩ Diệu Hiền đã trình bày dạo nọ. Nay ca sĩ Thu Vàng cũng vừa thực hiện xong clip bài hát này, xin được chia sẻ nơi đây cùng bè bạn thân quen. Thu Vàng hát thật lạ! Thử nghe xem. Câu “Mẹ nhớ gài lên ngực” hình như cô đã khóc, tiếng hát bỗng run và rung… ! Nhà thơ Đỗ Trung Quân hôm nghe Thu Vàng hát ở Đường Sách cũng kêu lên với tôi: ”Em thấy rợn người. Nhất định em sẽ về, sẽ về…”

Tôi cũng thấy thế vì tôi cũng là một người không còn mẹ, nỗi trống vắng không gì bù đắp được, thiếu đi sự ấm áp, lòng bao dung của tình mẫu tử khi người mẹ không còn hiện diện nơi trần thế nên rất hiểu tâm trạng tình cảm của nhà thơ dành cho mẹ thật tha thiết, cả sự nhớ nhung yêu thương đến chừng nào, nhưng có một điều khác tôi muốn đề cập ở đây là bài thơ rất ngắn chỉ có 4 câu thơ, mỗi câu chỉ có 5 từ. Mỗi một từ, một câu đọc lên không có gì khó hiểu, nó giản dị, dễ hiểu đến nỗi ai cũng có thể cảm nhận được nhưng để hình dung thấu đáo tấm lòng, xúc cảm của nhà thơ ở một chiều sâu nhất định nào đó dành cho người mẹ trong ngày lễ Vu Lan thì khó mà giải thích một cách căn cơ đầy đủ hết được, nó chứa đựng cả một đạo lý của người làm con và tình yêu thương thiết tha dành cho người mẹ đã mất, đồng thời còn thể hiện được giềng mối khắng khít trong gia đình: con – mẹ - ngoại, hoa trắng – hoa hồng – chờ bên sông, người đọc có cảm nhận như không có sự ngăn cách giữa sự sống và cái chết, sự tồn tại của 3 thế hệ trong gia đình hình như không hề bị chia cắt, mất mác mà chỉ là chuyển đổi từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình, trong hai thế giới khác biệt nhau đó họ vẫn có thể thấy được và gặp nhau dù chỉ là trong một khoảng khắc sát na, một phút giây hay trong sương khói mơ hồ. Bài thơ hay nầy lại nằm trong tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” mà tôi muốn đề cập đến khi được anh tặng trong một buổi ra mắt tập san Quán Văn gần đây.

Nhà thơ Đỗ Nghê sinh năm 1940, cái tuổi đã đến lúc “Về thu xếp lại” như tên một tác phẩm anh viết khi dựa vào một ca từ trong một bài khác của Trịnh Công Sơn. Ngay từ thời đi học anh đã làm thơ và cả sau nầy cũng thế. Tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” là tập thơ thứ sáu của anh được xuất bản( không kể các sách viết về y học và các sách văn khác), có thể kể đó là các tập thơ: Tình Người(1967), Thơ Đỗ Nghê(1974), Giữa Hoàng Hôn Xưa(1993), Vòng Quanh(1997). Thư Cho Bé Sơ Sinh&Những Bài Thơ Khác(2010). Đối với tôi, anh là đàn anh so về tuổi đời cũng như tuổi nghề và tôi rất ngưỡng mộ, thích đọc những tác phẩm của anh viết trong đó có thơ của anh, Tôi quen anh khá lâu từ khi chuyển về Sài Gòn định cư, đôi lần cà phê cùng anh ở nơi nầy nơi nọ, cũng có dịp đi dã ngoại cùng anh nhiều nơi từ miền Tây sông nước đến miền Trung nồng nàn gió cát biển mặn, hay cao nguyên lãng đãng khói sương nên rất biết tính anh dễ hòa đồng thân thiện với mọi người nhất là cách nói điềm đạm nhưng pha chút hóm hỉnh. Có lần anh kể một câu chuyện vui về cái nghề của mình: Đồng nghiệp, bạn bè có người cắc cớ hỏi anh: Nên gọi anh như thế nào cho đúng: Bác sĩ hay nhà thơ, anh đã hóm hỉnh trả lời: Trước khi làm bác sĩ tôi là một người làm thơ.

Trở lại với tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê”, điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn: Tập thơ in rất đẹp, độ dày vừa phải hơn một trăm trang trên giấy láng có hoa văn rất mỹ thuật, bìa do người bạn thân họa sĩ Lê Ký Thương trình bày một cách chăm chút cẩn thận.

          Đọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê”, trong nhiều bài làm ta liên tưởng đến thể thơ Haiku của Nhật(chắc chắn nhà thơ cũng biết thể thơ nầy) nhưng đọc hết tập thơ thì thấy không phải như thế, mỗi bài thơ ngắn chỉ là tác giả thích viết như thế hay muốn cô đọng ý nghĩa của từng từ trong mỗi câu, diễn đạt ý một cách chắt lọc nhất, có bài đôi khi chỉ có hai ba câu như Trái Đất, Sóng, Theo Già, Đất... lắm lúc cũng có bài khá nhiều câu như Quê Nhà, Mới Hôm Qua Thôi, Nước...Điều quan trọng ở đây theo tôi nghĩ ít câu hay nhiều câu không quan trọng mà trong từng câu, từng từ đó tác giả đã gởi gấm tình cảm hay nói lên một điều gì mà anh thật sự quan tâm hay muốn đem đến một thông điệp gì đó cho người đọc nên có những bài ta thấy cách thể hiện đôi lúc giản dị, nhẹ nhàng dễ hiểu lãng đãng như sương sớm mùa thu, se se một chút gió lạnh một ngày đầu đông, man mác tựa hoa xuân vừa nở trong các bài Sóng, Quê Nhà, Đêm Trên Biển Lagi, Tuyết...

Từng bầy phất phới

Dài trắng tung bay

Bấc ơi bấc thổi

Làm xuân tràn đầy.

(Tan trường)

Hay trong một bài thơ ngắn khác, cái tình làm người đọc có cảm giác man mác như hoa rụng đầy ngoài sân vắng:

Mới đó mà em đã cố nhân

Lòng đau như cắt hiểu gì không

Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng

Tình cũng ngùi phai theo tháng năm...

(Cố nhân)

Và nữa:

Mưa trên Đông Hồ mưa mênh mông

Tô Châu nghiêng mình nghe mưa giăng

Thuyền câu mấy lá chìm mưa rộng

Ai người xưa mưa trời một phương...

(Hà Tiên mưa – 2001)

Đôi lúc chúng ta bắt gặp những câu thơ trong trẻo đầy nghịch ngợm bất ngờ:

Anh...ngoằn ngoèo trên cát

Không ngờ mà hóa tên em

Biển xanh nắng vàng sóng bạc

Không ngờ cùng kéo nhau xem...

(Biển vắng)

Hay ở một bài khác:

Đưa em đi Lễ

Vầng trăng treo nghiêng

Đường im tiếng bước

Cho gần nhau hơn.

 

Em tin có chúa

Ngự ở trên cao

Còn anh tin Chúa

Ngự ở trong nhau.

 

Đưa em đi Lễ

Vầng trăng treo nghiêng

Em làm Dấu thánh

Anh làm dấu em.

(Đi Lễ -1997)

Các bạn có công nhận với tôi một điều: thơ ngắn không phải dễ viết mà viết muốn hay lại càng khó làm hơn, nếu chỉ nhìn vào thiên nhiên, vũ trụ, cây cỏ, núi sông để diễn tả thì còn gì là thơ nên cái hay của thơ ngắn là điều hàm chứa trong đó. Chính vì thế các thủ thuật tu từ như phép liên tưởng, nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, nói giảm... thường được tác giả sử dụng một cách khéo léo để diễn đạt cái ý tại ngôn ngoại  mà nhà thơ muốn nhắm tới người đọc, cho nên không phải ai đọc thơ ngắn của họ đều có thể nắm bắt thông điệp họ ngầm muốn nói tới vì thế người đọc không phải dễ dàng nắm bắt được hàm ý tác giả muốn gởi gấm và mỗi một độc giả đều có cách lý giải riêng theo ý mình đôi khi gây ra nhiều tranh cải thú vị. Chẳng hạn như bài Trái Đất của anh, cả bài chỉ có 3 câu, mỗi câu chỉ có hai chữ:

Giữa đêm

Thức giấc

Giữa ngày...

(Boston, 1993)

  Có một bạn văn khi đọc bài thơ ngắn nầy đã vận dụng triết lý nhà Phật để lý giải dài cả một trang giấy, đọc rồi chỉ thấy thêm rối mù loanh quanh như lạc trong mê cung không có lối ra, riêng tôi lại nghĩ đơn giản hơn: Bài nầy nếu chú ý đến ghi chú ta biết không gian nhà thơ viết ra lúc ở Boston vào lúc nửa đêm trong một chuyến đi công tác ở Mỹ, có lẽ vì múi giờ khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ nên... khó ngủ: nửa đêm chợt thức giấc, trằn trọc không ngủ được nhớ ra giờ nầy ở quê nhà đang là giữa ngày, người đọc liên tưởng đến điều gi nhỉ? Ồ! Khi người ta ngủ tâm đang ở vào trạng thái vô thức(tỉnh) nhưng sự vật nào có ở trạng thái tỉnh như ta đâu nó vẫn chuyển dịch(động).Thì ra trái đất không hề đứng yên một chỗ, luôn có sự  hoán đổi luân chuyển tuần hoàn giữa sáng và tối, mưa nơi nầy thì nắng nơi kia,  khác nhau của hai vùng đối xứng nhau trên trái đất về thời gian và không gian là điều không tránh khỏi, con người cũng vậy có gì khác với vạn vật kia chứ? Có thấu hiểu sự tuần hoàn ấy thì tâm ta bao giờ cũng bình yên thôi mà, đúng không?

Đọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” chúng ta thấy một điểm nổi bật đó là cái tình tha thiết của anh: đối với quê nhà nơi từng chôn nhau cắt rốn của anh thuở mới chào đời, với người thân, anh viết cho mẹ, viết cho con và viết cho bạn bè... bài nào cũng tha thiết, gắn bó tràn đầy yêu thương:

Có ai không cầm được nỗi xúc động khi đọc bài thơ nầy không nhỉ?

Con cài bông hoa trắng

Dành cho mẹ đóa hồng

Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông...

(Bông hồng cho mẹ - 2012)

Ngay cả khi nhớ và viết về đứa con đã mất vì tai nạn của mình, ai cũng tưởng anh sẽ vật vã, đau đớn lắm, nhưng không anh đã vượt qua được giống như một nhà hiền triết thấu hiêu được sự vô thường của vòng tử sinh, tất cả đều nằm trong sự sắp xếp của tạo hóa, của sự vô vi của trời đất mà thôi.

Ba dạy con

Mỗi ngày

Một chút

Không bài học nào

Như ba đã học

Từ con

Nỗi mất

(La Ngà 5 – 1990)

Cái tình dành cho người yêu dấu như thế cũng nồng nàn và mênh mông biết nhường nào:

Anh viết tên em lên cát

Cho sóng cuốn đi

Anh viết tên lên lên cát

Cho gió cuốn đi...

(Viết tên lên cát – 1990)

Chiêm nghiệm cuộc đời, cái lẽ vô vi đó còn ẩn hiện trong từng hơi thở của từng câu thơ. Ta là ai, Trang Chu hay là bướm, bướm lại là Trang Chu chăng?:

Lắng nghe hơi thở của mình

Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa

Một hôm hơi thở tình cờ

Dính vào hạt bụi thành ra của mình

Của mình chẳng phải của mình

Thì ra hơi thở của nghìn năm xưa...

(Thở)

Tôi đồng ý với nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy ở điểm: Yếu tố thành công trong thơ ngắn của Đỗ Nghê mang đầy tính chất bất ngờ nhưng đó không phải là sự ngẫu nhiên mà đầy chủ ý.  Chị phân tích bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ để chứng minh cho ta thấy cái yếu tố bất ngờ đó và phát triển thành công trong sự nghịch lý tương quan giữa cái sống và chết, bài thơ đã đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” trong thi pháp thơ Đường nên câu cuối cùng tạo nên hiệu ứng bất ngờ rất lớn, ý thơ càng sâu sắc và có sức lay động vô cùng mãnh liệt. Chúng ta còn có thể thấy trong một bài sau:

Mẹ tôi có nụ cười lạ lắm! Lúc nào bà

cũng nhìn tôi mà cười cười.Không nói.

Lúc tôi có vẻ vội vã  chào lẻn đi đâu đó,

Bà cười cười tha thứ.

Vậy hả con? Lúc tôi lần khân

Thì nụ cười như biết rồi, khỏi nói.

Những lúc tôi mang chuyện bực mình

Thì như thôi đi, đừng sinh sự!

Nhột nhất là khi bà cười như châm biếm

Lúc tôi loanh quanh kiếm chuyện...

Mẹ tôi cứ vẫn cười cười như thế

Suốt ba năm trên bàn thờ!

(Nụ cười của mẹ - 2014)

   Hay trong bài La Ngà 3:

Mỗi năm

Mỗi người

Thêm một tuổi

Chỉ mình con

Mãi mãi

Tuổi đôi mươi

1990

Trong tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” tôi bắt gặp có những câu: “Nước vẫn muôn đời/Không đi không đến/Ai người nỡ hỏi/Nước đến từ đâu?/Ai người nở hỏi/Nước trôi về đâu?...(Nước)”, “Tràn ra khắp ngã/Đất trời mênh mông/Nhẹ như không có/Có mà như không...(Có không)”, “Mỗi ngày ta rơi rụng/Mỗi ngày ta phục sinh/Mà cứ tưởng không hề thay đổi...(Vô thường)” ...ta có cảm giác một người hành giả đang đứng trước đất trời bao la, mỗi một câu thơ là mỗi bước chân của người hành giả muốn khám phá cái bí mật bao la, điều gì ẩn chứa trong muôn loài, muốn thấu thị cái lẽ vô thường của tạo hóa, tử sinh của một kiếp người, hương vị thiền hình như phảng phất đâu đây, chỉ là một chút hương trầm thôi mà sao nó bàng bạc, lãng đãng đến thế không biết.

Lý giải chất thiền trong thơ Đỗ Nghê, Du Tử Lê có cảm nghĩ cũng rất lạ:

“...Tôi cho những phong thái kể trên của Đỗ Nghê là phong thái của một hành giả đã khu trừ được cái tâm nhiễu loạn, nguồn gốc của cái “tôi”, để thong dong dạo chơi giữa vườn đời...

Tôi thấy trong Đỗ Nghê không chỉ có một thi sĩ mà, thi sĩ ấy, còn song sinh với một thiền gia nữa. Như thiên/địa, nhật/nguyệt, tuy hai mà, thực ra cũng chỉ là một thôi.”

 (Du Tử Lê - Đỗ Hồng Ngọc, thơ và thiền song sinh?)

Nhân hóa chuyển động hình ảnh nước để gởi gấm điều gì hay muốn nói đến sự chuyển hóa luân hồi của vạn vật muôn loài chăng?

Nước từ đâu đến?

Nước trôi về đâu?

Từ con suối nhỏ

Từ dòng sông sâu

Từ khe núi lở

Từ dưới nhịp cầu

Từ cơn thác lũ

Từ giọt mưa rơi...

(Nước)

Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương khi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, ông cũng có cảm nhận chất thiền như cội rể ăn sâu vào máu thịt của anh từ rất lâu:

“Thật ra, ý hướng thiền học và cảm xúc tâm linh đã ươm mầm trong thơ Đỗ Hồng Ngọc rất sớm. Nhưng phải ra những trải nghiệm nào đó về cuộc đời, người ta mới có thể nghĩ sâu về Tâm kinh như tác giả Nghĩ từ trái tim. Cũng như phải đạt đến một sự hòa hợp nào đó giữa “ngã” và “tha”, người ta mới viết được những câu thơ như Đỗ Hồng Ngọc:

Hội An còn ngái ngủ

Mái chùa ôm vầng trăng

Giật mình nghe tiếng chổi

Gà gáy vàng trong sương.”

(Huỳnh Như Phương – Đỗ Hồng Ngọc: Thơ ẩn hiện giữa đời)

Ở những bạn văn khác khi viết vể “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” vô hình trung càng giúp ta hiểu rõ hơn tâm hồn nhạy cảm, rung động phát sinh theo sự dịch chuyển thời gian, không gian và trong tâm thức không hề ngủ yên của anh. Chẳng hạn với nhận xét của nhà thơNguyễn Thị Khánh Minh, cô giúp ta khám phá ra một điều về sự hình thành các bài thơ ngắn của nhà thơ Đỗ Nghê: “Trong những bức điện thư cho bạn hữu anh em, ông thường gởi những bài thơ ngắn mà ông thường gọi là “thơ trởi ơi”. Trời ơi là chuyện không đâu. Trời ơi là tiếng kêu ngạc nhiên. Trời ơi để diễn tả sau đó một vui mừng, một âu yếm. Trời ơi là tiếng than trong cơn bi sầu. Trời ơi đôi khi lại là bótay.com. Mà vì sao lại thốt lên như thế? Vì cảnh đời tang thương ngẫu lục. Vì sáng trưa chiều tối vút qua thoắt cái tất cả đều biến dịch trong từng khoảng khắc. Trời ơi, Mới Hôm Qua Thôi...”.

    Ở Lam Điền thì hơi dông dài một chút khi giới thiệu thơ ngắn của Đỗ Nghê(cũng thú vị đấy chứ) trên báo Tuổi Trẻ: “Và nay, bạn yêu thơ dần dần nhận ra ý vị trong thơ ông cũng chính là ở chỗ ngắn gọn của câu từ đã đẩy người đọc đến những hành trình dông dài của tâm sự và cảm nhận. Giở tập thơ mới in, thấy dấu vết “thơ ngắn” từng gắn bó trong hành trình thơ Đỗ Nghê từ mấy chục năm trước. Có những bài thật ngắn, trước sau chỉ có 6 từ: Giữa đêm/thức giấc/giữa ngày. Nhưng rồi cái “ý tại ngôn ngoại” của thơ ông lại nằm ở thông tin thuộc về...lạc khoản: Bài thơ ông làm trong chuyến đi Boston, cái không gian nửa vòng trái đất được đo bằng một giấc ngủ rồi vo lại trong 6 chữ kia, cũng là một “ca” thú vị về chuyện thơ được sinh ra như thế nào.”

Còn  nhà văn Hai Trầu Lương Thư Trung đứng ở góc độ người già để đọc thơ ngắn của Đỗ Nghê: “Tóm lại, qua 103 trang sách với 56 bài thơ ngắn, quả thật tôi đã học hỏi ở thi sĩ Đỗ Nghê rất nhiều ý mới lạ qua những bài thơ ngắn cùng với chữ dùng rất bình dị mà thâm thúy, mà thực sự nếu muốc hiểu cặn kẽ những ý thơ qua từng dòng thơ của tác giả tôi nghĩ không dễ dàng chút nào...”

Tô Thẩm Huy lại có cái nhìn khá xác đáng khi bàn về thơ ngắn của Đỗ Nghê: “Thơ hay có khi là những bài thơ lớn. Hay vì ý tưởng lớn, hỗn mang bờ bãi. Lớn vì cánh hạc một thoáng vụt tung đã nghìn năm bay mất.

Thơ hay có khi lại là mấy bài thơ nhỏ. Hay vì ý tưởng như cây kim xuyên suốt nhất điểm thông, vì nó là lát cắt nóng hổi từ đời sống, nhịp tim vẫn đang đập trong từng lắt cắt. Nó như lưỡi chủy thủ đâm thẳng vào hồn. Không băn khoăn, do dự, không suy nghĩ, đắn đo. Nó cấu điếng vào người”.

Viết tản mạn đôi điều về tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” của anh cho vui, không dám lạm bàn những chuyện cao siêu diệu vợi khác, như một cái tình thân thiết với ông anh nhà thơ Đỗ Nghê, cũng là nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tuy hai nhưng là một không thể chia cắt như anh đã từng nói đùa: Trước khi làm bác sĩ tôi là một người làm thơ vậy mà, tôi nghĩ rằng anh cũng không ngờ một vài bạn văn khi đọc tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” lại “mổ xẻ” tập thơ nầy nhiều đến thế, chẳng biết anh có đồng ý với tôi điều đó không nhỉ?

                                                                     Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 02/2021

                                                                             NGUYỄN AN BÌNH

 

_______________________________________________________________________

Tham khảo:

1- Như không thôi đi được... nhiều tác giả viết về thơ Đỗ Hồng Ngọc(Đỗ Nghê)

2- Yếu tố bất ngờ trong bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ của Nguyễn Thị Tịnh Thy

3- Dông dài cùng thơ ngắn Đỗ Nghê của Lam Điền

4- Tuổi già thử đọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” của Hai Trầu Lương Thư Trung

5- Đỗ Hồng Ngọc, thơ và thiền song sanh? Của Du Tử Lê

6- Thơ Ngắn Đỗ Nghê của Tô Thẩm Huy

7- Con đường dài qua Thơ Ngắn Đỗ Nghê của Nguyễn Thị Khánh Minh.

8- Đỗ Hồng Ngọc: Thơ ẩn hiện giữa đời của Huỳnh Như Phương

______________________________________________________________ 

 

          CHÙM THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 

KHI QUA ĐỒI CHARLIE


Tôi nghe lá trên rừng đang chuyển cơn mưa
Khi xe qua đồi Charlie Đắc Tô Tân Cảnh
Màu xanh ngút không giấu đi niềm cô quạnh
Vẫn rợn người hồn tử sĩ lạnh quanh đây.

Súng bên trời có tiếng hát tiễn đưa ai
Người ở lại Charlie trong cơn bão lửa
Pháo tầm nhiệt chớp lòe qua từng khe cửa
Cày xới tung từng thớ đất đỏ máu người.

Quá khứ đi qua niềm đau mãi không rời
Tiếng pháo rền vẫn nổ vang trên đồi máu
Dưới giao thông hào chắc anh thèm phút giây tỉnh táo
Ngước nhìn trời mơ một khoảng trời xanh.

Chẳng ai ngờ thoáng chốc mấy mươi năm
Màu nương rẫy cao su bạt ngàn trong gió
Tôi vẫn nghe tiếng anh cười vang rất rõ
Trước khi hồn hóa thành làn mây trắng bay.

Chim lìa đàn mù mịt một màu nắng phai
Dòng Pô Kô vẫn uốn mình tưới xanh cây trái
Đất ba dan muôn đời đỏ tươi mãi mãi
Xin hãy giữ gìn từng tấc đất đau thương.

Nhắc ta một thời chiến sử đẫm máu xương
Tiếng gà gáy trên đồi Charlie buốn đến thế
Người lính già hai bên tìm về nghe gió kể
Có nhìn nhau bằng đuôi mắt của tình thâm?

 

 TRÊN CỘT MỐC NGÃ BA  ĐÔNG DƯƠNG*

 

 Đứng trên cột mốc vùng ba biên giới

Anh chờ nghe tiếng gà gáy đâu đây**

Chỉ thấy mây bay chập chùng núi tỏa

Từng bậc thang lên rêu bám mỗi ngày.

 

Ngàn lau trắng vươn mình trong nắng sớm

Tay anh chạm vào cột mốc biên cương

Tình hữu nghị chia đều cho ba hướng

Xoay bên nào cũng chan chứa yêu thương.

 

Khắp triền đồi xuyến chi khoe sắc trắng

Dẫu cằn khô hoa vẫn nở suốt mùa

Anh hít vội thèm ôm hương rừng núi

Có tình người trong mỗi chuyện nắng mưa.

 

Hồ tiêu, cao su bạt ngàn thung lũng

Xanh ngát núi đồi mảnh đất quê hương

Ngàn thước đi lên quanh co hẻm vực

Bình yên nào không đổi lấy máu xương?

 

Phiến đá hoa cương mang hồn thiên cổ

Sừng sững đất trời cột mốc thiêng liêng

Dòng sông chảy đắm mình trong sương lạnh

Lặng lẽ nơi nầy vùng đất tam biên.

            

____________________________________________________________

*Cột mốc ngã ba Đông Dương: đặt trên ngọn núi ở độ cao 1086m trên mực nước biển nắm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum. Cột mốc là đường biên phân định giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

** Dân gian thường đùa vui rằng đứng ở cột mốc, nghe tiếng gà gáy người dân ba nước đều nghe được.

 

TIẾNG CHIM TRÊN DÒNG SÊ-RÊ-PỐK

 

 Có tiếng chim lạ quá

Hót vang cả đôi bờ

Trên dòng Sê-rê-pốk*

Khúc tình ca trong mơ.

 

Gọi em về bên suối

Ché rượu cần say nồng

Bếp lửa hồng mở hội

Tiếng cồng chiêng mênh mông.

 

Ai đi trên độc mộc

Thuyền trôi trong sương mờ

Cánh pơ lang cháy đỏ

Chim hót hòa sóng xô.

 

Bao thác ghềnh hùng vĩ

Dray Sáp, Đray Nur

Cầu treo mang huyền thoại

Cuồn cuộn tình anh trao.

 

Đàn T’rưng rộn rã

Cánh chim của đại ngàn

Mùi cơm lam ấm lửa

Chảy qua bao buôn làng.

 

Em địu gùi lên rẩy

Chân qua ngàn suối khe

Hương bay tràn lên tóc

Thơm suốt mùa cà phê.

 

Vút cao trên triền sóng

Nắng gọi bình minh lên.

Anh thành chim bay mãi

Hát tình ca Tây Nguyên.

 

*Sông Sê-rê-pốk: Bắt nguồn từ phía nam Trường Sơn, hợp lưu từ hai dòng Krông Ana(Sông Cái) và Krông Knô(Sông Đực)hình thành hoàn toàn trên Đắk Lắk, dòng chảy ngược về phía Campuchia.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét