CẢM NHẬN VỀ TẬP TRUYỆN NGẮN "VỆT SÁNG CỦA BỤI" CỦA LÊ QUANG TRẠNG
ĐĂNG TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ 19
CẢM NHẬN TẬP TRUYỆN NGẮN “VỆT SÁNG CỦA BỤI” CỦA LÊ QUANG
TRẠNG
*NGUYỄN AN BÌNH
Trong quá
trình sáng tác, Lê Quang Trạng đã đoạt rất nhiều giải thưởng văn học: Giải
Tư cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, Giải
Tư cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 – 2019, Giải Tư cuộc thi
truyện ngắn báo Văn nghệ 2015 – 2017, Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn
quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2016, Giải A – Giải
thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, 2016-2020…
*
Ngày 24/5/2022 tại NXB Trẻ Tp.HCM, giải
thưởng Văn Học Tuổi 20(VHT 20) lần7 với chủ đề “Tuổi 20 hôm nay – cuộc sống và
góc nhìn” được công bố và trao giải. Giải thưởng lần thứ 7 nầy bài dự thi có số
lượng nhiều nhất: 511 tác phẩm, các tác giả dự thi nhìn chung đa số ở lứa tuổi
9X. Có thể nói đây là một kỳ giải hết sức đặc biệt, hai năm 2020, 2021 đất nước
trải một cơn đại dịch kinh hoàng, ảnh hưởng rất nhiều về mọi mặt trong đời sống
xã hội, kinh tế, chính trị... nhưng cũng phải nói chính những biến chuyển dữ dội
ấy đã tạo nên một sức bật mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức cũng như phương pháp
sáng tác của người viết sao cho phù hợp với cuộc sống đang từng ngày thay đổi.
Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Thành Nam – Tổng biên tập nhà xuất bản Trẻ - Các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh phần lớn
cuộc sống và quan tâm của tuổi 20 hôm nay. Đó là cuộc sống khi đi du học hay
sinh sống nơi đất khách, phải nỗ lực vươn lên; Trách nhiệm của người trẻ trước
cuộc sống và xã hội; Vấn đề môi trường, chữa lành tâm lý; Những thân phận dưới
đáy xã hội, áp lực của cuộc sống công sở, hay cuộc mưu sinh nơi thành thị. Tất
cả được các tác giả thể hiện qua lối viết khá đa dạng, chỉn chu, mới mẻ và hiện
đại.
Ông Nam còn nhận xét: Đây là năm liên tiếp giải thưởng Văn học tuổi
20 không có tác phẩm được trao giải nhất cho cuộc thi. Không có giải nhất không
có nghĩa là không có tác phẩm chưa xứng tầm mà theo tôi nghĩ chưa bắt kịp những
chuyển biến lớn lao của cuộc sống hiện đại xung quanh và chúng ta có quyền hy vọng
trong giải thưởng VHT 20 lần tới sẽ có tác phẩm, tác giả được vinh danh. Hai giải
nhì được trao cho 2 tác phẩm:Vụn ký ức (tác giả Yang Phan), Nửa lời chưa nói
(tác giả Duy Ân); Giải ba thuộc về 2 tác phẩm: Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng),
Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng); Giải tư có 3 tác phẩm: Có thú dữ trong
thành phố (Nguyên Nguyên), Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh), Chopin biến mất
(Hiền Trang).
*
Nói theo Duy Ân, một tác giả nữ trẻ được giải thưởng văn
học tuổi 20 lần nầy “Mỗi truyện ngắn đều ẩn
chứa một thông điệp riêng...Mỗi độc giả có lẽ sẽ có những cách hiểu khác nhau,
có thể trùng với thông điệp ban đầu của mình, có lẽ không. Nhưng điều đó không
sao cả, mình nghĩ rằng khi đến với văn chương cả người đọc lẫn người viết đều cần
có không gian riêng của bản thân”, nên lời tâm sự của Lê Quang Trạng khi viết
tập truyện ngắn nầy:“Tập truyện nầy ra đời vào những ngày phập phồng trong
tâm dịch. Bên tiếng còi hú, bàn phím và tiếng con khóc cười vẫn đủ sức lay động
những câu chuyện hiện ra như một vệt sáng, thắp lên niềm thôi thúc và hy vọng.
Như một thế giới khác, cõi chữ đã giúp tôi tái tạo chính mình.” Có thể mở ra cho chúng ta một cánh cửa tuy hẹp nhưng
cũng đủ để bước vào những câu chuyện kể của anh.
Lê Quang Trạng góp mặt vào Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần
VII với tập truyện ngắn Vệt sáng của bụi. Trong số các tác
phẩm được chọn vào chung khảo và
là một trong những tác phẩm hiếm hoi viết về phận người miền Tây sông nước, vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên. Tập
truyện ngắn chỉ có 10 truyện ngắn nhỏ nhưng mỗi truyện lại có một dấu ấn, một
đường đi riêng của nó đến với độc giả, nó phản ánh một hiện thực trong đời sống
đương đại chúng ta khá chân thực gần gũi, hướng chúng ta trong cuộc hành trình
tìm kiếm giá trị nhân bản cho mọi người và cho chính bản thân mình.
Hãy nghe Lê Quang Trạng nói về tác phẩm
của mình:“Tôi
vẫn thấy miền đất này luôn chứa đựng rất nhiều điều tôi có thể khai thác tiếp,
nên suốt thời gian qua, tôi luôn bám lấy mảnh đất đồng bằng để viết. Tôi thu
nhận chất liệu từ nhiều yếu tố, từ trong những chuyến đi trải nghiệm, từ cuộc
sống xung quanh, từ những trang viết mình đọc được. Đi, đọc, gặp gỡ vừa để tích
trữ kiến thức nhưng đôi khi cũng vừa thu nhận cảm xúc. Khi có đủ kiến thức và
cảm xúc, tôi sẽ viết ra tác phẩm”.
*
Còn trong Rượu của má ta bắt gặp một tình cảnh khác không biết có cười ra nước
mắt được không. Thằng Hậu thất tình buồn như xác chết trôi sông, thấy bà má nhậu
mỗi ngày đến lết bánh bất chợt lại muốn tham gia “Má muốn nhậu nữa, thì con sẽ mua rượu nhậu cùng”. Cuộc nhậu triền miên
giữa hai má con Hậu cũng đến hồi kết thúc sau một trận nhậu kinh hoàng:“...Sau đợt đó thấy ngượng quá, nên hai má
con không rũ nhau nhậu nữa. Căn bệnh mất ngủ dần mất đi từ hồi bà già tin rằng,
bỏ rượu, đêm đêm trì Chú Đại bi sẽ giảm trừ nghiệp chướng, thằng con sẽ bớt nỗi
đâu thất tình, không còn nhậu nhẹt quậy phá, chí thú làm ăn.”
Lòng tham làm con người ta trở nên mù
quáng tham lam ích kỷ, họ xới tung tất cả để tìm cổ vật, vàng bạc, đá quí. Hoàn
là một trong số đó để rồi khi tưởng vận may đã đến với mình tất cả đều sụp đổ:“Thời tiết Óc eo năm đó lạ ghê, bước tới thì nắng mà sau lưng
thì mưa, những hạt nước vừa chạm đất là bốc khói, chỉ còn duy nhất một vệt tròn
đọng lại trên đường bụi sắp lấp đi, phải chăng đó là vệt sáng của bụi vừa lóe lên rồi lụi
tàn giống như lòng tham của con người tàn phá thiên nhiên di tích không thương
tiếc để đổi lấy sự phù phiếm giàu sang mà kết quả là một con số không (Giấc mộng vàng)
Đôi vợ chồng già không con, lênh đênh với
chiếc ghe hàng rày đây may đó, khát khao được nghe một lần tiếng khóc trẻ thơ
cho ấm lòng hiu quạnh rồi bỗng dưng tự nhiên “nhặt” được thằng bé khi mẹ nó cố
tình dứt bỏ - “Thằng bé bị bỏ lại như một
cây khô bên vệ đường, tiếng nói tiếng cười của nó bỗng làm cho hạt mầm “gia
đình” nằm yên khô bao năm chợt bắt đầu cọ mình tách vỏ, những mảnh đời lang bạt
trên chiếc ghe hàng bé nhỏ bỗng dưng gắn bó thân thiết, điểm xuyết cho cái
không gian mênh mông xám xịt mưa gió một niềm vui vì có một bông hoa dại vừa
trôi vừa nở chăng”(Hoa của dòng sông)
Rồi những câu chuyện cứ tiếp nối nhau: Ước
mơ đổi đời với những mưu tính thiệt hơn trong cuộc hôn nhân xuyên biên giới giữa
một cô gái Việt với ông già Tàu 80 tuổi khi đồng tiền đóng vai trò quyết định
trong Nhái vượt vũ môn với một kết thúc
ngoài dự định, Rồi Tuyết trong lửa, Nối lại sợi chỉ tay đã đứt, Vệt sáng của bụi...
mỗi câu chuyện lại hiện lên một mảnh đời, một số phận của ai đó thấm đẫm niềm
vui hay nỗi buồn nhưng chắc chắn buồn nhiều hơn vui và neo lại trong lòng người
đọc một cảm giác mơ hồ như một vệt sáng lấp lánh từng hạt bụi tinh khôi đến bất
ngờ.
*
Trương Anh Quốc
khi viết về Lê Quang Trạng có nhận định khá chính xác về sự thành công của tác
giả trẻ nầy: “ Lê Quang Trạng chịu khó tìm hiểu tường tận vấn đề, viết già
dặn hơn so với tuổi của mình. Anh sớm ý thức và nghiêm cẩn với nghề văn. Cách
đây gần chục năm, khi về An Giang, tình cờ được Lê Quang Trạng dắt đi vãn cảnh
nhiều nơi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về sự am hiểu văn hóa và kiến thức lịch
sử của một cậu sinh viên năm thứ hai lại giỏi đến như vậy. Nay anh làm ở Sở văn
hóa thể thao và du lịch tỉnh nhà, công việc nhất định sẽ chắp cánh cho việc
viết của anh thêm thăng hoa“.
Cát Đằng trong
bài “Hy vọng từ Vệt sáng của bụi” đăng
trên báo Cần Thơ ngày 19/06/2022 cũng có nhận xét: “10 truyện ngắn trong tuyển tập tuy không nhiều nhưng đủ neo
vào lòng người đọc về những phận người nhỏ bé như những hạt cát giữa phù sa của
miền Tây sông nước.
Ở
đó, có những gia đình mang nặng nỗi buồn hiếm muộn, thiếu vắng tiếng cười nói
của trẻ thơ. Để rồi, bi kịch cứ thế kéo đến ở trọ trong những mái nhà thiếu hơi
ấm ấy. Người khổ vì chồng nát rượu vũ phu, kẻ đau vì chồng phản bội, người tìm
quên qua đời thương hồ rày đây mai đó… Nhưng họ chưa bao giờ mất đi niềm tin và
hy vọng vào tương lai, vào những điều tốt đẹp, nên vẫn cố gắng sống tốt, níu
giữ gia đình nhỏ bé, dẫu có mong manh. Để rồi cuối cùng, cuộc đời cũng mỉm cười
với họ, gieo một mầm sống trong Nương trong (truyện “Men người”); mang đến cho
vợ chồng trung niên một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi (truyện “Hoa của dòng sông”); hay
thức tỉnh người mẹ nghiện rượu để làm gương cho đứa con nuôi (trong “Rượu của
má”)”.
Chúng ta có thể
cảm nhận được thông điệp mà Lê Quang Trạng muốn gởi gắm qua tập truyện ngắn nầy
với “Vệt sáng của bụi”, tên một truyện ngắn cũng được Lê Quang Trạng lấy đặt tên
chung cho cả tập truyện: “Lòng tốt còn cả
khi mọi thứ hóa thành tro. Những hạt tro lấp lánh như đom đóm. Một chút thôi cũng
thắp sáng được mắt người!”. Trên bước hành trình khám phá vùng đất văn chương
còn nhiều gập ghềnh trắc trở nhưng ẩn giấu nhiều phù sa màu mỡ biết đâu Lê
Quang Trạng sẽ tìm ra những chất liệu cần thiết cho những tác phẩm dài hơi cho
riêng mình?
Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, tháng 5-2024
NGUYỄN AN BÌNH
Tham khảo:
1-
Hy vọng từ “Vệt sáng của bụi” của Cát Đằng
2-
Kết nối văn hóa đọc: Bức tranh hiện thực
miền Tây Nam Bộ của Đỗ Thị Thanh Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét