Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

BÀI VIẾT VỂ TẬP THƠ TRANH CỦA NHÀ THƠ HỒNG LĨNH-PHẠM THỊ QUÝ

 BÀI VIẾT VỂ TẬP THƠ TRANH CỦA NHÀ THƠ HỒNG LĨNH-PHẠM THỊ QUÝ

 


  



Viết về tập Thơ Tranh Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý

 THƠ TRANH HỒNG LĨNH PHẠM THỊ QUÝ - SỰ HÒA QUYỆN DỊU DÀNG GIỮA THI VÀ HỌA TRONG TÂM HỒN NGƯỜI NGHỆ SĨ

                                                          * NGUYỄN AN BÌNH

 1-    MỘT CHÚT TÌNH TRI NGỘ

Khi tôi về Sài Gòn định cư và tiếp tục con đường văn chương của mình, trong những lần tham gia sinh hoạt văn nghệ ra mắt tập san Quán Văn và khá nhiều tụ điểm triển lãm khác, không ít lần tôi gặp và trò chuyện, đi du khảo các nơi cùng vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý. Một lần tôi hỏi nhà thơ Phạm Thị Quý: Chị quen sao với các bạn văn ở Cần Thơ mà tôi thấy đôi lúc chị đăng ảnh về Cần Thơ cà phê với họ vậy. Chị cười: Có thể nói tôi là người Cần Thơ mà vì tôi từng học ở trường trung học Phan Thanh Giản. Tôi ngỡ ngàng vô cùng – Chị học PTG năm nào, ban gì? Năm 71-72 lớp 12 ban C. Tôi khẽ kêu lên: Trời ơi! Đồng môn, đồng cấp, đồng học chung một dãy lầu lại sát lớp nhau mà tôi đâu có biết. Chị cũng ngạc nhiên không kém.

Thật vậy, trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ ngày đó khuôn viên rộng lớn và có bề dày lịch sử không thua kém trường Pétrus Ký Sài Gòn hay trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Trường có 3 dãy lầu từ trước cho đến sau, mỗi dãy lầu có 12 phòng học(trên 6 dưới 6). Lớp 12A2 của tôi sát lớp 12C của chị và chỉ cách nhau bằng một vách gỗ. Muốn vào lớp 12C phải đi qua hành lang lớp 12A2 của tôi, vậy mà suốt một năm dài đi học tôi và chị như hai chiếc bóng đi ngang qua nhau mà chưa hề chạm nhau bao giờ.

Sau nầy đọc được tập “Hành trình phù sa” của họa sĩ Lê Triều Điển – chồng chị - Hồi ức in song ngữ Việt Anh, tôi biết anh chị gặp nhau trong hoàn cảnh nào, mối lương duyên văn nghệ kỳ lạ ấy đã đưa hai tâm hồn yêu nghệ thuật gắn bó với nhau trong suốt cuộc hành trình đi tìm cái đẹp của cuộc đời và nghệ thuật. Hãy nghe họa sĩ Lê Triều Điển kể:

“... Sau khi quán cà phê Đỡ Buồn hoạt động ổn định, tôi về Cần Thơ cùng với bạn bè văn nghệ ngồi lại với nhau làm chương trình thực hiện tập san văn nghệ và hội quán Góp Gió. Buổi gặp mặt đầu tiên mời rộng rãi anh em sáng tác thơ văn nhạc họa ở các trường Đại học Cần Thơ, trường trung học Đoàn Thị Điểm, Phan Thanh Giản, các bạn bè văn nghệ trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Long Xuyên, Châu Đốc. Trong cuộc họp nầy, lần đầu tiên, tôi gặp nhà thơ Hồng Lĩnh, cô cùng nhóm nhà thơ nữ cùng tham dự, nhiệt thành đóng góp ý kiến cho tập san văn nghệ và đề nghị đặt tên cho hội quán là Tao Ngộ. Cuối cùng, chúng tôi tao ngộ kể thành gia đình thơ họa, đám cưới chúng tôi một người bạn là thầy giáo, nhà văn phán một câu vui: “Hai anh chị nầy lấy nhau chắc tương lai bần cùng, rách nát, một người làm văn nghệ đã khổ, vậy mà cả hai thì càng khổ hơn.”

“...Năm 1971, tôi triển lãm cá nhân tại Trung tâm văn hóa Mỹ tại Cần Thơ. Năm 1973, triển lãm cá nhân tại trường Phan Thanh Giản...Chúng tôi cùng nhau thành lập quán Góp Gió để anh em văn nghệ có nơi họp mặt”. Chính tại nơi nầy anh đã mời ban nhạc Phạm Duy về trình diễn một đêm ca nhạc. Tôi cười nói với anh Lê Triều Điển chắc anh không ngờ hôm ban nhạc Phạm Duy về Cần Thơ trình diễn tôi cũng có mặt tham dự? Quán Góp Gió chỉ là cái quán nhỏ cất trên sông Cái Khế ngay chợ Mít Nài, mặt trước và sau đều lộng gió. Đây là nơi đầu tiên tôi nghe chính Phạm Duy hát bài Thà như giọt mưa phổ từ bài thơ Lời buồn tình của Nguyễn Tất Nhiên, rồi các con của Phạm Duy lên hát thêm một số ca khúc mới của ông. Sau nầy đọc hồi ký của Phạm Duy tôi mới biết khoảng thời gian nầy ông đang tìm một hướng đi mới cho dòng nhạc của mình và đang viết những ca khúc mới về tình yêu và tuổi hồng dành riêng cho các con ông hát để thu hút lượng khán giả ái mộ nhạc của ông thêm đông đảo.

Họa sĩ Lê Triều Điển cũng là người mở quán Thằng Cuội ở đường Pasteur(nay là đường Võ Thị Sáu). Nơi đây vào năm 1973 là nơi lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm và nhà thơ Vũ Hữu Định khi nhà xuất bản Khai Phá của anh Ngô Nguyên Nghiễm từ Sài Gòn về Cần Thơ tổ chức đêm ra mắt tập thơ Ngôi nhà cho người trở về của Nguyễn Huy Chương. Nhắc lại chuyện nầy với anh, Lê Triều Điều hóm hỉnh cười: Bọn văn nghệ tụi mình như những dòng sông chảy các hướng khác nhau nhưng cuối cùng đều trôi về biển cả thôi.

Dông dài một chút để thấy giữa tôi và vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh Phạm Thí Quý có một một mối dây gắn kết mơ hồ nào đó từ hơn 50 năm về trước đến bây giờ mới thật sự nối kết biết và quen nhau. Cuộc đời có nhiều sự kỳ lạ như thế âu cũng là có chút duyên tri ngộ trên con đường văn chương nghệ thuật.

 

10-                        SỰ HÒA QUYỆN RẤT ĐỖI DỊU DÀNG GIỮA THI VÀ HỌA TRONG TÂM HỒN NGƯỜI NGHỆ SĨ:

 

Phạm Thị Quý yêu thơ và làm thơ từ thời trung học, tập thơ đầu tiên của chị do Con Đuông xuất bản năm 1972 với tên Thơ Hồng Lĩnh. Sau 1975 chị vẫn tiếp tục làm thơ đi song hành với nét cọ của Lê Triều Điển. Tập thơ Những chuyện thường ngày(Văn nghệ Cửu Long 1987), Vườn Đá(Nxb Trẻ 1995) và in chung trong một số ấn phẩm khác. Theo lời ghi nhận của chị, từ tập thơ Những chuyện thường ngày, Vườn đá chị dùng hẳn bút hiệu Phạm Thị Quý cho những sáng tác văn chương còn bút danh Hồng Lĩnh dành riêng cho hội họa và nghệ thuật tượng hình. Như vậy tác phẩm mới nhất của chị là tập Thơ Tranh Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý in năm 2020 là sự kết hợp hài hòa giữa thi và họa. “Thi trung hữu họa” hay “Họa trung hữu thi” nhỉ? Rất thú vị khi ta lần bước tìm hiểu tác phẩm nầy.

Tập Thơ Tranh Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý phải nói là in thật trang nhã, giấy đẹp, trình bày ấn tượng. Bên cạnh những bài thơ còn có nhiều bức tranh thơ do chính tay Phạm Thi Quý vẽ và trình bày, tuy có hơi làm khó cho người thưởng ngoạn một chút vì những lớp màu và câu thơ chồng lấn lên nhau nhưng những ai yêu mến chị vẫn có thể nhẫn nại một chút để thưởng thức những bức tranh thơ đó bằng tất cả tấm lòng của mình.

Trong tập thơ tranh tôi chú ý nhiều đến các bài thơ viết theo thể hành của nhà thơ Phạm Thị Quý như các bài hành gieo hạt, túy tửu ca, nghệ sĩ hành 1, nghệ sĩ hành 2, hành covid... Không phải vì những lời nhận xét ít nhiều “bay bổng” của nhà nghiên cứu phê bình Ngô Nguyên Nghiễm dành cho chị: “... Bài Nghệ sĩ hành và bài Nghệ sĩ hành 2 đã ngẫu nhiên đưa tâm thức thi nhân hòa quyện một cách nghiêm túc. Sáp nhập tư tưởng và thiên nhiên một cách tuyệt vời. Lúc nầy, Phạm Thị Quý đích thực là một nhà thơ phiêu bồng, bay lượn trong một thế giới quan thi ca đơn sắc. Không pha trộn cầu kỳ của những tia nắng nhạt mà chúng ta khi phân tích khoa học đến bảy sắc cầu vồng...” mà tôi thấy chị viết với một tâm hồn rất thực, đối kháng giữa khát vọng và hiện thực... đang bùng phát trong tâm hồn người phụ nữ nhỏ bé nầy.

 Trong bài thơ đầu tiên mở đầu tác phẩm, bài thơ hành gieo hạt,...có những câu thơ thật cảm xúc làm lay động lòng người vì nó xuất phát tận đáy lòng tác giả một cách đầy chân thực, cho ta cảm nhận tâm trạng tác giả đang chơi vơi trước một thế giới hỗn mang đầy biến động:

Còn mảnh đất cuối cùng hề

Cũng bị mất quyền sơ hữu

Cầm hạt giống đã ngậm trên tay hề

Lòng ta bỗng dưng bứt rứt

Biết gieo vào đâu

Gieo về phương Đông hề

Gieo về phương Tây hề

Bóng đen nuốt mất

Gieo về phương Nam hề

Cỏ dại mọc đầy

Ta làm con chim

Ngậm hạt bay khắp đất trời

Để rồi nỗi lòng ấy chất chứa một niềm đau vô hạn đành phải nghêu ngao giữa đất trời vì không tìm được chỗ trú ngụ cho chính tâm hồn mình:

...Ừ thôi đàng gieo vào lòng

Như con trai ngậm cát hề

Chờ mai sau hóa ngọc

Ta vỗ ngực mà ca hề

Nghêu ngao bài hành mất đất

Chỉ còn bầu trời cao hề

Ta lại ngậm hạt mà bay

Bài thơ mang âm hưởng bài Hồ Trường của Dương Bá Trác. Nếu ta đọc bài Hồ Trường cảm xúc trào dâng bao nhiêu thì với bài hành gieo hạt của Phạm Thị Quý ta càng đồng cảm với tâm trạng của chị bấy nhiêu.

 

Ở bài nghệ sĩ hành 1 ta tìm thấy một tâm hồn thật phóng khoáng, tính chất của người nghệ sĩ muôn đời như thế, là cội nguồn cảm hứng vô tận của thi ca và hội họa:

ghe trôi trên sông hề

trăng soi mênh mông hề

ta như tráng sĩ hề không gươm

cây bút vạch ngang trời

ta xé toạc vầng tranh đề thơ trên đá

... ta như con thuyền giữa nghìn con sóng

mặc trời đất ngả nghiêng

ngẩng mặt mà ca

nghệ sỹ hành

nghệ sỹ hành

*

Nhà thơ Phạm Thị Quý có cái khéo khi viết về một đề tài diễn đạt tâm trạng bộc phát các vấn đề xã hột, ức chế về các vấn nạn, các mối quan tâm nội tại lẫn ngoại cảnh chị thường dùng thể thơ tự do vì nó khơi đúng mạch nguồn và lột tả hay nhất tình huống thực tại. Chẳng hạn chị làm thơ nói chuyện với la hán nhưng thực ra là đang đối diện với chính mình và muốn truy vấn con người trước bao nghịch cảnh nhiểu nhương xảy ra hằng ngày, một điều làm cho ta cũng phải suy gẫm lại chính bản thân mình:

...

 Sao các ông vẫn an nhiên

Che mắt buông tay

Trước sự giả trá tối tăm tội lỗi?

Các ông đã trút hết cho đời bao nhiêu oan trái

Để nhẹ nhàng vĩnh viễn hóa thân

Thành tượng gỗ vô tri trong cõi vĩnh hằng:

(nói chuyện với la hán)

Một thái độ điềm tĩnh sáng suốt khi khẳng định vai trò của nghệ thuật:

...Nghệ thuật

Không là trò đùa

Để có thể dối lừa

Đánh đố trái tim

Mua bán niềm tin

Bằng sự thân thiện vô hồn

Của sự phá phách

Và coi thường

(nghệ thuật)

Đối diện trước âm thanh của tiếng đàn hay âm thanh phát ra từ cuộc sống:

Một dây hề ta rung

Âm thanh hề vang vọng

Tiếng đất trời hề giọng trầm giọng bổng

Tiếng tình yêu hề giọng đục giọng trong

Ta rung lên hề

tiếng khóc nỉ non...

(độc huyền cầm)

Nỗi ray rứt và niềm tin trong cơn đại dịch covid tràn qua thành phố:

qua đại dịch nầy chúng ta sẽ yêu thương nhiều hơn

vẫn nhận ra nhau dù khẩu trang che kín mặt

bạn bè gặp nhau dẫu không ôm chầm lấy nhau

hay nồng nàn đưa tay bắt

cứ phải cách xa nhau hai mét

cho nhau sự an toàn

trong đại dịch nầy

(mùa dịch)

*

Ngoài ra trong tập Thơ Tranh nầy tôi rất thích những bài thơ lục bát của chị. Những bài hành và những bài thơ tự do thể hiện một tình cảm tự do không ràng buộc bao nhiêu thì khi chị viết thơ lục bát nhẹ nhàng, lắng đọng bấy nhiêu:

 

Người đi khuất nẻo chân mây

Người về bỗng nhớ giữa ngày nắng nghiêng

Trong ta nỗi nhớ muộn phiền

Thoát cơn huyễn mộng lại chìm hư không...

(Người đi khuất nẻo chân mây)

Một cảm giác mơ hồ như đang tồn tại giữa giấc mơ và cuộc sống thực thể:

dường như có một mùi hương

dường như có một con đường phía xa

dường như ta vẫn là ta

ngồi yên mới biết đâu là chân như...

(lục bát rời)

Hoặc đôi lúc chị sử dụng lục bát ngắt dòng để làm mới câu thơ cũng như làm mới tâm hồn mình có lúc muốn cằn khô:

Hỏi em

Em đã xa rồi

Hỏi người

Người đã rong chơi chốn nào

Hỏi cây

Cành lá xanh xao

Hỏi chim

Chim cũng bay vào bóng mây...

(hỏi)

*

Có một nhà báo nhận xét về thơ, tranh gốm của chị ẩn chứa chất thiền trong đó, mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau và tôi tôn trọng điều đó:

“Sinh ra trên mảnh đất “Chín rồng” đã phần nào tạo cho họa sĩ Hồng Lĩnh cái bản chất dung dị, đời thường của người phụ nữ Nam Bộ. Thơ, tranh và gốm của bà phảng phất đâu đó về một làng quê Việt Nam, quê hương sông nước hữu tình. Tác phẩm của bà đã nhiều laahn “trình làng” cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự chia sẻ của người chồng – họa sĩ Lê Triều Điển(người có nhiều đóng góp trong mỹ thuật Phật giáo). Gần đây, họa sĩ Hồng Lĩnh tập trung vẽ chữ nhiều hơn. Và, đó cũng là cđường mà bà đã và đang tiến gần lại chính mình tìm về sự tĩnh lặng, sự cảm thức về kiếp sống nhân sinh và cõi vĩnh hằng...”

(Chất Thiền trong tranh của họa sĩ Hồng Lĩnh – Giang Phong)

 

Giữa thơ và tranh là một sự kết nối hòa quyện hết sức dịu dàng trong con người nhà thơ - họa sĩ Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý. Chị từng thố lộ: Tôi thường vẽ tranh trước rồi mới lấy thơ. Những câu thơ “rút ruột” từ cảm xúc hột họa, ẩn nấp trong những mảng màu đậm-nhạt. “Chữ” là một hình thức, là đường nét, như tranh nhưng ý nghĩa ẩn chứa theo một cách diễn cảm. Đôi khi đơn giản, đang ngồi vô tư lự vậy thôi, mà một vài câu thơ phát lộ diễn tả “minh họa” cho những điều mà hội họa chưa thể nói hết.

Chị cũng đã từng tổ chức triển lãm tranh thơ họa cho riêng cá nhân hay kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác, nên điều đó không làm bạn bè của chị ngạc nhiên khi chị xuất bản tập Thơ tranh Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý. Có người cho rằng “Hội họa lên tiếng khi ngôn ngữ bất lực” nhưng đối với tôi có lẽ chị quan niệm khác: Giữa thơ và họa tuy là hai mặt khác nhau của nghệ thuật nhưng nó lại là một thể thống nhất và người nào làm chủ được điều đó cũng chính là làm chủ chính bản thân mình.

Cái tình Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý dành cho thơ ca, hội họa và nghệ thuật tượng hình thì ai cũng biết và yêu mến, nhưng bạn bè ai cũng biết chị còn có cái tình còn lớn hơn sâu rộng nhiều đối với chồng – họa sĩ Lê Triều Điển: Anh vừa là người bạn đời, người thầy, người bạn tâm giao dìu dắt nhau đi suốt con đường nghệ thuật nhất là những năm bao cấp đầy gian khó. Ta hãy lắng nghe nỗi lòng của chị qua mấy câu thơ nặng lòng:

Em lặng lẽ bên đời anh tất bật

Mặc cho vòng quay cuộc sống cứ xoay vần

Lặng lẽ bên đời vẫn một bóng em

Cho anh chút hương hoa chút vầng trăng huyền ảo

Đêm tuyệt vời sau ngày dài huyên náo

Lặng lẽ bên anh, em ngọn gió dịu dàng

Hãy để tâm hồn người nghệ sĩ luôn thăng hoa cùng thi ca, hội họa và nghệ thuật tượng nhé nhà thơ Phạm Thị Quý. Tôi mong muốn những tác phẩm mới sẽ là cánh chim bay giữa bầu trời cao rộng dệt thành những bông hoa xinh tươi đầy màu sắc trong vườn hoa nghệ thuật.

Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, tháng 3-2024

NGUYỄN AN BÌNH

________________

Tham khảo:

1-                  Hành trình phù sa của họa sĩ Lê Triều Điển

2-                  Giao thoa giữa thơ và hội họa trong tranh của nghệ sĩ Hồng Lĩnh-Quốc Đạt

3-                  Nửa thế kỷ nương nhau qua nắng mưa – Mai Thụy

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét