Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

TẬP THƠ "NGỒI HÁT VU VƠ"





GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI NHẬN
TẬP THƠ "NGỒI HÁT VU VƠ"
CỦA NHÀ THƠ VŨ THỤY NHUNG, PHÁT HÀNH VÀO CUỐI NĂM 2022. ĐÂY LÀ TÁC PHẨM ĐẦU TAY CỦA ANH SAU NHIỀU NĂM LÀM THƠ, ĐƯỢC SỰ GIÚP ĐỞ CỦA NHIỀU BẠN BÈ VĂN CHƯƠNG CUỐI CÙNG CŨNG CHÀO ĐỜI MỘT CÁCH MỸ MÃN, TÔI CŨNG ĐÓNG GÓP MỘT BÀI VIẾT NGĂN KHI GIỚI THIỆU CÙNG CÁC BẠN YÊU THƠ

 CẢM NHẬN THƠ CỦA NGUYỄN AN BÌNH

 VŨ THỤY NHUNG:  MẸ, EM VÀ QUÊ HƯƠNG NỖI NHỚ TRONG TẬP THƠ “NGỒI HÁT VU VƠ”

*NGUYỄN AN BÌNH

 Nhà thơ Vũ Thụy Nhung gởi bản thảo tập thơ “Ngồi Hát Vu Vơ” cho tôi  khá lâu nhưng tôi vẫn còn đọc để tìm hiểu cái tình của bạn sau những dòng thơ, con chữ kia ẩn chứa điều gì mà tôi chưa nắm được. Càng đọc tôi càng khám phá ra thơ anh có những cái mới, cái lạ trong sự tìm tòi cách diễn đạt nội tâm mà không phải ai cũng có được. Tôi thường ít viết cảm nhận thơ cho ai nếu cảm thấy mình chưa đủ sức hay thật sự không có cảm hứng để viết nhưng với thơ của Vũ Thụy Nhung thì khác bởi cái tình gắn bó gần gủi với nhau đã lâu thì không thể.

Vũ Thụy Nhung là bút danh của Mai Hoàng Dũng – một cái tên đẹp – nhưng  không biết sao anh lại không dùng mà lấy bút danh bằng cái tên đầy nữ tính dành cho con đường thi ca của mình. Vũ Thụy Nhung sinh năm 1967 quê ở thôn Bàn An, xã Phổ Phong, huyện Đức phổ Quảng Ngãi. Anh rời quê hương hành phương Nam gần 20 năm nay. Một lần tôi hỏi anh vì sao bỏ quê vào Nam sinh sống, anh thật tình nói lúc ấy mình cùng Thanh Thảo thực hiện tờ Sông Trà làm mất lòng một số người(xuất bản duy nhất 1 số và sau đó bị thu hồi) nên phải bỏ quê mà đi. Vào Sài Gòn làm báo Giáo Dục Tp Hồ Chí Minh, sau 3 năm gắn gó rồi cũng rời tờ báo ra đi, anh làm đủ thứ việc để mưu sinh giờ trụ lại ở công ty Goldorient VN, phụ trách mảng chuyên trang thiết kế thời trang đến hiện giờ. Cuộc sống riêng tư của Vũ Thụy Nhung cũng không mấy suông sẻ, hai lần có vợ thì cũng hai lần nói tiếng chia tay. Anh làm thơ từ năm 14 tuổi, hai lần đoạt giải thường của báo Thiếu Niên Tiền Phong. Thơ in rải rác trên các báo và nhiều tuyển tập, nhưng in riêng thì “Ngồi Hát Vu Vơ” lại là tác phẩm đầu tay của anh. Nói như thế để thấy rõ con đường đến với văn chương của anh nhiều gập ghềnh không bằng phẳng và anh rất vui khi trình làng đứa con tinh thần đầu tiên của mình.

  Tôi quen và gặp nhà thơ Vũ Thụy Nhung nhiều lần, khi thì giang hồ cùng Lưu Lãng Khách ở quận 7, khi thì ở Quận 4, thậm chí chén thù chén tạc ở nhiều nơi từ Gò Vấp qua Bình Thạnh rồi về quận 4, tôi vẫn thấy một Vũ Thụy Nhung là một kẻ làm thơ đầy khiêm cung, chân tình và năng nổ cùng bè bạn văn chương. Mặc dù lưu lạc vào phương Nam khá lâu nhưng giọng Quảng của anh không hề thay đổi và người nghe nhận ra ngay gốc gác của anh. Điều nầy làm tôi nhớ đến bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương thời Thịnh Đường:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
          Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
          Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
         Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

 Học giả Trần Trọng Kim đã dịch:

Bé đi, già mới về nhà,
          Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.
          Trẻ con trong thấy hững hờ,
          Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.

“Ngồi Hát Vu Vơ” cũng là tên bài thơ mở đầu của tập thơ nhỏ nầy. Bài thơ chỉ có 19 câu chia làm 3 đoạn nhỏ: Mỗi đoạn được lập và nhấn mạnh hình ảnh “Ta chạy”: Từ việc chạy rong chơi lòng vòng, khi thì làm “đôi chân ray rứt”, lúc lại “Rồi ta gục ngã”, rồi thì “Làm ta muốn khóc” đã làm tác giả chợt nhận ra cuộc đời của mình “Ta chạy đi đâu cũng gặp ngày xưa”. Ngày xưa đó là gì: “Mẹ ta không chồng. Ở vậy nuôi con. /Đưa em qua dòng sông tuổi thơ. Lần đầu tiên ta mất ngủ. /Chỗ mẹ nằm xanh cỏ. Thôi ta đành ngồi xuống hát vu vơ.” Như vậy “Mẹ”và “Em” là hai phạm trù, hai đối tượng in đậm khắc họa rõ nét trong thơ của Vũ Thụy Nhung với những ám ảnh khôn nguôi.

Với mẹ là những vần thơ trăn trở về hình ảnh thật chân phương nhưng nặng lòng thương nhớ. Anh viết thơ như trút từ máu thịt con tim cho một một tình yêu mẫu tử. Tôi rất thích mấy câu thơ sau đây của anh:

Qua sông...

Mẹ tôi quẩy gánh rau lang

Đi lúc con gà chưa đập cánh gáy

Đèn lồng trăng nghiêng rớt phía non tây

Phiên chợ nhạt nhòa tan khi trời sáng

Mẹ trở về kịp buổi làm đồng tính điểm

(Qua Sông)

 

Mẹ-xương-rồng-trước-gió

Chịu bao mùa bão giông

Chỉ một điều duy nhất

Mẹ mong ta thành người

 

Nước mắt lẫn nụ cười

Niềm vui đan đau khổ

Ta gục đầu trên mộ

Mặn chát cả mùa xuân

(Tưởng mẹ - Mùa xuân)

Tình yêu trong thơ Vũ Thụy Nhung cũng thế, luôn ẩn chứa nhiều rủi ro mất mát, nó hình dung như một giải băng đen trải trên con đường anh đi ngầm báo hiệu trước những bão giông trước mắt:

  Em yêu dấu

“Bây giờ là tháng mấy”...

Làm sao biết khi anh đưa tay lên phía trái ngực mình

Đính vào giải băng đen

Ngày cũng quên tháng anh không còn nhớ

Chỉ có em trong tâm tưởng cuộc tình

Để rồi:

Anh như cội phượng già bật gốc trước mùa thu...

(Giải băng đen cuộc tình)

Ở giữa đất Sài Gòn, sớm chiều mưa nắng, nỗi nhớ lặng lẽ đi về, có ai hiểu được tấm lòng đợi chờ của người phía chân mây chăng?

Giờ đâu thể Sài Gòn hai mùa mưa nắng

Đâu thể “áo lụa vàng”em dắt nắng chung chiêng

Mà anh ngập nỗi nhớ

Vàng ánh đèn buốt gió mảnh trăng quê

...Về đi nhé em, về đi nhé

Bữa cơm chiều anh vẫn ngóng đợi em

(Chờ phía chân mây)

Đôi khi anh mượn tiếng đờn kìm trên sông để giải bày tâm sự của mình:

Chiều rớt giọt đàn kìm

Nhẹ câu xề xuống giọng

Đò bao giờ cập bến

Ướt lòng em bên sông

(Viết vội thay cho duyên)

Tình yêu, tình quê đôi khi cũng hòa quyện gắn bó làm một:

Trong những ngày khốn khó

Em không về sao Ch.

Câu thơ có nỗi đau

Anh tin rồi em hiểu

............

Còn thơm mùi em

Vòng tay còn hơi ấm

Em không về sao Ch.

Gió khua lòng xa ngái

Gửi thị trấn Đức Phổ&Ch. Sau 25 năm)

Tôi chợt nhớ đến Hà Huy Hoàng một người bạn đồng hương với Vũ Thụy Nhung có nhận xét khá thú vị khi đọc bài “Trái tim mùa hạ” của “gã”:

“Người nổi tiếng có thơ hay là lẽ đương nhiên; nhưng người ít nổi tiếng không có nghĩa là không có thơ hay đâu nhé. Theo tôi, “Trái tim mùa hạ cũng là một bài thơ hay. Xin lỗi, tôi chỉ nói là bài thơ hay, chứ không bao giờ nói là bài thơ xuất sắc trong nhiều bài thơ của gã đâu nhé. Hơi thơ không mới, nhưng hồn thơ và tình thơ đôn hậu, chân thành làm nên thành công, cho bài thơ nầy chăng! Cá nhân riêng tôi yêu thích bài thơ nầy, khi thơ được viết trong hoàn cảnh cảm xúc đặc biệt gắn liền với tâm sự và nỗi niềm của chính mình, chắc chắn bài thơ sẽ có một chút gì đó đọng lại xứng đáng để được gọi là thơ! Tại sao không...”

Tôi nghĩ chính vì tập thơ có tên “Ngồi Hát Vu Vơ” nên đôi khi anh làm thơ anh không câu nệ tìm tựa cho nó làm gì, chỉ ghi đơn giản là “Không Đề”, trong cả tập thơ có tới 5 bài thơ “Không Đề” có thể làm cho người đọc thơ không vừa ý lắm nhưng theo tôi thế mà lại hay vì mỗi một bài “Không Đề” lại bày tỏ, phơi phóng một tâm trạng khác nhau, đa đoan cùng con chữ làm gì và hãy để người đọc tự cảm nhận có sao đâu:

Tôi còn tôi với chính tôi

Ngã nghiêng che khuất chỗ ngồi dáng xưa

Tôi còn sáng nắng chiều mưa

Còn đêm mộng mị thuở chưa biết người...

Xứ Quảng một dãi đất miền Trung gắn liền với biển nên trong thơ Vũ Thụy Nhung biển cũng là một khúc đồng dao từ ngày xưa đi qua cuộc đời anh:

Người đàn bà ở biển

Ngồi đếm thời gian qua mắt lưới

Ánh đèn chong nỗi nhớ vào đêm

Khát khao được làm vợ có chồng...

(Khúc đồng dao)

Ta trở về trước biển chiều nay

Nghe sóng nhắc tên người năm cũ

Nửa đời ta cánh chim di trú

Thì làm sao tình chẳng vụt bay

(Và Biển Bây Giờ)

Trong cuộc đời văn nghệ, tôi quen khá nhiều nhà thơ xứ Quảng:Có người sống và làm việc ở quê nhà như Hồ Nghĩa Phương, người xa xứ mưu sinh như Lưu Lãng khách, Ngã Du Tử và anh..., tôi nhận ra trong thơ họ luôn có cái tình gắn bó với xứ Quảng thân yêu không bao giờ vơi cạn, luôn nồng nàn thấm ngọt nước sông Trà, sông Vệ, gợi nhớ bến Tam Thương, đá La Hà, sen hồng Liên Chiểu:

Ta về Quảng Ngãi tìm em

Mưa giăng tháng chạp đất mềm đường trơn

Mưa về biển trải thâm sơn

Mưa rong phố gió dỗi hờn nét môi

(Về Quảng Ngãi)

Em có về Quảng Ngãi với anh không

Khi mùa xuân còn ngập ngừng ngoài ngõ

Đất miền Trung đã qua mùa mưa gió

Nụ hoa vàng xòe nắng ngóng bên sông

......

Dẫu lòng ta không mổ chút cách chia

Anh hái tặng em đóa sen hồng Liên Chiểu

Và Quảng Ngãi Khi em về sẽ hiểu

Cõi lòng anh như ngọn sóng sông Trà

(Em có về Quảng Ngãi với anh không?)

Chính cái tình tha thiết, nỗi nhớ quê qua lời nhắn gởi chân tình mà bài thơ Em có về Quảng Ngãi Với Anh Không? đã được nhạc sĩ Từ Tấn Lực đồng cảm phổ thành ca khúc “Quảng Ngãi Ta Về” một thời đã được nhiều người yêu thích và biết đến. Người nhạc sĩ ấy từng tâm sự: Một chiều cuối tháng 4.2015, vì sắp nghỉ lễ nên đường phố cũng trở nên vắng hơn ngày thường. Lang thang lướt báo trên mạng, bất chợt, như một sự tình cờ hữu duyên, mắt tôi dừng lại khi gặp bài thơ “Em có về Quảng Ngãi với anh không?” của tác giả thơ Vũ Thụy Nhung. Một cảm giác nhớ quê, nơi mình chôn nhau cắt rốn, một ước nguyện muốn làm việc gì đó để tri ân quê hương và một giây phút thăng hoa nên giai điệu chợt hình thành. Và thế là ca khúc Quảng Ngãi ta về được ra đời.Cái hữu duyên giữa thơ và nhạc là vậy nhưng có mấy ai tìm được cái duyên như thế nhỉ?

Nhà thơ Vũ Thụy Nhung là người con xứ Quảng xa quê và lấy Sài Gòn làm quê hương thứ hai của mình nên cái tình với mẹ, em và quê hương miền biển ấy luôn ẩn hiện trong thơ anh mang nét hoài cảm vấn vương say đắm: “Gió lay chao đảo liêu xiêu. Gã kia ngớ ngẩn vẫn yêu bởi bùa...”. Trong đại dịch Cô-vit, với vai trò phụ trách công tác mặt trận một phường Quận 4 anh tham gia công tác thiện nguyện rất nhiệt tình. Đối với bạn bè văn chương: anh tham gia trang Dấu Chấm Than Quay Ngang, tổ chức ra mắt sách cho thân hữu, tham gia ban biên tập tập san Sông Quê, tôi thích anh vì những điều như thế nên cũng yêu thơ anh là vậy. R. Tagore có nhận định: “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”, tôi nghĩ thơ Vũ Thụy Nhung cũng bắt đầu như vậy và hy vọng trong tương lai ta bắt gặp một Vũ Thụy Nhung có những bài thơ mới mẻ và thấm sâu vào lòng người hơn.

Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 10-2022

NGUYỄN AN BÌNH

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét