Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

CẢM NHẬN THƠ NGUYỄN AN BÌNH



CẢM NHẬN THƠ NGUYỄN AN BÌNH

TỪ MỘT CÂU THƠ

               Quang Đặng

Sau chuyến đi miền Tây năm 2018 tôi viết tản văn Xuôi Dòng Cửu Long. Đó là chuyến đi nhiều khám phá mới lẫn kỷ niệm cũ về đất và người. Ý tứ dồi dào như thế nhưng viết xong rồi thấy thiêu thiếu giống như nấu một nồi canh nêm nếm đủ thứ vẫn thấy chưa vừa miệng. Tình cờ đọc hai câu thơ “ Rồi mai cầu mới thay phà cũ. Em có qua sông nhớ một người”(1) của nhà thơ Nguyễn An Bình người cũng có mặt trong chuyến đi năm đó chợt nhận ra thứ thiếu là đây. Hai câu thơ sau đó được đặt lên trang đầu bài viết như điền vào chỗ trống không thể nào hợp lý hơn.

Không lâu sau tôi lại chạm đến thơ của Nguyễn An Bình nhưng dưới một hình thức khác. Trong các nhà thơ quen biết thì anh là người có gia tài thơ phổ nhạc đồ sộ nhất. Nhân chuyến ra mắt mấy tập sách chuyên đề này anh nhờ tôi hát minh họa bài Câu Hỏi Của Thời Gian do Hoài Yên phổ nhạc. Nhận lời nhưng tôi rất băn khoăn ca khúc mới lại là Bolero không phải dòng nhạc sở trường của tôi. Ngay cả khi hát nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng một nhà thơ từng khuyên em nên chọn những bài nhiều người biết. Trường hợp này cũng giống như Những Tối Hoa Xưa thơ Đoàn Văn Khánh nhạc Nguyễn Quyết Thắng, Í A Tàn Ngày thơ Phạm Hiền Mây nhạc Nguyễn Dương Quang hay Đợi Người Xưa thơ Vĩnh Phố nhạc Vũ Thế Dũng. Thế nhưng hát nhạc phổ thơ của người quen, bạn bè lại mang một ý nghĩa khác. Sự đồng cảm giữa người hát và tác giả khi tâm hồn người quen biết trải dài trên từng nốt nhạc. Đó cũng là ý kiến của các anh em trong ban văn nghệ Quán Văn nên có một số chuyên đề về sáng tác hay thơ phổ nhạc của Đỗ Hồng Ngọc, Mường Mán, Nguyễn Phú Yên, Đoàn Đình Thạch, Nguyên Cẩn, Lê Triều Hồng Lĩnh… Tuy phải tập tành nhiều hơn nhưng với những lời đề nghị như thế tôi thường vui vẻ nhận lời. Hôm hát xong Câu Hỏi Của Thời Gian nhà văn Nguyên Minh khen, em hát nhạc phổ thơ Nguyễn An Bình nghe cảm xúc lắm.

“ Anh hỏi em sông dài chia mấy nhánh. Mà thương thầm con cá lội biệt tăm. Cơn bão rớt đêm qua còn sót lại. Tiếng nguyệt cầm thao thức mãi dư âm”. Bài hát bắt đầu với những lời thơ tình tự như thế. Rồi “chiếc cầu xưa mấy nhịp, cá về đồng quẩy theo mùa nước lớn, điên điển vàng rờn rợn bến sông quê, tiếng dế gáy râm ran mùa gặt mới, gốc rạ vàng còn bông lúa nào rơi”. Ca từ chẳng có chút gì bóng bẩy, trau chuốt từ đời thường chân chất, giản dị thong thả bước vào từng khuôn nhạc. Nhạc trữ tình quê hương điển hình là nhạc trữ tình miền Nam không khiến người ta mơ những giấc mơ mộng lẫy mà cứ khều nhẹ vào các ngóc ngách đời thường kiểu tui là thế đó nhưng chắc gì dễ quên tui. Mấy mươi năm lưu lạc đất phương Nam gu âm nhạc của tôi ảnh hưởng sự giản dị đó rất nhiều. Thay vì ngâm nga nhạc Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An những câu hát đại loại như “một đường tàu biết mấy sân ga xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường(2),dẫu gì rồi con cũng về chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi(3), cuộc đời là hư vô bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay(4), ngày vui đã tan nhân tình thế thái còn lại đống tro tàn(5 ), nông sâu tùy sông làm sao mà trông chưa đỗ bến biết nơi nao đục trong(6) …càng nghe càng thấm.

Câu Hỏi Của Thời Gian của Nguyễn An Bình cũng thế. “Dâu bể đời người biết kể ai nghe. Tình yêu đầu em giữ giùm anh nhé, áo thời gian muôn thuở chẳng quay về”. Ngoài đời thế nào thì bước chân vào thơ ca rồi âm nhạc và ở lại đó. Vào line thơ phổ nhạc trên trang nhà của anh nghe một số ca khúc như Đêm Bạc Liêu nhạc Nguyễn Phú Yên, Còn Một Chút Mưa Bay nhạc Mộc Thiêng, Áo Lụa Qua Sông nhạc Bạch Ngọc Long, Màu Mưa Huế nhạc Trần Hoàng, Trăng Cuối Mùa nhạc Huy Thọ tuy khác đề tài khác nhạc sĩ hồn thơ của Nguyễn An Bình vẫn chỉ là một. Chẳng vĩ mô, sướt mướt diễm tình bằng thứ ngôn ngữ rặt Nam bộ mộc mạc, nhẹ nhàng, rỉ rả len lỏi đến tận tâm hồn người nghe.

Nói như thế không có nghĩa tôi biết nhiều về Nguyễn An Bình. Tôi không thân và chỉ mới quen anh vài năm gần đây. Theo tôi đó là một người không nổi trội giữa đám đông. Hiền hậu và khi tiếp xúc khiến cho người đối diện yên tâm như cái bút danh Nguyễn An Bình. Theo lời một người bạn thân của anh thì Nguyễn An Bình mê thơ, sáng tác nhiều từ rất sớm. Điều này cũng thể hiện sau những chuyến đi anh đều có tác phẩm mới. Trong số các bạn văn số lượng đầu sách được tặng từ Nguyễn An Bình của tôi nhiều nhất. Cùng là người đam mê sáng tác tôi hiểu các đứa con tinh thần có ý nghĩa như thế nào đối với tác giả. Tài chánh, đam mê thôi chưa đủ bút lực đồi dào như thế nào mới có khối lượng tác phẩm như thế.

Tôi không biết làm thơ, phê bình thơ càng không thể nhưng rất yêu thơ. Mỗi khi đọc được một câu hay bài thơ hay dễ xúc động. Cần minh họa cho bài viết thường tìm đến các trang thơ bất kể tác giả lạ hay quen. Nguyễn An Bình là một người trong số đó. Ngoài thơ anh còn viết tản văn, truyện ngắn nhưng tôi thích thơ Nguyễn An Bình hơn. Gần đây nhất là tập thơ Đà Lạt, Tình Tôi Người Lữ Khách. Với Đà Lạt trước giờ tuy rất thích tôi chỉ cũng chỉ viết được dăm ba bài. Cầm tập thơ đọc một mạch từ đầu đến cuối rất ngạc nhiên. Đà Lạt trong con mắt Nguyễn An Bình không phải lữ khách như cái tựa. Từ địa danh, hoa cỏ, đồi núi, con người, anh am hiểu Đà Lạt như chính dân địa phương. Sắp tới tôi sẽ lên Đà Lạt, mùa phượng tím nở đầy phố núi. Biết đâu sẽ có một tản văn mở đầu bằng hai câu thơ: Con phố nhỏ chiều nay bừng sắc nhớ. Lại một mùa phượng tím trổ qua đây.(7)

_____________________________________________

1/ Qua Bắc Vàm Cống Mùa Nước Nổi: thơ Nguyễn An Bình

2/ Lời Đắng Cho Cuộc Tình: sáng tác Nhật Ngân

3/ Mùa Xuân Của Mẹ: sáng tác Trịnh Lâm Ngân

4/ Xin Thời Gian Qua Mau: sáng tác Lam Phương

5/ Ai Khổ Vì Ai: sáng tác Thương Linh

6/ Duyên Phận: sáng tác Thái Thịnh

7/ Cuối Mùa Phượng Tím: thơ Nguyễn An Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét