BÀI CẢM NHẬN TRÊN TẬP SAN QUÁN VĂN SỐ 84 THÁNG 12-2021
TRẦN HOÀI THƯ, MỘT ĐỜI THAO THỨC CÙNG VĂN CHƯƠNG
NHẬN ĐỊNH TÁC PHẨM
TRẦN HOÀI THƯ, NHÀ VĂN MỘT ĐỜI THAO THỨC VỚI VĂN CHƯƠNG.
*NGUYỄN
AN BÌNH
Đây là một ấn phẩm đặc biệt vì nhiều lẽ: Nó ra đời trong
hoàn cảnh nhà văn vừa mới bị stroke nhẹ đang trong quá trình tập luyện hồi phục
mà việc thực hiện in ấn CTVC ở dưới basement của anh là một mặc dù cử động tay
chân gõ chữ trên máy tinh lúc nầy còn khá khó khăn và chậm chạp, thứ nữa theo anh đây là hồi ức văn chương, một đời
anh say mê đeo đuổi và cống hiến nên nó có một giá trị nhất định đối với những
ai yêu quí văn thơ anh và muốn tìm hiểu văn nghiệp của anh. Ngay ở trang 2 của CTVC anh có nêu: “Chúng tôi chân thành cảm tạ bạn hữu và thân hữu TQBT xa gần đã tỏ lòng
lo lắng thăm hỏi sau khi chúng tôi bị stroke ngày 22-6-2020. Rất may, nó chỉ là
stroke nhẹ, để chúng tôi có thể tiếp tục con đường mà chúng tôi theo đuổi...”.
Tôi biết anh thực hiện quyển CTVC như một
minh chứng hùng hồn rằng thằng stroke kia ơi, mầy không thể đánh bại được ta
đâu, hãy nhìn đây ta vẫn sống sót và ta đang đi trên con đường văn chương của ta
không ngơi nghĩ giống như ngày xưa ta vẫn sống trong lằn tên mũi đạn, sống chết
chỉ tính bằng ngày thậm chí bằng giờ bằng phút bằng giây anh vẫn vượt qua thì
cái bệnh chết tiệt kia nào có sá gì kia chứ.
Cầm quyển sách nhỏ trên tay tôi rất cảm động, vì biết anh
đã thật sự cố gắng để thực hiện nó khi sức khỏe chưa thật sự tốt. Tập CTVCgồm 23
chương, nhà văn Trần Hoài Thư ghi lại nhưững kỷ
niệm
thời ấu thơ vất vả, nhọc nhằn đầy buổn thảm của những
ngày sống ở cái xóm Rộc – Nha Trang, bị xua đuổi
coi thường “Cút đi thằng con hoang, bộ hết
lúc, lại lựa vào lúc tao đang ăn cơm…” nơi trồng đầy rau muống
mà mỗi tối, theo gió, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ
nước phân chuồng tưới rau bay về rất khó chịu, những ngày phải lội bộ hàng chục
cây số khoảng đường giữa Nha Trang và Cô Nhi Viên Hòn Chồng để được học lớp đệ
thất của trường miễn phí vì thi rớt vào trường công lập, con đường đi đến văn
chương tình cờ bằng một bài văn định mệnh “Nước Mắt Tuổi Thơ” đăng trên Bách
Khoa, rồi các tác phẩm sau nầy trên Văn, trên Vấn Đề trên Văn Học…
Nhà văn Trần Hoài Thư đến với văn chương như một cái nghiệp: “Sống có nghĩa là viết. Viết có nghĩa là sống” chính vì thế anh
viết khá dễ dàng nhất là khi anh bước vào nghiệp lính: Viết bất cứ ở đâu và bất
cứ lúc nào: lúc hành quân, lúc dừng chân nghỉ đêm giữa những mồ mả trùm
poncho mà viết, ở quán cà phê, trong các cuộc nhậu cùng bạn bè lúc tàn cuộc…)
và với
bất cứ loại giấy nào có thể viết được. Anh cảm tạ văn
chương vì nhiều lẽ:
Nhờ văn chương mà anh biết Bách Khoa, biết ngôi nhà 160 Phan Đình Phùng, biết
thế nào là cơ duyên cho một người lính từ miền cao xuống và một cô gái từ đồng
bằng lên, có cơ hội gặp nhau nên vợ nên chồng. Chị Nguyễn Ngọc Yến, từ một độc giả yêu văn anh trở thành người tình, người
chinh phụ rồi ngưười vợ tù đã khuyến khích anh viết, đồng hành với anh suốt mười
năm. Vực dậy một nền văn học miền Nam một thời phát triển rực rỡ bị khói phần
thư thiêu rụi bức tử.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến có viết: “...Trụ sở Bách Khoa là nơi hẹn và là hộp
thư. Chuyện tình Trần Hoài Thư, lúc ấy còn ký Trần Quí Sách, là chính đáng, có
những quan hệ linh tinh, của các nhà văn, nam và nữ, thì hằng hà sa số. Nhưng
Lê Châu không bao giờ kể”.(CTVC trang 83).
Văn chương như một liều thuốc, một cái phao mà anh vớ được
trong những ngày bỏ Huế, bỏ mối tình đầu tiên với bao dự tính còn ngổn ngang
trong đầu, để rồi nó rung lên như một cung đàn lỗi nhịp, thành một bài thơ mà
anh không đành cất giấu trong tim và mong được nàng đọc được, một thiếu nữ Huế
tên Quỳnh nào đó mà tôi cố hình dung ra nhưng không tài nào được, nó mờ mờ
sương khói giống như anh nhận ra người giáo sinh sư phạm Qui Nhơn tên Quỳnh đang ngồi trước mặt anh chỉ
là một nhân ảnh mà thôi:
Một chuyến bay nào
mang anh về Sài Gòn
Một chuyến bay nào
mang em về Qui Nhơn
Trời quê hưương mù
sương mù sương
Tôi mang đôi mắt
em. Buồn muốn khóc.
Cho tôi nhìn một lần
cuối nhớ thương
Cho tôi nhìn ngôi
nhà gió phi trường
Cầu rất khẽ con tàu
đừng bay vội...
Văn chương đã đem đến nguồn vui, niềm hy vọng và anh đã
viết được nhiều đến thế. Trong 3 năm ở đại đội thám kích 405 anh đã viết được
hàng trăm truyện ngắn.Viết tháo, viết hối, viết mà không cần xem lại, viết như
sợ không còn có dịp viết nữa, thật tội nghiệp cho các tòa soạn báo biết bao khi
phải dò từng chữ, đoán từng câu xem anh viết gì vì theo nhà văn Phạm Văn Nhàn
chữ Trần Hoài Thư viết rất xấu và còn viết tháo nữa thì đọc có mà chịu chết.
Trần Hoài Thư cảm tạ văn chương vì nó giúp anh gặp một độc
giả đặc biệt: thiếu tá Nguyễn Lạng, y sĩ trưởng quân y viên Ban Mê Thuột; anh
tình cờ gặp Nguyễn Lạng trên cao nguyên khi anh bị giáng cấp và đổi lên Ban Mê
Thuột chiến đấu vì tội đào ngũ ở tiệm sách Văn Hoa lúc ông đang xem tờ tạp chí
Bách Khoa số có đăng một truyện ngắn của anh, anh tự giới thiệu mình là nhà văn
Trần Hoài Thư và ký tặng quyển sách đó cho Nguyễn Lạng, bắt đầu cho một tình bạn
mà Trần Hoài Thư xem như là một ân sủng của thượng đế dành cho mình. Ông y sĩ
trưởng nầy đã giúp anh nhập viện để chờ chuyển về QYV Cộng Hòa khám mắt để khỏi
phải ra chiến trường, chính trong 5 tháng nằm tại QYV Ban Mê Thuột mà anh đã
sáng tác rất nhiều truyện ngắn hay trong đó có Bệnh Xá Mùa Xuân mà Mai Thảo đã
giới thiệu trên Văn sau đó với một lởi tiên đoán mà thời gian sau nầy đã xác thực
được điều đó: “...Từ mấy năm nay, theo
dõi những bước chân của Trần Hoài Thư trong cõi văn chương sáng tác đặc thù của
những người lính trẻ, viết dưới bóng cờ, viết bên súng trận, tôi vui mừng nhìn
thấy sự trầm tĩnh đó ở Trần Hoài Thư, một Trần Hoài Thư mà hào quang chưa sáng
chói bây giờ, nhưng tôi tin, sau nầy, không lâu, là nhà văn trẻ có điều kiện
hoàn thành được những tác phẩm có kích thước, có trọng lượng”.
Không cảm tạ văn
chương sao được khi mà nhờ nó đã nối kết những kẻ yêu văn nghệ tìm đến
nhau như một chất keo kết dính dù họ xuất thân ở những con đường khác nhau: người
lính trong thời chiến, thầy giáo, đào binh, thanh niên trốn
quân dịch, công chức…trên một đất nước chiến tranh và đầy chết chóc, nhà văn Phạm
Văn Nhàn đã ghi nhận lại khi viết về Trần Hoài Thư: “Làm sao tôi không nhớ được bạn bè trong ngôi nhà ấy, mà anh đã nhắc đến:
Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung, Mường Mán, Thái Ngọc San, Mai Khế, Lê Văn
Ngăn…Vâng, còn nữa. Cả nhà thơ Nguyễn Phương Loan(pháo binh chết trận Kontum) cả
nhà báo Huy Hoàng – đã mất – một thời đến ở chơi trong căn nhà khu sáu nầy.
Ngôi nhà ấy:
…Chiếc mền đắp ba bốn thằng dơ bẩn
Những chén cơm khô chưa rửa
Và cửa đôi khi mở ra
Một gương mặt ló vào
Để không bao giờ gặp lại.”
(trang 18- 21
khuôn mặt văn nghệ miền Nam)”
Nguyễn Lệ Uyên
cũng có cùng một suy nghĩ như thế: “…những
người viết trẻ thời đó, chỉ gặp nhau trên trang báo, biết tên nhau, biết địa chỉ
“lờ mờ” của nhau kiểu “văn kỳ thanh”, nhưng khi giáp mặt thì tay bắt mặt mừng y
như rằng họ là những người bạn cố tri lâu ngày gặp lại. Đây là một đặc điểm có
một không hai của những anh em viết văn miền Nam trước 75, không khoảng cách,
không phân biệt dẫu là những người viết thân Cộng.”(Người vịn thơ đứng
dậy- trang 177,TQBT 79)
Trần Hoài Thư cảm tạ văn chương còn một lẽ khác. Nhờ nó
mà anh từ giả được đại đội thám kích đầy tai ương và chết chóc, trở thành phóng
viên chiến trường ở miền Tây qua sự điều động của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị
để có thể sống sót cho đến ngày tàn cuộc chiến. Đó không phải là một phép lạ
hay sao? Khi cầm sự vụ lệnh trong tay anh đã vui mừng khôn xiết “Xin cảm tạ văn chương. Nhờ văn chưương mà
tiếng chuông ngân vang, như những niềm vui lẫn tự hào kỳ diệu. Nhờ văn chương
mà ta quên đi thân phận nhục nhằn. Nhờ văn chương ta thấy ta cao lớn hơn bao giờ”( trang 177 –CTVC)
Một câu chuyện vui khác mà văn chương mang lại cho anh mà
anh phải cảm tạ nó trong phần cuối tác phẩm anh có nói về bức thư của nhà thơ
Trần Vạn Giả gởi cho anh sau nầy, cái tên Trần Hoài Thư đã cứu nạn cho anh ta: Năm 1972 TVG trốn quân dịch ở Nha Trang,
nhưưng trốn mãi ở nhà họa sĩ Thanh Hồ cảm thấy không an toàn nên nhờ người bạn
giúp đưa về tạm cư ở Bãi Giếng, Cam Đức Cam Ranh nhưưng chưa đến nơi thì bị cảnh
sát bắt. Khi bị giải đến viên trung úy chi cuộc trưường TVG nhanh mắt nhìn thấy
trên bàn làm việc của anh ta có mấy tờ tạp chí Bách Khoa, Văn... Biết tay sĩ
quan nầy yêu văn chương nên TVG mạo nhận là nhà vănTrần Hoài Thư, chính nhờ đó
mà TVG được đối xử ưu ái và thoát khỏi trại giam một cách hợp pháp, việc nầy Trần
Hoài Thư đã hóm hỉnh viết: “...Đó là tình
thân của nững người làm văn nghệ miền Nam – đặc biệt ngoài vòng đai SG – và
tình độc giả...Và văn chưương thêm một lần được cảm tạ. Chẳng những nó cứu tôi
mà còn cứu bạn. Có phải vậy không?”
Hoặc
nói như nhà văn Phạm Văn Nhàn: Trước
1975, chỉ ở miền Nam, những người cầm bút dù là lính hay không phải lính, chưa
gặp lần nào. Mà nếu có gặp nhau xem như than
quen tự lúc nào.( trang 159-TQBT số 79)
Mấy mươi năm sau
ở xứ lạ quê người, nước Mỹ - nơi tạm dung, cái nghiệp
văn chương lại vận vào anh khi anh gặp lại
Phạm Văn Nhàn và
cùng Phạm Văn Nhàn thực hiện tạp chí TQBT, anh vẫn xác định
văn chương là người bạn đồng hành là sự sống là cứu
cánh và anh tự hào về điều đó:
Sáng nay ta đẩy
chiếc xe chở Thư Quán Bản Thảo để gởi đến mười phương
Nàng bưu điện
cười ta bằng nụ cười hết xẩy
Bà khách hàng đứng
bên hỏi ông gởi gì nhiều vậy
Ta hãnh diện trả
lời, tôi gởi sách của tôi
Vâng, thưa bà,
tôi là một nhà văn!!!
Xem bà ta rất cảm
phục vô ngần!
(Gặp…, trang 35-
Khi Nhớ Về Bà Gi)
Chính nhà văn
Nguyên Minh trong một lần qua Mỹ ghé thăm “tòa soạn Thư Quan Bản Thảo” đặt ở tầng
hầm nhà Trần Hoài Thư cũng rất ngạc nhiên: “Từ căn hầm kín mít, đầy ấp những kệ
sách, những máy in nhỏ nhắn, máy cán bìa láng, máy dán gáy sách, những
computer, màn hình vi tính. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo được in ra tại nơi nầy. Với
một cơ sơ ấn loát “không giống ai”. Và anh nhớ lại: “Ngày xưa. Còn là một người lính thám kích nhưng đôi
mắt cận thị nặng Trần Hoài Thư chỉ biết nhìn, đầy thán phục và ngạc nhiên về cơ
sở ấn loát của tôi. Thời đó tôi chỉ cần một máy đánh chữ cá nhân, những tờ stencil, một bàn cắt giấy, vài tuýt mực đen, thế mà
cũng hoàn thành mấy trăm tập truyện ngắn Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang tác phẩm
đầu tiên của Trần Hoài Thư.”
Nhà văn Nga A.Solzhenitsyn có viết: “Văn chương không phải hơi thở của xã hội đương thời, Không dám nói lên nỗi
đau và sợ hãi của xã hội đó, không cảnh báo kịp thời nhưững mối nguy hại đe dọa
đạo đức và xã hội, thứ văn chưương đó không xứng đáng với cái tên của văn chương,
nó chỉ có cái mã ngoài. Thứ văn chương đó đánh mất lòng tin của con người, và
những tác phẩm của nó được phát hành bị dùng như giấy lộn thay vì được đọc.” Tôi nghĩ văn chương của nhà văn Trần Hoài Thư đã viết và
nói lên được điều mà A. Solzhenitsyn đề cập đến, một điều giúp cho người đọc thấy
được, công nhận giá trị của tác phẩm và giúp nó sống mãi với thời gian.
Tôi cũng rất đồng cảm với Trần Hoài Thư trong lời Cảm tạ
văn chương cuối tác phẩm của anh xuất phát tận đáy lòng: “Thêm một lần tôi phải cảm tạ văn chương. Nó đến khi tôi ngã xuống. Nó
giúp tôi vịn mà đứng dậy. Nó là chiếc gậy thần, tôi chống mà đi”(trang
213-CTVC)
Tôi yêu quí Trần Hoài Thư bởi anh không chỉ
là rể miền Tây sông Hậu-quê hương của tôi- như anh trả lời
email của tôi khi lần đầu tiên tôi gởi bài cho TQBT mà còn vì tình
yêu anh dành cho văn chương, tôi đã đọc truyện của anh từ rất sớm khi tôi bắt đầu
gởi bài cộng tác cho Văn Học, Văn trước 1975 và cái nghiệp văn chương khi anh
thực hiện tạp chí TQBT và nhà xuất bản Thư Ấn Quán,
tủ sách Di Sản Văn Học Miền Nam(trong tủ sách nầy tôi được anh chọn mấy bài vào
tập Thơ Miền
Nam Thời Chiến - tập
2 và
tập Lục Bát Miền Nam dù lúc đó tôi chưa từng quen
anh)
Từ anh tôi cảm phục luôn người bạn đời Nguyễn
Ngọc Yến của anh, từ một độc giả yêu văn anh đã trở thành người bạn đời luôn ủng
hộ công việc của chồng. Cũng bật cười thuở ấy chị Yến làm quản thủ thư viện trường Đại Học Cần Thơ, nơi chị làm việc
chỉ cách giảng đường tôi đang học có vài bước
chân chớ mấy gặp nhau dễ dàng mà lại có biết đâu đến nay xa xôi nghìn trùng muốn
ao ước được gặp chị một lần thì nào có được đâu. Nhất
là từ ngày chị Yến bị đột quỵ lần 3 phải vào Nursing home thì nơi anh ở thành “ngôi
nhà luộm thuộm thiếu bàn tay chăm sóc nhiều năm, đến cái basement ngổn ngang computer, máy in, máy xén…Basement nầy là nơi để bạn khỏa lấp thời
gian những đêm mất ngủ, những ngày chờ đợi giờ giấc ra vào nursing home. Thư Quán Bản Thảo, tủ sách Di Sản Văn Học Miền Nam
là hơi thở của bạn”(Lữ Quỳnh, Bồi Hồi
Biển Dâu, trang 198-TQBT số 79) và tôi tin rằng anh sẽ vượt qua bệnh tật để tiếp
tục thực hiện tạp chí TQBT với tình yêu văn chương không gì sánh nổi giống như ngày xưa anh từng vượt qua
cái chết trong chiến tranh vậy..
Bên bờ Kênh Tẻ, cuối
tháng 11-2020
NGUYỄN AN BÌNH
Tham khảo:
-
Trần Hoài Thư Vẫn
Còn Mãi Đam Mê (Thư Quán Bản Thảo số 79 tháng 4-2018)
-
21 Khuôn Mặt Văn
Nghệ Miền Nam – Phạm Văn Nhàn)(Thư Ấn Quán 2015)
-
Khi Nhớ Về Bà
Gi(Thơ Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán-2018
-
Cảm Tạ Văn
Chương (Thư Ấn Quán-tháng 10-2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét