BÀI CẢM NHẬN CỦA LƯƠNG THIẾU VĂN VỀ TẬP THƠ "NGỌN GIÓ" CỦA NHÀ THƠ VÕ CHÂN CỬU TRÊN TẠP CHÍ NGÔN NGỮ 16-HOA KỲ THÁNG 11-12/2021
VÕ CHÂN CỬU-HỒN THƠ TRÔI THEO "NGỌN GIÓ" ĐÃ BIỀN BIỆT PHƯƠNG NÀO
CẢM NHẬN TÁC PHẨM:
VÕ CHÂN CỬU – HỒN THƠ TRÔI
THEO “NGỌN GIÓ” ĐÃ BIỀN BIỆT PHƯƠNG NÀO
*LƯƠNG THIẾU VĂN
Nhà thơ Võ Chân Cửu tên thật là Văn Hưng, sinh năm 1952 tại Phù Cát, tỉnh
Bình Định. Từ những năm cuối theo học bậc phổ thông trung học, Võ Chân Cửu đã
có thơ đăng trên các báo, tạp chí văn học ở miền Nam. Năm 1972, khi mới tròn 20
tuổi, Võ Chân Cửu đã trình làng thi phẩm "Tinh Sương". Và chỉ một năm sau, anh xuất bản tiếp tập thơ "Đại Mộng".
Sau năm 1975, Võ Chân Cửu làm báo, viết sách và tiếp tục làm thơ.Các bút danh anh thường sử dụng: Võ Chân Cửu, Tuy Viễn, Hưng
Văn.
Ngoài hai tập thơ “Ngã Tư Vầng Trăng” và “Trước Sau”, nhà thơ Võ Chân Cửu còn
phát hành ba cuốn chân dung - tiểu luận là “22 Tản ạn”, “Theo Dấu Nhà Thơ” và
“Vén Mây”. Anh mất ngày 23/12/2020 tại Bảo Lộc Lâm
Đồng.
Tập thơ “Ngọn
Gió” anh gởi
tặng tôi khá lâu trong một dịp anh về Sài Gòn rong chơi cùng bạn bè. Tập thơ tập hợp 153 bài thơ, chủ yếu trích từ 3 tập thơ đã xuất bản: Tinh
Sương(Thi Ca, Sài Gòn 1972), Đại Mộng(Nhị Khê, Sài Gòn 1973), Ngã Tư Vầng
Trăng(NXB Trẻ 1990), Trường ca Quảy Đá Qua Đồng(1974) và các bài thơ viết từ
1972-2011 chưa in trong sách nào.
Lúc sinh thời nói về thơ, Võ Chân Cửu nêu rõ quan điểm của
mình:"... Dù bắt nguồn từ khuynh hướng hay trường phái nào, tác phẩm văn
chương, nhất là thơ ca cũng phải từ cảm xúc con người. Khi cảm xúc bị tác động
thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu. Đó được gọi là Thơ. Như
vậy, Thơ dùng biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người". Điều đó thật
là dễ hiểu và trước sau con đường thơ của anh đã đi theo luồng cảm nghĩ như thế.
BÀNG BẠC TRONG NGỌN GIÓ LÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI QUÊ NHÀ
Đọc
tập thơ “Ngọn Gió”, đều cảm nhận đầu tiên của tôi là tình cảm đối với quê nhà
bàng bạc rất nhiều trong thơ anh. Nó như hạt sương sớm hay ngọn gió chiều thổi
qua cánh đồng cô quạnh, một cảm giác mơ hồ mà anh gọi đó là cố hương:
Nước chè hai trăng dẫn lên nguồn
Tôi không về nước chảy đi luôn
Đêm nghe nhịp máu gần gang tấc
Biết bao giờ trở lại cố hương
(Cố hương)
Theo tác giả
Việt Hiền trong bài “Nhà thơ Võ Chân Cửu về với mây trời” làng cũ mà Võ Chân Cửu nói ở trên chính là thôn Tân Thanh,
xã Cát Hải, nơi chôn nhau, cắt rốn của nhà thơ. Vùng đất này xuất hiện khá
nhiều trong thơ Võ Chân Cửu, với những địa danh: Chợ Cách Thử, hòn Đá Tượng, mả
ông Năm… Hãy xem bức tranh quê qua ký ức của Võ Chân Cửu:
“Cố hương đèo nối ba truông
Đón ma họp chợ bán buôn rộn ràng
Xưa theo chân mẹ về làng
Chỉ nghe gió thổi cát vàng mênh mông
Bây giờ xanh ngát hư không
Trưa nằm nhắc chuyện viễn vông nhớ nhà
Làng xưa vắng bóng người qua
Nồi trôi phố chợ lòng ta ngậm ngùi”
(Phố Chợ)
Nhà văn Mang Viên Long có lẽ cùng đồng hương với nhau nên có những đồng cảm
sâu sắc khi đọc “Ngọn Gió”:
Quê nhà trong thơ Võ Chân Cửu đã
được chuyển hóa qua bao cuộc thăng trầm, qua bao niềm nhớ thương hiu quạnh; nên
đọc thơ anh chúng ta dễ đồng cảm, dễ có niềm cảm thông sâu sắc, bởi chính đó
cũng là một chốn “quê nhà chung”:
“Mặt trời đã khuất
non tây
Nghìn con nhạn lại bơi đầy trong không
Theo luồng khói phủ xa trông
Chốn quê quán cũ mây lồng bóng mây”
(Chốn Cũ)
Chìm nổi giữa chốn “quê nhà” thê lương, hiu hắt – nhà thơ
luôn cảm thấy một nỗi “cô quạnh” thường trực bên đời:
“Lạnh tanh nhà lộng gió
Cú kêu ngoài hàng tre
Sương tan mờ dấu cỏ
Người đêm nay không về”
(Cô Quạnh)
Nổi bật nhất có lẽ là
bài thơ Quê nhà của anh viết theo thể thơ năm chữ, là thể thơ anh sử dụng rất
nhiều trong tập Ngọn Gió, gồm 36 đoạn với 148 câu thơ, quê nhà là hoa cỏ, sao mọc
đầu hôm, canh gà, tiếng dế, màu trăng, suối reo, bến nước con đò, tà dương núi
biếc, là miền Đại Hoang... là tất cả hình ảnh đời thường trong cuộc sống từ thuở
bé thơ hay trong suy nghĩ viễn mơ chập chờn trong ký ức của anh:
Ta
nghe lời em nói
Trong
sao mọc đầu hôm
Và
gió mây cũng gọi
Người
về trên cô thôn...
Sớm
mai trời đất nhẹ
Lòng
ta như phiêu bồng
Nhìn
non xa be bé
Mây
trắng chảy cùng sông...
Nên khi trở thành đám mây viễn xứ thì quê nhà
trở thành khói sương, lãng đãng trong tháng ngày phiêu hốt đó đây hay đôi lúc
trăn trở trong cuộc sống áo cơm còn nhiều gian khó:
Đêm
nào chờ trăng lặn
Nghìn
xưa sao bên hồ
Khi
thấy trên trời vắng
Khói
sương đã phủ mờ...
Ta
nghe lòng giục giã
Trong
khuya vắng canh gà
Mười
năm theo mây nổi
Ta
đánh mất quê nhà...
Cô
độc dặm tà dương
In
dày qua núi biếc
Mây
trắng miền cố hương
Bay
dưới chân người bước...
Khi đọc Quê Nhà, nhà văn Võ
Phiến đã có suy nghĩ sâu sắc và tinh tế: “Này xem: Xa làng lâu ngày, một hôm
trở về ông thấy núi thấy mây ở quê mình:
“Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro
Mười năm làng cũ không về
Đăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.”
(Đăm đăm mây trắng)
Trên đất nước nầy, bạn có từng
bắt gặp cái núi ở nơi nào nó ngồi như vậy không? Bạn ngờ rằng thứ núi co ro
đáng hãi nọ ngẫu nhiên là đặc cảnh địa phương chăng? Không phải vậy đâu. Không
cần nhìn cảnh làng mình Võ Chân Cửu mới thấy ra vậy; ngay lúc đi giữa thành phố
Sài Gòn ông cũng thấy những cái khó có người thấy:
“Ngã ba ngã bảy xe đi khuất
Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa
Tiếng ma thiên cổ vong u uất
Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa.”
(Sài Gòn)
(Văn học Miền Nam tập IV-Thơ, nxb Văn Học, California
1998)”
Ngoài bài thơ Quê
Nhà, trong tập Ngọn Gió làm ta chú ý đến là bài “Chùa Cổ Bên Sông” cũng viết
theo thể thơ ngũ ngôn, bài nầy lần đầu tiên được in trên tuần báo Khởi Hành năm
1969 lúc tác giả mới 17 tuổi, thoạt đầu người đọc có thể lầm tưởng tác giả đang
ở lứa tuổi trung niên vì thi pháp già dặn của nó. Nhà thơ Nguyễn Lương Vị lúc
còn sống đã có những suy nghĩ khá thú vị về bài thơ:
“Theo tôi, đây là bài thơ xuất thần nhất trong Tinh
Sương. Thi sỹ viết như nhập đồng, thơ chảy trôi một mạch như khúc đồng dao,
nhịp theo tiếng mõ thánh thót như những giọt sương trời, vang vang, lắng
lắng. Chùa cổ, sông, là biểu tượng đầy ẩn dụ: Động và tĩnh, xa và
gần, mộng và thực, dìu dặt âm vang, quyện vào nhau trong tiết điệu lung linh,
chập chùng, trùng điệp. Bài thơ có thể tụng (gọi một cách phiêu bồng là “thi
tụng”) với nhịp ngân nga trầm bổng, hay có thể hát lên một mình trong đêm thanh
vắng. Tụng hay hát, nhả giọng khoan thai từng chữ, câu chuyện kể sẽ ánh lên một
âm vang và sắc màu vừa thực vừa mộng. Tụng hay hát, sẽ bật lên tiếng ca xang bi
mẫn giữa bóng đời dâu bể trầm luân. Em là ai? Là duyên nghiệp trùng trùng, là
vết thương tâm “bạc áo nâu sồng/ kiệt trên đời cũ” của kiếp
người ảo hóa mong manh. Bài thơ thấm đẫm mùi Đạo mà ngan ngát hương Đời, nên
không có chỗ dừng. Càng tụng, càng hát, càng lung linh âm vang và sắc
màu, “Sông nước chập chùng/ Nước xô thiên địa/ Chùa cổ bên sông…”
...Tinh
Sương, đúng như tên gọi, một giòng thơ
lung linh, trong veo trong vắt, nhất khí từ bài đầu đến bài cuối. Âm vang, có
một chút gì đó hiu hắt, lành lạnh, trầm trầm. Sắc màu, có một chút gì đó vừa ảo
diệu, vừa mênh mông. Chữ trong mạch thơ, hình như thi sỹ cố ghìm lại những
tiếng nấc thảng thốt của buổi đầu đời, khi bắt đầu cảm nhận được cái cô liêu,
côi cút, bơ vơ của kiếp người.”
Từ khi rời quê
nhà và trên bước đường viễn xứ của mình, mỗi một vùng đất anh đi qua, mỗi một
con đường anh bước, mỗi một cảnh vật anh nhìn, trong mắt anh những vần thơ lại
rung lên theo bước chân lang bạt của anh, lúc mộc mạc chân tình, lúc tha thiết
lắng đọng, lúc suy tưởng mơ hồ nhưng tựu trung đều là những tình cảm rất thực,
rất hồn nhiên:
...Muốn ngồi lại bên cầu gom ít nắng
Sưởi lên từng đá tảng bậc thềm rêu
Con nước chảy lòng tôi đành lỗi hẹn
Mây phiêu du xin gởi lại trong chiều...
(Những buổi chiều Sông Bé)
...Em là ai – tôi không biết từ đâu
Một thoáng hiện rồi đi, tan biến mãi
Cho trĩu nặng lòng tôi khi nhớ lại
Đêm Cà Mau đêm Cà Mau đêm rất lâu.
(Đêm
Cà Mau-1988)
Anh cũng không
thể ngờ rằng bài thơ B’lao anh viết năm 1986 trong một lần thoáng qua lại là
nơi gắn bó cuộc đời mình ở những ngày cuối đời, âu cũng là định mệnh:
Tôi về hỏi lại rưừng cao
Bóng mây năm cũ hôm nào còn bay
Chiều lên nắng tắt theo ngày
Ánh trăng nhưư thể nghìn tay ai cầm...
...Tôi về hỏi lại rưừng cao
Đừng quên em nhé nghìn sao tiếng thầm!
Trong bài
viết “Tản Mạn Cùng Võ Chân Cửu” khi đánh giá về thơ anh, nhà giáo Huỳnh Như
Phương có nhận xét: “Nói về thế hệ cùng thời với Võ Chân
Cửu, cách phân loại vừa quen thuộc vừa dễ dãi được một số người chấp nhận lâu
nay: khuynh hướng “dấn thân” và khuynh hướng “viễn mơ”. Nhưng ranh giới giữa
hai khuynh hướng đó đâu dễ phân định. Chỉ cần đặt câu hỏi: dấn thân về đâu mới
là dấn thân đích thực? Và người ta có thể dấn thân mà không cần viễn mơ? Thậm
chí, người dấn thân có thể cũng là người mơ tưởng hão huyền nhất!
Dù sao, trong văn cảnh miền Nam thời
đó, Võ Chân Cửu dễ được xếp vào nhà thơ “viễn mơ”, căn cứ vào thi hứng, thi tứ
và cả nhan đề tác phẩm của ông: Tinh sương, Đại mộng, Tà
huy, Bóng trăng ngàn, Đường vô núi, Sáng thinh không, Ngã tư vầng trăng, Quẩy
đá qua đồng, Chùa cổ bên sông… Con đường “viễn mơ” đó bao đời nay đã là một
dòng lớn của thi ca Việt Nam.
(Tản mạn với Võ Chân Cửu-Huỳnh Như Phương)
Đúng như
nhà thơ Trịnh Bửu Hoài viết về anh: “Qua bộ tản văn nầy tôi mới
biết Võ Chân Cửu đi nhiều, gặp gỡ và sống cùng nhiều anh em văn nghệ thời bấy
giờ, nhất là các tỉnh miền Trung quê anh. Vào Sài Gòn học, anh có điều kiện tiếp
cận giới văn nghệ nhiều hơn. Điều đáng khâm phục ở anh không chỉ là máu giang hồ
mà anh còn có một trí nhớ rất tốt. Đến với bạn bè, anh có một tấm lòng, một
chân tình mới có được những kỉ niệm đẹp như thế.”
Đối với tôi, được
đọc thơ Võ Chân Củu từ những ngày đầu khi anh mới bắt đầu xuất hiện trên văn
đàn cho đến mãi sau nầy giọng điệu, hồn thơ vẫn giữ được một bản sắc cho riêng
mình không thay đổi dù trải qua muôn vàn biến động của thời gian và không gian,
có điều càng về sau càng trầm lắng và chiêm nghiệm, mạch nguồn thơ vẫn trong
trẻo, hồn nhiên mang hơi thở, sức sống tiềm tàng. Thơ anh không mang vẻ huyền
bí, cách tân hay dị biệt mà chỉ là tiếng lòng của một nhà thơ chân chất hồn hậu
trước cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
CHIA TAY NGƯỜI ANH, NGƯỜI BẠN THƠ VÕ CHÂN CỬU
Chiều tối ngày 23/12/2020 qua thông tin trên fb của gia
đình và một số bạn bè thân cận, tôi biết được nhà thơ Võ Chân Cửu đã ra đi lúc 18g30
tại Bảo Lộc trong vòng tay ấm áp của gia đình. Sau đó linh cửu được chuyển về
Pháp viện Minh Đăng Quang số 505 Xa lộ Hà Nội, Q2 Tp HCM và hỏa táng ngày chủ
nhật 27/12/2020.
Nay anh đã rời xa cõi tạm, xa những người thân yêu quí,
xa bạn bè văn nghệ, anh ra đi thật nhẹ nhàng như ngọn gió sớm mai, phiêu bồng
và thanh thản như ở bài thơ “Quê Nhà” trong thi phẩm đầu tay “Tinh Sương” của
anh viết khi mới 20 tuổi:
...Bước chân về muôn
dặm
Đường trưa mờ bóng ma
Đôi mắt chưừng u ám
Tiếng ngàn khi bay qua...
...Mây bay từ thiên cổ
Cùng nhau trời đất tan
Ta một linh hồn nhỏ
Vơ vẩn miền Đại Hoang.
Từ nay giọt lệ
“Tinh Sương” đã trôi qua vùng trời “Đại Mộng”, không còn ai
hát khúc trường ca “Quảy Gánh Qua Đồng” để tìm tri kỷ ở “Ngã Tư Vầng Trăng”, nhìn
lại“Trước Sau” không một bóng hình, biết ai còn nhớ người gọt bút viết “22 Tản
Mạn” đi “Theo Dấu Nhà Thơ”. Thôi thì “Vén Mây” xin khép lại để hồn thơ theo “Ngọn
Gió” lên trời, viễn du ở một thế giới khác nhẹ bước giang hồ anh Võ Chân Cửu
nhé.
Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 9-2021
LƯƠNG THIẾU VĂN
_________________________________________________
Tham
khảo:
1-
Tập san Quán Văn 46 Vào Hạ, Chân dung văn học nhà thơ Võ Chân Cửu
2-
Võ Chân Cửu: Trước sau đều của riêng mình của Nguyễn Lương Vị
3- “Quê
Nhà” trong thơ Võ Chân Cửu của Mang Viên Long
4-
Thương nhớ nhà thơ Võ Chân Cửu của Trần Trung Sáng
5-
Một thời không quên của Trịnh Bửu Hoài
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa