Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

TRUYỆN NGẮN ĐĂNG TRÊN TẬP SAN QUÁN VĂ XUÂN 2021

 TRUYỆN NGẮN ĐĂNG TRÊN TẬP SAN QUÁN VĂ XUÂN 2021

MÙA XUÂN CỦA SỬU



Truyện ngắn

                                MÙA XUÂN CỦA SỦU

                                                           *Nguyễn An Bình

      Thằng Sửu hấp háy đôi mắt lé xẹ của nó nhìn về phía đàn chim bồ câu từ trên cao chao liệng và đáp xuống mặt đường một cách nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi. Sự hiện diện của chúng trở thành một thói quen đúng giờ đúng giấc. Nó đếm từng con một: Một, hai, ba, bốn…hai mươi, ba mươi… hình như còn thiếu hai con. Con gì kia nhỉ? Nhớ rồi, còn thiếu con có bộ lông màu cà phê sửa lốm đốm như cu cườm và con có đôi cánh xanh phớt tím. Hai con nầy có dáng đi rất điệu đà như chàng hoàng tử và luôn có mặt sau rốt, trong khi những con bồ câu khác khi sà xuống là khệnh khạng mổ thức ăn ngay, chúng mổ lấy mổ để những mẩu bánh mì vụn hay những hạt lúa hạt đậu mà lão Tư Diềm sửa xe ở góc đường rải cho, thậm chí chúng còn tranh nhau như s mất phần giống như bọn côn đồ đang tranh thức ăn bố thí vậy. Còn hai con nầy thì không, sau khi bay lượn một vòng như quan sát, là đà sà xuống đất sau khi thu cánh, chúng nhẹ nhàng đáp đất với tiếng gù gù trong mỏ, chúng đứng nhìn đồng bọn đang tranh phần với đôi mắt màu nâu sẩm, rồi từ từ mới dự phn, chúng mổ một cách thong thả như không có chuyện gì xảy ra. Lão Tư Diềm thường dành phần ăn riêng cho chúng mà.

Lần đầu tiên đi ngang con đường nầy đúng lúc lão Tư Diềm rắc thức ăn cho lũ chim trời, thằng Sửu tình cờ bán giấy số đi ngang qua, nó trố mắt ngạc nhiên khi thấy một bầy chim sẻ lẫn chim bồ câu thản nhiên mổ thức ăn mặc có người qua lại trên đường, nó đã thốt lên:

-         Chèn ơi! Lũ chim ở đâu nhiều thế nầy.

Những ngày sau đó nó đi ngang qua đó như một thói quen, lân la ngồi xuống cục u nần của gốc cây xanh gần đó để xem lũ chim ăn, nó phát hiện cái cây có những trái màu nâu như trái sa bô chê mà nó thường thấy bày bán ở các sạp trái cây nhưng không biết là trái gì, sau nầy khi thân quen nó nghe lão Tư Diềm nói cho biết đó là cây dái ngưa. Cây nầy do người Pháp đem qua trồng khi cai trị nước ta, lá màu xanh đậm mọc dầy và luôn xanh tươi nên tỏa bóng mát rậm, trái của nó thuộc dạng quả nang hóa gỗ hình trứng ngược giống dái con ngựa nên người dân thường gọi là cây dái ngựa, trong thành phố ngày xưa cây nầy được trồng rất nhiều những năm sau nầy không biết vì lý do gì bị đốn từ từ và bây giờ chỉ còn một vài cây tồn tại mà thôi.

Thằng Sửu không phải người thành phố, nó gia nhập vào đội quân bán giấy số như một thành viên từ hơn năm nay trong một hoàn cảnh không thể nào khác hơn. Ba nó mất sớm vì bệnh, mẹ nó lấy chồng khác khi nó mới bảy tuổi. Khốn nỗi ông cha dượng của nó lại là một kẻ bê tha rượu chè bài bạc nên nó thường bị hắn hành hạ đánh đập mỗi khi có gì không vừa ý, mẹ nó lại sợ ông chồng vũ phu thượng cẳng chân hạ cẳng tay nên không dám bênh vực nó. Một lần hắn thua số đề về nhà sẵn có rượu trong người hắn lôi thằng nhỏ ra đánh một trận dữ dội vì cho rằng sự hiện diện của nó trong nhà nầy đem lại cho hắn nhiều xui xẻo. Hôm đó có anh Quân nhà thím Tám làm thợ hồ ở thành phố về nhà chơi, nó năn nỉ anh Quân giúp nó đi theo và anh Quân tội nghiệp nhận lời. Nó thề sẽ không trở lại cái nơi đã làm cho nó bầm dập tổn thương quá nhiều.

Từ khi quen với Lão Tư Diềm nên nó được lão giao bịch thức ăn rải cho lũ chim mỗi khi lão bận bịu sửa xe cho khách hang. Ngồi nhìn lũ chim ăn, Sửu phát hiện ra khá nhiều điều thú vị: chẳng hạn khi bọn bồ câu cất cánh bay lên thì chân chúng khuỵu xuống, cánh chim dang rộng ra và đưa lên cao, tiếp theo cánh chim đập mạnh xuống, cổ chim vươn ra phía trước, chân chim duỗi thẳng đập mạnh xuống đất tạo đà làm cho nó bật lên cao, còn khi muốn đáp xuống cánh chim dang rộng ra để cản không khí, chân chim duỗi thẳng chuẩn bị cho việc hạ cánh thật dễ dàng. Trên không chúng bay uyển chuyển mềm mại bao nhiêu thì dưới mặt đất chúng di chuyển lại ô dề cục mịch chậm chạp bấy nhiêu, kể cũng ngộ.

Lão Tư Diềm còn kể cho nghe những đặc tính của loài chim bồ câu mà hồi nào nó chưa từng được biết: chẳng hạn như bọn chúng rất thích ở chuồng đẹp, chuồng càng màu mè sặc sở thì bồ câu mới thích ở, nếu chuồng xấu xí thì lần lượt nó sẽ lần lượt bỏ đi hết, chúng rất thích ăn thích ăn các loại hột như bắp lúa và các loại đậu, thích loại nguyên hột, thích tắm và thích sưởi nằng, nên ngưười nào có ý lập chuồng trại thì cửa chuồng trại phải quay về hướng đông hay đông nam là tốt nhất. Đặc điểm quan trọng nhất của bồ câu thích bay và bay rất giỏi, vừa cao vừa xa, chúng lại rất thông minh, ngưười ta tin rằng chúng có giác quan thứ sáu, nên dù lạc đường chúng cũng tìm được cách về tổ một cách dễ dàng vì thế từ mấy ngàn năm trước ngưười ta đã tìm cách huấn luyền chúng để đưa thư từ nơi nầy sang nơi khác dù đường xa chập chùng nhiều chướng ngại như núi sông, cách xa nơi ở năm bảy chục cây số vẫn bay về đúng chố. Sửu rất thích điều nầy, càng ngày nó càng có vẻ thích thú ngắm lũ bồ câu ăn, lũ chim cũng không có vẻ e dè nó như lúc ban đầu, thậm chí có lúc Sửu bó thóc trong lòng bàn tay giả giọng gù gù, lũ bồ câu cũng sà đến mổ ăn một cách bình thản.

*

Hôm nay đã là ngày 28 tết, các cơ quan và trường học đã nghỉ nên đường xá quang đảng và thông thoáng hơn, lão Tư Diềm ít khách nên ngồi nhìn bâng quơ dòng người qua lại, thấy thằng Sửu có vẻ buồn, hôm nay nó đến chổ lão sớm hơn mọi bửa, cũng đang ngồi ngẩn ngơ ngó mông lung, lão để ý nó lơ đãng hơn không còn thích thú nhìn lũ chim bồ câu sà xuống mổ thức ăn nữa, chắc nó có tâm sự gì đây nên mở lời trước:

- Nầy Sửu, mấy có chuyện buồn sao?

Sửu liếc lão với cặp mắt hiếc:

-  Không có gì đâu lão ơi.

Lão Tư Diềm nói như chặn đầu:

-  Mầy đừng giấu tao, tao biết hết.

Thằng Sửu hấp háy đôi mắt lé của nó:

-  Lão biết gì, nói tui nghe coi.

-  Cuối năm mầy nh nhà nhớ quê chứ gì? Ủa, mà sao tết đến nơi rồi mầy lại không về nhà?

-  Ối dào! Tui đâu có quê để về lão biết mà.

-  Sao vậy?

-  Về đó đ b đánh, để bị hành hạ như con chó ghẻ hả lão?

-  Dù gì cũng phải về mà. Ai cũng mong có nơi để nhà trong mấy ngày tết. Mầy không thấy sao, năm nào mấy người xa xứ tha hương kiếm sống họ cũng cố dạnh dụm tiền để về thăm quê mấy ngày tết, mua chút quà cho ngưười thân quê nhà rồi qua tết họ lại vô cày kiếm tiền rồi năm sau lại về.

-  Họ khác tui khác lão ơi.

-  Vậy sao mầy buồn?

-  Tui buồn là tại mấy ngày hôm nay mấy người trọ chung với tui lần lượt về quê ráo trọi. Hôm nay anh Quân cùng quê với tui cũng là người cuối cùng đi rồi. Trước khi đi ảnh hỏi tui có về chung không tui lắc đầu, chỉ gởi ảnh một triu cho bà già xài tết thôi. chổ trọ bây giờ chỉ còn có một mình tui thôi.Nghĩ tới tối nay về cái chòi ấy không còn một ai buồn muốn chết.

-  Mầy có thưương bà già không?

-  Thương chớ. Bả là mẹ tui sao tui không thương.

-  Thế sao tết mầy không về thăm bả?

-  Về làm gì? Về thấy mặt thằng cha dượng là tui chịu không nổi, nói thiệt tui mà có sức tui đánh cho thằng chả một trận nên thân rồi ra sao thì ra.

-  Sao mầy căm ghét thằng chả quá vậy?

-  Sao ghét sao được. Cái thứ chỉ ăn bám váy đàn bà thôi. Mẹ tui làm việc cực khổ chỉ để nuôi thằng chả mà thằng chả tối ngày chỉ biết lo rượu chè, số đầu số đuôi thôi. Tui chịu không nổi mới bỏ đi đó.

 -Vậy bây giờ mầy tính sao?

-   Tính sao nữa, tối nay cũng phải về cái chổ chết tiệt đó thôi. Cố ở cho qua mấy ngày tết rồi bọn họ cũng trở lại thôi mà.

          Lão Tư Diềm nghe thằng Sửu nói vậy cũng buồn. Lão thấy hoàn cảnh của thằng nhỏ có khác gì lão đâu. Không người thân thích bên cạnh mỗi khi thui thủi về nhà. Lão buồn cho thằng Sửu thì ít mà buồn cho thân phận mình thì nhiều. Ngày trước lão cũng từng có một gia đình êm ấm đó chớ. Vợ lão mất sớm để lại một thằng con trai, lão cố công nuôi dạy nó khôn lớn tuy không học hành giỏi giang như con người ta nhưng cũng là đứa con biết vâng lời, nó lập gia đình có vợ rồi có con, một thằng cháu nội thật kháu khỉnh. Không biết sao từ đó vận xấu cứ đeo đuổi gia đình lão, thằng con đang làm việc tự dưng đổ bệnh, chở vào bệnh viện bác sĩ chẩn đoán bị khối u nảo phải mổ, lão phải bán cả căn nhà để lo cho nó nhưng cũng không qua khỏi. Vợ thằng con lão một tháng sau ngày chồng mất dẫn thằng cháu đi biệt dạng, lão nghe phong phanh nó bỏ lên Sài Gòn làm ô sin cho người ta để kiếm sống. Cũng tội nghiệp, đành vậy chứ biết làm sao hơn, nó ở lại cũng không biết lấy gì để nuôi con? Số phận lão là thế, lão sống cô độc trong một căn chòi nhỏ do người quen thường tình cho cất tạm. Hằng ngày lão đem đồ nghề ra góc đường nầy sửa xe đề mưu sinh, thấy vậy mà cũng hơn mười năm rồi còn gì, con dâu và thằng cháu nội chưa một lần về thăm, không chừng con dâu đã có chồng khác rồi cũng nên. Lão không trách gì con dâu, nó còn trẻ quá, chỉ tội cho thằng cháu nội bây giờ không biết sống chết ra sau, nếu tính ra chắc cũng bằng tuổi thằng Sửu. Bất chợt sự thương cảm dâng lên, lão hỏi thằng nhỏ:

-  Vậy bây giờ mầy tính sao?

Thằng nhỏ trả lời tỉnh khô:

-  Còn tính gì nữa lão ơi, đành sống cheo queo trong mấy ngày tết vậy thôi.

-  Nầy Sửu, tao tính vầy mầy xem có được không?

-  Chuyện gì lão?

-  Mầy về nhà trọ lấy hết đồ rồi về ở luôn với tao. Tao chỉ ở một mình, có thêm mầy thì vui nhà vui cửa, lại không phải tốn tiền điện tiền nhà. Tết nhứt rồi ở một mình buồn chết làm sao chịu nổi mậy.

Thằng Sửu trả lời tưng tửng:

-  Thôi đi lão ơi! Khi vui thì lão cho ở, lúc quạu quọ lão đuổi đi không kịp thì tui biết tính làm sao?

Lão Tư nghiêm nét mặt:

-  Mầy coi tao là người thế nào mà nói hai lời vậy Sửu? Mầy thấy tao có bao giờ quạu quọ với mầy không, đừng lo xa quá, tao hứa với mầy đó được chưa?

         Thằng Sửu liền ra điều kiện:

-                     Vậy thì tui có điều kiện, lão đồng ý thì tui mới về ở chung.

                 Lão Tư Diềm trố mắt kêu lên:

-                     Trời đất! Cho mầy ở không mà còn có điều kiện nữa hả?

-                     Chứ sao? Để mai mốt có gì lại mích lòng nhau đó.

-                     Được rồi! Mầy nói thử tao nghe.

-         Tui qua nhà lão ở thì mọi chi phí sinh hoạt trong nhà tui và lão cùng đóng góp, lão cũng già rồi tui không muốn người ta nói tui ăn nhờ ở đậu đâu, nếu lúc nào đó tui không thích thì tui đi lão cũng không được cản trở tui đó nghe. Tánh tui cũng kỳ cục lắm lão có chịu nổi không?

     Lão Tư Diềm phì cười:

-         Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó thì tao đồng ý cả hai tay, mà nầy tao đã cho mầy ở đàng hoàng thì làm gì có chuyện đuổi mầy đi chứ?

-         Thì tui lo xa vậy thôi.

Lão Tư Diềm bỗng nhiên hớn hở nói với Sửu:

-         Thôi hôm nay mình dẹp đồ sớm, chúng ta đi mua vài thứ chuẩn bị cho mấy ngày tết chịu không nhỏ?

Thằng Sửu gật đầu cười híp mắt:

-         Tui cũng tính nói với lão như vậy đó.

Thằng Sửu lúi húi giúp lão thu dọn đồ nghề bỏ vào một cái thùng gỗ khá lớn được đặt trên một giá đở có 4 bánh xe một đầu có cán đẩy. Lão đẩy xe về nhà nhưng thằng Sửu giằng lại giành lấy:

-         Từ nay lão để cái nầy tui đẩy cho được không?

Lão Tư Diềm vui vẻ buông tay, thằng Sửu vừa đẩy chiếc xe đồ nghề tự chế vừa hát một bài nhạc tình bolero ướt át mà nó nghe được trên các game show của đài truyền hình, lão Tư Diềm lếch thếnh đi phía sau lắc đầu cười có vẻ dễ dãi.

Trên đường về cái nhà nhỏ bé đó, hai người một già một trẻ lại mang hai tâm trạng khác nhau: Lão Tư Diềm thấy ngôi nhà từ nay không còn buổn tẻ nữa, mỗi ngày khi về nhà lão không còn làm bạn với rượu để quên đi những đêm dài cô độc, trong lòng có cái rộn rã một niềm vui sống chung với người thân mà từ lâu lão không cảm nhận được, còn thằng Sửu đang nghĩ đến một ngôi nhà đầm ấm trong đó có người thương yêu nó, bảo bọc cưu mang những khi nó gặp khó khăn cần sự giúp đở.

Ánh sáng chiều đã dịu xuống từ lâu, trong lòng của hai người cô đơn đó như tìm thấy một nguồn ánh sáng của sự tin yêu mà ở đó lòng yêu thương, sự ấm áp đang lan tỏa tâm hồn lão Tư Diềm và thằng Sửu.  

Mùa xuân đang trở về cùng đất trời. Mùa xuân cũng đang nở hoa trong lòng của hai kẻ nghèo khổ

Tháng 1/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét