TRUYỆN NGẮN
TIẾNG ĐÀN ĐÁ TRÊN ĐỈNH SƠN TRÀ
*Nguyễn An Bình
Phạm Đạt vội vàng xuống núi, anh không thể chờ đợi thời khắc đẹp hơn để chụp cảnh hoàng hôn trên đỉnh Sơn Trà được nữa. Mây đen đã bắt đầu quần tụ kéo tới xám xịt mỗi lúc một dầy thêm trên bầu trời, gió từ phía biển u u thổi càng lúc càng mạnh vào vách núi, anh nghĩ chắc có khi mình không kịp xuống triền núi về phía cây đa ngàn tuổi nơi có con đường nhỏ đưa anh xuống núi nơi có cái quán nước nhỏ của người dân bản địa mà anh thường ghé gởi chiếc xe máy cà tàng mỗi khi cuốc bộ lên núi lần theo theo bước chân của đàn voọc chà vá chân nâu hay các loài hoa, bướm đẹp để chụp ảnh. Mưa bắt đầu trút xuống, anh chạy nhanh đến một lùm cây lấy vội bộ quần áo đi mưa trùm vào người sau khi cẩn thận dùng túi ni-lông bao túi da đựng máy ảnh tác nghiệp. Phạm Đạt không phải là tay săn ảnh chuyên nghiệp cũng không phải là phượt thủ nhà nghề nhưng anh lại có một tình yêu bất tận với Sơn Trà, ngọn núi được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương”, lá phổi xanh của Đà Nẵng, yêu quí đàn voọc chà vá chân nâu loài linh trưởng kỳ lạ có một không hai trên bán đảo nầy cũng như trên thế giới, người ta gọi chúng là nữ hoàng linh trưởng vì bộ lông có một không hai tuyệt đẹp của chúng khi anh tham gia dự án bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hải Vân – Sơn Trà. Nếu ai đã từng đi núi gặp phải cơn mưa rừng mới thấy hết cái dữ dội hung dữ của nó. Nó đến rất nhanh không kịp trở tay, có thể ào ạt chớp nhoáng rồi nhanh chóng đi qua như người khách lạ, có lúc lại dai dẳng nhiều ngày như một kẻ thù truyền kiếp đeo bám không rời. Tiếng mưa rào rạt đập vào các thân cây cành lá nghiêng ngả tạo nên những cơn dư chấn đomino khiến người lạc trong núi phải khiếp via. Trên độ cao hơn ngàn mét thần gió mặc sức hoàng hành, những đám mây xám từ biển cứ ồ ạt kéo về, nước từ trên đỉnh núi theo các khe suối nhỏ ào ạt trôi băng băng xuống triền dốc như cơn lũ dữ. Ngày thường đó là những con suối nhỏ hiền hòa, nước trong veo tận đáy, có thể thấy cả đàn cá nhiều màu sắc lội nhởn nhơ, tung tăng một cách thong dong tự tại, bây giờ nó như trở thành con sông, đục ngầu sôi réo điên cuồng cuốn theo bao đá sỏi, nhánh cây khô, lá rừng mục rửa. Phạm Đạt chật vật lắm mới leo xuống một triền núi thấp hơn. Trong thời tiết bình thường chàng có thể xuống núi dễ dàng nhờ hướng mặt trời và tàng cây đa ngàn tuổi nhô hẳn lên nền trời xanh nhưng trong đám mưa gió phũ phàng thì đinh hướng đó không giúp ích gì cho anh lúc nầy cả, anh phải vận dụng mọi giác quan để tìm hướng đi, anh thầm nghĩ nếu mưa dai dẳng như thế nầy có lẽ anh ngủ lại rừng mất thôi.
Bóng tối như đồng lõa với cơn mưa rừng dai dẳng nên Đạt rất khó khăn di chuyển, chiếc đèn pin anh mang theo lấp loáng ánh sáng chỉ ở một biên độ rất gần, Đạt chật vật bám vào một nhánh rể cây lộ ra mặt đất lần xuống một chổ thấp lại rơi vào một tình thế khỏ xử. Dòng suối nhỏ thường ngày anh băng qua rất dễ, chỉ cần anh nhón chân qua những phiến đá nhô lên giữa dòng suối là có thể qua khỏi để tìm đường xuống núi thì giờ đây nó nó biến thành dòng sông rộng, nước nguồn đổ ào ạt xuống đục ngầu không làm thế nào qua được, nếu cố tìm cách vượt qua không khéo bị dòng nước dữ cuốn phăng đi thì nguy mất, có lẽ phải tìm một hốc núi hay bụi cây rậm nào đó trú qua đêm thôi. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, Bên tai Đạt hình như nghe có tiếng đàn khi xa khi gần hòa lẫn trong tiếng mưa gió núi rừng hoang dã, âm thanh phát ra từ hướng tay trái thì phải, anh đưa mắt hướng về nơi phát ra cái âm thanh lạ lùng đó. Trong màn mưa Đạt thấy hình như có ánh lửa chập chờn khi ẩn khi hiện. Anh chậc lưỡi, ở lại đây cũng đói rét thôi thì cứ phăng theo ngọn lửa, âm thanh phát ra từ tiếng đàn may ra có người sống ở đó mình cũng có thể tạm yên đêm nay. Vừa nghĩ bước chân của anh cũng lần bước theo. Cây cối rậm rạp, đá núi chập chùng nhưng nhờ có ngọn đèn pin nên anh cũng vượt qua. Càng đến gần nơi phát ra tiếng đàn, anh nhận ra đúng là có một căn nhà gỗ nhỏ lúp xúp được dựng trên một nền đá núi khá bằng phẳng, ánh lửa cũng phát ra từ đó. Mừng quá anh đi nhanh về phía căn nhà.
Ngập ngừng giây lát anh đưa tay gõ cửa. Tiếng đàn im bặt. Có tiếng người con gái giọng ra phía sau liếp cửa:
- Ai ở ngoài đó thế? Đêm hôm khuya khoắc sao có mặt ở nơi rừng núi hoang dã thế nầy?
Câu trả lời của Đạt run run vì lạnh:
- Tôi là người chụp ảnh thiên nhiên trên Sơn Trà, Mưa to chẳng may xuống núi không kịp xin chủ nhân tá túc cho qua cơn mưa.
- Nhà vắng người, chắc không tiện cho khách lưu trú đâu.
Đạt nói khẩn khoản:
- Tôi chỉ là người lỡ đường, xin tạm nghỉ qua đêm không có ý xấu đâu. Xin cô đừng ngại.
Một chút im lặng, Đạt nghe có tiếng chân người rồi liếp cửa hẻ mở, tiếng người con gái nói:
- Ông vào đi, kẻo lạnh.
Chàng trai lách người qua liếp cửa bước vào trong, ánh lửa bập bùng trên sàn bếp làm chàng cảm thấy ấm áp. Cô gái nhìn anh nói:
- Ông bỏ áo mưa ra đi, ngồi sưởi bên bếp lửa kẻo lạnh.
Phạm Đạt ngoan ngoãn nghe lời cô gái như một đứa trẻ. Anh hơ hai bàn tay lên ngọn lửa hồng, chốc chốc xoa vào hai má. Cái ấm áp của ngọn lửa trong căn nhà nhỏ làm anh có cảm giác dễ chịụ. Anh đưa mắt nhìn quanh, dưới ánh sáng bập bùng của ngọn lửa ngôi nhà được bày trí thật đơn sơ, ở một góc nhà có cái gùi dùng để đi rừng, một đống khoai củ, trên giàn treo mấy chùm ngô đã khô vỏ, trước mặt chàng là một cô gái còn rất trẻ khoảng độ mười tám hai mươi thì phải, có mái tóc mượt dài, khuôn mặt trái xoăn xinh xắn, đôi mắt đen lay láy đầy nét liêu trai, Đạt chợt giật mình nghĩ đến chuyện hồ của Bồ Tùng Linh mà anh đã từng đọc. Thấy dáng vẻ không được tự nhiên lắm của Đạt, cô gái nói:
- Hình như ông sợ?
Phạm Đạt giật mình vì cô gái đoán đúng suy nghĩ của mình. Chuyện ma quái kỳ lạ trên ngọn núi thiêng anh từng được nghe qua. Nào là có người ban đêm trên đường xuống núi gặp một tốp trẻ con còn lang thang, anh ta xuống núi rồi mà không an tâm về bọn trẻ nên quay trở lên gặp một đôi thanh niên nam nữ chạy ngược chiều xuống hỏi thăm họ bảo không thấy rồi tình nguyện cùng anh lên núi tìm bọn trẻ, anh ta chạy theo lên lưng chừng núi gần ngã ba có vực sâu họ cũng biến mất nốt làm anh hoảng hốt quay trở lại, sau đó lập một trang miếu nhỏ hương khói nơi đó, rồi những nấm đất nho nhỏ tự nhiên mọc lên trên đường lên núi, người ta đồn doán rằng có những cặp tình nhân vụng trộm lén lút chôn cất thai nhi, những linh hồn nhỏ bé ấy không được siêu thoát nên cứ lẩn khuất ở chốn núi non hoang lạnh nầy mãi làm ai cũng e ngại không ai dám ở lại núi lâu hơn khi màn đêm buông xuống, còn về chuyện ma nữ xuất hiện hại người thì anh chưa từng được nghe kể. Tuy có hơi ngán ngại nhưng anh làm ra vẻ cứng cỏi:
- Sao tôi lại sợ? Sợ gì kia chứ?
- Sợ ma. Sợ hồ ly. Rừng sâu núi thẳm không một người ở, ma cỏ đầy rẩy ông không thấy sợ sao?
- Tôi không làm điều gì ác sao phải sợ?
- Ông không làm điều ác nhưng loài người các ông làm điều ác thì sao?
- Nè cô gái, việc ai làm nấy chịu, liên quan gì nhau đâu?
Cô gái phì cười, đôi môi như đóa hoa hàm tiếu vừa nở:
- Hỏi vui chút xíu cũng giận được nữa sao?
Phạm Đạt lòng cũng dịu lại, đúng là mình giận vô cớ thật, anh chuyển qua chuyện khác:
- Thế cô ở một mình không sợ à?
Cô gái nhìn Phạm Đạt, cái nhìn tinh ranh làm anh chột dạ:
- Sợ gì?
- Sợ thú dữ, sợ ăn cướp.
- Cha con tôi ở trên núi bao nhiêu năm có thấy gì đâu?
- Ồ! Thế cô còn có ông cụ à? Sao tôi không thấy ông ấy đâu cả?
- Tôi chưa nói với ông đó thôi. Cha tôi qua bên kia núi trị bệnh cho người quen, gặp mưa chắc không về kịp.
Phạm Đạt nhìn cô gái, ánh mắt cảm thấy như gặp ở đâu, anh mạnh dạn hỏi:
- Cô có thể cho biết tên được không?
- Em tên Linh Nhi. Còn anh?
- Tên dễ thương và đẹp quá. Còn anh Phạm Đạt.
- Sao gia đình em không xuống chân núi mà ở, sống trên đây chi hiu quạnh vậy?
Cô gái nhìn vào khoảng không:
- Cha em nói con người không ai tốt cả, nên ở xa họ càng xa càng tốt đó thôi.
Phạm Đạt phản đối ý kiến đó:
- Đâu phải người nào cũng xấu hết cả đâu em.
- Em cũng biết thế. Nhưng cha già rồi em phải theo đở đần cho cha chứ bỏ đi đâu được.
Linh Nhi vừa nói vừa lấy cây que cời lửa trên bếp, lôi ra mấy củ khoai còn bám tro bếp, đặt trên tấm lá chuối trước mặt anh:
- Anh Đạt chắc đói rồi, nhà chỉ có khoai thôi.
Phạm Đạt xuýt xoa:
- Được vậy tốt quá. Đêm mưa lạnh mà được Linh Nhi cho ăn khoai nóng thì còn gì bằng.
Phạm Đạt bẻ đôi củ khoai, hơi nóng từ củ khoai tỏa ra thơm phức, anh vừa ăn vừa nhìn xung quanh, chợt nhận ra gần đó có một khung gỗ, trên đặt những thanh đá dài ngắn khác nhau, anh đoán đó là bộ đàn đá mà cô gái vừa đánh ban nảy, anh hỏi Linh Chi:
- Âm thanh tiếng đàn anh nghe ở xa chắc phát ra từ bộ đàn nầy phải không?
Linh Nhi khẻ gật đầu, nàng nói:
- Ở núi buồn lắm, mỗi lần ra suối lấy nước, nghe âm thanh dòng nước dội vào bờ đá nghe vui tai nên em nhặt về gõ thử lâu ngày thành quen.
- Anh nghe hay lắm mà.
- Nếu anh thích em đánh lại cho anh nghe nhé.
Không đợi chàng trai trả lời, Linh Nhi bước tới bộ đàn đá, hai bàn tay nhẹ nhàng uyển chuyển đánh thanh gõ lên từng phiến đá, âm thanh một lần nữa phát ra làm Phạm Đạt như chìm đắm vào âm thanh của núi rừng, có tiếng chim hót vang lên buổi sớm, tiếng lá rì rào xôn xao trong cái nắng ban mai hay khi chiều xuống, có tiếng sóng biển từ xa đưa về, tiếng côn trùng hòa tấu những lúc đêm trăng lên, tiếng gió mưa ào ạt, tiếng bão dông cuồng nộ. tiếng thiết tha gọi tình của chim muông vào mùa sinh sản. tất cả tạo thành một bản trường ca thiên nhiên tuôn trào bất tận. Phạm Đạt khẻ bước lại gần cô gái, nhìn đắm đuối vào gương mặt thanh tú của Linh Nhi. Linh Nhi ngừng gõ, ánh mắt cô dịu dàng nhìn anh chờ đợi. Phạm Đạt cúi xuống hôn lên tóc, má cô, rồi môi tìm môi. Phạm Đạt cảm thấy cả hương núi rừng từ trong người cô gái tỏa ra làm anh ngất ngây.Cả hai thân thể quấn quýt tìm lấy nhau nồng ấm trong đêm mưa rừng ẩm ướt lạnh lẽo. Ngọn lửa chập chờn trong đêm khuya tàn lụi dần, thời gian phút chốc như ngừng lại.
Ngoài kia mưa đã tạnh tự bao giờ, ánh trăng hạ huyền lừng lững treo trên cao đã lâu, một vài tiếng chim ăn đêm bay qua để lại một chút âm thanh xao động của núi rừng.
*
Phạm Đạt tỉnh giấc bởi tiếng gà rừng gáy vang một góc núi và tiếng chim hót trên các cành cây đón chào một ngày mới, anh đưa tay sang bên cạnh để tìm Linh Nhi nhưng tay chỉ đụng phải đám cỏ khô lạo xạo, anh mở mắt nhìn sang không thấy cô gái đâu, đệm cỏ vẫn còn hơi ấm chứng tỏ Linh Nhi rời chổ ngủ không bao lâu. Đưa mắt nhìn xung quanh anh ngạc nhiên: Mình đang nẳm trên một vạt cỏ khô chứ không phải là vạt tre nệm cỏ cao ráo, chỗ mình ngủ đêm qua không phải là gian nhà gỗ mà là một hốc núi nhưng bếp lửa vẫn còn vương vất chút khói bảng lảng bay lên. Đang ngơ ngác tay chàng chạm phải một tờ giấy có mấy lời sau:
Anh Phạm Đạt. Khi anh thức giấc là Linh Nhi đã đi xa rồi, duyên kỳ ngộ của chúng ta chắc chỉ có một đêm thôi. Chắc anh còn nhớ vào mấy tháng trước có lần anh vào rừng săn ảnh nghe tiếng kêu thảm thiết của một con voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng mà các thợ săn luôn truy bắt để mua bán làm thuốc, mắc bẩy của bọn thợ săn, anh đã cứu thoát nó khỏi bàn tay tàn bạo của họ. Con linh trưởng đó làm em. Cảm cái ân tình đó của anh em đã dùng tiếng đàn đá lưu anh lại trong đêm mưa gió trên đỉnh Sơn Trà để trả ơn. Anh đừng tìm em làm gì, em đã cùng cha và nhiều đồng loài khác tiến sâu vào đại ngàn hơn nữa để tránh sự truy bức của loài người. Họ là ai và họ có quyền gì mà sát hại bọn em như thế, phải chăng để thỏa mãn những khát vọng và lòng tham lam không đáy chứ gì? Núi rừng ngày càng thu hẹp, chúng em không còn đất sống phải bỏ chốn tai ương nầy càng xa càng tốt thôi, Có một ngày nào đó ngọn núi thiêng nầy sẽ chỉ còn trơ lại núi đá trọc nham nhở. Rừng khô suối độc sẽ tàn phá tất cả, con người rồi sẽ phải trả giá cho những hành động nông nỗi tham lam của mình mà thôi. Anh đừng tìm em, em đã đi rất xa nơi không có dấu chân người hoặc có thể một ngày nào đó có thể em lại sa vào tay của một tên thợ săn khát máu khác, cuộc đời thật quá buồn.
Hãy xem buổi gặp gỡ đêm qua là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của anh, anh nhé.
Linh Nhi
Phạm Đạt thẫn thờ một lúc lâu, anh hiểu vì sao đôi mắt của Linh Nhi anh nhìn sao thấy quen quá, đúng là cặp mắt biết ơn của cô voọc chà vá chân nâu, nữ hoàng linh trưởng nhìn anh rất lâu trước khi trở về với đại ngàn khi anh giải thoát khỏi cái bẩy của người thợ săn. Đêm ân ái phải chăng là một giấc mơ thật đẹp của đời anh nhưng biết bao giờ giấc mơ đó mới có trở lại với anh lần nữa hay không thì thật là điều khó xảy ra nữa rồi.
Phạm Đạt buồn bã xuống núi, Cây rừng còn ẩm ướt mưa đêm, khi băng qua suối Đá, bên những cây sim rừng trổ đầy hoa tím, một đàn bướm đủ màu sắc, anh nhận ra có nhiều loài bướm đẹp đặc trưng của Sơn Trà như bướm phượng đuôi kiếm, bướm phượng đốm vàng, bướm phượng đen đuôi vàng… bay hàng đàn theo bước chân anh như tiễn anh xuống núi giống như ngày xưa các nàng tiên nữ tiễn đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu về trần gian vậy.
*
- Anh nhà báo nói người dân mình không đủ chứng cứ tố cáo, phản biện bọn cậy quyền coi thường pháp luật nhằm băm nát ngọn núi thiêng nầy sao? Nhà báo nên nhớ Sơn Trà ngàn đời là báu vật của thiên nhiên ban tặng người dân Đà Nẵng cho đất nước nầy. Thần rừng thần núi hay thần nanh đỏ mỏ sẽ không dung thứ cho những kẻ nào đụng chạm đến ngọn núi thiêng, không vặn cổ bẻ họng bọn chúng thì chúng cũng chết bất đắc kỳ tử hay sa vào vòng tù tội thân bại danh liệt, con cháu đời đời không thể nào ngóc đầu lên được. Còn bằng chứng phản biện xã hội ư? Bằng chứng là 10.000 chữ ký của nhân dân cả nước phản đối việc xây dựng băm nát Sơn Trà, rồi sự phản biện vào cuộc của nhiều nhà khoa học, hiệp hội đoàn thể báo chí. Kẻ ác cũng phải chùng tay nao núng thôi.
- Ổ! Nhà báo đừng nói thế, tôi biết anh là một trong nhiều nhà báo nhiệt tình, có cái tâm có lòng dũng cảm viết bài đấu tranh cho sự tồn vong của Sơn Trà, lá phổi xanh của thành phố chỉ sợ sự đấu tranh đó gặp sự vô cảm, thiếu hiểu biết thậm chí gian tham dùng quyền lực vô hiệu hóa đi thì sự đấu tranh chìm trong quên lãng, hay chỉ còn là một đóm lửa lẻ loi heo hút giữa đại ngàn thì thật đáng buồn biết bao.
- À! Nhà báo không tin làm gì có chuyện liêu trai giữa đời thường sao? Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng đó là một thực thể tôi không thể chứng minh dù cả trong giấc mơ cũng chưa chắc gặp được. Tôi thề với nhà báo là tôi có thể đánh đổi cả ngai vàng và đất nước nếu tôi là vua để đổi lấy một cuộc đời bình dị giữa núi rừng với Linh Nhi, tôi không cần biết nàng là ma nữ hay loài hồ yêu quái gì hiện thân miễn nàng yêu tôi là được. Sao cuộc đời ta cứ mãi chạy theo tiền bạc, tranh quyền đoạt lợi cuối cùng được gì chứ chẳng qua cũng chỉ là nấm cỏ khâu xanh rì? Chi bằng sống những ngày tháng thong dong tự tại bên cạnh người mình yêu là thỏa chí một kiếp nhân sinh rồi phải không?
- Nhà báo hỏi từ đêm gặp gỡ ấy đến nay tôi có gặp lại Linh Nhi lần nào không? Hai mươi năm trôi qua tôi mong gặp lại nàng từng ngày từng giờ nhưng đó chỉ là bọt nước đầu gành cửa biển chiều hôm. Hạnh phúc đời người mong manh quá, mặc dù nhiều lần tôi đã trở lại đỉnh núi xưa, trong những đêm mưa gió bão bùng, căng tai căng mắt mong thấy được ngọn lửa ấm áp chập chờn như ma trơi kia, mong nghe lại tiếng đàn đá năm nào, mong tìm lại dấu chân của nàng nhưng chỉ là bóng chim tăm cá. Có lẽ nàng và đồng loại nàng đã thật sự bỏ chốn cũ rời đi thật xa giữa chốn đại ngàn bao la tìm chốn an bình hơn trước cơn lốc hủy diệt tàn bạo của loài người, môi trường sống càng thu hẹp dần hoặc có thể xảy ra điều gì xấu hơn với nàng một lần nữa, nếu thế lần nầy nàng không thể thoát khỏi tai kiếp của loài linh trưởng khi những bẩy rập của lũ thợ săn giăng sẳn khắp nơi trong từng ngỏ ngách của Sơn Trà. Trong thâm tâm tôi hy vọng nàng luôn an bình, sống tốt lẩn khuất đâu đó trên những ngọn núi cao không có dấu chân người. Hơn hai mươi năm qua hy vọng của tôi ngày một vơi dần với nỗi ngóng trông vô vọng nhưng tôi vẫn chờ.
Người đàn ông trung niên tóc đã bắt đầu nhuốm bạc im lặng không nói gì mắt hướng về ngọn núi xa xa bắt đầu tím đẩm sương chiều khi anh nhà báo từ giả ra về.
*
Ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Sơn Trà đóng kín cửa suốt tháng nay.
Khi nhà báo trở lại Sơn Trà tìm Phạm Đạt thì chủ nhân ngôi nhà đã không còn ở đó nữa, cửa đóng kín im lìm, cỏ đã bắt đầu lên xanh trước ngỏ ra vào, bìm bìm leo lên trên mái nhà xanh um, hỏi thăm người lân cận họ nói Phạm Đạt đóng cửa đi khỏi từ hơn tháng trước, không biết đi đâu và không có lời nhắn gởi lại chỉ biết đêm đó mưa rất lớn và trên Sơn Trà hình như có tiếng đàn văng vẳng. Nhà báo có vẻ bâng khuâng vì không thể báo cho anh một tin vui: Sự đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân và báo chí trong việc bảo vệ ngọn núi thiêng, bảo vệ màu xanh muôn đời của Sơn Trà đã có kết quả bước đầu thắng lợi, tất cả các dự án xẻ thịt Sơn Trà đều buộc phải dừng lại, những kẻ có chức quyền ký những văn bản trái pháp luật và những người có trách nhiệm liên quan đều phải giải trình và có thể sẽ chịu những mức án kỷ luật nặng nhẹ khác nhau. Anh nhà báo nhìn lên Sơn Trà, mây đầu núi vẫn bay, màu xanh của núi rừng muôn đời vẫn huyền ảo và trên dãy núi thiêng đại ngàn đó có một người đang tìm đường về thiên thai. Anh nhà báo hiểu Phạm Đạt chỉ có thể tìm lại được tiếng đàn đá năm xưa khi Sơn Trà không còn nổi sóng hay muôn đời chỉ là một hoài niệm khôn nguôi của một kiếp người như mấy câu thơ trong bài Tống Biệt của Tản Đà ngày trước:
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
NGUYỄN AN BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét