CẢM NHẬN VỀ
TẬP THƠ “MÂY BAY QUA TRỜI XƯA”
NGUYỄN THỊ HOÀNG, MÀU RÊU DÕI BÓNG DẤU THỜI GIAN
*NGUYỄN AN BÌNH
Nguyễn
Thị Hoàng đến với văn chương khá sớm, theo nhiều tài liệu phổ biến Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11.12.1939 tại Huế. Nhiều trang
mạng điện tử chỉ ghi quê quán là Huế, song thực thì đó là nơi sinh,
nguyên quán ở thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hồi
nhỏ học Đồng Khánh, Huế. Năm 1957, chuyển vào sinh sống ở Nha Trang. Khởi viết
bằng thơ, đăng bài đầu từ những năm 1960 ở Bách Khoa, Văn. Từ 1960 vào Sài Gòn
học Đại học Văn khoa và Luật. Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học đi làm, đi dạy Việt Văn và Anh văn ở Sài Gòn, rồi giáo sư Việt văn ở
Đà Lạt. Nguyễn Thị Hoàng kể: “Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy
chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, với một
xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng hoàn thành tác phẩm Vòng tay học trò.
Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao” (Trả lời phỏng vấn của Mai Ninh). Đây
cũng là tác phẩm đầu tay của nhà văn in dưới bút danh Hoàng Đông Phương xuất
bản năm 1966, đã đưa tên tuổi Nguyễn Thị Hoàng nổi tiếng là một trong những tác
giả có sách bán chạy nhất ở Sài Gòn trong những năm 1960. Tác phẩm được tái bản
4 lần trong vòng mấy tháng, nhưng sóng gió cũng bắt đầu từ đó. Từ 1966, bà bỏ
làm việc, bỏ dạy học, chỉ chuyên tâm viết tiểu thuyết cho đến 1975. Từ 1966 đến
1974 hơn 30 tác phẩm truyện dài và truyện ngắn liên tiếp được xuất bản. Sau
này, chính nhà văn cho rằng đây là giai đoạn tồi tệ nhất của mình, do bức bách
cuộc sống, phải viết để sống, không phải sống để viết. Chỉ để sống. Làm sao để
có thể sống. Và vì bầy con gái của mình trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc
bất an, chồng bà liên tục phải trốn lính, bị bắt lính rồi đào ngũ và tiếp tục
trốn... Gánh nặng mưu sinh như dồn cả đôi vai gầy guộc của người phụ nữ đa đoan
đầy cá tính, đầy đam mê văn chương, khát khao được sống như chính mình, là
mình, nhưng cũng đầy bổn phận và trách nhiệm với gia đình ấy.
Nhưng có lẽ
nhiều người sẽ ngạc nhiên hơn con đường bước vào văn chương của chị trước tiên
không phải là văn mà là thơ. Hãy nghe tâm sự của bà về khoảng thời gian đó:
“… Từ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) trường Đoàn Thị Điểm, Huế,
những bài thơ rỉ rả đầu tiên, không vì đâu vì sao viết vào trang vở xé, nhét
xuống hộc bàn, bỏ quên đâu đó, rồi những bài được gọi là thơ khởi nguồn từ lớp
đệ ngũ (lớp 7) Đồng Khánh, bạn bè và cô giáo bắt gặp chuyền nhau đọc, in lên
bích báo trường, chép lén chia nhau… Người viết ra không có và cũng chẳng nhớ
bài nào. Chỉ một câu trong Tình vật lý cô giáo khen ngợi ngâm nga “ai bình
phương cường độ của lòng đau”, toàn những chữ của bài đã học. Mười bốn tuổi
chưa có lòng thì lấy gì đau, thật là… láo toét. Cũng có thể là dự báo thời tiết
cho cuộc đời bất ổn mai sau. Cùng thời là bài Chi lạ rứa. Bạn bên cạnh chép,
rồi truyền đi, lớp này, lớp khác. Người viết lại không có và không nhớ, trừ một
vài câu nghe mãi xung quanh “chi lạ rứa chiều ni tui muốn khóc. Ngó chi tui đồ cỏ
mọn hoa hèn”. Nói cho văn vẻ thôi, không là cỏ mọn, hoa hèn gì đâu. Thơ biến
mất nhưng nguyên nhân thì còn lại. Ngồi tựa gốc cây phượng sân trường giờ chơi
nhìn ra lối vào bên kia bãi cỏ, người đi vào lững thững đứng lại nghiêng đầu
nhìn không đăm đăm nhưng lâu hơn một thoáng, mỉm cười… Có vậy thôi mà “chi lạ
rứa bên ni bờ tui khóc”.
… Cho đến
khoảng 1960, nhóm Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tình cờ mà cơ duyên, tìm được và
tóm gọn những bài thơ đầu tiên trong mấy tập thơ viết tay bị lấy mất. 1964 là
chuyển đoạn qua cuộc trường kỳ kháng chiến phu thê, thơ biến mất nhường lời cho
tiểu thuyết (Nguyễn Hiến Lê gọi Nguyễn Thị Hoàng là tiểu thuyết gia, mấy người
khác còn gọi là văn hào, đại văn hào, thật hay đùa không cần biết nhưng vẫn
được trả lời vui vẻ, đúng rồi, thêm giùm chữ g, là văng đại xuống hào).
Những năm
70, rồi 80, 90, thơ sống lại từ những nguồn cơn và tâm cảnh khác, thoi thóp và
bất thường như hơi thở khi triền miên khi đứt nối chập chờn. Thật ra, từ 90,
thơ theo dòng những biến chuyển khác, cuộc đời và cảm nghĩ, dần dần ra khỏi
những ác mộng triền miên, thấy biết mà chưa thể lên đường phương hướng mới.”
Dấu vết trên
đường đi của một con người qua số mệnh, mỗi một có vẻ như chính là nhưng chẳng
phải. Như mỗi hạt ngọc hay đá không là xâu chuỗi, mà phải liên kết bằng sợi dây
ẩn khuất bên trong mới biết được là gì. Từ những than van rên rĩ vì những biến
cố tội phúc đầu tiên, đến lời câm trách oán về lối rẽ bất ngờ từ nợ duyên tiền
kiếp, giây phút hồi sinh xao xuyến vì vẻ đẹp tương giao thoáng qua thân ái xa
vời, trở về ngõ đời phận sự tắt tiếng im hơi. Một thời dài chìm đắm viết để
sống mà không bao giờ được sống để viết.”
Bà như trầm mình trong những dòng suy tư khi nói về thơ. Thơ là cái bóng
không thể xa rời hình dù nó lẩn khuất đâu đó không hề lộ diện:
“Rồi đêm mưa khởi đầu cơn ác mộng triền miên. Thơ trở về nỉ
non, tha thiết, đắm đuối, mơ say… Toàn thể tâm thức và tình thế của một thứ
người nín sống từ lâu tỉnh dậy. Chỉ là tỉnh dậy trong chiêm bao để nương tựa và
phóng hóa tương đối thành tuyệt đối, để tìm lại mình, để níu lại đời. Cho đến
khi đêm dài dứt nẻo, ngày trở về nguyên sơ thể tính bình minh.
Qua những
khúc đời lưu chuyển ấy, thơ đến rồi đi, không giữ gìn không ước hẹn. Đến, từ
một xúc động bất chợt mong manh vẻ thoáng hiện sáng ngời của bóng dáng, sợi
nắng, giọt mưa, cơn gió, bông hoa, bờ rêu, vệt cỏ … Trên tất cả thường là một
hình tượng mơ hồ ảo giác không bao giờ có thật trên đời, hoặc có thì cũng chỉ
là lầm tưởng. Những lúc ấy thơ như con dã tràng trên bãi cát, chụp bắt nhanh
hoặc biến mất vào những lỗ sóng xoi mòn. Nên vớ phải bất cứ thứ bút gì, mảnh
giấy vụn nào, tờ lịch xé, mẩu hóa đơn… ghi nhanh có khi trong đêm chưa kịp bật
sáng đèn, ngoài đường đi, trên xe tàu, bãi bờ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi
đâu, hứng đón lấy khi nó ứa ra, như giọt máu từ vết thương, nước mắt khi hoài
niệm, mồ hôi thời bửa củi trên rừng… Chỉ cần thở ra được hơi thở lửa nén vào
lúc ấy. Sau đó, những mảnh rời vất bỏ, mất mát, lẫn lộn vào đâu trong mớ bản
thảo cùng chôn vùi rách nát mấy mươi năm”.
Như vậy, truyện ngắn và tiểu thuyết
không phải là hai thể loại mở đầu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Hoàng mà
chính là thơ. Có thể nói “Thơ là người tình đầu tiên của bà”.
“Năm 1960 với tập Sầu riêng, năm 1961 tập thơ thứ
hai Kiếp đam mê. Nhiều
anh chị em văn nghệ sĩ và thân hữu của tôi, khi nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng vẫn
đọc ngay bài Chi lạ rứa mà
nửa thế kỷ trước các anh chị từng yêu mến:
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.
Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!”
...
Bà trở lại với thơ qua tập “Mây bay qua
trời xưa” năm 2020 sau nhiều năm vắng bóng. Đây là tập thơ thứ ba của bà sau
tập Sầu riêng(1960), Kiếp đam mê(1961), tập hợp tuyển chọn những bài thơ Nguyễn
Thị Hoàng viết từ 1960 đến 2018. Mây bay qua trời xưa, tập thơ mới nhất với 137 bài thơ ngắn dài viết trong 58 năm, đối với chúng ta đó
là một khoảng thời gian quá dài cho sự hình thành ra đời một tập thơ. Trong 58
năm đó, từ một phụ nữ thanh xuân tràn đầy nhựa sống với bao khát vọng mộng mơ
trải qua bao biến thiên dữ dội của thời cuộc tâm hồn ấy đã ít nhiều chai sạn,
hững hờ thậm chí cằn cỗi của một người đàn đà tuổi xế chiều đang men theo bờ
vực về nơi vĩnh hằng, 58 năm cả một đời người lăn trầm trong vòng xoáy định
mệnh có thể làm thay đổi bất cứ điều gì thì không dễ gì chúng ta nắm bắt hay
theo kịp khúc dã cầm trong từng nốt thơ trải dài trong cuộc dâu bể đó, cho nên
những cảm nhận suy nghĩ của chúng ta viết về thơ bà cũng chỉ dựng lại ở sự đồng
cảm về số phận người đàn bà luôn ẩn chứa hoài nghi trong lòng và luôn muốn vượt
thoát như dòng suối nhỏ chảy về sông và sông xuôi về biển lớn mà thôi.
Bà đã từng tâm sự:
“Thơ là tiếng
im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ. Là tiếng vọng
thiết tha của yêu thương, bâng khuâng của tưởng tiếc những vẻ đẹp, nguồn vui đã
đến rồi đi mất hút suốt đời. Đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận, hay tiếng
vang lừng ca ngợi hân hoan. Là tiếp điểm của cảm ứng giữa con người và thiên
nhiên, mối nối êm đềm giữa nội tâm cùng ngoại giới. Là nguồn xúc động ngắn ngủi
hay dài lâu của chủ thể và tha nhân, khi tình cờ bắt gặp hay tìm kiếm được đáp
số trên hành trình thao thức chờ mong.
Nên, thơ là
nguồn xúc động, phản chấn bên trong từ một hiện tượng, sự kiện, tình thế bên
ngoài, hoặc một bất ngờ hiện tại vang dội từ đáy thẳm hồi ức và hoài niệm. Cuộc
bốc thoát và trôi lướt hồn nhiên của ý trên dòng êm vô thức ấy, dẫu lặng mà
không tịnh vì huyên náo âm vang khắp thần trí và tâm can người cảm niệm.
Nếu tiểu
thuyết giới hạn trong mô hình của chủ đề thì thơ mông lung vô tận như mây trời,
vì là cuộc vỡ tràn của uẩn thức nương theo vay mượn ngôn từ của ý thức bốc
thoát ra cõi hữu hình xa lạ và đôi khi đối nghịch. Vì thế thơ phải hoàn toàn
được tự do về ý tứ diễn tả, trừ những thể loại tất yếu chìu theo âm luật của
thơ. Và cũng không thể uốn ép thơ như tóc đàn bà theo kiểu mẫu của người nhìn
ngắm. Cũng đừng thắc mắc dò hỏi từ đâu và tại sao. Vì, nó như thế là như thế.
Vấn đề là cảm hay không cảm. Có thể cảm mà không nhận. Có thể cảm và nhận thì cảm
nhận ấy sắc phong thơ thành hòa điệu vô thanh của những tâm hồn cách trở mà vẫn
có thể cùng nhau.”
Khi đọc tập thơ, điều đầu tiên tôi chú ý đến 4
câu thơ trong bài Lời Rêu của chị nằm ở tai bìa sau tác phẩm:
Ai đi qua xa vắng
Bỏ chiều run một mình
Giọt cà phê máu mặn
Nỗi nhớ này quyên sinh...
(Lời Rêu)
Chị đã chọn 4 câu thơ trong số 36 câu thơ của
bài thơ để trút lấynỗi niềm và suy tư nghiền ngẫm về sự cô đơn, thân phận nhỏ
nhoi của một kiếp người thì chỉ có tác giả mới lý giải cho điều nầy được mà thôi.
Có lẽ nhận ra tính cách khác lạ trong luồng tư tưởng của bài thơ mà nhạc sĩ Phú
Quang đã chọn để phổ nhạc bài nầy chăng? Qua tiếng hát ngọt ngào sâu lắng của
nhiều ca sĩ như Ngọc Anh, Trần Thu Hà... đã lột tả phần nào cái uẩn khúc trong
lòng người đàn bà đa đoan đầy trắc ẩn. Câu chuyện được kể như thế nầy:
“Sau năm 1975, nữ tác giả Nguyễn Thị
Hoàng gần như ở ẩn và không đi lại với giới cầm bút. Tuy nhiên, đầu thập niên
1990, có một nhân vật thường xuyên tiếp xúc với nữ tác giả Nguyễn Thị Hoàng là
nhạc sĩ Phú Quang.
Không chỉ là
một người hâm mộ tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, nhạc sĩ Phú Quang còn được nữ
tác giả chia sẻ những bài thơ mới sáng tác. Cách đây 30 năm, tại quán cà phê do
ái nữ của Nguyễn Thị Hoàng làm chủ, nhạc sĩ Phú Quang đã được Nguyễn Thị Hoàng
đọc cho nghe bài thơ “Lời rêu”. Những tâm tư cồn cào trong “Lời rêu” đã khiến
nhạc sĩ Phú Quang lập tức phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.”
Những câu thơ khi đọc lên làm ray rứt
khôn nguôi, nỗi đắng cay nhọc nhằn, niềm cô độc lẻ loi trở thành những giọt sầu
rơi đọng trên trang bản thảo đong đầy nước mắt:
... Uống cùng nhau một giọt
Đắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc
Riêng mỗi đời pha phôi
...
Ngày mai ta bỏ đi
Trần gian xin trả lại
Đá tảng nào vô tri
Chết một đời rêu ai.
Trong Mây bay qua trời xưa ta thấy đa số là
những bài thơ ngắn viết theo thể thơ lục bát, năm chữ hay bốn chữ chiếm đại đa
số, đối với bà có lẽ chỉ cần vài câu thơ ngắn cũng diễn tả được nỗi lòng chất
chứa đầy tâm sự cần gì phải viết chi dông dài?
Qua thơ bà, ta cảm nhận làm người sao khó thế,
bao giờ như đứng trước một ngã tư, sự chao đảo phân rẽ trước các lối đi làm cho
“Không còn nước mắt chiều nay” chăng?:
Đèn xanh đèn đỏ rồi đây
Bơ vơ tôi đứng trông ngày tàn vơi
Bao nhiêu xác lá lìa đời
Trầm luân rõ dấu trên mười ngón tay
Không còn nước mắt chiều nay
Cho tôi khóc những tháng ngày âm u.
(Ngã tư)
Thời gian có thể làm cho người ta xa mặt cách
lòng, cũng có thể gần lắm trước mắt mà lại không thấy nhau, linh hồn lãng du
nơi xa xôi ngàn dặm:
Thôi tôi dừng bước lãng du
Bốn phương dằng dặc sương mù về đâu
Nhớ em đêm tủi ngày sầu
Ơi con đường sắt chuyến tàu về không
(Xa nhau)
Không hiếm những bài thơ 4 chữ, ý lại lắng đọng gợi cho người đọc nhiều
cảm xúc những gì phía sau những dòng thơ ngắn ngủi đó:
Xa nhau từ đây
Mùa tàn trên tay
Trông nhau lần cuối
Khói hoàng hôn bay
(Quán)
Hay:
Gió còn thổi mãi
Lời ta ru người
Ngân trong đêm dài
Niềm yêu đời đời
(Gió xưa)
Làm tôi nhớ đến thơ của Tuệ Mai cũng thế:
Một lần khép nép
Chào biệt mẹ cha
Phận con là gái
Như hạt mưa sa...
(Bài thơ vu qui)
Cũng có những bài thơ rất ngắn chỉ có 4 câu như
Xót xa, Mất, Lưới, Đừng, Chôn, Hận, Biểu tưởng, Tiếng chiều, Dỗ dành, Tự thuật...
trải dài suốt tập thơ cho thấy bà trong một lúc hứng khởi nào đó viết ngay rồi
lại vứt bút như muốn quên đi tất cả:
Sáng nay trên bản thảo
Đường cong một đôi môi
Giữa làn hương hư ảo
Lung linh một dáng ngồi
(Biểu tượng)
Đôi khi xen vào đó là một bài thơ rất dài viết
theo thể tự do trường thiên trên 100 câu tạo cho ta có ý nghĩ bài thơ nhiều lớp
sóng chồng lên nhau vỗ vào bờ không bao giờ dứt, có cảm giác giữa thời gian và
không gian không còn có sự cách biệt nào khác:
...Hỡi em
Vầng mặt trời vĩnh biệt
Ta chẳng còn gì hơn màu xanh trú ẩn
Nơi bóng hình vô ưu
Nơi cuộc tình mưa ngâu
Ta chẳng còn đường đi và chẳng còn nơi đến
Chuyến tàu qua thâu đêm
Em đầy trời sao sáng...
(Cổ tích)
Cái cô độc khi bỏ phố lên rừng, phải chăng lúc
ấy con người mới thấu cảm và hòa đồng
cùng trời đất, trăng sao, mây gió, con người sao quá nhỏ nhoi đến thế:
Năm năm vác cuốc lên rừng
Ngày vui khoai sắc đêm mừng trăng sao
Kêu gì đất thấp trời cao
Thương gì thân đã gầy hao hết đời
(Lên rừng)
Một cái nhìn lạ lẫm cho một cuộc phục sinh, hai
tâm hồn như quyện vào nhau, tình yêu trong lòng người đàn bà trổi dậy sao mà
ngọt ngào dễ thương mà gắn bó chân tình đến thế:
Em sẽ rửa chân anh
Bằng môi và tóc em
Buổi chiều nào gió im lời gió
Để bờ cây lặng im
Cõi chúng mình
...
Em sẽ rửa chân anh
Với ngàn hoa hồng xanh
Ngày lễ mừng thức dậy
Trên sắc bóng long lanh
Vũ trụ mình
(Phục sinh)
Và đời người phải chăng chỉ là một đám mây, một
dòng nước trôi đi:
Nầy tôi còn lại gì không
Xót xa cát bụi tần ngần ước mơ
Bên nhau mãi mãi đôi bờ
Cuối khe chiều lạnh bơ phờ gió đông
Nầy em còn lại gị không
Hai ta là cõi mù sương cuối cùng
(Còn lại)
Mỗi lần đọc
lại thơ Nguyễn Thị Hoàng là ta khám phá ra thêm những điều mới mẻ khác, có người nhận xét thơ Nguyễn Thị Hoàng đề cập nhiều
cung bậc nhân sinh, nhưng cũng như bao nhiêu nhà thơ khác, Nguyễn Thị Hoàng
viết nhiều thơ tình và phải nói suối nguồn cảm hứng này ở bà tuôn trào dạt dào,
lai láng.
Chị Hoàng Kim Oanh, nhà phê bình văn học
có nhận xét: “Nguyễn Thị Hoàng vẫn là Nguyễn Thị
Hoàng. Dù trong Mây bay qua trời
xưa tập thơ mới nhất với 137 bài thơ ngắn dài viết từ 1960 đến 2018
đã không ít câu thấp thoáng bóng hình hai chữ hư vô...
"Này
tôi còn lại gì không
xót
xa cát bụi tần ngần ước mơ"
(Còn lại, tr.133)
"Cuối
chiều mây đã vắng
trên
đầu tóc đã thay
trong
ly men đã đắng
bên
người hương đã phai"
(Hoang vu, tr.168)
"Ai
đi qua xa vắng
Bỏ
chiều run một mình
Giọt
cà phê máu mặn
Nỗi
nhớ này quyên sinh"
...
Ngày
mai ta bỏ đi
Trần
gian xin trả lại
Đá
tảng nào vô tri
Chết
một đời rêu ai”
(Lời rêu, 107-9)
Bùi Giáng lúc sinh thời đã dành những lời ngợi khen: “Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ Bà
huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe
thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm”. Không biết có đúng không nên tôi xin
dành cho mọi người thẩm định vậy.
Nguyễn Thị Hoàng đã từng có nhận xét về cách phê
bình nhận định của các nhà lý luận văn học:
“Giữa những
người viết và những người phê bình luôn là khoảng cách mênh mông, tôi không thể
nào đọc và hiểu họ cũng như họ không đọc và hiểu tôi.”
Bà còn có những suy tư rất
khác về cách viết, cách phê bình của họ: “Phê bình là
phải hiểu, phải tương thông với nhau, không cần lý thuyết hay triết lý nào, là
cảm nhận được chút gì đó, do tiếp xúc, do gần gũi, do nhìn ngắm được nhau. Gọi
là quan niệm về phê bình hay cũng là mơ ước, mong muốn những đồng cảm khách
quan khi nhìn nhận đánh giá bất kỳ tác phẩm, tác giả nào, thân hay sơ,
không phải tiếng nói một chiều mà đa chiều kích. Và người viết có thể vượt qua
những định kiến khen chê có thể có, không chờ đợi cũng không hy vọng hay thất
vọng. Viết như mình cảm nhận và mong muốn nhắn gửi với cuộc đời.”
Tôi cũng rất đồng tình với bà về nhận định nầy nên khi viết cảm nhận về thơ
bà tôi chỉ muốn ghi lại những cảm xúc rung động chân thật còn muốn hiểu rõ tâm
trạng người đàn bà làm thơ “như giọt máu ứa
từ vết thương lặng lẽ” thì thật khó thay. Tôi là người làm thơ, yêu thơ và
thích đọc thơ của người khác dù người đó nổi tiếng hay không nổi tiếng miễn là
chạm tới trái tim mình thì những cung bậc văn chương lại rung lên. Thơ Nguyễn Thị Hoàng là cả một trời
riêng của bà, là lời rêu trên mái ngói rêu phong, là tiếng chim đêm buồn thảm bay
qua vườn xưa, là khúc hát dành cho người tình cũ, là sự thao thức trầm luân của
một kiếp người đi qua dâu bể. Thôi thì xin dừng lại bằng mấy câu thơ:
Mây bay qua trời xưa
Bóng thời gian chìm khuất
Người về đã về chưa
Mùi rêu còn vương vất.
*Bên bở Kênh Tẻ, tháng 3-2022
NGUYỄN AN BÌNH
_______________________________
Tham khảo:
1- Nguyễn Thị Hoàng – Người yêu muôn thuở của Phạm Thị Hoài
2- Nguyễn Thị Hoàng “Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ”... của Hoàng Kim Oanh
3- Thơ Như Giọt Máu Ứa của Nguyễn Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét