BÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ "LY HƯƠNG"
CỦA NHÀ THƠ LƯU LÃNG KHÁCH TRÊN TẬP SAN SÔNG QUÊ SỐ 16 THÁNG 12-2023
KHÚC LY CA CỦA NHÀ THƠ NÚI ẤN SÔNG TRÀ
Cảm nhận tập thơ LY HƯƠNG
LƯU LÃNG KHÁCH, KHÚC LY CA CỦA
NHÀ THƠ NÚI ẤN SÔNG TRÀ
*Nguyễn An Bình
Đọc tập thơ Ly Hương của Lưu Lãng Khách là chúng ta đọc
nỗi lòng của một người viễn khách xa quê được diễn đạt bằng thơ. Những xung đột
trong nội tâm với niềm khát khao mang đầy nỗi
nhớ không sao diễn tả hết bằng lời lại được diễn giải bằng những câu thơ chan
chứa tình cảm chân thật đến nao lòng, phải chăng nhờ thế mà Ly Hương vẫn luôn
là giọt mật được nuôi cấy bằng tinh hoa của muôn loài thảo mộc, là tơ vàng óng ả
của kiếp tằm nhả tơ chỉ để làm vương vấn lòng người?
Nhà thơ Lưu Lãng Khách tên thật Nguyễn
Duy Toàn, quê Nghĩa Hà, Tp Quảng Ngãi. Thời trẻ anh có thú giang hổ, rày đây
mai đó nên khi bắt đầu làm thơ viết văn anh tự lấy bút danh: Lưu Lãng Khách(Kẻ
lãng du nơi trần thế). Tôi quen nhà thơ Lưu Lãng Khách khá lâu- hơn mười năm, có
lẽ là duyên tao ngộ của những người rong chơi cùng chữ nghĩa và cũng thật tình
cờ lại cùng trôi dạt về quận 7- Tp Hồ Chí Minh, (nơi anh chọn làm nơi dừng chân
để trả nghĩa vợ chồng cùng người vợ tào khang đã nhiều năm thui thủi một mình
gánh vác việc gia đình nuôi ba đứa con thơ dại khi ông chồng chưa chịu dừng bước
lãng du giang hồ), nhà lại không xa lắm nên có dịp anh em hẹn nhau ngồi cà phê
hoặc dăm khi cùng bạn bè văn chương bù khú cho vơi tháng rộng năm dài của buổi
hoàng hôn. Chính những lúc ngà ngà say đó mới hiểu hết được tâm hồn của kẻ tự
cho mình là người lãng du nơi chốn ta bà đầy bụi bậm.
Tập thơ Ly Hương là tập thơ ngắn, mỏng
khoảng 100 trang với 79 bài thơ viết bằng nhiều thể loại khác nhau và trình bày
khá trang nhã nhưng lại có một độ dày về thời gian thể hiện
cũng như in đậm dấu chân phiêu lãng của một
lãng tử trên khắp miền đất nước. Từ dãy đât miền Trung đầy nắng gió ra đi(Núi Ấn
sông Trà), anh lên miền cao nguyên mù sương(Sơn nữ LangBiang), rồi ngược ra Bắc
lặng người trước kinh đô nước Việt xưa(Về thăm kinh đô Văn Lang, Sĩ Nhiếp - Luy
Lâu), xuôi về đồng bằng tắm mình trong gió biển ban mai(Bình minh trên bãi Thùy
Vân), thậm chí đôi lúc anh muốn xuyên không ngược vào huyền sử(Lung linh truyền
thuyết Tiêu Tương, Tiêu Tương huyền tích...), ở nơi nào hồn thơ của anh đều muốn
chìm đắm, đều muốn say tình, đều muốn nấn
níu để bước chân luôn bị lần khân trên các nẻo về.
Tập thơ Ly Hương viết nhiều về nỗi nhớ
quê. Quê hương là gì đi xa sao ta lại nhớ? Phải chăng đó là dòng sông bến nước
con đò, phải chăng đó là hình ảnh mẹ cha ngày đêm mòn mỏi đợi chờ bước đứa con
hoang trở về, phải chăng đó là hình ảnh người vợ hiền cam phận nuôi con cho
chồng thỏa mộng viễn du sông hồ? Nỗi nhớ trở thành nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi:
Nỗi nhớ khắc khoải trong lòng:
Anh lớn lên bên hữu ngạn sông Trà
Nơi dòng chảy sắp hòa vào biển lớn
Đời cơm áo nào phải là chuyện giỡn
Buổi đăng trình nghe lạnh buốt xương da...
(Nỗi lòng viễn xứ)
Anh hình dung ngày trở về
trong giọt lệ yêu thương:
Trở về sau cuộc lãng du
Sông Trà Giang đã sang thu dịu lành
Ơ kìa mắt mẹ long lanh
Tim vui rót lệ tưới vành môi khô
(Mơ vào Vu lan)
Quê hương như máu thịt không thể cắt lìa,
tình cố hương luôn ăn sâu trong tâm hồn người con phiêu bạt:
“Quê anh miền bão lũ/Bên hữu ngạn sông Trà/Nơi sông về
với biển/Quen lở bồi,phù sa/Buổi đăng trình vội vã/Ngả nón chào quê hương/Bao
năm đời phiêu bạt/Dòng xanh nào vương vương”
(Tình cố hương)
Hay nỗi bơ vơ khi trở về bên dòng sông quê
hương:
“Anh như bao người con sông Trà
Nhưng ba mươi năm hơn đời bôn ba phương xa
Đầu phau phau bông lau nay về thăm mẹ cha
Con hư chăng sao quên đường về nhà
Sao bơ vơ bên sông Trà chiều tà...”
(về thăm mẹ cha)
Trên bước đường xa xứ, ở đâu đó anh bắt gặp
vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, cô gái đẹp thì trái tim của anh lại có dịp rung
lên với những vần thơ mang đầy cảm xúc:
“Thăm miền phế tích Luy Lâu
Hồn hoang đường cũng nhuốm màu rêu phong
Thánh Nam Giao lắm đức công
Đền lăng diện mạo đau lòng hậu sanh...”
(Sỹ Nhiếp – Luy Lâu)
Hay:
“Có phải em là đỉnh trời hoang dại
Vén truyền thuyết Langbiang em bước vào đời
Để đem xuân con nai rừng ngơ ngác
Ngọn lửa nào cháy rực mãi em ơi”
(Sơn nữ Langbiang)
Anh cũng rất thích làm
những bài thơ theo dạng bình thanh, câu chữ chỉ toàn thanh bằng có thể kể ra
vài bài trong tập thơ: Thiên thu tình buồn, Xuân quên, Còn gì mẹ ơi!, Bao năm
anh về, Cô làng chài, Đàn – trăng ..., ở những bài thơ nầy ta thấy anh chịu ảnh
hưởng rất nhiều hương vị thơ Bích Khê, người nổi tiếng với bài thơ Tỳ Bà. Cũng
hay đó chứ, “tâm sinh ý, ý sinh tình” mà, vòng tuần hoàn xoay chuyển có gì lạ
đâu:
“Khuya thu nhìn trăng sao/Nâng cung đàn thanh tao/Xuyên
hư huyền sương mây/Tam u trầm hư hao/Du thuyền trên sông Trà/Chèo khua hoài Tầm
Dương/Guitar rung tỳ bà/Mưa tràn run cung thương”
(Đàn – trăng)
Ở một bài thơ khác:
“Mười năm về thăm sông Trà/Mười năm tàn khô cha già/Mười
năm bao người qua đời/Mười năm tưa nhàu tình ca/Mười năm còn ta không ta”
(Về thăm sông Trà)
Đôi khi chỉ là một chiếc lá rơi cũng
làm cho tâm hồn một mối cảm xúc u hoài khó tả:
“Chỉ là chiếc lá thu rơi
Sao nghe như thể một đời rụng sa
Chỉ là chiếc lá bay qua
Lòng hoang mang ngỡ như là trăm năm”
(Chỉ là chiếc lá)
Thơ tự do mang ý tưởng cũng khác lạ:
“Tia chớp lóe ngang trời/ Màn đêm lõa thể/ Có gì đó trong
bóng đêm chợt hé/ Đứa trẻ chào đời/ Bầu trời tan loãng/ Những ướt mơ sột soạt
chuyển mình/Cây khát vọng đâm chồi trước buổi bình minh...”
(Có gì đó trong bóng đêm)
*
Hồ Nghĩa Phương một người bạn thơ khá
thân thiết của anh hiện đang sinh sống ở quê nhà Quảng Ngãi đã có nhận xét khá
chính xác về thơ anh: “Thơ như nguồn
động lực giúp Toàn vượt qua bao khó khăn, theo bước chân lãng du khắp mọi miền
đất nước. Những cảm xúc ghi lại được thể hiện qua câu chữ, những bài thơ nặng
tình nghĩa với quê hương, với vùng đất, con người mà anh đi qua trải nghiệm,
nỗi nhớ thương người thân trong gia đình, và một vài bóng dáng “nàng thơ” ở nơi
anh đến.”.
Còn nhà phê bình Phạm Văn Hoanh đọc tập
thơ Ly Hương từ khi còn là bản thảo thì có nhận định: “Những bài thơ trong tập thơ chính là những giọt nước mắt mà ông đã
khóc trên bước đường thiên di. Bây giờ đây, ông đã thanh thản và quyết định
dừng chân nơi đất khách quê người nhưng tấm lòng ông vẫn đau đáu về cố hương
qua những bài thơ rung cảm chạm đến trái tim người đọc”
Xếp tập thơ lại ta thấy
cách dùng từ trong thơ anh tuy không thật mới thậm chí ước lệ: buổi đăng trình,
quy cố hương, thiên thu, chiến mã, chinh y...có lúc cách thể hiện rất tự nhiên
chủ nghĩa: Em bé cười “toe toét” đón mưa rơi, nhưng cũng có lúc cách dùng từ
hơi lạ lẩm làm ta thú vị: Đời “trấu tro” còn ẩn hiện trên da, hay Mưa rơi
“cóng” nẻo muộn phiền...Và với riêng tôi, tập thơ Ly Hương dánh dấu bước trưởng
thành trong thơ anh, đưa người đọc đồng hành trên các nẻo đường thơ ca của
người viễn khách, đó cũng thật sự là “Khúc ly ca của nhà thơ miền Núi Ấn Sông Trà”
vậy.
NGUYỄN AN BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét