Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

MÃ ĐÀ VÙNG ĐẤT ĐẦY HUYỀN THOẠI

 TẢN VĂN DỰ THI "HÀO KHÍ MIỀN ĐỒNG" TRÊN BÁO THANH NIÊN ĐÃ QUA VÒNG GỞI XE NGÀY 28/11/2023

MÃ ĐÀ VÙNG ĐẤT ĐẦY HUYỀN THOẠI


https://thanhnien.vn/ma-da-vung-dat-day-huyen-thoai-185231127133021547.htm


Tản văn dự thi HÀO KHÍ MIỀN ĐÔNG 2023 Báo Thanh Niên

                MÃ ĐÀ VÙNG ĐẤT ĐẦY HUYỀN THOẠI

                                                 *NGUYỄN AN BÌNH

 1.MỘT CHUYẾN ĐI KHÁM PHÁ ĐẦY THÚ VỊ

 Bạn rủ rê thậm chí giận dỗi nhiều lần về việc rủ tôi làm chuyến về nguồn với Mã Đà, lần lửa mãi cùng phải chìu bạn. Nhìn nét mặt hớn hở náo nức của bạn tôi cũng vui lây.

Mã Đà cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130 km về phía bắc, là một xã thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, từng là chiến khu Đ, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời điểm thích hợp nhất để khám phá Mã Đà từ khoảng tháng 6 đến tháng 10. Đây là khoảng thời gian thời tiết khá khô ráo, mát mẻ, ta thỏa thích khám phá những điều thú vị về miền sơn cước nầy.

Chúng tôi về Mã Đà vào một sớm đẹp trời, rừng Mã Đà bừng sáng lạ kỳ, đẹp lấp lánh với những vạt nắng vàng ươm xiên qua từng kẽ lá xóa tan lớp sương mù mỏng trong tiếng gió vi vu, tiếng chim rộn ràng. “Mã Đà Sơn Cước” hiện ra với màu xanh ngút ngàn, căng tràn sức sống. Thảm thực vật nhiều tầng, những tán cổ thụ bằng lăng, gỗ đỏ, dầu... như mũi tên chọc thẳng lên nền trời xanh biếc, đàn bướm đầy màu sắc bay lượn nhởn nhơ bên con suối cạn... Lần đầu tiên bạn thấy lá trung quân chiến sĩ thường dùng lợp nhà vì tính khó bắt lửa, biết đến già làng Năm Nỗi người Chơ Ro một lòng đi theo cách mạng, thưởng ngoạn các món ăn dân dã, tham quan di tích lịch sử, chuyến đi Mã Đà sẽ cho ta cảm giác trải nghiệm đầy thú vị.

 

2. “MÃ ĐÀ SƠN CƯỚC ANH HÙNG TẬN”

 

Đến với Mã Đà , tôi và bạn còn hiểu thêm câu truyền tụng chết người trong dân gian về vùng đất hoang sơ đầy bí hiểm của miền Đông Nam Bộ “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Xưa Mã Đà là giang sơn của các bộ tộc ít người S’tiêng, Châu Mạ, nơi được xem là cõi “ma thiêng nước độc” với những ai mang tham vọng mạo hiểm vào “miền đất chết” để làm giàu. Nơi có những dòng suối chảy xiết đầy hung hãn vào mùa lũ, nơi mầm sốt rét kinh niên và bất trị đã cướp đi sinh mạng của biết bao người khi lạc vào miền đất chết, nơi có những vạt rừng mênh mông huyền bí không dấu chân người, sào huyệt các loài thú hoang dã dữ tợn... Mã Đà là cánh rừng gần như bất khả xâm phạm, con người trở nên nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên đầy hoang sơ và bí hiểm.

Nhưng biết đâu trong hai cuộc kháng chiến, Chiến sĩ ta đã lợi dụng cái hiểm trở đó thành lợi thế cách mạng, thổi phồng sự huyền bí của Mã Đà ngăn bước chân kẻ thù và những ai muốn tiến vào xâm nhập phải chùn bước và sợ hải bảo vệ an toàn chiến khu Đ thì sao nhỉ?

 3. NGHĨA TRANG GIỮA RỪNG GIÀ

Đến Mã Đà, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Trí, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trung ương Cục hướng dẫn đến thắp hương khu nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà. Khu nghĩa trang này rộng khoảng 2,5 ha. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại đây có Bệnh xá K72. Thương bệnh binh ở khu vực Chiến khu Đ đều đưa về đây điều trị. Những thương bệnh binh, trong đó nhiều người bị sốt rét ác tính không qua khỏi đều an táng tại nghĩa trang Mã Đà. Giọng anh trầm tư: “Dưới bóng cây đa cổ thụ nầy là đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Mã Đà chiến khu Đ . Do phần lớn các liệt sĩ là người miền Bắc nên đền thơ được xây theo kiến trúc của Chùa Một Cột, hình ảnh tượng trưng cho quê hương của các liệt sĩ. Người dân ở đây còn gọi là nghĩa trang không bia mộ. Năm 2004 trong lúc trùng tu tôn tạo di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam đã phát hiện tại đây có nhiều hài cốt liệt sĩ, sau khi xác minh tỉnh Đồng Nai đã cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ tại Mã Đà với khần lớn những ngôi mộ không tên. Có 70 ngôi mộ chỉ có 5 ngôi mộ có tên, hằng ngày được vệ sinh và hương khói.”

Bài thơ “Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ” của tác giả Hoa Hải Đường khắc trên phiến đá lớn viết về các anh như nói hộ nỗi lòng chúng tôi: “Hàng bia dài lòng đau xót biết bao. Man mác nhớ về một thời máu lửa. Đất nước mạnh giàu các anh không còn nữa! Bước chân tôi chầm chậm chẳng muốn về! Các anh ơi! Nơi nầy cũng là quê. Hãy yên nghĩ giữa thắm màu hoa lá! Gió ngọt ngào hát ru anh ngủ. Đậm nghĩa tình từ khách đủ muôn phương.”

 4. MÃ ĐÀ VÙNG ĐẤT VỀ NGUỒN ĐẦY HUYỀN THOẠI

 Về nguồn với Mã Đà là ta về với một vùng chất chứa đầy huyền thoại nổi tiếng của Đồng Nai, cũng là điểm hẹn của du khách yêu thiên nhiên thích khám phá. Về Mã Đà để ngắm hồ Trị An xanh mát mênh mông, từ dòng thác dữ đã thành nguồn thủy điện dồi dào phục vụ nhân sinh. Về Mã Đà ta dâng hương ở bia tưởng niệm đền thò các anh hùng liệt sĩ, thăm các căn cứ lịch sử: Căn cứ Trung ương Cục trên đồi bằng lăng, địa đạo Suối Linh, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ. Mã Đà trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước ý chí chiến đấu kiên cường của các anh hùng liệt sĩ, các bậc lãnh đạo tiền bối, đồng bào một lòng đi theo cách mạng.

Trong tiếng xào xạc của cây rừng, tiếng suối róc rách từ xa, tai tôi bỗng nghe ngân nga khúc hát “Trị An âm vang mùa xuân” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết năm nào:

“Về lại chiến khu ghé qua Thường Lam hay qua Lạc An

Một trời nước non Tân Uyên chờ ai, sương bay Mã Đà

Dòng điện sáng lên cháy trong lòng ta xóa bao nhọc nhằn

Lặng nghe nước reo âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng

Dòng diện thắp lên sáng cho tình em, sáng cho ngày mai.”

 NGUYỄN AN BÌNH






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét