Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

NHỮNG BÀI HÁT ĐI CÙNG NĂM THÁNG (THE SONGS THAT GO WITH THE TIMES)








GIỚI THIỆU SÁCH MỚI ĐƯỢC TẶNG

NHỮNG BÀI HÁT ĐI CÙNG NĂM THÁNG

(THE SONGS THAT GO WITH THE TIMES)

CỦA DỊCH GIẢ ĐẶNG HOÀNG LAN

ĐÂY LÀ TẬP SÁCH CHUYỂN NGỮ NHỮNG CA KHÚC HAY CỦA CÁC NHẠC SĨ VIỆT NAM ĐƯỢC DỊCH GIẢ ĐẶNG HOÀNG LAN CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH NHẰM GIỚI THIỆU VỚI BẠN ĐỌC NƯỚC NGOÀI CÁC CA KHÚC HAY CỦA NHẠC SĨ VN RA THẾ GIỚI. TÔI CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI ĐƯỢC CHỊ TIN TƯỞNG VIẾT LỜI TỰA CHO TÁC PHẨM NẦY.

TÁC PHÂM DO NXB HỘI NHÀ VĂN CẤP PHÉP, DÀY 530 TRANG. GIÁ 320.000 ĐỒNG

XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU CÙNG CÁC BẠN


PHÚT TÂM TÌNH CÙNG DỊCH GIẢ ĐẶNG HOÀNG LAN

                                                  *NGUYỄN AN BÌNH

 Lần đầu tiên tôi gặp Đặng Hoàng Lan trong một chuyến du hành lên Đà Lạt cùng một nhóm văn nghệ sĩ cách đây mấy năm. Được họa sĩ Nguyễn Sông Ba giới thiệu chị là bác sĩ sản khoa từng phục vụ ở bệnh viện Kiên Giang và đã nghỉ hưu. Cảm nhận đầu tiên của tôi về chị đó là người phụ nữ khá hồn nhiên và thân thiện, chị có những suy nghĩ, cảm nhận rất chân chất và dễ thương đến độ đôi khi làm cho bạn bè phải bật cười vì tính quá thật thà trong giao tiếp. Sau những ngày rong chơi, những buổi trò chuyện gần gủi chị tặng cho tôi quyển DON’T DESPAIR (TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG), tác phẩm dịch những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh làm tôi khá bất ngờ. Thì ra Đặng Hoàng Lan còn có một khả năng thiên phú dịch thuật mà không phải ai cũng có được. Sau nầy từ Rạch Giá chị gởi tiếp tặng tôi các tác phẩm dịch khác: TRỊNH CÔNG SƠN- THƯ TÌNH GỬI MỘT NGƯỜI(LOVE LETTERS) và NGUYỄN DU TRUYỆN KIỀU (THE TALE OF KIEU).

Và mới đây nhất chị nói sẽ in một tác phẩm chuyển ngữ về âm nhạc: NHỮNG BÀI HÁT ĐI CÙNG NĂM THÁNG gồm những tác phẩm âm nhạc của những nhạc sĩ Việt Nam : Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Cung Tiến, Đặng Thế Phong, Trầm Tử Thiêng...đã làm tôi ngạc nhiên về tình yêu và sự cảm thụ chất âm nhạc trong con người chị. Bỏ qua về nội dung, cách diễn đạt dùng từ khi chuyển ngữ, điều nầy sẽ có những nhà ngôn ngữ am hiểu ca từ giai điệu âm nhạc đánh giá chính xác hơn, đứng ở góc độ bạn bè và người yêu văn chương tôi rất cảm phục sự chịu khó tìm tòi khi thể hiện ca từ trong các ca khúc Việt Nam khi chuyển ngữ. Ai cũng biết việc chuyển ngữ câu chuyện hằng ngày từ tiếng Việt sang tiếng Anh chưa chắc đã chính xác còn ở đây lại chuyến các ca từ trong các tác phẩm âm nhạc sang tiếng nước ngoài sao cho người nước ngoài cảm nhận được cái đẹp trong tư tưởng của nhạc sĩ càng khó hơn gấp nhiều lần. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện một cuộc nói chuyện khá thú vị về công việc thầm lặng của chị để độc giả có thể hiểu hơn về dịch giả Đặng Hoàng Lan trên bước đường gập ghềnh đầy khó khăn mà chị đang đi mà tôi gọi cuộc trao đổi nầy là: “PHÚT TÂM TÌNH CÙNG DỊCH GIẢ ĐẶNG HOÀNG LAN”

*

 

 

1- NAB: Chào chị Đặng Hoàng Lan, người mà tôi được biết có khá nhiều tác phẩm chuyển ngữ những tác phẩm của những tác phẩm nổi tiếng Việt Nam sang Anh ngữ được phát hành những năm gần đây. Hôm nay chúng ta có dịp trao đổi một chút về niềm đam mê dịch thuật cùng chị nhé.

ĐHL:  Tôi rất vui được cùng anh trò chuyện về niềm đam mê dịch thuật của mình.

  2- NAB: Được biết chị tốt nghiệp bác sĩ sản khoa và đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sức khỏe của các bà mẹ và trẻ sơ sinh, vậy nguyên nhân nào và vì sao khi về hưu chị lại có hứng thú trong việc dịch thuật như thế?  

ĐHL: Thú thật cùng anh thời trung học tôi rất yêu thích môn văn và tôi cũng rất thích nghe nhạc nhưng không có dịp để thể hiện niềm đam mê của mình về văn chương, khi về hưu tôi theo học lớp Anh văn online. Trong khi học với cô giáo người bản xứ, tôi có ý định dịch thuật qua tiếng Anh những bài hát mình yêu thích.

  3- NAB: Trong quá trình dịch thuật các tác phẩm của các tác giả Việt Nam chị yêu thích qua tiếng nước ngoài chị có gặp khó khăn gì không? Con đường dịch thuật theo tôi biết không phải dễ, chị tự học và hoàn thiện còn có ai giúp đở chị không?

  ĐHL: Những thuận lợi khi dịch là tôi có cô giáo sửa bài dịch trực tiếp qua online. Những khó khăn là phần hiểu đúng ý nghĩa câu nói, lời hát của tác giả và chuyển tải qua tiếng Anh. Phần sử dụng từ ngữ tiếng Việt nhiều khi rất khó tìm trong tự điển, đôi khi phải dùng cách mô tả và lời dịch phải có nét văn thơ.

  4- NAB: Đến nay chị đã dịch được bao nhiêu tác phẩm rồi và những khó khăn gặp phải như về trình độ ngôn ngữ, tài chánh... chẳng hạn?  

 ĐH: Trong 6 năm học Anh văn online, tôi đã dịch được ba cuốn sách về nhạc và cuốn thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cuốn Truyện Kiểu của Nguyễn Du. Trong lúc học và dịch tôi từng ngày có sự tiến bộ về thời gian dịch, bài dịch tốt hơn và học được nhiều từ những chỉnh sửa của cô giáo.

5- NAB: Qua các tác phẩm dịch của chị tôi biết chị dành nhiều tâm huyết cho thơ và nhạc của các tác giả Việt Nam nổi tiếng như Truyện Kiều, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... có bao giờ chị nghĩ đến dịch các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn Việt Nam hay các tác phẩm chuyên ngành Y của chị sang tiếng nước ngoài không?

ĐHL: Tôi có dịch một ít truyện ngắn và một số bài báo. Tôi thấy dịch văn xuôi có vẻ dễ hơn thơ và nhạc. Tôi chưa có ý định dịch tác phẩm văn vì cần nhiều thời gian. Còn sách ngành Y, tôi có thể đọc hiểu nhưng chưa thử dịch thành bài hoàn chỉnh.

 6- NAB: Dự kiến trong tương lai chị sẽ dịch thêm những tác phẩm nào để ra mắt độc giả?

 ĐHL: Tôi dự định xuất bản một cuốn sách dịch thơ của các nhà thơ Việt Nam mà tôi yêu thích như Nguyên Sa, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…

7- NAB: Cám ơn chị về cuộc trao đổi chân tình đầy thú vị nầy, sau rốt chị có điều gì muốn nói cùng bạn đọc yêu mến các tác phẩm của chị không?  

ĐHL: Tôi cảm ơn anh chúng ta đã có cuộc trò chuyện này. Với bốn tác phẩm dịch, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể đem những tác phẩm văn chương Việt Nam đến với thế giới qua ngôn ngữ tiếng Anh. Tôi ước mong các bạn khắp năm châu sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng Việt qua từng câu hát, lời thơ.

NAB: Rất vui về buổi trò chuyện cùng chị. Chúc chị trong thời gian tới sẽ có thêm những tác phẩm dịch hay và phong phú hơn để người đọc trong nước cũng như độc giả nước ngoài cảm nhận được cái đẹp của tác phẩm tác giả Việt Nam hơn chị nhé.

Sài Gòn, Bên Bờ Kênh Tẻ, thang 11/2022

NGUYỄN AN BÌNH












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét